Cách viết CV xin việc Biên dịch viên
Công việc chính của một biên dịch viên là dịch thuật, truyền tải chính xác thông tin, nội dung từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Biên dịch viên giỏi phải là người có khả năng ngôn ngữ xuất sắc, sự am hiểu văn hóa, chú trọng đến chi tiết và sự chính xác. Tất cả các tố chất đó cũng cần được thể hiện khéo léo và nổi bật qua CV xin việc biên dịch viên.
MỤC LỤC:
I. Hình thức, bố cục của CV xin việc biên dịch viên
II. Nên viết CV biên dịch viên bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ?
III. Cách viết nội dung CV xin việc biên dịch viên
Viết CV xin việc biên dịch viên đơn giản
I. Hình thức, bố cục của CV xin việc biên dịch viên
Biên dịch viên là công việc "bàn giấy", là những người cả ngày ngồi trước máy tính và làm việc với con chữ. Thiếu đi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn thì có lẽ bạn sẽ không thể hoàn thành được công việc. Từ bước chọn bố cục, định dạng cho CV xin việc bạn cũng đã cần cho thấy những nét tính cách này của mình, đơn giản nhất là lựa chọn đúng mẫu CV online (hoặc tự thiết kế mẫu nếu bạn có khả năng). CV của bạn nên tạo cảm giác tổng thể là thanh lịch, nhẹ nhàng, hình thức đẹp và bắt mắt. Dĩ nhiên, các phần chính trong CV vẫn cần đầy đủ và sắp xếp hợp lý, gọn gàng.
Đọc thêm: Học ngoại ngữ nên chọn làm Biên dịch hay phiên dịch?
II. Nên viết CV biên dịch viên bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ?
Có lẽ, một trong những câu hỏi đầu tiên của ứng viên khi chuẩn bị CV xin việc biên dịch viên là nên viết bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ - ngôn ngữ còn lại trong cặp ngôn ngữ bạn sẽ dịch, chẳng hạn như tiếng Anh, Hàn, Trung, Nhật, Đức...? Không dễ để trả lời cho câu hỏi này dù ban đầu, ai cũng cho rằng đương nhiên phải viết nội dung CV bằng ngoại ngữ nhưng thực tế, nhiều nhà tuyển dụng là nhân viên nhân sự không có trình độ ngoại ngữ đủ để đọc hiểu thông tin bạn gửi. Giả sử CV của bạn được viết bằng ngôn ngữ hiếm như tiếng Thái, tiếng Ả Rập chẳng hạn thì rõ ràng ngoài người phụ trách chuyên môn, sẽ chẳng ai hiểu bạn trình bày gì.
Lúc này, có một số lựa chọn cho bạn:
- Gửi CV viết bằng ngoại ngữ nếu ứng tuyển vào công ty nước ngoài hoặc nhà tuyển dụng ghi rõ yêu cầu.
- Gửi kèm cả CV tiếng Việt và ngoại ngữ - nếu đính kèm qua email và nhà tuyển dụng không ghi rõ trong tin đăng tuyển.
III. Cách viết nội dung CV xin việc biên dịch viên
1. Thông tin cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp
Phần thông tin cá nhân trong CV xin việc biên dịch viên vẫn tuân thủ các nguyên tắc chung, áp dụng cho tất cả CV của các vị trí công việc khác nhau, đó là: Đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ (nhưng quan trọng) ở đây là khi viết CV không phải tiếng Việt, họ tên của bạn phải viết không dấu. Ngoài ra, cách viết địa chỉ chẳng hạn cũng phải theo tiêu chuẩn, cách trình bày của ngoại ngữ đó.Tiếp theo là một phần khác trong CV xin việc: Mục tiêu nghề nghiệp. Muốn viết tốt phần này, dù cho bạn không chắc chắn về việc nhà tuyển dụng có xem đây là nội dung quan trọng khiến họ muốn thuê bạn hay không, thì bạn cần nghiêm túc trả lời câu hỏi của chính mình: Bạn muốn làm gì, yêu thích gì, đã làm được gì và có thể làm gì trong tương lai? Hơn ai hết, bạn phải hiểu rõ về mục tiêu cho con đường sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, hiểu không có nghĩa là bạn "bê" hết vào CV xin việc biên dịch viên. Hãy nhớ, bạn chỉ nên viết những gì có khả năng và hợp lý nhất. Ví dụ, bạn vừa ra trường, chưa từng đi làm biên dịch viên thì đừng nói về mục tiêu trở thành giảng viên biên dịch, hãy viết rằng bạn muốn làm tốt công việc, mở rộng trường từ vựng, thành thạo các phần mềm hỗ trợ dịch thuật, nâng cao khả năng chuyên môn, thăng tiến làm leader trong vòng 1, 2 năm chẳng hạn.
