Chứng chỉ CMA là gì? có lợi ích gì khi làm việc?

04/04/2021 08:30
Đối với những người làm việc trong ngành Tài chính - Kế toán, ngoài bằng cấp thì các chứng chỉ chuyên nghiệp cũng rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ công việc mà còn giúp bạn có thêm nhiều cơ hội thăng tiến. Một trong những chứng chỉ quan trọng hàng đầu phải kể đến là CMA.

Tìm hiểu về lợi ích của chứng chỉ CMA

I. Chứng chỉ CMA là gì?

CMA tên đầy đủ là Certified Management Accountant nghĩa là Chứng chỉ Kế toán Quản trị Hoa Kỳ, được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ, tập trung vào quản lý chiến lược tài chính kế toán. Chứng chỉ CMA này được cấp cho những người thành thạo chuyên môn và kỹ năng kế toán trong khi có khả năng đưa ra các quyết định kinh doanh chiến lược dựa trên dữ liệu tài chính. Viện Kế toán Quản trị (IMA) của Mỹ là cơ quan cấp chứng chỉ CMA.
Chứng chỉ CMA có thể cung cấp một loạt các lựa chọn nghề nghiệp, cho phép bạn chuyển sang các vị trí điều hành như kiểm soát viên, giám đốc tài chính và giám đốc điều hành. CMA có thể chuyên về nhiều vai trò, chẳng hạn như kế toán tổng hợp, kế toán chi phí, kế toán doanh nghiệp, kiểm toán viên nội bộ, kế toán thuế, phân tích tài chính và phân tích ngân sách.
CMA yêu cầu người học phải tuân theo một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhất định, không được có hành vi sai trái nhằm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc đẩy doanh nghiệp vào các rắc rối, không sử dụng trái phép các nguồn lực của công ty. Nếu muốn học và thi lấy Chứng chỉ CMA, bạn phải có bằng cử nhân về Tài chính, Kế toán, Kiểm toán hoặc chứng nhận chuyên môn liên quan và ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong ngành kế toán hay quản lý tài chính.

II. Kỳ thi lấy Chứng chỉ CMA

Kỳ thi lấy Chứng chỉ CMA được chia làm 2 phần và các thí sinh sẽ phải học khoảng từ 150-170 giờ cho mỗi phần. Trong khi làm bài thi, bạn sẽ có 4 tiếng để hoàn thành 100 câu hỏi và trả lời 2 bài tiểu luận trong mỗi phần.
Phần đầu tiên của kỳ thi lấy chứng chỉ CMA bao gồm báo cáo tài chính, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát kế hoạch. Nó bao gồm các phần sau:

  • Quyết định báo cáo tài chính bên ngoài: 15%
  • Lập kế hoạch, lập ngân sách và dự báo: 30%
  • Quản lý hiệu suất: 20%
  • Quản lý chi phí: 20%
  • Kiểm soát nội bộ: 15%

Phần thứ hai trong kỳ thi liên quan đến các nội dung về việc nghiên cứu, phân tích và ra quyết định tài chính:

  • Phân tích báo cáo tài chính: 25%
  • Tài chính doanh nghiệp: 20%
  • Phân tích để ra quyết định: 20%
  • Quản lý rủi ro: 10%
  • Quyết định đầu tư: 15%
  • Đạo đức nghề nghiệp: 10%

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, cấu trúc kỳ thi CMA sẽ thay đổi. Phần một sẽ bao gồm lập kế hoạch tài chính, hiệu suất và phân tích và sẽ bao gồm:

  • Quản lý chi phí: 15%
  • Kiểm soát nội bộ: 15%
  • Công nghệ và phân tích: 15%
  • Quyết định báo cáo tài chính bên ngoài: 15%
  • Lập kế hoạch, lập ngân sách và dự báo: 20%
  • Quản lý hiệu suất: 20%

Phần hai sẽ bao gồm:

  • Quản lý rủi ro: 10%
  • Quyết định đầu tư: 10%
  • Đạo đức nghề nghiệp: 15%
  • Phân tích báo cáo tài chính: 20%
  • Tài chính doanh nghiệp: 20%
  • Phân tích để ra quyết định: 25%

Hiện nay, có rất nhiều lớp học đào tạo Chứng chỉ CMA chuyên nghiệp để bạn chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi lấy chứng chỉ. Một lưu ý là các chương trình học CMA diễn ra trong thời gian dài và tương đối tốn kém.

