Các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành

10/03/2023 16:08
Dù tuyển dụng bất cứ vị trí nào thì nhà tuyển dụng cũng sẽ yêu cầu ứng viên có kỹ năng chuyên môn. Thế nhưng, chính xác thì các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành là gì và nên được thể hiện thế nào trong CV ứng tuyển?
Trong khi kiến thức chuyên ngành có được từ việc học hỏi và ghi nhớ, kỹ năng là cách thức chúng ta thực hiện một hành động, giải quyết một vấn đề. Đi kèm với kiến thức, chúng ta cần kỹ năng để học tập, làm việc và thăng tiến. Hiểu đúng về kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng cần thiết cho từng ngành khác nhau, bạn có thể xin việc hiệu quả hơn, phát triển bản thân tốt hơn và thành công hơn trong sự nghiệp.

1. Kỹ năng chuyên môn là gì?

Kỹ năng chuyên môn (professional skills) là những năng lực và khả năng nghề nghiệp được sử dụng tại nơi làm việc, cần thiết cho công việc. Kỹ năng chuyên môn là sự kết hợp của cả kỹ năng cứng (chuyên môn phục vụ cho công việc cụ thể, có thể được đào tạo) và kỹ năng mềm (những đặc điểm có thể chuyển giao như đạo đức, trách nhiệm với công việc, khả năng giao tiếp và lãnh đạo,...). Chúng có thể gần với các đặc điểm tính cách hơn và khó học để thành thạo hơn.

Để thể hiện xuất sắc và thành công trong bất kỳ công việc nào, bạn cần có kỹ năng chuyên môn. Điều tốt về các kỹ năng chuyên môn là nhiều kỹ năng trong đó có thể là kỹ năng chuyển đổi. Ví dụ: nếu bạn học cách quản lý một nhóm hiệu quả, bạn có thể sử dụng các kỹ năng của mình trong vai trò lãnh đạo cho dù chức danh công việc tiếp theo của bạn là gì.

2. Các yếu tố làm nên kỹ năng chuyên môn

Kỹ năng chuyên môn là bộ kỹ năng gồm có:

- Kỹ năng cứng (kỹ năng kỹ thuật): Kiến thức, kỹ năng bắt buộc phải có cho công việc cụ thể. Ví dụ, nhân viên biên tập nội dung website cần kỹ năng viết bài chuẩn SEO, nhân viên thiết kế cần biết thiết kế bằng phần mềm/ vẽ tay, kế toán cần có nghiệp vụ kế toán để xử lý sổ sách theo quy định của pháp luật hay lập trình viên cần kỹ năng viết mã.

- Kỹ năng mềm (các kỹ năng chuyển đổi): Khác với kỹ năng cứng, các kỹ năng mềm có phần khó đo lường, đánh giá hơn nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới chất lượng công việc và cơ hội thăng tiến của bạn.

- Phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp: Ngoài ra, kỹ năng chuyên môn cũng là khái niệm đề cập tới cả phẩm chất, tố chất trong công việc của một người.

3. Xác định các kỹ năng chuyên môn giúp ích gì cho sự nghiệp?

Tìm ra kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công việc sẽ giúp bạn:

- Rõ ràng về các yêu cầu, kỳ vọng của nhà tuyển dụng, từ đó điều chỉnh CV và thể hiện tốt trong phỏng vấn, gia tăng cơ hội tìm việc thành công.

- Xác định các kỹ năng bạn có, và các kỹ năng chuyên môn còn thiếu để đầu tư học và rèn luyện.

- Chuyên nghiệp hơn, giỏi giang hơn trong công việc, có cơ hội thăng chức, tăng lương.

4. Các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành

Mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ yêu cầu kỹ năng chuyên môn khác nhau. Kỹ năng này của bạn có thể có ích cho công việc hiện tại, nhưng nếu chuyển nghề thì "chưa chắc" đã còn quan trọng và được đánh giá cao như vậy.

Khi nói đến các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành, hãy tập trung vào kỹ năng cứng - còn đối với các kỹ năng mềm, bạn hãy cùng JobOKO tìm hiểu các kỹ năng chuyển đổi cần thiết cho hầu hết các vai trò, vị trí việc làm nhé.

4.1. Kỹ năng chuyên môn cần cho tất cả các ngành nghề

- Giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp là kỹ năng chuyên môn cơ bản nhất - gồm giao tiếp bằng lời nói, bằng văn bản và cả không lời (ngôn ngữ cơ thể). Các kỹ năng giao tiếp bao gồm:

+ Trình bày thông tin, giải thích.

+ Viết email, thư tín thương mại.

+ Đề nghị được giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên.

+ Bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản đối với các ý tưởng.

+ Giải quyết tình huống phát sinh.

+ Phỏng vấn.

+ Lắng nghe

+ Đàm phán,...

- Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork): Làm việc nhóm cũng là một kỹ năng chuyên môn cần thiết vì chúng ta không thể tách biệt hay phát triển một mình, cần sự hợp tác và hỗ trợ với những người xung quanh. Các kỹ năng làm việc nhóm mà nghề nghiệp nào cũng cần là: Quản trị xung đột, giải quyết xung đột, đàm phán, xây dựng mối quan hệ, tạo đội nhóm mạnh, quản lý nhóm.

