Có thể xin việc vào đâu với tấm bằng Cử nhân ngành Công nghệ sinh học?
Công nghệ sinh học tác động tới nhiều mặt của đời sống, vô số sản phẩm xung quanh chúng ta đều được nghiên cứu và phát triển từ những tiến bộ của lĩnh vực này như mĩ phẩm, thực phẩm... Tuy nhiên, trước đây chưa có nhiều người hiểu về ngành này, cảm thấy khá phức tạp và không dễ học, không dễ thi, ra trường cũng lo không biết xin việc vào đâu. Thế nhưng, với tấm bằng Cử nhân Công nghệ sinh học, bạn sẽ có vô số lựa chọn nghề nghiệp.
MỤC LỤC:
I. Cơ hội việc làm chuyên về nghiên cứu cho Cử nhân Công nghệ sinh học
II. Một số công việc khác dành cho Cử nhân Công nghệ sinh học
Tốt nghiệp Cử nhân ngành Công nghệ sinh học ra làm gì?
I. Cơ hội việc làm chuyên về nghiên cứu cho Cử nhân Công nghệ sinh học
1. Chuyên viên công nghệ sinh học
Một trong những lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên cho Cử nhân ngành Công nghệ sinh học là xin việc Chuyên viên công nghệ sinh học. Bạn có thể làm việc ở trong các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản, trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm sinh học, vi sinh... Mức lương trung bình của vị trí này là khoảng trên 10 triệu/tháng và bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm làm việc.
2. Kỹ sư điều hành sản xuất
Bên cạnh đó, nhiều bạn học Công nghệ sinh học cũng cân nhắc trở thành Kỹ sư điều hành sản xuất. Vai trò này thường phụ trách quản lý và đảm bảo chất lượng trong các nhà máy sản xuất dược phẩm hoặc thực phẩm - không chỉ thiên về nghiên cứu, bạn cũng sẽ tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật cho các hệ thống và quy trình chế biến. Lương của Kỹ sư điều hành sản xuất trung bình là từ 10 - 15 triệu/tháng.
3. Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm
Trở thành Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm hay Chuyên viên xét nghiệm trong các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, trung tâm y khoa cũng có thể là lựa chọn cho bạn, nhất là khi mới ra trường. Những kiến thức và kỹ năng được học từ trường đại học đủ để bạn làm tốt các công việc ở vị trí này và nhận mức lương từ 6 - 8 triệu/tháng.
4. Kỹ thuật viên sinh học
Kỹ thuật viên sinh học hay còn được biết đến là trợ lý phòng thí nghiệm; áp dụng các kỹ năng và kỹ thuật có được từ quá trình học tập, nghiên cứu vào quá trình thực nghiệm. Họ phải đảm bảo các thí nghiệm được thực hiện với độ chính xác cao. Sau đó, kỹ thuật viên sinh học sẽ ghi lại kết quả thí nghiệm và tính toán các số liệu để lập báo cáo.
Các sinh viên mới tốt nghiệp nếu không muốn tiếp tục học cao học có thể thử sức với các vị trí kỹ thuật viên hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu ở các trường y, cơ quan chính phủ, các trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận hoặc các tập đoàn y dược, công nghệ sinh học.
Mức lương trung bình của kỹ thuật viên sinh học là 11 triệu đồng/tháng, trong đó mức thu nhập cao nhất đạt tới 17 triệu đồng/tháng.
Đọc thêm: Công nghệ sinh học - Hướng đi mũi nhọn trong cuộc cách mạng 4.0
5. Nhà hóa sinh
Nhà hóa sinh giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nghiên cứu y sinh. Nhờ có quá trình học tập và nghiên cứu sinh học, nhà hóa sinh có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để lên ý tưởng và thực hiện các thí nghiệm nhằm mục đích phát triển sản phẩm mới.
Để hiểu được tác động của các loại thuốc và các giải pháp công nghệ sinh học đối với cơ thể con người, nhà hóa sinh cũng cần có kiến thức về giải phẫu và sinh lý học. Một số kỹ năng mềm hỗ trợ cho các nhà hóa sinh trong quá trình làm việc khác bao gồm kỹ năng viết lách tốt và thuyết trình.
Các nhà tuyển dụng thường yêu cầu các ứng viên ứng tuyển vị trí này phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Mức lương trung bình của nhà hóa sinh là 40 triệu đồng/tháng.
Ngành Công nghệ sinh học mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn
6. Nhân viên tư vấn di truyền
Nhân viên tư vấn di truyền đánh giá cấu trúc gen của khách hàng và trao đổi với họ về các nguy cơ truyền bệnh hoặc khuyết tật di truyền cho các thế hệ sau. Họ cũng có thể tư vấn cho những người đang quan tâm đến khả năng xuất hiện các triệu chứng rối loạn di truyền về sau.
Nhân viên tư vấn di truyền phải có bằng thạc sĩ ngành sinh học. Họ cũng cần đến khả năng trình bày để giải thích các thuật ngữ khoa học một cách đơn giản và dễ hiểu cũng như đánh giá các khả năng có thể xảy ra dựa trên khuynh hướng di truyền của người bệnh.
Mức lương trung bình của nhân viên tư vấn di truyền là 25 triệu đồng/tháng.
