Kinh nghiệm ứng tuyển vào Big4
MỤC LỤC:
1. Big4 là gì?
2. Các chuyên ngành phù hợp ứng tuyển vào Big4
3. Quy trình tuyển dụng Big4
4. Kinh nghiệm ứng tuyển vào Big4
5. Thi vào Big4 có khó không? Nên bắt đầu từ khi nào?
1. Big4 là gì?
Big4 được định nghĩa là nhóm 4 tổ chức, doanh nghiệp đứng đầu trong một lĩnh vực cụ thể. Trên thế giới, Big4 bao gồm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là Ernst & Young (EY), KPMG, PwC và Deloitte.
Trong khi đó, ở Việt Nam khi nói tới Big4 thì người ta nghĩ ngay đến top 4 ngân hàng lớn nhất là: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đối với các bạn có chuyên ngành và nghiệp vụ xuất sắc thì ứng tuyển vào Big4 là mục tiêu ý nghĩa và xứng đáng để nỗ lực. Trong nội dung bài viết này, bạn hãy cùng JobOKO tìm hiểu về kinh nghiệm ứng tuyển vào Big4 - 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới nhé.
2. Các chuyên ngành phù hợp ứng tuyển vào Big4
Điều kiện tiên quyết để ứng tuyển vào Big4 là bạn học đúng chuyên ngành:
- Kế toán.
- Kiểm toán.
- Tài chính - Ngân hàng.
Bên cạnh đó, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là bắt buộc đối với ứng viên muốn trở thành "một mảnh" của Big4 những công ty kiểm toán, tư vấn dịch vụ tài chính có lịch sử hàng trăm năm.
3. Quy trình tuyển dụng Big4
Một số vai trò mà Big4 thường tuyển dụng trong các đợt tìm kiếm nhân tài phải kể đến là: IT consultancy, Price transferring (Tax), Advisory, Legal,... Quy trình tuyển dụng được chia làm 4 vòng như sau:
- Vòng 1: Duyệt CV ứng tuyển.
- Vòng 2: Tiến hành cho ứng viên kiểm tra năng lực cá nhân.
- Vòng 3: Phỏng vấn nhóm.
- Vòng 4: Phỏng vấn cá nhân.
Quy trình tuyển dụng của Big4 không hề đơn giản, vòng nào cũng sẽ cạnh tranh gay go, khốc liệt. Nhiều ứng viên vì thế mà sớm chuẩn bị cho kế hoạch ứng tuyển, một số bạn đã chuẩn bị từ hồi năm 2 đại học trở đi.
4. Kinh nghiệm ứng tuyển vào Big4
Tìm kiếm thông tin trên internet, bạn có thấy kha khá các thông tin chia sẻ về trải nghiệm ứng tuyển vào Big4. Mỗi người một ý kiến, nhưng gần như đều thống nhất rằng việc ứng tuyển và tham gia các vòng không hề dễ. Các kinh nghiệm sau đây có thể sẽ giúp bạn hình dung chính xác hơn từ cách chuẩn bị tới thể hiện trước nhà tuyển dụng để đến gần hơn cơ hội việc làm của mình.4.1. Tiêu chuẩn tuyển nhân sự của Big4
Như một lẽ đương nhiên, tiêu chuẩn tuyển dụng của Big4 sẽ được điều chỉnh tùy theo vị trí cụ thể bạn ứng tuyển, nhưng một số tiêu chuẩn sau đây sẽ áp dụng chung cho tất cả đối tượng ứng viên:
- Danh tiếng, xếp hạng trường đại học của bạn càng cao, hồ sơ của bạn càng thu hút.
- GPA cao, kết quả học tập tốt: Điểm trung bình học tập, tốt nghiệp của bạn, đặc biệt là bảng điểm có các môn chuyên ngành cao.
- Ngoại ngữ (tiếng Anh) của bạn càng xuất sắc thì cơ hội càng cao.
- Thành tích, thành tựu trong các công việc liên quan từ trước tới nay.
- Ngoài ra, một "luật bất thành văn" là mặc định nếu bạn đang học hoặc đã có chứng chỉ như ACCA - Kế toán công chứng Anh quốc được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc ACCA thì Big4 sẽ rất "chào đón" bạn.
