Cách viết CV xin học bổng
Cách viết CV xin học bổng có phần giống và cũng có nhiều phần khác đối với CV ứng tuyển vào các vị trí việc làm. Do đó, việc của bạn là phải biết cách điều chỉnh để CV của mình phù hợp nhất với mục tiêu xin học bổng, nhấn mạnh được vào các phần trọng tâm mà "nhà tuyển dụng" ở đây là các trường học, tổ chức tài trợ học bổng sẽ quan tâm, đánh giá cao. Cùng tìm hiểu cách viết CV xin học bổng chuẩn nhất với JobOKO qua nội dung sau đây bạn nhé.
MỤC LỤC:
I. Có các kiểu CV xin học bổng nào? Khác gì với CV xin việc làm?
II. Về hình thức, bố cục của CV xin học bổng
III. Cách xác định thông tin bắt buộc phải có trong CV xin học bổng
IV. Cách viết CV xin học bổng chuẩn nhất
V. Lưu ý khác khi viết CV xin học bổng
CV xin học bổng bao gồm những loại nào? cách viết ra sao?
I. Có các kiểu CV xin học bổng nào? Khác gì với CV xin việc làm?
Khi nói đến CV xin học bổng, chúng ta cần hiểu rõ rằng vẫn là xin học bổng nhưng sẽ có nhiều kiểu CV khác nhau tùy theo loại học bổng bạn muốn có được, cơ bản nhất sẽ là:
- CV xin học bổng du học.
- CV xin học bổng cao học.
- CV xin học bổng thông thường (học bổng trường, học bổng doanh nghiệp, tổ chức,...).
Về cơ bản, CV xin học bổng vẫn là tài liệu để ứng viên giới thiệu chi tiết và đầy đủ nhất về bản thân và có mục đích trình bày, đề nghị và chứng minh vì sao bạn là ứng viên xứng đáng được nhận học bổng đó. So sánh với CV xin việc thông thường thì điểm giống là bạn phải viết các thông tin chính xác và thể hiện hình ảnh cá nhân tích cực nhưng điểm khác lại ở chỗ các điểm nhấn trong CV sẽ không phải là kinh nghiệm làm việc thông thường (casual jobs) mà chủ yếu là kinh nghiệm về học thuật, nghiên cứu hoặc các công việc chuyên môn (professional jobs).
Hơn thế nữa, phần mục tiêu hoặc kỹ năng cũng sẽ phải được điều chỉnh, cụ thể thì JobOKO sẽ hướng dẫn chi tiết bạn ở phần cách viết CV xin việc học bổng sau đây nhé.
Một lưu ý khác là rất nhiều CV xin học bổng được viết bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác nếu bạn học tiếng Nhật, Hàn, Trung, Đức... và xin học bổng tại quốc gia của họ thì có thể dùng chính ngôn ngữ đó để thêm thuyết phục. Trong bài viết này, JobOKO chủ yếu hướng dẫn bạn cách viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Đọc thêm: Cách viết CV xin vào Câu Lạc Bộ
II. Về hình thức, bố cục của CV xin học bổng
Xét về mặt tổng thể thì hình thức của CV xin học bổng gần như tương tự với CV xin việc thông thường nhưng khi đi vào chi tiết thì bạn sẽ thấy được rằng các phần (ở đây là tiêu đề từng phần chính) trong CV sẽ hơi khác một chút. Ví dụ, bạn có thể viết cả Work Experiences (kinh nghiệm làm việc) và Research Experiences (kinh nghiệm nghiên cứu).
Nói cách khác, khi thiết kế, chọn mẫu CV xin học bổng thì bạn cần ghi nhớ nguyên tắc là đơn giản nhưng đầy đủ các phần thông tin chính, bố cục nên rõ ràng, tốt nhất là theo chiều dọc viết từ trên xuống dưới để dễ theo dõi các phần. Nhìn chung, CV xin học bổng thì không cần quá màu mè mà nên tối giản (áp dụng cho hầu hết các ngành trừ thiết kế, kiến trúc hay truyền thông, tiếp thị).
