Bí quyết trả lời câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh

Tác giả: Ngô Hải Yến

Thực tập là cơ hội giúp sinh viên rèn luyện, phát triển bản thân trong môi trường làm việc thực tế. Tuy nhiên, với tỷ lệ cạnh tranh cao, các bạn sinh viên phải biết cách xin thực tập hiệu quả và chứng minh được năng lực và có sự thể hiện nổi bật trong vòng phỏng vấn. Trong bài viết dưới đây, JobOKO sẽ hướng dẫn bạn cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Các loại câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh

Câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh được chia làm 3 nhóm:

- Nhóm câu hỏi về thông tin cá nhân.

- Nhóm câu hỏi liên quan đến vị trí ứng tuyển, công ty.

- Nhóm câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng.

Qua các câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn:

- Nắm thông tin cơ bản và một số thông tin khác không có trong CV.

- Đánh giá mức độ nhận thức về bản thân, công việc và hiểu biết về công ty.

- Hiểu thêm mục tiêu, định hướng, sự đam mê, nhiệt huyết với công việc.

Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ xác định được mức độ phù hợp giữa ứng viên với vị trí công việc thực tập và văn hóa công ty.

câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh, những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn thực tập

Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn thực tập

Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn thực tập sinh, các bạn sinh viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn thực tập và hướng dẫn trả lời chi tiết từ JobOKO. Hãy tham khảo để tự tin hơn trong phỏng vấn bạn nhé.

1. Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình

Bạn hãy nêu một cách ngắn gọn về thông tin cá nhân: học vấn, ưu điểm, sở thích,... Chú ý nêu bật những điểm khác biệt của bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Ví dụ: "Em tên là Nguyễn Văn A, sinh viên năm 4 chuyên ngành Kinh tế trường Đại học B. Vốn là người có khả năng nói và xử lý tình huống khá nhanh nhạy, em yêu thích những công việc liên quan đến giao tiếp, đàm phán hay thuyết phục. Em cũng có khả năng thích nghi nhanh với môi trường mới, kết nối tốt với mọi người. Vì vậy, em mong muốn có cơ hội được thử sức ở vị trí Thực tập sinh Kinh doanh của công ty."

Một phần giới thiệu bản thân cho thực tập sinh tốt không chỉ giúp tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn khiến bạn trở nên thoải mái, tự tin hơn khi trả lời những câu hỏi tiếp theo trong phỏng vấn.

Thực tập sinh giới thiệu bản thân sao cho cuốn hút trong phỏng vấn?

Xem đi chờ chi

2. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?

- Về điểm mạnh: Bạn nên đưa ra 3 điểm mạnh nổi bật nhất của bản thân có liên quan đến công việc ứng tuyển thực tập. Sau đó, hãy minh chứng bằng kết quả học tập, hoạt động hay từ công việc làm thêm,... để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Ví dụ:

3 điểm mạnh nổi bật nhất ở em là:

Thứ nhất, em có khả năng viết lách: Em từng là Trưởng ban nội dung trong CLB Truyền thông của trường và 6 tháng làm cộng tác viên viết content cho công ty thực phẩm.

Thứ hai, em có kỹ năng truyền đạt thông tin tốt: Em thường đảm nhận vai trò thuyết trình khi hoạt động nhóm. Bài thuyết trình của em thu hút sự tương tác của người nghe, được thầy cô đánh giá tốt.

Thứ ba, em là người có tinh thần trách nhiệm cao: Khi đảm nhận vị trí trưởng nhóm trong học tập, em chịu trách nhiệm phân chia công việc và theo dõi sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên. Kết quả nhóm em thường đạt điểm số cao và em được các bạn rất tin tưởng.

- Về điểm yếu: Khi trả lời điểm yếu của bản thân, bạn có thể thẳng thắn thừa nhận điểm yếu có liên quan đến công việc hoặc trình bày các điểm yếu không liên quan đến công việc. Nhưng điều quan trọng, bạn phải nêu rõ hướng khắc phục và khả năng cải thiện điểm yếu ấy của bạn.

