Kỹ năng đặt mục tiêu là gì? Giúp ích gì cho sự nghiệp?
Trong cuộc sống cũng như công việc, ai cũng sẽ có những mục tiêu nhất định và để đạt được các mục tiêu đó, mọi người sẽ cần đến kỹ năng đặt mục tiêu. Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng sẽ đưa ra những câu hỏi như "Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?" nhằm "kiểm tra" xem ứng viên có nghiêm túc về các mục tiêu của mình hay không. Đặt mục tiêu là kỹ năng không dễ thành thạo nhưng nếu làm được, bạn sẽ có nhiều ưu thế và cơ hội thành công trong công việc.
MỤC LỤC:
1. Kỹ năng đặt mục tiêu là gì?
2. Tại sao kỹ năng đặt mục tiêu lại quan trọng?
3. Cách rèn luyện kỹ năng đặt mục tiêu để thành công sự nghiệp
4. Làm sao để nhanh chóng đạt được các mục tiêu công việc?
5. Những sai lầm phổ biến cản trở bạn thành thạo kỹ năng đặt mục tiêu
1. Kỹ năng đặt mục tiêu là gì?
Kỹ năng đặt mục tiêu (personal goal setting skill) là kỹ năng để chúng ta đặt mục tiêu cá nhân trong công việc và trong cuộc sống với điều kiện các mục tiêu đó phù hợp với điều kiện học vấn, kinh nghiệm của mình và tình hình thực tế, có thể đo lường và đánh giá được thành công (hoặc thất bại).
Khi nói đến kỹ năng đặt mục tiêu, bạn sẽ thấy kỹ năng này cần thiết ở mọi giai đoạn của cuộc đời - khi đi học, khi đi làm, mục tiêu thi cử đỗ đạt, đi làm lương cao, thăng chức, tài chính dư dả, xây nhà, mua xe,... Tuy nhiên, phân biệt người có kỹ năng đặt mục tiêu và người không có lại dựa vào việc chính mục tiêu đó có thực tế hay không, có khả quan không.
Đọc thêm: Trả lời phỏng vấn Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?
2. Tại sao kỹ năng đặt mục tiêu lại quan trọng?
Những vận động viên thành công nhất, những doanh nhân thành đạt và những tỷ phú đều đặt ra mục tiêu. Kỹ năng đặt mục tiêu sẽ giúp bạn:
- Xây dựng tầm nhìn dài hạn và động lực ngắn hạn.
- Tập trung vào việc thu nhận kiến thức, liên tục học hỏi và giúp bạn sắp xếp thời gian, nguồn lực của mình để bạn có thể tận dụng tối đa điều kiện, tiềm năng của mình.
- Bằng cách đặt ra các mục tiêu rõ ràng, bạn có thể đo lường và tự hào về việc đạt được những mục tiêu đó.
- Thấy được sự tiến bộ của bản thân và mọi người xung quanh, từ đó có thêm sự tự tin, sẵn sàng hơn cho những thử thách mới, tư duy sáng tạo và đạt được những thành công đột phá.
3. Cách rèn luyện kỹ năng đặt mục tiêu để thành công sự nghiệp
3.1. Các kiểu mục tiêu trong công việc, cuộc sống
Bước đầu tiên trong việc thiết lập mục tiêu cá nhân là xem xét những gì bạn muốn đạt được trong cuộc đời của mình (hoặc ít nhất, ở một độ tuổi quan trọng và xa trong tương lai). Đặt mục tiêu về mọi khía cạnh trong cuộc sống giúp định hình tất cả các khía cạnh khác trong quá trình ra quyết định của bạn.
Để đưa ra một phạm vi bao quát cân bằng và rộng rãi về tất cả các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn, hãy cố gắng đặt mục tiêu trong một số danh mục sau:
- Công việc, sự nghiệp: Bạn muốn đạt đến cấp độ nào trong sự nghiệp của mình hoặc bạn muốn đạt được điều gì?
- Tài chính: Bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền khi mới đi làm, khi đến 30, 40, 50 tuổi,... Điều này có liên quan như thế nào đến mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
- Học vấn: Có mảng kiến thức nào bạn muốn học chuyên sâu hơn hay không? Bạn sẽ cần có những thông tin và kỹ năng nào để đạt được các mục tiêu khác?
- Gia đình: Bạn có muốn kết hôn và trở thành cha mẹ? Nếu vậy, bạn sẽ trở thành một người cha mẹ như thế nào?
- Thái độ sống: Có phần nào trong suy nghĩ của bạn kìm hãm bạn lại hay không? Có phần nào trong cách bạn cư xử khiến bạn khó chịu không?
- Thể chất: Bạn muốn sức khỏe tốt hơn, có vóc dáng đẹp hơn?...
- Niềm vui: Bạn muốn tận hưởng bản thân như thế nào? (Bạn nên đảm bảo rằng một phần cuộc sống của bạn là dành cho bạn!)
Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những điều này, sau đó chọn một hoặc nhiều mục tiêu trong mỗi danh mục phản ánh tốt nhất những gì bạn muốn làm. Tiếp tục, bạn hãy cân nhắc đến các mục tiêu nhỏ hơn và cụ thể hơn để tập trung vào.
3.2. Có niềm tin với mục tiêu và toàn bộ quá trình
Để thiết lập mục tiêu, bạn cần "lên dây cót", có niềm tin tuyệt đối vào quá trình. Nếu bạn không tự tin vào bản thân và khả năng của mình, thì bạn cũng có thể quên mất nỗ lực đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn nghi ngờ, hãy nhìn xung quanh bạn. Mọi thứ bạn có thể thấy đều bắt đầu như một mục tiêu trong đầu của ai đó. Bạn chỉ cần biến những suy nghĩ của bạn thành hiện thực.
3.3. Viết rõ mục tiêu
Để đạt được mục tiêu, bạn phải lập kế hoạch cho từng bước và xác định thời hạn. Viết ra các mục tiêu của bạn và lên lịch ngày để hoàn thành và đánh giá chúng. Đây có thể là chìa khóa thành công, vì việc viết ra các mục tiêu sẽ giúp bạn trở thành người sáng tạo. Nếu bạn bỏ qua bước này, bạn có thể tiếp tục quên chúng hoặc chúng sẽ giảm dần tầm quan trọng.
Có kế hoạch rõ ràng ở đâu đó mà bạn nhìn thấy chúng hàng ngày sẽ giúp nhắc lại tầm quan trọng của chúng và tăng cơ hội đạt được mục tiêu. Không nhất thiết phải viết ra giấy, bạn có thể dùng các phần mềm ghi chú, lập lịch.
3.4. Đặt mục tiêu cụ thể
Một mục tiêu có cơ hội hoàn thành cao hơn nhiều nếu nó đi vào chi tiết. Nếu chính bạn còn mơ hồ thì các mục tiêu có thể bị hiểu sai và bị lờ đi.
3.5. Đặt mục tiêu có thể đo lường được
Nếu mục tiêu của bạn có thể tuân thủ các tiêu chí cụ thể, bạn có thể đo lường tiến trình đạt được thành tích của chúng. Nếu bạn xác định được những gì bạn sẽ thấy, nghe và cảm thấy khi đạt được mục tiêu, bạn có thể cảm thấy như thể bạn đã hoàn thành một điều gì đó hữu hình. Để đạt được việc thiết lập mục tiêu hiệu quả, bạn nên chia nhỏ mục tiêu của mình thành các yếu tố có thể đo lường được - tốt nhất là qua các con số.
3.6. Đặt mục tiêu có thể đạt được
Mặc dù không có gì sai khi mơ những giấc mơ cao xa, nhưng điều quan trọng hơn là phải điều tra xem mục tiêu đó có thực sự phù hợp với bạn hay không. Nếu bạn không có thời gian, tiền bạc hoặc kinh nghiệm để đạt được điều gì đó, bạn sẽ tự thiết lập mình để đi đến thất bại và chắc chắn là bạn sẽ khổ sở khi không đạt được điều mình muốn. Để thiết lập mục tiêu hiệu quả nhất, hãy đảm bảo bạn đang lập kế hoạch cho các bước của mình một cách khôn ngoan và thiết lập khung thời gian thực tế cho phép bạn thực hiện các bước đó.
3.7. Đặt mục tiêu đúng thời điểm
Mọi mục tiêu đã đặt phải được thực hiện trong một khung thời gian. Không có khung thời gian, không có cảm giác cấp bách thì chúng ta thường ì lại, khó tiến xa. Tuy nhiên, việc tạo khung thời gian có thể là một công việc phức tạp và nhạy cảm. Một mặt, quá nghiêm ngặt về khía cạnh kịp thời của việc đặt mục tiêu có thể tạo động lực, nhưng nó cũng có thể có tác dụng ngược lại, làm giảm động lực và chán nản nếu bạn không làm được.