Hướng dẫn cách viết CV xin học bổng chuyên nghiệp
III. Cách xác định thông tin bắt buộc phải có trong CV xin học bổng
Bạn có thể cảm thấy rằng tất cả các thông tin trong CV xin học bổng đều cần thiết và quan trọng, thế nhưng, hãy hình dung như một bản nghiên cứu thì luôn có vấn đề trọng tâm đặt ra và cách giải quyết, mục tiêu nghiên cứu cũng rất quan trọng. Đối với CV xin học bổng, thông tin bạn đề cập tới, nhấn mạnh tới phải đáp ứng tiêu chí là thông tin mà "nhà tuyển dụng" - đơn vị cấp học bổng cho bạn quan tâm nhất. Và thực tế là, nếu bạn không thể thể hiện được thế mạnh của mình thì tổng thể bản CV cũng không có nhiều giá trị.
Về cơ bản, thông tin bắt buộc phải có và phải được nhấn mạnh trong toàn bộ CV xin học bổng là thành tích học tập, nghiên cứu, các dự án nghiên cứu nổi bật nhất của bạn. Hoạt động ngoại khóa, các chứng chỉ và giải thưởng cũng là những phần bạn nên chú ý.
IV. Cách viết CV xin học bổng chuẩn nhất
CV xin học bổng cần có và cần được nhấn mạnh, viết đầy đủ và ấn tượng các nội dung chính sau đây?
1. Thông tin cá nhân trong CV xin học bổng (Personal Information)
Ở phần đầu tiên của CV xin học bổng là phần thông tin cá nhân. Khi viết phần này, các bạn cần lưu ý tới những yếu tố như sau:
- Hình ảnh đại diện của CV: Nên là ảnh chân dung tự nhiên, nhìn rõ mặt, tốt nhất là tươi tắn nhưng vẫn lịch sự. Nếu bắt buộc thì bạn có thể dùng "tạm" ảnh thẻ thay vì dùng ảnh tự sướng (ảnh selfie thì gần như chắc chắn sẽ khiến bạn bị đánh trượt).
- Viết đúng, đủ các thông tin cá nhân trong CV: Họ tên (nếu CV tiếng Anh nhớ viết hoa, không dấu), ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại và email.
- Nếu xin học bổng nước ngoài thì liên hệ chính thức đều qua email nên phải đảm bảo địa chỉ email là chính xác.
- Email nghiêm túc, tốt nhất là gồm tên họ để dễ nhớ, dễ phân biệt, đặc biệt tránh địa chỉ email trẻ con, có từ bậy hoặc ý nghĩa tiêu cực.
2. Học tập (Education and Achievements)
Tiêu chí đánh giá ứng viên xin học bổng phần lớn dựa vào kết quả, thành tích học tập. Nói đơn giản, ứng viên khác có điểm trung bình học tập 3.9 mà bạn chỉ có 3.2 thì bạn rất khó để mà so sánh và có cơ hội được trao học bổng.
Cách viết CV xin học bổng ở phần học tập như sau:
- Viết rõ tên trường, tên ngành (hoặc khoa) - nếu viết bằng tiếng Anh thì phải đảm bảo đúng với tên trường dịch ra chính thức (không tự "nghĩ" ra tránh trường hợp dịch sai).
- Bao gồm GPA (trung bình học tập) tính đến thời điểm hiện tại (khi bạn đang đi học) hoặc GPA tốt nghiệp đại học kèm xếp loại.
- Nếu bạn học các chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) hay chuẩn quốc tế (International Standard) thì nhất định phải đề cập đến ở phần này. Thông tin này giúp gia tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ xin học bổng của bạn, đặc biệt là khi xin học bổng du học nước ngoài. Ví dụ bạn viết Major: Marketing (International Standard).
- Nhất định không được viết sai, viết thiếu, không đúng sự thật vì bạn sẽ phải gửi kèm cả bảng điểm photo có công chứng.
Viết các phần trong CV xin học bổng thế nào mới chuẩn?