Ví dụ:

Em là người có tính hay quên. Vậy nên, thỉnh thoảng, có một vài nhiệm vụ nhỏ bị bỏ sót, khi nhớ ra thì vội vàng thực hiện dẫn đến kết quả không tốt. Em đã bắt đầu thay đổi điều này từ 3 tháng bằng cách thực hiện viết To-do-list, ghi chú lại các công việc mình cần làm theo ngày, theo tuần. Điều này giúp em dễ dàng quản lý thời gian cũng như các việc mình cần làm một cách tốt hơn.

Đừng ngại đối diện khi được hỏi về khuyết điểm của bản thân. Một ứng viên có khả năng tự nhận thức và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân sẽ khiến nhà tuyển dụng phải chú ý.

Xóa tan nỗi lo khi gặp câu hỏi: "Khuyết điểm của bạn là gì?"

Xem đi chờ chi

3. Tại sao bạn lựa chọn thực tập tại công ty chúng tôi?

Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn cần tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển và các thông tin về công ty khi tìm nơi thực tập như: số năm hoạt động, sản phẩm dịch vụ, môi trường làm việc, văn hóa công ty,... Vận dụng thông tin tìm hiểu được để nêu lên điểm chung giữa mục tiêu, định hướng của bạn với công ty. Đặc biệt, hãy nhấn mạnh khát vọng, mong muốn được làm việc tại công ty đó.

Ví dụ:

Qua quá trình tìm hiểu, em được biết công ty là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, với hơn 20 năm hình thành và phát triển, ghi dấu ấn bởi các giải thưởng uy tín. Là một người có niềm đam mê sâu sắc với lĩnh vực truyền thông, em nhận thấy đây chính là cơ hội để em được rèn luyện, học hỏi những kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, em rất ấn tượng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đề cao sự sáng tạo và khác biệt ở công ty. Em rất mong muốn được trở thành Thực tập sinh của công ty. Em sẽ nỗ lực hết sức trong 6 tháng để có cơ hội trở thành nhân viên chính thức, cống hiến, đem đến những giá trị cho công ty.

4. Tại sao bạn lựa chọn vị trí này để thực tập?

Trước tiên, hãy xác định rõ đam mê, mục tiêu, định hướng của bạn khi làm việc tại vị trí này. Sau đó chỉ ra những điểm cho thấy sự phù hợp giữa bạn với vị trí: kinh nghiệm, kỹ năng, phẩm chất,...

Ví dụ:

Em có niềm đam mê với nghề nhân sự và rất mong muốn có thể đi sâu trong ngành, vì thế em đã ứng tuyển vào công ty vị trí Thực tập sinh Tuyển dụng nhằm học hỏi các kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Là một người năng động, thích giao tiếp, có khả năng quan sát và thích ứng nhanh với môi trường, em có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà quản lý giao phó nếu như được trở thành một phần của công ty.

5. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Bạn có thể đưa ra các câu hỏi ngược lại nhà tuyển dụng xoay quanh vị trí công việc, công ty. Tuy nhiên, bạn không nên hỏi những câu quá cơ bản, có thể tự tìm kiếm thông tin.

Ví dụ:

- Ngoài những thông tin trong JD, anh/ chị có thể tiết lộ thêm cho em về yêu cầu kỹ năng của vị trí này được không?

- Anh/chị có thể cho em biết thêm về lộ trình thực tập vị trí này không ạ?

- Vì là lần đầu phỏng vấn nên em còn nhiều thiếu sót. Em mong nhận được những nhận xét từ phía anh chị để rút kinh nghiệm ạ.

Trên đây là nội dung hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn cho vị trí Thực tập sinh. Mong rằng các bạn sinh viên sẽ có thêm những kinh nghiệm hữu ích cho buổi phỏng vấn. Chúc các bạn thành công!

Tác giả

Ngô Hải Yến

Lĩnh vực: Tuyển dụng, nhân sự

Biên tập nội dung bài viết phân tích chuyên sâu về lĩnh vực tuyển dụng nhân sự

Mình luôn muốn được sống, trải nghiệm, viết và chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình đến mọi người.

Giải thưởng của chúng tôi: