Công cụ tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp chính xác nhất
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy đinh tại Điều 50, Luật việc làm 2013 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 8, Nghị định 28/2015/NĐ-CP
Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (Theo Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP)
1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức bảo hiểm tạo điều kiện cho người lao động có thể nhận hỗ trợ một phần thu nhập khi mất việc làm. Điều kiện để được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là trước đó, khi còn duy trì công việc và có thu nhập hàng tháng thì người lao động có tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hiểu thế nào về bảo hiểm thất nghiệp?
Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp người lao động sẽ có các quyền lợi như sau:
- Nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp theo tháng (số tháng tùy theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó).
- Được hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ đào tạo và nâng cao tay nghề.
Trợ cấp thất nghiệp mặc dù không quá lớn nhưng thường là một khoản đáng kể giúp người lao động vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong các tình huống bất ngờ bị mất việc do giảm biên chế, thu hẹp quy mô nhân sự, bị sa thải,...
2. Cách tính bảo hiểm thất nghiệp chính xác nhất
Sau khi trả lời được câu hỏi bảo hiểm thất nghiệp là gì, bước tiếp theo, bạn hãy tìm hiểu cách tính bảo hiểm thất nghiệp dựa trên các thông tin như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bạn sẽ nhận bằng 60% tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục trong vòng 6 tháng trước khi thất nghiệp.
- Số tiền trợ cấp thất nghiệp tối đa bạn nhận được sẽ không quá 5 lần mức lương cơ sở (khi làm nhà nước) và không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (khi làm ngoài).
Ví dụ 1: Ông A làm trong cơ quan nhà nước, đóng bảo hiểm được 12 tháng, lương mỗi tháng 10 triệu (trong 6 tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp). Lúc này, công thức tính bảo hiểm sẽ như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa = Lương cơ sở * 5 = 1,49 * 5 = 7,45 triệu/ tháng
- Trợ cấp thất nghiệp theo công thức = 10 * 60% = 6 triệu/ tháng.
Bởi vì theo công thức thì số tiền trợ cấp thất nghiệp của ông A vẫn chưa vượt qua mức tối đa nên ông được nhận đủ 6 triệu/ tháng, trường hợp cao hơn 7,45 triệu/ tháng thì ông cũng sẽ chỉ nhận được 7,45 triệu/ tháng.
Ví dụ 2: Chị B làm ở doanh nghiệp tư nhân, đóng bảo hiểm 50 tháng với mức lương trung bình 6 tháng cuối là 4 triệu/ tháng. Lúc này, cách tính bảo hiểm của chị B như sau:
- 36 tháng BHTN đầu tiên: Hưởng 3 tháng trợ cấp
- 12 tháng BHTN tiếp theo: Hưởng thêm 1 tháng trợ cấp
- Số tháng còn dư là 2 tháng BHTN: Cộng dồn vào lần hưởng BHTN sau.
Vậy trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của chị B là: 4.000.000đ x 60% = 2,4 triệu/tháng và được nhận trong vòng 4 tháng (tối đa) nếu chị B vẫn chưa tìm được việc làm mới trong thời gian đó.
3. Công cụ tính bảo hiểm thất nghiệp
Có thể thấy, cách tính bảo hiểm thất nghiệp không quá phức tạp nhưng bạn sẽ cần biết tất cả các thông tin, quy định. Thay vào đó, sử dụng công cụ tính bảo hiểm thất nghiệp online có sẵn từ JobOKO giúp bạn tính nhanh và chính xác nhất dựa theo mức lương tối thiểu vùng mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (Theo điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP).
Sau khi nhập vào thông tin về tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp (mức đóng BHTN thực tế) và số tháng đóng bảo hiểm chưa hưởng, bạn chỉ cần chọn vùng, chế độ tiền lương rồi đến chọn mức lương có thay đổi hay không thay đổi trong 6 tháng trước khi thất nghiệp. Cuối cùng, bạn click vào ô "Tính bảo hiểm" là sẽ nhận được kết quả đầy đủ và chính xác kèm theo phân tích chi tiết.
4. Những ai được nhận bảo hiểm thất nghiệp?
Những đối tượng có quyền nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là:
- Người lao động có hợp đồng làm việc ký kết trong thời gian nhất định, có thời hạn (1 năm, 2 năm...).
