Chọn nghề nghiệp theo DISC: Nhóm S nên làm nghề gì?
Bạn đã biết về thiên hướng tính cách của chính mình?
Trắc nghiệm DISC là công cụ đánh giá cá nhân giúp định hướng nghề nghiệp phù hợp, cải thiện năng suất làm việc, đánh giá nhân sự cho tổ chức, doanh nghiệp.
Sau khi làm trắc nghiệm DISC và được trả kết quả thuộc nhóm tính cách S, rất có thể điều mà các bạn quan tâm nhất vẫn là nhóm S nên làm nghề gì? Dĩ nhiên, với các bạn tự tin thì có thể cảm thấy miễn là mình thích, mình có năng lực thì làm nghề nào cũng được. Thế nhưng, thực tế có phải như vậy hay không? Nhóm S cũng không phải những người thực sự chủ động, do đó, khi chọn nghề bạn sẽ cần cẩn thận, kỹ lưỡng hơn một chút.
MỤC LỤC:
I. Đặc điểm của nhóm tính cách S theo trắc nghiệm DISC
II. Nhóm S nên làm nghề gì?
III. Những nghề nghiệp mà nhóm tính cách S nên tránh
IV. Nhóm tính cách S cần làm gì để chọn đúng nghề và phát triển sự nghiệp?
Nhóm tính cách S theo trắc nghiệm DISC nên lựa chọn nghề nghiệp như thế nào?
I. Đặc điểm của nhóm tính cách S theo trắc nghiệm DISC
So với nhóm tính cách D hay I thì nhóm tính cách S gần như là trái ngược với nhóm D. Nhóm S chăm chỉ, đáng tin cậy nhưng là kiểu người kiên định, kiên nhẫn, dĩ hòa vi quý, sẵn sàng lui về hậu trường khi cần, không muốn trở nên nổi bật dù có năng lực. Họ là những người hỗ trợ tuyệt vời cho đồng nghiệp, người nhà hay bạn bè.
Hiểu rõ đặc điểm của nhóm tính cách S cũng là cách để bạn chọn nghề nghiệp mình có thể phù hợp, nhanh chóng thích ứng. Về cơ bản thì nhóm S có những đặc điểm như sau:
- Nhã nhặn, kiên nhẫn và bình tĩnh, tốt tính.
- Giỏi lắng nghe, quan tâm và chăm sóc cho nhu cầu của những người xung quanh.
- Cẩn thận, kỹ càng trong công việc, chú ý đến từng chi tiết.
- Đáng tin cậy, làm việc có trách nhiệm, hiểu biết nhưng hiếm khi thể hiện.
- Nghiêm túc, nhẹ nhàng, sẵn sàng vươn tay giúp đỡ người khác khi cần.
- Không thích thái độ cạnh tranh, hung hăng hay xung đột, luôn cố gắng lảng tránh xung đột.
Bên cạnh những điểm mạnh như vậy, nhóm tính cách S cũng có những yếu điểm trong tính cách và hành vi, chẳng hạn như khó ra quyết định vì hay do dự, giao tiếp hơi thiếu thẳng thắn do ngại đánh giá hoặc trình bày thông tin tiêu cực, dễ rơi vào thế yếu khi phải tranh luận và trao đổi với mọi người dù mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ (không phải công kích cá nhân), có phần thụ động và tự ti trong nhiều trường hợp.
Đọc thêm: Trắc nghiệm DISC giúp chọn nghề nghiệp: Nhóm D nên làm nghề gì?
II. Nhóm S nên làm nghề gì?
Với những đặc điểm tính cách như vậy, nhóm S nên làm nghề gì? Câu trả lời không khó, cụ thể, bạn nên cân nhắc tới các nghề nghiệp có thể đảm bảo tiêu chí như sau:
- Nghề nghiệp cho bạn làm việc theo thói quen của bản thân, có tương tác với người khác.
- Nghề nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
- Môi trường nhẹ nhàng và thoải mái, đồng nghiệp thân thiện, mọi người sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ cho nhau.
- Ít áp lực phải làm người đại diện hoặc nổi trội trong đám đông.
- Nghề nghiệp không quá căng thẳng, áp lực thời gian hay buộc phải phản ứng nhanh, thường xuyên phải ra quyết định trong thời gian ngắn.
Với các tiêu chí như vậy, nhóm S nên chọn các công việc, ngành nghề như sau:
- Dịch vụ, chăm sóc khách hàng: Nhân viên CSKH, lễ tân nhà hàng, lễ tân khách sạn, nhân viên phục vụ, telesales, call center,...
- Tư vấn: Nhân viên tư vấn tuyển sinh, tư vấn bảo hiểm, tư vấn BĐS, tư vấn giáo dục, tư vấn dinh dưỡng,...
- Giáo dục, đào tạo: Giáo viên, giảng viên, chuyên viên đào tạo, HLV thể hình,...
- Việc làm hành chính, văn phòng: Nhân viên hành chính, hành chính nhân sự, nhập liệu, lễ tân văn phòng,...
- Tuyển dụng, HR: Nhân viên tuyển dụng, chuyên viên nhân sự, chuyên viên hành chính nhân sự, headhunter, nhân viên C&B,...
