Kinh nghiệm xin việc thực tập sinh ngành báo chí

18/05/2021 19:30
Báo chí là ngành không chỉ đòi hỏi khả năng am hiểu sâu rộng mà còn cả kỹ năng tác nghiệp xuất sắc. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, để thành công ở lĩnh vực này, thực tập được xem là cách tạo bước đệm an toàn và hiệu quả nhất. Vậy khi xin việc thực tập sinh ngành báo chí cần lưu ý những gì?

Hãy bắt đầu bằng cách xác định một lĩnh vực cụ thể mà bạn muốn theo đuổi. Liệu bạn muốn thử sức với lĩnh vực báo in, báo điện tử hay phát thanh truyền hình? Sau đó, hãy liệt kê tên các cơ quan, trụ sở báo chí mà bạn mong được thực tập tại đó. Nghiên cứu kỹ mọi thông tin liên quan chính là chìa khóa để nâng cao cơ hội trúng tuyển.

Những kinh nghiệm xin việc thực tập sinh ngành báo chí

1. Tìm kiếm thông tin tuyển dụng

Báo chí là một lĩnh vực khá rộng. Bạn cần thu hẹp phạm vi làm việc lại giữa báo in, báo mạng hay truyền hình kỹ thuật số, v.v. Một khi đã xác định được cụ thể lĩnh vực mà mình sẽ theo đuổi, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm thông tin của các chương trình thực tập sinh và chọn cho mình một cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp phù hợp nhất.

Trong trường hợp cơ quan báo chí bạn quan tâm không đăng tuyển thực tập sinh ở thời điểm hiện tại thì bạn cũng không cần lo lắng vì vẫn còn nhiều lựa chọn cho bạn như: Ứng tuyển vào một cơ quan báo chí khác để học hỏi, lấy kinh nghiệm; chờ đến đợt thực tập chính thức của trường - những khối ngành về báo chí, truyền thông, thậm chí là ngoại ngữ ngày này đều tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các cơ quan báo chí chính thống...

2. Viết CV và thư xin việc

Ngoài đơn đăng ký thì hầu hết các cơ quan báo đài đều yêu cầu ứng viên phải nộp thêm CV và thư xin việc (cover letter). Hãy đảm bảo chúng được ngắn gọn, súc tích nhất có thể.

Yêu cầu quan trọng nhất mà CV xin việc thực tập sinh ngành báo chí phải đáp ứng được là cho thấy bạn có kinh nghiệm, trải nghiệm liên quan tới viết lách, dịch thuật, phỏng vấn, hoạt động truyền thông hoặc marketing, quay phim, chụp ảnh. Thông thường, các thực tập sinh thường là sinh viên hoặc vừa mới tốt nghiệp nên rất ít khi có kinh nghiệm thực tế nhưng bạn có thể thay bằng các trải nghiệm ở câu lạc bộ trong trường, các việc làm cộng tác viên viết bài, quản lý fanpage, có một blog riêng... Tất cả đều sẽ tạo ấn tượng tích cực cho nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, lỗi chính tả và ngữ pháp tuyệt đối không được xuất hiện trong CV hay thư xin việc bởi nó sẽ khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp. Để chắc chắn không bị mất điểm vì những lỗi sai đáng tiếc này, hãy nhờ người khác kiểm tra, đánh giá một cách khách quan trước khi gửi đi.

3. Tận dụng các mối quan hệ

Tận dụng tốt các mối quan hệ sẵn có sẽ giúp bạn rút ngắn khoảng cách đến công việc thực tập mơ ước. Thử liên lạc với những người đã từng làm việc cùng hoặc bạn bè, người thân để hỏi xem liệu có bất kỳ vị trí tiềm năng nào hay không.

