Cách trả lời phỏng vấn khi nhà tuyển dụng hỏi: "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?"
MỤC LỤC:
1. Lý do nhà tuyển dụng hỏi ứng viên "còn câu hỏi nào nữa không?"
2. Số lượng câu hỏi ngược nên đặt cho nhà tuyển dụng
3. Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?"
4. Gợi ý các câu hỏi hay nhất ứng viên nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng
5. Những câu hỏi tuyệt đối không nên đề cập
6. Một số nguyên tắc khi trả lời câu hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?"
1. Lý do nhà tuyển dụng hỏi ứng viên "còn câu hỏi nào nữa không?"
Đầu tiên, để hiểu đúng câu hỏi và có cách phản ứng phù hợp, bạn sẽ cần biết rõ lý do cũng như "mục đích" nhà tuyển dụng hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?". Những nguyên nhân chính là vì họ muốn:
- Đánh giá sự chuẩn bị và tập trung của ứng viên.
- Tìm hiểu khả năng phản ứng, giao tiếp.
- Trao cơ hội cuối cùng cho bạn thể hiện sự quan tâm tới cơ hội việc làm.
- Ứng viên có điều kiện để được chủ động tìm hiểu nguồn tin chính thức nhất về công việc, công ty, môi trường,...
Khi đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng, ứng viên cần chuẩn bị, thiết kế các câu hỏi để thể hiện được bản thân và "bắt" đúng kỳ vọng của nhà tuyển dụng.
Đọc thêm: Ứng viên có nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn không?
2. Số lượng câu hỏi ngược nên đặt cho nhà tuyển dụng
Như đã đề cập, trong suốt cuộc phỏng vấn thì dù đa số là nhà tuyển dụng đặt câu hỏi nhưng chắc chắn sẽ có những thời điểm bạn có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đến cuối buổi trao đổi, khi nhà tuyển dụng hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?", hoặc "Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?" thì đó mới là thời điểm ứng viên "chính thức" có thể đặt ra các câu hỏi, đề cập đến thông tin mà bạn muốn biết từ nhà tuyển dụng.
Số lượng câu hỏi bạn nên chuẩn bị và hỏi và từ 2 - 3 câu. Không hỏi hoặc chỉ hỏi 1 câu thì sẽ là quá ít và tạo cảm giác là bạn cũng không mấy hứng thú với công việc, trong khi hỏi nhiều hơn sẽ bị quá tải, khiến nhà tuyển dụng cảm thấy dồn dập (và chưa chắc hỏi nhiều thì bạn sẽ có thể hỏi đúng trọng tâm).
Đọc thêm: Phỏng vấn ngược là gì? Một số câu phỏng vấn ngược thông minh?
3. Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?"
3.1. Có sự chuẩn bị
Trả lời câu hỏi phỏng vấn hay đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng đều cần bạn chuẩn bị sẵn - tìm hiểu bộ câu hỏi phỏng vấn (theo vị trí việc làm, ngành nghề), tập trả lời sao cho đáp án hợp lý, ấn tượng và liệt kê những thông tin bạn muốn hỏi (cũng như phù hợp để hỏi) sẽ giúp tổng thể buổi phỏng vấn suôn sẻ, như ý.
Cách chuẩn bị cho câu hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?" gồm:
- Xác định rằng hầu hết nhà tuyển dụng đều sẽ đặt câu hỏi này.
- Liệt kê những nội dung bạn muốn hỏi.
- Lựa chọn thông tin bạn cho là nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lời và điều chỉnh cách diễn đạt để câu hỏi tự nhiên nhưng vẫn lịch sự, chuyên nghiệp.
3.2. Chờ đến đúng thời điểm
Tiếp theo đó, bạn cần xác định rằng không phải cứ có sẵn những câu hỏi muốn hỏi thì vừa bắt đầu phỏng vấn hoặc giữa buổi trò chuyện bạn bất ngờ ngắt lời nhà tuyển dụng và hỏi đủ thứ "trên trời dưới đất". Trong trường hợp nào cũng vậy, việc bạn chờ đến đúng thời điểm để hỏi và trả lời sẽ luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao về mức độ chuyên nghiệp và phản hồi của họ cũng sẽ tích cực hơn.
Về thời điểm hỏi ngược lại nhà tuyển dụng, bạn cần chú ý:
- Ưu tiên các câu hỏi quan trọng hơn để hỏi ngay trong quá trình phỏng vấn.
- Chỉ đặt thêm câu hỏi khi ở cuối buổi phỏng vấn và nhà tuyển dụng hỏi "Bạn còn câu hỏi gì nữa không?".
Ngoài ra, ứng viên cũng cần chú ý thái độ, cách phản ứng khi nhà tuyển dụng hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?". Nếu bạn bình tĩnh và hỏi một cách lịch thiệp thì hiệu quả sẽ tốt hơn là bạn "hấp tấp", vội vàng hỏi liên tục hoặc ngập ngừng, nói không rõ ràng.
3.3. Đặt các câu hỏi "đắt giá", phù hợp
Đây là phần quan trọng nhất trong hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?". Quá trình chuẩn bị của bạn dù tốt bao nhiêu nhưng nếu không thể hiện tốt khi chính thức đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng thì mọi sự sẵn sàng trước đó đều không có mấy giá trị. Đối với các câu hỏi nên dùng để hỏi ngược lại nhà tuyển dụng, bạn nên:
- Đặt câu hỏi liên quan tới công việc, công ty, quy trình tuyển dụng.