- Quản lý thời gian: Trong công việc, bạn sẽ cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau. Để đảm bảo deadline, bạn phải dựa vào kỹ năng tổ chức để sắp xếp thời gian sao cho hoàn thành từng nhiệm vụ theo thời hạn nhất định mà không cảm thấy quá tải. Những nhân viên luôn kịp deadline (thậm chí là hoàn thành sớm công việc) thường được người sử dụng lao động đánh giá là chăm chỉ hơn.

Kỹ năng quản lý thời gian thể hiện qua: Sự chú ý đến chi tiết, tham gia các cuộc họp, quản lý dự án, đúng giờ.

- Kỹ năng lãnh đạo: Bất kể bạn đóng vai trò gì tại một doanh nghiệp, tổ chức, kỹ năng lãnh đạo là rất quan trọng và quyết định khả năng thăng tiến của bạn. Những kỹ năng thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn bao gồm: Trách nhiệm giải trình, lập và quản lý ngân sách, bình tĩnh dưới áp lực, đào tạo nhân sự, điều phối nguồn lực, thiết lập mục tiêu, ra quyết định,...

- Linh hoạt: Thích ứng nhanh, kiên định nhưng cũng thực hiện các thay đổi kịp thời là kỹ năng chuyên môn được đánh giá cao trong công việc. Sự linh hoạt của một cá nhân cũng được thể hiện qua khả năng phân tích, quản lý cảm xúc, tính kiên nhẫn, biết giải quyết vấn đề hợp lý,...

- Phẩm chất cá nhân: Kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân là những kỹ năng mềm cho phép bạn làm việc tốt với đồng nghiệp, người quản lý, khách hàng, nhà cung cấp cấp,... Những phẩm chất này gồm có: Quản lý sự nghiệp, năng lực thực tiễn, sức sáng tạo, tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc (EQ), đạo đức, trung thực, tạo dựng giá trị bản thân, kiểm soát căng thẳng,...

4.2. Kỹ năng chuyên môn ngành CNTT

Các vị trí việc làm ngành CNTT gồm có: Lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kỹ thuật viên, nhân viên IT,... Những kỹ năng chuyên môn cần thiết là:

- Kỹ năng lập trình (viết code).

- Thành thạo các framework.

- Nghiên cứu, phân tích dữ liệu CNTT.

- Kỹ năng chuyên về một mảng nhất định trong CNTT: Lập trình web, lập trình game, an ninh mạng (bảo mật hệ thống),...

4.3. Kỹ năng chuyên môn ngành Ngôn ngữ

Đối với ngành ngôn ngữ, những vị trí việc làm phổ biến gồm có: Biên dịch viên, nhân viên biên - phiên dịch, biên tập viên, nhân viên content marketing, nhà văn, nhà phê bình, nhà báo, phóng viên,...

Kỹ năng chuyên môn ngành ngôn ngữ gồm:

- Kỹ năng viết.

- Kỹ năng diễn giảng công cộng.

- Kỹ năng dịch thuật, hiệu đính bản dịch.

- Kỹ năng xây dựng kịch bản.

- Kỹ năng truyền thông, quan hệ công chúng.

- Kỹ năng làm báo, viết báo.

- Kỹ năng giảng dạy các môn ngôn ngữ, Văn học, ngoại ngữ,...

4.4. Kỹ năng chuyên môn ngành Quản trị kinh doanh

Có thể thấy, kinh doanh là một lĩnh vực rộng, và bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ. Các vai trò hay gặp trong ngành kinh doanh gồm: Nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, chuyên viên tư vấn bán hàng, telesales,...

Kỹ năng chuyên môn có vai trò "sống còn" đối với nhân sự nghề kinh doanh là:

- Kiến thức nền về kinh doanh, thị trường, xã hội, xu hướng.

- Khả năng phân tích thị trường, khách hàng mục tiêu để lên kế hoạch, chiến lược kinh doanh.

- Kỹ năng tư vấn, đàm phán và chốt sales.

- Khả năng phán đoán, tư duy nhanh, nắm bắt thời cơ.

4.5. Kỹ năng chuyên môn ngành Marketing

So với quản trị kinh doanh, ngành marketing thậm chí còn năng động hơn, và yêu cầu nhiều ở sự sáng tạo. "Điểm danh" một số kỹ năng chuyên môn mà nhân sự ngành marketing bắt buộc phải có nếu muốn phát triển và thăng tiến gồm có:

- Kỹ năng thu thập thông tin và phân tích dữ liệu thị trường.

- Kỹ năng viết content, kịch bản nội dung, quảng cáo.

- Kỹ năng chạy quảng cáo.

- Kỹ năng lên kế hoạch, lập chiến dịch marketing đa kênh.

- Kỹ năng sử dụng các công cụ, phần mềm marketing.

- Sáng tạo, khác biệt, nhanh nhạy với xu hướng.