- Người lao động có hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động ký kết vô thời hạn, không xác định thời hạn.
- Người lao động có hợp đồng lao động thời vụ từ 3 tháng tới dưới 12 tháng.
Trường hợp người lao động ký nhiều hợp đồng lao động thì trợ cấp thất nghiệp được tính theo hợp đồng lao động ký sớm nhất và bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng đó.
Những đối tượng nào được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
5. Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo nguyên tắc như sau (dựa vào số tháng bạn tham gia BHTN):
- Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng: Hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Đóng đủ thêm 12 tháng: Hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Tổng số tháng nhận trợ cấp không vượt quá 12 tháng.
6. Điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Ngay cả khi bạn thuộc đối tượng được nhận bảo hiểm thất nghiệp, có thời gian đóng bảo hiểm từ 12 tháng trở lên thì vẫn cần đảm bảo một số điều kiện khác như:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc - trừ trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng trái pháp luật; bạn đang hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp mất sức.
- Tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (có hợp đồng có thời hạn và hợp đồng làm việc vô thời hạn); tham gia BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động mùa vụ hoặc công việc ngắn hạn từ 3 - 12 tháng.
- Có xác nhận kết thúc hợp đồng lao động, bị sa thải,... và đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở trung tâm dịch vụ việc làm.
- Bạn chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN. Trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính từ ngày thứ 16 trở đi.
Lưu ý là các trường hợp đi nghĩa vụ quân sự, đi du học nước ngoài từ 1 năm trở lên, định cư ở nước ngoài, bị tạm giam, đi tù hoặc qua đời thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp dù đáp ứng tất cả các yêu cầu.
7. Hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp gồm những gì? nộp hồ sơ hưởng BHTN ở đâu?
Hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp gồm có:
- Sổ bảo hiểm xã hội (đã chốt sổ ở công ty cũ ngay sau khi nghỉ việc).
- Đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu).
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ như: Quyết định thôi việc, quyết định sa thải, kỷ luật buộc thôi việc, thông báo chấm dứt hợp đồng, hợp đồng lao động có thời hạn đã kết thúc.
Sau đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 thì người lao động đáp ứng được các yêu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương (không nhất thiết phải là nơi bạn đã làm việc).
Thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
8. Hướng dẫn hoàn thành thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp
Nếu bạn đang băn khoăn không biết sau khi hoàn thành hồ sơ xin nhận trợ cấp thất nghiệp thì sẽ phải thực hiện thủ tục như thế nào thì hãy yên tâm là quy trình khá đơn giản như sau:
- Nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, không quá 3 tháng kể từ ngày cuối cùng kết thúc hợp đồng lao động.
- Trong vòng 20 ngày, bạn sẽ nhận được quyết định chấp nhận hoặc từ chối hưởng trợ cấp thất nghiệp từ trung tâm.
- Trong vòng 5 ngày từ khi nhận quyết định, bạn có thể đến cơ quan bảo hiểm xã hội để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
- Đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo rằng bạn đang tìm kiếm việc làm mới theo quy định. Sau khi bạn có việc làm mới có hợp đồng hợp pháp thì sẽ kết thúc nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
9. Vì sao người lao động cần biết cách tính bảo hiểm thất nghiệp?
Không có quy định bắt buộc nào về việc bạn phải biết cách tính bảo hiểm thất nghiệp nhưng hiểu đúng về các quy định, biết cách tính chính xác sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình. Trường hợp bị mất việc, khó khăn trong thời gian chờ việc mới, có tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp bạn duy trì cuộc sống, sinh hoạt bình thường, đồng thời có cơ hội nhận sự hỗ trợ cần thiết khi muốn được tư vấn, giới thiệu việc làm mới, học nghề...
Trên đây là những thông tin đầy đủ nhất giúp bạn hiểu rõ bảo hiểm thất nghiệp là gì và cách tính bảo hiểm thất nghiệp chính xác nhất. Mong rằng công cụ tính bảo hiểm thất nghiệp cũng như các thông tin JobOKO chia sẻ sẽ hữu ích với bạn.