3. Kinh nghiệm làm việc/ Kinh nghiệm nghiên cứu (Work Experience/ Research Experience)
Kinh nghiệm trong CV xin học bổng thực tế là một phần khó viết, dù bạn xin học bổng nhận hỗ trợ tiền học phí hay học bổng thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài. Các trường hợp cụ thể được phân ra như sau:
- Xin học bổng khi còn là học sinh, sinh viên: Lúc này, có thể nói các kinh nghiệm của bạn đều là kinh nghiệm học tập, nghiên cứu do đó hãy cứ tập trung vào kinh nghiệm đó. Nếu bạn có đi làm thêm trong những vai trò không liên quan, chẳng hạn học CNTT nhưng đi làm part time vị trí nhân viên phục vụ thì có thể không ghi vào vì nhìn chung không có giá trị tham khảo gì nhiều. Dĩ nhiên, trường hợp bạn nhận các dự án lập trình thì có thể chia sẻ nhé.
- Xin học bổng khi học sau đại học: Hầu hết các trường cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, thạc sĩ đều yêu cầu ứng viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu đúng ngành nghề. Vì vậy, một khi đã có "ý định" xin cấp học bổng từ trước thì chắc hẳn bạn đã chuẩn bị rồi.
Bạn chỉ cần viết vào CV các kinh nghiệm của mình, tốt nhất là có thể chia nhỏ thành 2 phần rõ ràng là kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm nghiên cứu.
4. Mục tiêu học tập/ Mục tiêu nghiên cứu (Study Goal)
Học bổng, đánh giá một cách khách quan là phần thưởng ghi nhận đối với năng lực học tập và thúc đẩy một cá nhân nỗ lực nhiều hơn để đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu, phát triển khoa học. Bạn có thể viết về định hướng nghiên cứu, học tập và quyết tâm của mình ở phần này.
5. Hoạt động ngoại khóa (Activities)
Không hẳn là tất cả các các chuyên ngành, lĩnh vực đều yêu cầu ứng viên phải là người hoạt bát hay hướng ngoại, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, về cơ bản thì đây vẫn là một yếu tố "sống còn" để chấm điểm ứng viên xem bạn có xứng đáng nhận học bổng hay không. Trường hợp 2 ứng viên có cùng điểm số, thành tích nghiên cứu tương đương thì thường là ai tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa hơn sẽ được lựa chọn.
Nguyên nhân là vì việc bạn vừa học, vừa nghiên cứu, vừa tích cực với các hoạt động bên ngoài cho thấy khả năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian, kỹ năng tổ chức và lãnh đạo, khả năng thích nghi tốt với thay đổi môi trường,...
Cách viết CV xin học bổng trong phần hoạt động là hãy chọn các hoạt động bạn tự tin nhất, tự hào nhất đã từng tham gia và ghi vào CV. Một số hoạt động phù hợp là: Là chủ nhiệm CLB, công tác trong hội sinh viên,...
Đề cập đến các hoạt động ngoại khóa rất quan trọng trong CV xin học bổng
6. Công trình nghiên cứu/ Công trình khoa học (Publications)
Có thể nói đây là một phần đặc biệt quan trọng với CV xin học bổng sau đại học. Publications sẽ gồm những công trình nghiên cứu, bài báo trên tạp chí khoa học đã được phát hành. Publications là một phần bắt buộc phải có trong CV xin học bổng tiến sĩ còn với CV xin học bổng thạc sĩ thì có thể có hoặc không.
Viết phần này, bạn cần viết rõ ràng những bài báo, nghiên cứu khoa học đã được công bố như tên, thời gian phát hành, tạp chí phát hành,...
7. Giải thưởng (Awards)
Giải thưởng trong nghiên cứu khoa học, khen thưởng sinh viên có thành tích xuất sắc, khen thưởng cán bộ đoàn hội,... đều là những thông tin giúp bạn ghi điểm khi viết CV xin học bổng. Do đó, nếu có giải thưởng thì bạn hãy ghi vào CV nhé.