4.6. Kỹ năng chuyên môn ngành Thiết kế

Thiết kế có thể là nhân viên thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, kiến trúc,... Các kỹ năng chuyên môn quan trọng nhất để bạn bắt đầu và xây dựng sự nghiệp thiết kế của mình là:

- Kỹ năng vẽ thiết kế.

- Kỹ năng công nghệ: Thành thạo một vài phần mềm thiết kế hay dùng.

- Có con mắt nghệ thuật, tinh tế đối với màu sắc, bố cục.

- Khả năng làm việc dưới áp lực thời gian.

- Sáng tạo, tư duy độc đáo, xây dựng được phong cách cá nhân và bắt kịp các xu hướng thiết kế mới nhất.

4.7. Kỹ năng chuyên môn nghề Kế toán

Kế toán là một công việc có thể không cần quá sáng tạo nhưng đòi hỏi ở kiến thức chuyên môn vững, khả năng tư duy logic, phân tích tốt và tỉ mỉ, cẩn thận. Nói đến kỹ năng chuyên môn nghề kế toán là người ta nghĩ ngay tới:

- Nghiệp vụ kế toán: Xử lý hóa đơn, chứng từ, thuế, báo cáo tài chính,...

- Kỹ năng công nghệ: Microsoft Office (Excel và Word), phần mềm kế toán.

- Kỹ năng phân tích và kỹ năng tư duy phản biện.

- Am hiểu về luật, các nghị định thuế.

- Làm việc độc lập, chịu được áp lực về thời gian và mức độ chính xác.

4.8. Kỹ năng chuyên môn ngành Tuyển dụng, Nhân sự

Nhân viên hành chính nhân sự, chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên nhân sự, headhunter,... là các vị trí việc làm nổi bật trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự nói chung. Các kỹ năng chuyên môn của lĩnh vực này là:

- Kiến thức vững về quản trị nguồn lực nhân sự, luật lao động,...

- Khả năng sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự.

- Kỹ năng soạn thảo mô tả công việc và đăng tuyển.

- Đánh giá, sàng lọc hồ sơ.

- Tiến hành phỏng vấn, chọn lựa ứng viên.

- Xây dựng thương hiệu tuyển dụng.

- Truyền thông nội bộ.

- Giao tiếp, tương tác.

5. Cách làm nổi bật kỹ năng chuyên môn trong CV xin việc

Từ khi đăng tin tuyển dụng, nhà tuyển dụng đã hình dung về chân dung của một ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn - cả về bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng và tính cách (phù hợp với môi trường làm việc hay không). Trong đó, các kỹ năng chuyên môn thường được viết rõ ở JD (mô tả công việc).

"Cái khó" của ứng viên là không thể dựa hoàn toàn vào JD để viết phần kỹ năng trong CV ứng tuyển. Vậy phải làm sao để các kỹ năng chuyên môn mà bạn có và tự hào được thể hiện nổi bật trong CV, được nhà tuyển dụng chú ý?

- Coi các kỹ năng chuyên môn là từ khóa (keyword) có trong CV, cần phân bổ hợp lý trong các phần.

- Thể hiện trực tiếp và gián tiếp kỹ năng chuyên môn qua: Phần kỹ năng, kinh nghiệm và sở thích, hoạt động.

- Không nhồi nhét quá nhiều kỹ năng, kỹ năng nào cũng viết rằng bạn thành thạo thì có thể bị quá tải thông tin, chỉ nên viết các kỹ năng cần thiết nhất.

6. Cách thể hiện kỹ năng chuyên môn trong phỏng vấn

Nếu như trong CV và thư xin việc, bạn giới thiệu bộ kỹ năng chuyên môn của mình với nhà tuyển dụng bằng ngôn ngữ viết thì trong phỏng vấn, bạn sẽ cần trình bày, diễn đạt bằng lời nói và cử chỉ, thái độ. Đừng chỉ khẳng định mình thành thạo các kỹ năng, hãy thể hiện gián tiếp khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn, qua các câu chuyện ngắn bạn kể về những nhiệm vụ bạn đảm nhiệm, bạn đã hoàn thành thế nào, xử lý các tình huống phát sinh ra sao.

Trên đây là danh sách một số các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành nghề khác nhau mà bạn có thể đọc và hiểu rõ hơn về những nội dung nên làm nổi bật trong CV cũng như thể hiện trong phỏng vấn. Thành thạo các kỹ năng cần tiết cho vai trò, lĩnh vực và tự tin thể hiện, bạn chắc chắn sẽ sớm ứng tuyển thành công và từng bước thăng tiến sự nghiệp.

MỤC LỤC:
1. Kỹ năng chuyên môn là gì?
2. Các yếu tố làm nên kỹ năng chuyên môn
3. Xác định các kỹ năng chuyên môn giúp ích gì cho sự nghiệp?
4. Các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho các ngành
5. Cách làm nổi bật kỹ năng chuyên môn trong CV xin việc
6. Cách thể hiện kỹ năng chuyên môn trong phỏng vấn

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888