Để chuẩn bị và thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn qua điện thoại, khi không gặp trực tiếp nhà tuyển dụng, không giao tiếp bằng mắt hay bất kỳ ngôn ngữ cơ thể nào, điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ tất cả các đặc điểm, quy trình của hình thức phỏng vấn này.
Với nhiều ứng viên, phỏng vấn qua điện thoại có vẻ dễ dàng hơn một chút so với phỏng vấn qua video hay phỏng vấn trực tiếp. Tuy vậy, mỗi hình thức phỏng vấn, cách thức liên lạc và trao đổi giữa bạn và nhà tuyển dụng sẽ có đặc điểm khác nhau. Cùng JobOKO tìm hiểu các bí kíp tuyệt vời để bạn vượt qua buổi phỏng vấn qua điện thoại một cách hoàn hảo nhé.
Lỗi phổ biến cần tránh khi phỏng vấn qua điện thoại
Không chỉ việc chuẩn bị và thực hiện theo những quy chuẩn để có một cuộc phỏng vấn qua điện thoại là cần thiết và ý nghĩa, biết về những lỗi phổ biến khiến bạn mất điểm (nếu phạm phải) cũng quan trọng không kém. Sau đây là những lỗi dễ xảy ra trong các buổi phỏng vấn qua điện thoại:
- Gián đoạn giao tiếp: Có vô số nguyên nhân khiến xảy ra vấn đề này, từ bạn hoặc nhà tuyển dụng, hoặc cả 2. Tuy nhiên, việc bị ngắt khi đang trao đổi về công việc, tuyển dụng,... có thể khiến bạn và nhà tuyển dụng mất thời gian cũng như nhịp độ hiện có.
Cách khắc phục/ phòng tránh: Kiểm tra điện thoại, đường truyền, sóng điện thoại, sắp xếp đủ thời gian để thực sự tập trung vào buổi trò chuyện. Có phương án dự phòng (chẳng hạn như điện thoại khác) cũng có thể là một cách phòng xa cần thiết.
- Không gian ồn ào: Cũng có trường hợp những ứng viên chủ quan khi chọn không gian trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Tiếng tàu xe, máy khoan, thi công công trình, mèo kêu, chó sủa... đều là những âm thanh "ngẫu nhiên" nhưng ít nhiều sẽ khiến nhà tuyển dụng và bạn trao đổi khó khăn do nghe không rõ.
Cách khắc phục/ phòng tránh: Chú trọng tới không gian trả lời phỏng vấn qua điện thoại, có thể chuẩn bị trước và đóng cửa để không có âm thanh ồn ào lọt vào hoặc nhanh nhẹn tìm khu vực bạn biết rõ là đủ yên tĩnh.
- Nói quá to hoặc quá nhỏ: Khi nói quá to với nhà tuyển dụng qua điện thoại, rất dễ bạn đang quát, hét lên làm chói tai, không nghe rõ cũng như bất lịch sự. Ngược lại, nếu bạn nói lí nhí, quá nhỏ thì nhà tuyển dụng không nghe được gì - cho rằng bạn thiếu tự tin hoặc đơn giản là họ sẽ có chút không thoải mái khi phải liên tục hỏi lại bạn.
Cách khắc phục: Điều chỉnh giọng nói, âm lượng nói mà bạn cho là đủ lịch sự và dễ nghe. Bạn hoàn toàn có thể hỏi nhà tuyển dụng rằng "Anh/ chị đã nghe rõ chưa ạ?" - nếu câu trả lời là đã nghe rõ, bạn có thể duy trì tông giọng như vậy, còn nếu không, hãy thay đổi sau đó.
- Trả lời các câu hỏi quá dài dòng, không đúng trọng tâm: Bạn không thể trả lời quá ngắn gọn, cụt ngủn điều mà bạn cho là đáp án đủ cho nhà tuyển dụng, đồng thời, bạn cũng không nên lan man, dài dòng, cố gắng nhồi nhét thông tin và trình bày lan man khi phỏng vấn qua điện thoại. Lỗi này xảy ra khá nhiều với các ứng viên quá hào hứng thể hiện mình và không chú ý tới thời gian cũng như phản ứng của người phỏng vấn.
Cách khắc phục: Nói đúng trọng tâm, bạn có thể trả lời khẳng định sau đó giải thích ngắn gọn và toàn diện về điều bạn đã nói. Ngoài ra, bạn có thể nói về bản thân nhưng hạn chế khoe mẽ quá nhiều hoặc thể hiện. Bạn còn cơ hội khác, chẳng hạn như phỏng vấn trực tiếp để khẳng định bản thân, miễn là phỏng vấn qua điện thoại bạn đã làm tốt.
- Liên tục đề nghị nhà tuyển dụng nhắc lại câu hỏi: Đối với một số câu hỏi hoặc thông tin nhà tuyển dụng chia sẻ, bạn có thể hỏi lại nếu chưa nghe rõ nhưng đừng biến toàn bộ cuộc phỏng vấn qua điện thoại thành nhiệm vụ lặp lại liên tục cho nhà tuyển dụng.
Cách khắc phục: Có thể hỏi lại nhưng trước hết, bạn hãy cố gắng lắng nghe, tập trung thay vì hỏi lại thường xuyên và ngay sau khi họ nói xong.
- Mất bình tĩnh, cướp lời nhà tuyển dụng: Có những trường hợp vì bối rối hoặc nhà tuyển dụng hỏi câu khó, bạn có thể vội vàng hoặc không biết phản ứng ra sao thì sẽ dễ lắp bắp hoặc nói to hơn những câu như "khoan đã", "đợi tôi một lát",... hoặc bất ngờ xen vào khi nhà tuyển dụng đang nói. Cách cư xử như vậy trong cuộc sống hay trong công việc đều là không phù hợp, đặc biệt là vào thời điểm, tình huống phỏng vấn qua điện thoại, bạn cần tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Cách khắc phục: Kiên nhẫn, giữ thái độ bình tĩnh, ứng biến nhanh và đảm bảo bạn đã lắng nghe rõ ràng trước khi đưa ra phản hồi. Hãy nhớ rằng bạn có thể trả lời chậm nhưng đừng hấp tấp hoặc chen ngang.
Thực tế, rất ít công ty chỉ tổ chức phỏng vấn qua điện thoại rồi giao việc, nhận việc ngay lập tức. Đa phần các câu hỏi và đánh giá ở cuộc phỏng vấn qua điện thoại chỉ mang tính chất sàng lọc ban đầu. Dù thế, bạn cũng không thể qua loa hoặc thiếu sự chuẩn bị.
Hãy vận dụng những bí kíp vàng mà JobOKO vừa chia sẻ để có buổi phỏng vấn qua điện thoại suôn sẻ bạn nhé. Cơ hội luôn đến với những người có sự chuẩn bị sẵn sàng, chúc bạn thành công.