- Đặt câu hỏi khéo léo, không quá trực tiếp nhưng cũng không quá vòng vo.
- Kiên nhẫn lắng nghe câu trả lời.
- Chỉ tiếp tục hỏi sau khi bạn chắc chắn rằng nhà tuyển dụng đã trả lời xong câu hỏi trước đó.
4. Gợi ý các câu hỏi hay nhất ứng viên nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng
Nếu như bạn vẫn chưa hình dung chính xác các kiểu câu hỏi nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng thì hãy tham khảo các gợi ý câu hỏi sau đây của JobOKO nhé:
- Về công việc: Hỏi về công việc là ý tưởng tuyệt vời, nhưng bạn cần tránh không khỏi thông tin đã có trong mô tả công việc. Các câu hỏi bạn có thể sử dụng gồm có "Em đã đọc JD và thấy rằng công việc yêu cầu cao ở tính chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, khi mới nhận việc thì em có được dẫn dắt, hướng dẫn không ạ?", "Em muốn hỏi là, với vị trí công việc này, yêu cầu bắt buộc là khả năng làm việc nhóm. Vậy công ty mình có những 'thước đo' nào để đánh giá bộ kỹ năng mềm, kỹ năng teamwork của nhân viên ạ?",...
- Về công ty, môi trường làm việc: "Ở môi trường văn phòng, công ty khuyến khích nhân sự thường xuyên tương tác, teamwork hay đề cao khả năng làm việc độc lập ạ?", "Em đã tìm hiểu và thấy công ty có định hướng mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài, vậy nếu trở thành nhân viên chính thức thì em có cơ hội đi công tác hoặc chuyển đến các văn phòng, chi nhánh đại diện ở quốc gia khác không ạ?,... là kiểu câu hỏi khác mà bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng.
- Cơ hội tham gia chương trình đào tạo, cơ hội thăng tiến: "Công ty mình có chương trình đào tạo cho nhân viên mới không ạ?", "Công ty có tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các chương trình học nâng cao chuyên môn, tay nghề không ạ?", "Anh/ chị có thể tiết lộ với em một chút về cơ hội thăng tiến của vị trí [tên vị trí] này không ạ?",...
- Kỳ vọng của nhà tuyển dụng đối với một ứng viên xuất sắc: "Anh/ chị có đánh giá sơ bộ thế nào về buổi phỏng vấn với em ạ/ Liệu khả năng em trúng tuyển có cao không ạ?", "Ngoài các tiêu chí trên JD, anh/ chị có yêu cầu nào khác với ứng viên vị trí này không ạ?",...
- Hỏi về quy trình tuyển dụng: "Không biết khi nào thì có kết quả phỏng vấn vị trí này ạ?", "Sau buổi phỏng vấn hôm nay, công ty có tổ chức vòng phỏng vấn nào nữa không ạ?",...
Lưu ý: Bạn không nên hỏi cả 2, 3 câu hỏi ngược đều về một chủ đề, hãy có sự kết hợp để khai thác được nhiều thông tin hữu ích hơn nhé.5. Những câu hỏi tuyệt đối không nên đề cập
Bên cạnh những nội dung, câu hỏi nên hỏi thì cũng có những câu hỏi được cho là nhạy cảm hoặc "kém duyên" mà trong vai trò ứng viên, bạn không bao giờ nên đề cập đến, như:
- Hỏi thông tin cá nhân của người phỏng vấn.
- Hỏi về lương, thưởng, chế độ.
- Hỏi về các vấn đề giới tính, tôn giáo trong công ty.
- Câu hỏi về các thông tin đã có trong JD hoặc dễ dàng thấy trên website, fanpage,...
- Câu hỏi nhạy cảm về các "phốt", đánh giá tiêu cực về công ty trên internet.
Ngay cả khi bạn thực sự tò mò thì rõ ràng, bạn có thể tìm hiểu qua các kênh khác, tra cứu trên internet hoặc có những "vấn đề" không đáng kể thì khi trở thành nhân viên chính thức bạn sẽ tự mình trải nghiệm. Vì thế, sẽ không hay nếu ngay từ đầu bạn đã để lại ấn tượng tiêu cực cho nhà tuyển dụng vì đặt câu hỏi quá thẳng thắn, có phần bất lịch sự.
6. Một số nguyên tắc khi trả lời câu hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?"
Việc phản hồi lại câu hỏi phỏng vấn "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?" có thể ít nhiều khác nhau giữa mỗi ứng viên cũng như cần được điều chỉnh dựa theo công việc, ngành nghề cụ thể của bạn. Dù thế, một vài nguyên tắc cơ bản sau đây sẽ đảm bảo bạn đi đúng hướng và thể hiện xuất sắc ngay cả ở thời điểm cuộc phỏng vấn sắp kết thúc:
- Tránh đặt quá nhiều câu hỏi.
- Nên đặt câu hỏi ngắn gọn, đơn giản nhưng khai thác được nhiều thông tin.
- Không hỏi quá phức tạp hoặc các câu hỏi trả lời "Có" hoặc "Không".
Phỏng vấn là một "sự kiện" quan trọng cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng, mà trong đó sự chuẩn bị, bắt đầu và suốt quá trình cho tới khi kết thúc đều cần chỉn chu. Khi nhà tuyển dụng hỏi "Bạn còn câu hỏi nào nữa không?", hãy chắc chắn bạn đã có sự chuẩn bị và trau chuốt cho cả nội dung cũng như cách hỏi nhé.