III. Lợi ích của Chứng chỉ CMA khi làm việc

Để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, kế toán với triển vọng thăng tiến lên các vị trí quản lý, bạn không chỉ cần có bằng cấp chuyên nghiệp mà cần có Chứng chỉ CMA để cho thấy khả năng thích nghi với những thay đổi liên tục của ngành. Chương trình học để thi lấy Chứng chỉ CMA bao gồm tất cả các cập nhật mới nhất liên quan đến kế toán, kinh doanh và tài chính.

Chứng chỉ CMA mang đến lợi ích gì trong công việc?

Dưới đây là một số lợi ích mà Chứng chỉ CMA mang lại cho công việc của bạn:

1. Hỗ trợ kinh doanh

Lợi ích hàng đầu của chứng chỉ CMA là nó được coi là chứng chỉ kế toán tốt nhất cho quản lý vì có sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh doanh và kế toán. Trong CMA, bạn sẽ tìm hiểu tất cả về quản trị doanh nghiệp và các khía cạnh kinh doanh quan trọng khác, tài chính và các khái niệm kế toán, bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp và những cam kết buộc phải tuân thủ.
Do đó, các ứng viên có Chứng chỉ CMA được phép đưa ra quyết định kinh doanh hoặc tham gia vào các quyết định có tính tập thể. Ban giám đốc của các doanh nghiệp thường tin tưởng vào sự nhạy bén trong kinh doanh của những người có Chứng chỉ CMA.

2. Cơ hội phát triển sự nghiệp

CMA là chứng nhận cấp quản lý mang lại nhiều cơ hội phát triển. Khi so sánh với sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có bất kỳ chứng nhận bổ sung nào hoặc chỉ có chứng chỉ CPA, người ta thấy rằng các ứng viên CMA có được công việc tốt hơn và có cơ hội được thăng tiến nhanh hơn. Bạn sẽ không chỉ là một nhân viên kế toán mà còn có thể nỗ lực để trở thành người lãnh đạo, ví dụ như đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính,...

3. Tăng lương, thêm thu nhập

Tiền là một trong những yếu tố thúc đẩy lớn nhất đối với hầu hết các chuyên gia trong mọi ngành nghề. Nhận Chứng chỉ CMA cho phép bạn đủ điều kiện nhận mức lương cao hơn các ứng viên khác.
Trong các nghiên cứu gần đây, người ta thấy rằng những người có chứng chỉ CMA kiếm được nhiều hơn tới 67% so với những người chỉ có bằng cấp hoặc chứng chỉ CPA. Điều này là do Chứng chỉ CMA được coi như một kiểu chứng nhận năng lực và trình độ của bạn, giúp bạn nổi bật hơn so với ứng viên khác và thị trường việc làm cũng luôn có nhu cầu cao với người lao động của chứng chỉ chuyên nghiệp này.

4. Cơ hội làm việc trên toàn cầu

Chứng nhận CMA có giá trị ở cấp độ toàn cầu. Bạn có thể tốt nghiệp và có một công việc tốt ở Việt Nam nhưng nếu bạn có mơ ước làm việc ở nước ngoài thì bạn buộc phải thi được Chứng chỉ CMA. Việc làm tài chính kế toán các nước châu Âu hay Trung Đông có thể giúp bạn có được mức thu nhập cao hơn nhiều.
Nhìn chung, với những người làm việc trong lĩnh vực tài chính kế toán thì Chứng chỉ CMA rất quan trọng. Bạn không bắt buộc phải có nhưng bạn nên nỗ lực để đạt được chứng chỉ này vì nó giúp ích rất nhiều từ việc có thêm nhiều cơ hội việc làm tốt đến mức lương khởi điểm và cơ hội thăng tiến.

Chứng chỉ CFA là gì? Cơ hội việc làm cho người có CFA

Ngoài chứng chỉ CMA, còn có rất nhiều loại chứng chỉ khác mà bạn chưa biết đến trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Tham khảo bài viết để biết chứng chỉ CFA là gì? Tầm quan trọng của chứng chỉ này ra sao nhé.

MỤC LỤC:
I. Chứng chỉ CMA là gì?
II. Kỳ thi lấy Chứng chỉ CMA
III. Lợi ích của Chứng chỉ CMA khi làm việc?

Đọc thêm: Chứng chỉ CPA là gì? Những điều cần biết về CPA

Đọc thêm: Những chức danh việc làm trong lĩnh vực kế toán

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888