- Trợ lý, thư ký, cố vấn: Trợ lý kinh doanh, trợ lý dự án, thư ký giám đốc, vai trò cố vấn kinh doanh, cố vấn chiến lược,...
- Y tế, chăm sóc sức khỏe: Bác sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng, nhân viên y tế, chuyên gia vật lý trị liệu,...
Điểm chung là các công việc kể trên đều cho phép bạn tương tác và giúp đỡ những người xung quanh, thể hiện được nét tính cách tích cực của bạn là giỏi chăm sóc, hỗ trợ cho người khác và rất đáng tin cậy. Không có gì là chắc chắn 100% nhưng ít nhất, với những nghề nghiệp này, sẽ có công việc hợp với bạn và có thể gắn bó lâu dài.
Các công việc phù hợp với nhóm tính cách S
III. Những nghề nghiệp mà nhóm tính cách S nên tránh
Tìm hiểu, cân nhắc thử sức với những nghề thích hợp với nhóm tính cách S, bạn cũng nên dành một chút thời gian để đọc về các nghề nghiệp đặc biệt không phù hợp với kiểu tính cách của mình. Nếu vì một lý do nào đó (không phải vì đam mê thực sự) mà bạn làm các công việc sau đây thì khả năng thất bại là rất cao:
- Các nghề nghiệp yêu cầu thái độ mạnh mẽ, sát phạt, không ngại xung đột và tranh chấp: Luật sư, vai trò trong quân đội, doanh nhân, nhân viên kế hoạch, quản lý dự án, nhân viên pháp chế...
- Nghề nghiệp thường xuyên yêu cầu bạn ra quyết định nhanh chóng, áp lực thời gian lớn: Công nghệ thông tin, kỹ sư, ngân hàng, tài chính,...
- Công việc đòi hỏi cao về sự sáng tạo, thay đổi không ngừng: Marketing, truyền thông, thiết kế,...
- Công việc ít tương tác, chủ yếu làm việc với các con số và máy móc: Phân tích dữ liệu, kế toán, kiểm toán,...
Đọc thêm: Nhóm I nên làm nghề gì theo kết quả trắc nghiệm DISC?
IV. Nhóm tính cách S cần làm gì để chọn đúng nghề và phát triển sự nghiệp?
Nghề nghiệp nào cũng cạnh tranh, công việc nào cũng sẽ có thử thách và không phải cứ chọn đúng nghề là bạn sẽ "phăm phăm" tiến về phía trước. Muốn thành công, chỉ chọn đúng nghề thôi là chưa đủ mà còn phải kiên định, không cho phép bản thân chững lại. Nhóm tính cách S có nhiều ưu điểm nhưng chỉ ưu điểm về hành vi không giúp bạn thăng tiến sự nghiệp.
Trước hết, nhóm tính cách S phải chọn đúng nghề, không chỉ vào gợi ý theo phân tích đặc điểm của từng nhóm tính cách theo biểu đồ DISC. Muốn toàn diện, có tỷ lệ chọn đúng nghề cao hơn, bạn sẽ phải xem xét và đưa ra quyết định dựa trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả sở thích, năng lực chuyên môn, quyết tâm và đặc biệt là thói quen của bạn. Ngoài DISC, bạn cũng nên làm trắc nghiệm MBTI và trắc nghiệm đa trí thông minh MI để đánh giá chuẩn xác hơn về mình.
Hơn nữa, điều cần lưu ý là dù kết quả cho thấy bạn hợp với nghề nghiệp nào nhưng nếu thực sự không thích, không có đam mê thì đừng ép mình. Bạn chỉ có thể thành công một khi yêu thích công việc mình làm.
Cách giúp nhóm tính cách S lựa chọn đúng nghề
Bên cạnh đó, để thực hiện được các mục tiêu thăng tiến sự nghiệp, có một số điều bạn nên lưu ý, tập trung và sẵn sàng thay đổi để khắc phục điểm yếu của nhóm tính cách cách S như:
- Cố gắng giao tiếp và cư xử thẳng thắn, có thể cứng rắn khi cần.
- Học cách nói lên quan điểm của mình, sẵn sàng cạnh tranh, tranh luận nếu thấy cần thiết, không phải lúc nào cũng nên thỏa hiệp.
- Ưu điểm của nhóm S là quan tâm, giúp đỡ mọi người nhưng điều này cũng có thể trở thành nhược điểm của bạn, khiến bạn đôi khi vì "cả nể" mà quên đi bản thân. Do đó, hãy nhớ rằng trong nhiều tình huống hãy ưu tiên cho mình cũng như mạnh mẽ từ chối nếu cảm thấy như vậy sẽ tốt cho mục tiêu chung.
- Rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, học tập và làm việc tuân theo kế hoạch.
Như đã đề cập, mỗi nhóm tính cách D, I, S, C theo biểu đồ DISC đều có thế mạnh của riêng mình. Bạn hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để chọn nghề nghiệp nhưng cũng đừng lờ đi điểm yếu mà nên thay đổi dần để hoàn thiện bản thân.
Nhóm S nên làm nghề gì và nên tránh các công việc nào là những thông tin chính mà JobOKO muốn giới thiệu cùng bạn. Hãy cố gắng hình dung rõ nhất về lộ trình sự nghiệp của mình, chuẩn bị sẵn sàng và thành công bạn nhé. JobOKO cổ vũ bạn!
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.