Cách viết CV xin việc part time/ làm thêm

23/02/2022 15:30
Bạn là sinh viên đang muốn tìm công việc part-time để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm? Tham khảo cách viết CV xin việc part-time/ làm thêm JobOKO chia sẻ sẽ rất hữu ích cho bạn nếu muốn sớm có được việc làm ưng ý.

Đừng nghĩ rằng chỉ là công việc làm thêm thì không cần quan trọng đến CV xin việc. Ở bất kỳ các vị trí, công việc nào, một chiếc CV đẹp và chỉnh chu sẽ luôn để lại ấn tượng tốt ban đầu cho nhà tuyển dụng. Vậy làm sao để có một bản CV xin việc part-time nổi bật?

Hướng dẫn cách viết CV xin việc Part-time, làm thêm chuyên nghiệp

1. Một số lưu ý khi viết CV xin việc part-time/làm thêm

Nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm những ứng viên có những kỹ năng, sở thích, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công việc và có khả năng mang lại giá trị cho công ty. Để chứng minh được điều đó, bạn cần lưu ý một số điểm dưới đây:

1.1. Nêu rõ mong muốn của bản thân

Trong phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần nêu rõ mong muốn phát triển và cống hiến của bản thân khi làm ở vị trí đó. Ngoài ra, trong phần này, bạn cũng có thể thông báo ca làm việc mà bạn mong muốn để nhà tuyển dụng nắm rõ được thông tin trước khi mời bạn đến phỏng vấn.

1.2. Nêu rõ lý do ứng tuyển

Bạn cũng nên chia sẻ về lý do bạn muốn ứng tuyển vào vị trí đó. Chứng minh trình độ, năng lực của mình phù hợp với công việc đồng thời trung thực với những kỹ năng mà bạn có.

1.3. Chỉnh sửa CV phù hợp với vị trí ứng tuyển

CV của bạn viết về một vị trí cụ thể, không chung chung thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiến vào vòng phỏng vấn. Mỗi công việc sẽ yêu cầu kỹ năng và kiến thức khác nhau, vì vậy nếu dùng một mẫu CV chung cho tất cả các vị trí thì sẽ khiến bạn "mất điểm".

1.4. Đọc kỹ bản mô tả công việc

Bạn cần đọc kỹ bản mô tả công việc để nắm được những yêu cầu mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên. Sau khi xác định xong, bạn cần so sánh và đánh giá chính xác về năng lực và trình độ của bản thân, từ đó lựa chọn và đưa ra các kỹ năng phù hợp nhất với vị trí đang tuyển dụng.

1.5. Đừng ngại thử một công việc mới

Khi bạn ứng tuyển vị trí part-time, đừng lo sợ rằng mình không có kinh nghiệm hay không dám thử một vị trí hoàn toàn mới mà trước đây chưa từng làm. Tự giới hạn cơ hội nghề nghiệp đồng nghĩa bạn chọn "lối cụt" trên con đường sự nghiệp của mình.

2. Cách viết CV xin việc part time/ làm thêm

Đối với một số công việc part-time liên quan đến nghệ thuật, thiết kế CV theo phong cách riêng sẽ giúp bạn vừa gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng, vừa chứng minh được khả năng thực hành thiết kế. Tuy nhiên, nhìn chung, đối với công việc khác, có một bản CV bố cục rõ ràng với thông tin được trình bày hợp lý sẽ giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

2.1. Thông tin liên lạc

Thông tin liên lạc là phần đầu tiên trong CV xin việc part-time nói riêng và CV xin việc nói chung. Trong phần này, bạn cần nêu đầy đủ một số thông tin như: Họ tên đầy đủ, số điện thoại, địa chỉ chỗ ở, địa chỉ email (chuyên nghiệp) và Linkedin (nếu có).

Lưu ý rằng, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng email hoặc số điện thoại bạn cung cấp để thông báo kết quả trúng tuyển. Do đó, bạn nên sử dụng email và số điện thoại thường xuyên sử dụng để kẻo bỏ lỡ cơ hội nhé.

2.2. Mục tiêu nghề nghiệp

Ứng viên thông minh sẽ tận dụng mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc part-time để thuyết phục nhà tuyển dụng. Mục tiêu nghề nghiệp là phần bạn cần trả lời câu hỏi "Bạn mong muốn gì khi làm vị trí này?" và "Tại sao nhà tuyển dụng nên chọn bạn?". Hãy lưu ý rằng, bạn cần viết ngắn gọn, súc tích mục tiêu nghề nghiệp của bản thân trong khoảng từ 3 đến 5 câu.

2.3. Trình độ học vấn

Trình độ học vấn là phần quan trọng trong CV xin việc part-time, đặc biệt nếu bạn đang là sinh viên. Nhà tuyển dụng sẽ "ưu tiên" ứng viên có trình độ học vấn tốt, vì vậy nếu bạn thiếu kinh nghiệm làm việc, phần trình độ học vấn sẽ "bù đắp" lại. Thông tin trong trình độ học vấn bao gồm: tên trường đại học, chuyên ngành học, thời gian tốt nghiệp, điểm GPA ( trên 3.00), xếp loại.

Nên đề cập những gì trong CV xin việc part time/ làm thêm?

2.4. Kinh nghiệm làm việc

Bạn nên dành thời gian xem xét lại những kinh nghiệm làm việc trước đó mà mình có. Nếu công việc cũ không liên quan đến vị trí đang tuyển dụng nhưng bạn đã tích lũy được từ vị trí đó những kỹ năng "chuyển đổi" như kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề,... thì vẫn có thể đề cập đến trong CV.

Để chinh phục nhà tuyển dụng, bạn cần chứng minh những kinh nghiệm, thành tích đạt được trong quá trình làm việc bằng các con số cụ thể. Và khi trình bày kinh nghiệm, bạn nên trình bày theo thứ tự thời gian từ công việc gần nhất cho đến xa nhất.

2.5. Kỹ năng

Tùy thuộc vào mỗi công việc part-time, yêu cầu về kỹ năng sẽ khác nhau. Bạn cần xác định rõ những kỹ năng quan trọng nào nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và làm nổi bật trong CV (nếu bạn thực sự có). Những kỹ năng cần được trình bày rõ ràng dưới dạng gạch đầu dòng và đảm bảo độ dãn cách giữa các dòng thoáng, dễ nhìn.

Với những chia sẻ về cách viết CV xin việc part time/ làm thêm trên đây, bạn đọc có thể dễ dàng áp dụng và tạo cho mình bản CV đẹp, đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, trước khi gửi CV tới nhà tuyển dụng, đừng quên rà soát lại để phát hiện và khắc phục những lỗi sai không đáng có.

MỤC LỤC:
1. Một số lưu ý khi viết CV xin việc part-time/ làm thêm
2. Cách viết CV xin việc part time/ làm thêm

Đọc thêm: Cần làm gì để phát triển sự nghiệp ngay từ khi làm part time?

Đọc thêm: Hình thức làm việc part time là gì? Công việc bán thời gian nào có thu nhập tốt nhất?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888