4.2. Tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp, đặc điểm của 4 Big
Dù đều là các công ty lớn nhất trong lĩnh vực nhưng văn hóa, môi trường làm việc của 4 Big trong Big4 đều sẽ khác nhau. Việc tìm hiểu trước thông tin là vô cùng cần thiết, để bạn quyết định xem nên chọn apply vào công ty nào. Một lưu ý là nhiều ứng viên thậm chí ứng tuyển đồng thời cả 4 Big.
Đặc điểm cơ bản của Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte là:
- EY là môi trường chuyên nghiệp nhưng áp lực, một nhân sự cần đa nhiệm, xử lý khối lượng công việc lớn.
- Deloitte và KPMG có môi trường làm việc khá thân thiện, thoải mái hơn.
- PwC cũng coi trọng nhất ở nhân viên năng lực làm việc chuyên nghiệp.
Trúng tuyển công ty nào trong Big4 chăng nữa, bạn cũng có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình sẽ học hỏi và phát triển tốt trong các môi trường cạnh tranh nhất hiện nay.
4.3. Kinh nghiệm chuẩn bị CV, hồ sơ ứng tuyển Big4
- Thời điểm Big4 tuyển dụng: Đối với nhân sự mới ra trường, Big4 thường nhận hồ sơ ứng tuyển trong khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, nhưng có thể sớm hơn tùy năm.
- Big4 thường tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân sự trẻ, tài năng và phù hợp ở các trường đại học, bạn cũng nên theo dõi và cân nhắc tham gia.
- Yêu cầu về hồ sơ ứng tuyển, các thủ tục, quy trình: Bạn cần chủ động follow thông tin chính thống trên website của Big4, trang Facebook và join một số hội, nhóm trên mạng xã hội để cập nhật kịp thời.
- Chuẩn bị CV ứng tuyển và bộ hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của từng công ty.
- Ngày nay, tất cả các công ty trong Big4 đều cho phép ứng tuyển online.
- Chuẩn bị CV như bình thường, tốt nhất là CV bằng tiếng Anh, trong đó làm nổi bật ở phần học vấn, kinh nghiệm và chứng chỉ.
Thực tế, mỗi đợt tuyển dụng nhân sự mới ra trường, Big4 nhận được tới vài nghìn hồ sơ (chỉ tính tại Việt Nam), tuy nhiên, để vào vòng trong chỉ có khoảng vài trăm CV được lựa chọn. Điều quan trọng ở đây là CV không chỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản, mà còn cần có thông tin ấn tượng chứng minh năng lực của bạn.
Đặc điểm của 4 Big khi duyệt hồ sơ là:
- EY đánh giá CV rất kỹ, rất gắt gao.
- Deloitte "nhẹ nhàng" hơn, nhưng các thông tin cần độ chính xác cao và có thể chứng thực.
- KPMG yêu cầu ứng viên điền đơn online rất dài, nhiều nội dung.
- PwC ưu tiên ứng viên có trình độ tiếng Anh tốt nên CV của bạn có thông tin về chứng chỉ ngoại ngữ là điểm cộng.
4.4. Kinh nghiệm tham gia vòng kiểm tra năng lực
Tiếp theo, đến vòng kiểm tra năng lực để ứng tuyển vào Big4. Dạng bài test và số lượng bài test sẽ khác nhau giữa các công ty nhưng điểm chung là tập trung vào:
- Đánh giá năng lực chuyên môn: Kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế,...
- Đánh giá năng lực ngoại ngữ: Tiếng Anh.
- Đánh giá khả năng tư duy, logic: IQ,...
- Bài luận: Có thể về tổ chức, doanh nghiệp, về các vấn đề xã hội,... (có giới hạn số từ - viết bằng tiếng Anh).
Đặc điểm của Big4 khi tiến hành đánh giá năng lực ứng viên là:
- EY: Hỏi nhiều về kế toán và thuế, ít tập trung đến kiểm toán; phạm trù kiến thức xã hội được hỏi rộng, bài luận có giới hạn từ.