4. Chủ động tìm kiếm cơ hội

Đừng trói buộc bản thân chỉ được làm việc tại thành phố mà mình đang sinh sống, đặc biệt là với ngành báo chí có môi trường và tính chất công việc cực kỳ năng động này. Hãy chủ động tìm kiếm nhiều cơ hội khác nhau trên Internet, mạng xã hội, website của các công ty,... Cụ thể, bạn hoàn toàn có thể cập nhật thông tin tuyển dụng vị trí thực tập sinh báo chí trên các trang web chuyên về việc làm như JOBOKO.com, TopCV, Vietnamworks...

Xin việc làm thực tập sinh báo chí có khó không?

5. Trau dồi kiến thức

Để thành công trong lĩnh vực báo chí, bạn buộc phải am hiểu tốt kiến thức chung. Dù phỏng vấn tại cơ quan báo in hay báo mạng thì nhà tuyển dụng vẫn sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến những sự kiện nổi cộm trong xã hội.

Đọc báo hàng ngày là cách tốt nhất để cập nhật thông tin. Từ tình hình chính trị trong nước và quốc tế cho đến thể thao, giải trí, v.v. đừng bỏ sót bất kỳ thông tin quan trọng nào. Đặc biệt nếu muốn làm việc chuyên về một lĩnh vực cụ thể như tài chính, hãy đọc càng nhiều tin tức về kinh tế - tài chính càng tốt. Khả năng nắm bắt thông tin nhạy bén sẽ giúp bạn ghi thật nhiều điểm với nhà tuyển dụng!

6. Xây dựng hồ sơ cá nhân trực tuyến

Hồ sơ cá nhân trực tuyến ở đây không chỉ gồm các tài khoản mạng xã hội mà bạn phải đảm bảo nhà tuyển dụng có thể tìm được thông tin về bạn trên Google. Đừng quên "làm sạch" những thông tin không phù hợp để tạo ấn tượng tốt nhất.

Một cách hữu ích khác chính là lập blog hoặc website cá nhân để bạn có thể chủ động giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng. Mọi nỗ lực xây dựng hình ảnh trực tuyến sẽ khiến bạn trở nên khác biệt so với những ứng viên khác.

7. Chấp nhận mức lương thấp

Ai cũng phải gây dựng sự nghiệp của mình từ con số 0. Mục đích cốt lõi của hoạt động thực tập là giúp bạn có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, được cung cấp các kỹ năng và phẩm chất thiết yếu để phục vụ cho công việc sau này. Chính vì vậy, tại thời điểm này thì kinh nghiệm và kiến thức vẫn là thứ cần đặt lên hàng đầu chứ không phải lương bổng.

Về cơ bản, thực tập sinh ngành báo chí thường là không có lương chính thức. Tùy vào chính sách của các cơ quan cụ thể nhưng bạn ít nhiều sẽ có nhuận bút cho các bài viết hoặc phụ cấp cho kỳ thực tập. Trong trường hợp bạn làm thực tập sinh để sau đó trở thành biên tập viên, biên dịch viên, phóng viên... chính thức ở tòa soạn thì thời hạn thực tập có thể kéo dài ít nhất từ 3 - 6 tháng, khá dài với mức thu nhập khiêm tốn. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc thật kỹ nhé.

Thực tế thì tìm việc làm thực tập trong lĩnh vực báo chí là không hề dễ dàng, nhưng nếu bạn biết nỗ lực đúng hướng thì bạn chắc chắn sẽ thành công và đạt được vị trí ước mơ của mình.

MỤC LỤC:
1. Tìm kiếm thông tin tuyển dụng
2. Viết CV và thư xin việc
3. Tận dụng các mối quan hệ
4. Chủ động tìm kiếm cơ hội
5. Trau dồi kiến thức
6. Xây dựng hồ sơ cá nhân trực tuyến
7. Chấp nhận mức lương thấp

Đọc thêm: Các vị trí việc làm ngành Báo chí, Truyền thông thu hút ứng viên

Đọc thêm: ​​Báo chí, biên tập: Nghề nghiệp hot cho những người thích viết lách

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888