8. Kỹ năng trong CV xin học bổng
Cách viết CV xin học bổng với phần kỹ năng thì cần chú ý nhiều hơn, cụ thể, bạn nên chia rõ thành các kỹ năng thuộc 3 nhóm sau:
- Kỹ năng nghiên cứu: Ví dụ như sử dụng các công cụ, phần mềm, có phương pháp nghiên cứu khoa học như thế nào. Trong những ngành cụ thể, chẳng hạn như vật lý thì cách sử dụng máy gia tốc,... có thể sẽ ý nghĩa. Bạn có thể "tranh thủ" để nhấn mạnh về kỹ năng qua những thuật ngữ chuyên ngành ở phần này.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Ngay cả khi xin học bổng tại Việt Nam ngày nay thì ngoại ngữ, cơ bản nhất là tiếng Anh cũng sẽ được yêu cầu. Thông thường, nếu có IELTS thì bạn cần từ 6.5 trở lên, còn xin học bổng sang Hàn, Nhật, Trung thì ngoại ngữ tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung có thể giúp bạn có được ưu thế. Nếu apply học bổng Mỹ thì kết quả kỳ thi GRE hay GMAT đủ điểm chuẩn trở lên là bắt buộc.
- Kỹ năng mềm: Mặc dù không có tính chất quyết định đối với kết quả xin được học bổng hay không nhưng bạn vẫn có thể đề cập tới 1 - 3 kỹ năng mềm mà mình cho là quan trọng nhất, ví dụ như khả năng làm việc dưới áp lực, giao tiếp và thuyết trình, quản lý ngân sách nghiên cứu và kỹ năng lãnh đạo.
9. Tham chiếu (Reference)
Tham chiếu thông tin trong CV xin học bổng chủ yếu là thông tin liên hệ của giảng viên hướng dẫn của bạn. Thông thường, ghi 1 - 2 tham chiếu là đủ bao gồm họ tên, chức danh, số điện thoại và email.
V. Lưu ý khác khi viết CV xin học bổng
1. Về độ dài CV xin học bổng
Cách viết CV xin học bổng có đầy đủ và khoa học đến đâu thì cũng có thể mất tác dụng nếu bạn trót viết CV của mình quá dài, lan man không ai muốn đọc. CV xin học bổng nên dài từ 2 - 4 trang là tối đa dù bạn apply học bổng du học bậc đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ.
2. Kiểm tra, soát lại thông tin CV xin học bổng trước khi gửi
CV xin học bổng không thể có lỗi, dù là một lỗi chính tả hay dấu chấm câu vì nó thể hiện sự thiếu cẩn thận của người viết. Bạn nên kiểm tra thật kỹ trước khi gửi. Trường hợp viết CV mà không thực sự tự tin với ngoại ngữ của mình thì có thể nhờ thầy cô hoặc bạn bè, thậm chí tìm đến các cơ sở dịch thuật công chứng chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Viết CV xin học bổng cần lưu ý những gì?
3. Gửi kèm CV xin học bổng với thư xin học bổng
Ngoài CV xin học bổng và hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu thì bạn cũng sẽ cần gửi thư xin học bổng. Thư này gần giống với thư xin việc, để bạn trình bày rõ ràng hơn về lý do, nguyện vọng, mong muốn được nhận học bổng. Hãy nhớ là nếu bạn viết CV bằng tiếng Anh thì thư xin học bổng cũng phải cùng là tiếng Anh.
4. Đảm bảo 100% thông tin trong CV xin học bổng là chính xác
Không khó để thấy tâm lý của rất nhiều ứng viên khi tìm việc làm là sẵn sàng nói dối hoặc nói quá một vài phần trong CV để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Ngay cả khi bạn tìm việc thì đó cũng là một chiến lược sai lầm, chưa nói tới khi xin học bổng. Các thông tin trong hồ sơ của bạn đều phải chuẩn chỉnh và có thể kiểm chứng được, do đó hãy chỉ viết thông tin chính xác.
Trên đây là hướng dẫn cách viết CV xin học bổng đầy đủ nhất, chi tiết nhất JobOKO giới thiệu đến bạn, cùng tham khảo và bắt tay vào viết cẩn thận từng phần để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.