- Deloitte: Nhiều câu hỏi kiểm toán và IQ hình ảnh (thay vì tính toán, suy luận), bao gồm cả các câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống. Để viết tốt bài luận thì bạn nên xem lại các chủ đề từng xuất hiện trong những buổi tọa đàm, hội thảo của công ty.
- PwC: Hỏi nhiều về tính toán, đề thi thường xuyên thay đổi mỗi năm.
- KPMG: Có bài đánh giá giới hạn thời gian vô cùng hạn hẹp - câu hỏi không quá khó nhưng bạn phải nhanh, và cũng hỏi nhiều về kế toán, kiểm toán, thuế.
Lưu ý: Tất cả câu hỏi, yêu cầu đều bằng tiếng Anh, và bạn cần chứng minh được khả năng tư duy tốt, nhanh, nhạy bén và nghiệp vụ vững vàng.
4.5. Kinh nghiệm tham gia vòng phỏng vấn nhóm
Phỏng vấn nhóm thì Big4 đều tập trung đánh giá kỹ năng giao tiếp, teamwork và giải quyết vấn đề.
- EY: Phỏng vấn nhóm từ 6 - 8 người, thảo luận case cụ thể, thuyết trình bằng tiếng Anh, thời gian thảo luận chỉ có 5 - 7 phút là tối đa. Phân công nhiệm vụ, đóng góp cho nhóm sẽ được đánh giá cao.
- Deloitte: Thường cho các case về kiểm toán và thuế, được thảo luận 30 phút, coi trọng yếu tố chuyên môn. Ngoài ra, có năm Deloitte cũng đổi mới cho nhóm ứng viên trình bày kết quả so sánh 2 báo cáo tài chính.
- KPMG: Thảo luận nhóm và trình bày, ngoài ra, bạn cũng sẽ phải trả lời phỏng vấn với nhà tuyển dụng ở ngay vòng này.
- PwC: Chủ yếu tập trung hỏi, giao case với các vấn đề xã hội. Tất cả ứng viên trong nhóm đều phải trình bày, thuyết trình.
4.6. Kinh nghiệm tham gia vòng phỏng vấn cá nhân
Phỏng vấn cá nhân là lúc bạn cần tự thân vận động. Thời gian cho vòng phỏng vấn cá nhân có thể được giới hạn tùy vào công ty và từng năm. Câu hỏi bằng tiếng Anh, trả lời bằng tiếng Anh và phạm vi rất rộng - kiến thức chuyên ngành, câu hỏi tình huống, kiến thức xã hội - từ đó đánh giá năng lực chuyên môn, khả năng phản ứng của ứng viên.
5. Thi vào Big4 có khó không? Nên bắt đầu từ khi nào?
Bằng cách tìm hiểu về quy trình tuyển dụng Big4 và những kinh nghiệm ứng tuyển, bạn có thể thấy rằng nếu hỏi "Thi vào Big4 có khó không?" thì chắc chắn câu trả lời là có. Thế nhưng, khó không có nghĩa là bạn sẽ không làm được.
Sự chuẩn bị sẵn sàng là cần thiết với những ai không muốn bỏ lỡ cơ hội việc làm tốt, học hỏi và thăng tiến sự nghiệp tại Big4. Những gợi ý cho bạn là:
- Có thể xác định mục tiêu sớm, từ khi chọn chuyên ngành và/ hoặc năm nhất, năm 2.
- Nỗ lực học tập để có kết quả tốt nhất có thể.
- Tích cực tham gia hoạt động ở trường - tập trung vào các hoạt động của khoa, các cuộc thi.
- Đầu tư cho ngoại ngữ tiếng Anh, tốt nhất là thi lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL,...
- Cân nhắc sớm bắt đầu theo học ACCA, CPA, CFA nếu có thể.
Kinh nghiệm ứng tuyển vào Big4 chỉ có thể thực sự có ích khi bạn đủ nỗ lực và cố gắng, có kiến thức chuyên ngành kế toán, kiểm toán và biến kiến thức, kỹ năng mình có thành chìa khóa để mở cánh cửa vào top 4 công ty kiểm toán mạnh nhất thế giới. Chúc bạn thành công!