II. Một số công việc khác dành cho Cử nhân Công nghệ sinh học
1. Chuyên viên truyền thông sức khỏe
Chuyên viên truyền thông sức khỏe chịu trách nghiệm giáo dục công đồng về các vấn đề sức khỏe như các bệnh truyền nhiễm, cách bảo vệ sức khỏe, các lối sống lành mạnh,...
Khi làm việc cho các bệnh viện hoặc các công ty y tế, chăm sóc sức khỏe, các chuyên viên truyền thông cũng sẽ phụ trách điều phối các chiến dịch truyền thông, tiếp thị của tổ chức và đảm bảo các chương trình có sự tham gia của cộng đồng.
Do thường phải tổ chức các buổi thảo luận liên quan đến sức khỏe và bệnh tật với số lượng lớn người tham dự, các chuyên viên truyền thông sức khỏe cần có kỹ năng viết lách, giao tiếp và tương tác tốt với xã hội.
Điều kiện tối thiểu để trở thành chuyên viên truyền thông sức khỏe là ứng viên đã tốt nghiệp đại học. Tấm bằng cử nhân ngành công nghệ sinh học sẽ là nền tảng vững chắc cho bạn bởi so với các ứng viên khác, bạn đã có những kiến thức cần thiết về y tế và sức khỏe.
Mức lương trung bình của chuyên viên truyền thông sức khỏe là 12 triệu đồng/tháng.
2. Giáo dục sức khỏe
Những người làm trong mảng giáo dục sức khỏe phụ trách giảng dạy, hướng dẫn mọi người về các phương pháp giúp nâng cao và cải thiện sức khỏe. Họ cần có khả năng đọc hiểu các thông tin phức tạp và các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cũng như khả năng đánh giá nhu cầu của các đối tượng để thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp.
Họ cũng thường viết về các chủ đề như dinh dưỡng, quan hệ tình dục an toàn, lạm dụng chất kích thích, giải tỏa căng thẳng. Do đó họ cũng cần có kỹ năng viết lách và truyền đạt thông tin. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng đối với những người làm trong mảng giáo dục sức khỏe.
Mức lương trung bình của những người làm trong mảng giáo dục sức khỏe là 10 triệu đồng/tháng.
3. Nhân viên bán dược phẩm/sản phẩm y tế
Công việc của nhân viên họ là bán các thiết bị, dụng cụ y tế, sản phẩm công nghệ, các loại thuốc cho các bệnh viện, phòng khám và các hoạt động khác. Họ phải có kiến thức sâu rộng về hóa học, sinh lý học để có thể trình bày đặc điểm và ảnh hưởng của các loại thuốc mới đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhân viên bán dược phẩm/sản phẩm y tế cũng cần có kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội.
Để trở thành nhân viên bán dược phẩm/sản phẩm y tế, ứng viên cần có bằng cử nhân đại học. Mức lương trung bình có thể lên đến 35 triệu đồng/tháng.
4. Trợ lý bác sĩ và điều dưỡng
Với tầm bằng Cử nhân ngành công nghệ sinh học, bạn có thể ứng tuyển các vị trí trợ lý bác sĩ hoặc điều dưỡng viên. Cả hai công việc này đều có nhu cầu tuyển dụng khá cao.
Trợ lý bác sĩ và điều dưỡng viên phải có hiểu biết sâu sắc về hệ thống sinh học, cơ thể và sinh lý của con người để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe. Các kiến thức về công nghệ sinh học sẽ giúp ích cho họ trong việc tìm hiểu, phân tích các nghiên cứu về phương pháp chữa trị và các loại thuốc mới nhất.
Trợ lý bác sĩ và điều dưỡng viên phải luôn có tinh thần học hỏi và khả năng ghi nhớ các thuật ngữ khoa học, y tế. Bên cạnh đó, các ứng viên muốn ứng tuyển cho các vị trí này cũng cần có bằng thạc sĩ.
Mức lương trung bình của trợ lý bác sĩ và điều dưỡng viên là 10 triệu đồng/tháng.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Công nghệ sinh học tương đối cao
5. Quản lý dịch vụ y tế
Công việc quản lý dịch vụ y tế yêu cầu ứng viên phải làm việc với các chuyên gia sức khỏe về các thủ tục và chính sách khoa học. Họ phải có khả năng giải thích các quy định khoa học liên quan đến dịch vụ y tế và sửa đổi các dịch vụ cho phù hợp.
Họ cũng là người tuyển dụng, giám sát và đánh giá các chuyên gia sức khỏe và các nhà nghiên cứu. Để có thể đánh giá chính xác, họ cần có kiến thức chuyên ngành cũng như những hiểu biết về quá trình làm việc của nhân viên.
Mức lương trung bình của nhân viên quản lý dịch vụ y tế là 22 triệu đồng/tháng.
Cơ hội việc làm dành cho những người tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học khá rộng mở. Bạn không chỉ có thể làm việc trong lĩnh vực y tế, sức khỏe mà còn có thể chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như truyền thông hay giáo dục. Cho dù theo học ngành nghề nào, chỉ cần có kiến thức và kỹ năng làm việc tốt, bạn sẽ tìm được những công việc phù hợp với mình.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.