2. Trình độ học vấn
Biên dịch là một nghề cần trình độ, bằng cấp, thường thì từ bằng cử nhân trở lên (một số nhà tuyển dụng cũng tuyển ứng viên có bằng cao đẳng cho vị trí này nếu có thêm các chứng chỉ ngôn ngữ). Do đó, bạn cần chú ý nhiều hơn khi viết phần này trong CV xin việc. Ngoài việc đảm bảo sự chính xác trong thông tin đề cập tới, bạn cũng có thể đạt được ưu thế nhất định nếu làm nổi bật nội dung này với bằng cấp chính quy tại các trường đào tạo ngoại ngữ uy tín. Bên cạnh đó, nếu bạn mới tốt nghiệp trong 1 - 3, 5 năm gần đây thì có thể ghi cả điểm trung bình chung học tập vào nhé (trong trường hợp có điểm cao).
Tìm việc làm biên dịch viên dễ dàng với cách viết cv hiệu quả
3. Kinh nghiệm làm việc
Lĩnh vực biên dịch nói riêng và ngôn ngữ nói chung có một đặc thù là có nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê ứng viên chưa có kinh nghiệm và đào tạo các kỹ năng cần thiết - dĩ nhiên là chỉ với các vai trò cơ bản, cấp đầu vào, dịch thuật đơn giản (chứng từ, hồ sơ...). Nói là vậy nhưng rõ ràng ứng viên có kinh nghiệm làm biên dịch viên chuyên nghiệp sẽ có ưu thế hơn.
Bên cạnh các tiêu chí cơ bản khi viết phần kinh nghiệm làm việc trong CV xin việc như: Chỉ nên lấy kinh nghiệm từ 6 tháng trở lên, liên quan đến biên - phiên dịch, biên tập, viết nội dung bằng ngoại ngữ..., viết ngắn gọn, liệt kê bằng gạch đầu dòng... thì có một số lưu ý khác mà bạn nên chú ý đối với CV biên dịch viên, đó là: Ghi rõ lĩnh vực dịch thuật bạn đã từng làm hoặc thành thạo, giỏi ngôn ngữ ở lĩnh vực đó (y tế, công nghệ, marketing, dịch sách, ...
Đọc thêm: Biên dịch khác thông dịch như thế nào?
4. Kỹ năng
Với nghề biên dịch, kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm không phải tiêu chí quan trọng nhất khi nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên nhưng nếu bạn có thể khiến cho phần này trong CV xin việc trở nên thật ấn tượng thì chắc chắn bạn sẽ có thêm lợi thế. Những kỹ năng phù hợp để đưa vào CV là:
- Kỹ năng dịch thuật, chuyển ngữ.
- Kỹ năng tin học văn phòng, sử dụng thành thạo các phần mềm dịch thuật.
- Kỹ năng giao tiếp, tương tác.
- Linh hoạt, chăm chỉ và cẩn thận, tỉ mỉ.
5. Chứng chỉ
Với nhiều nghề nghiệp dành cho lao động phổ thông hoặc thiên về kỹ năng thì ứng viên hoàn toàn có thể ẩn phần chứng chỉ trong CV nhưng với biên dịch viên, đây lại là nội dung không thể thiếu. Chứng chỉ IELTS với tiếng Anh hay TOPIK với tiếng Hàn, HSK cho ứng viên tiếng Trung... tất cả đều sẽ giúp bạn chứng minh được năng lực ngoại ngữ của mình và có được sự tin tưởng của nhà tuyển dụng. Dĩ nhiên, người có chứng chỉ điểm cao chưa chắc đã dịch giỏi nhưng ít nhất cũng cho thấy bạn có khả năng ngôn ngữ nhất định, nền tảng vững chắc.
Qua một số chia sẻ trên đây của JOBOKO, hy vọng các bạn đã có hình dung đầy đủ hơn, biết cách viết CV xin việc biên dịch viên hấp dẫn, ấn tượng để chinh phục mọi nhà tuyển dụng. Những ai đang tìm việc làm lĩnh vực này vẫn băn khoăn chưa biết cách viết CV xin việc ra sao thì có thể truy cập vào mục tạo CV ở JOBOKO, lựa chọn các mẫu CV xin việc tiếng Anh hoặc tiếng Việt để ứng tuyển vị trí biên dịch viên. Tại đây, từng mục sẽ có hướng dẫn chi tiết nên bạn có thể dễ dàng theo dõi và tự mình thiết kế CV ấn tượng.