3.8. Có trách nhiệm với mục tiêu của mình
Khi bạn đang hướng tới một mục tiêu không dễ gì đạt được, nhiều thứ có thể sẽ trở nên khó khăn. Khi đối mặt với những thách thức cản đường, bạn phải tự chịu trách nhiệm. Đây cũng là lý do mà chúng ta cần kỹ năng đặt mục tiêu - lường trước cả những khó khăn và nghĩ trước về trường hợp nếu thất bại sẽ khắc phục ra sao.
3.9. Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ để đạt được mục tiêu
Trao đổi với gia đình và bạn bè về mục tiêu của bạn có thể mang lại cho bạn trách nhiệm cần thiết, giúp bạn có được hỗ trợ để thúc đẩy bản thân khi cần - cả về tiền bạc lẫn sự ủng hộ về mặt tinh thần. Đề nghị giúp đỡ không phải điều gì xấu, miễn là bạn vẫn là người tự chịu trách nhiệm và tự mình đạt được mục tiêu cuối cùng.
3.10. Liên tục đánh giá lại mục tiêu và sự tiến bộ
Theo thời gian, mục tiêu của chúng ta không ngừng thay đổi. Kết quả cuối cùng có thể không giống như những gì ban đầu bạn đặt ra nhưng điều này đôi khi có thể là tích cực. Để học hỏi từ những sai lầm của bạn và thành công hơn vào các mục tiêu sau đó, hãy liên túc đánh giá sự tiến bộ của bạn trong suốt hành trình thiết lập mục tiêu.
Đọc thêm: Cách trả lời: Mục tiêu công việc của bạn trong 3 năm tới là gì?
Để tạo động lực cho bản thân hoàn thành tốt công việc cần chú ý những gì
4. Làm sao để nhanh chóng đạt được các mục tiêu công việc?
Có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, mục tiêu đơn giản và phức tạp nên thời hạn bạn đặt ra các mục tiêu phải khác nhau. Dù vậy, tâm lý chung của chúng ta vẫn là làm sao để nhanh thành công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu, đặc biệt là trong công việc và các mục tiêu tài chính.
Những gì bạn có thể làm để thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu công việc là:
- Trung thực, khách quan từ khi đặt mục tiêu.
- Xác định rõ các việc cần làm, càng chi tiết càng tốt.
- Xác định những người liên quan, có thể là đồng nghiệp tham gia cùng dự án, đối tác, đối tượng khách hàng mục tiêu,...
- Lập kế hoạch và kế hoạch dự phòng.
- Kiên định thực hiện mục tiêu, đảm bảo tốc độ và thời hạn cũng như chất lượng, hiệu quả công việc.
- Đánh giá, đề nghị giúp đỡ khi cần.
- Tận dụng tốt các nguồn lực.
- Giải quyết các vấn đề phát sinh hiệu quả.
- Ưu tiên các mục tiêu quan trọng và thay đổi ít nhiều khi cần.
- Duy trì động lực, sự tự tin và chăm chỉ, cố gắng để đạt được mục tiêu.
5. Những sai lầm phổ biến cản trở bạn thành thạo kỹ năng đặt mục tiêu
Muốn phát triển kỹ năng đặt mục tiêu, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc kể trên, bạn cũng cần tránh phạm phải các sai lầm cơ bản như:
- Đặt "bừa" các mục tiêu mà không cân nhắc tính khả thi.
- Chọn các mục tiêu theo định hướng của cha mẹ, gia đình, người yêu, vợ/ chồng,...
- Trình bày về các mục tiêu nghề nghiệp vì bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ thích nghe/ đọc những mục tiêu đó trong phỏng vấn/ CV.
- Không quyết tâm với mục tiêu, từ bỏ mục tiêu ngay khi thấy khó khăn.
Đặt đúng mục tiêu sẽ giúp bạn có động lực để học tập, làm việc và có tương lai tươi sáng hơn. Xem việc đặt mục tiêu là một kỹ năng hữu ích và thực hành để thành thạo kỹ năng đặt mục tiêu chắc chắn sẽ giúp ích cho sự nghiệp của bạn.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.