EQ là gì? Vì sao nhà tuyển dụng thích ứng viên có EQ cao?

10/08/2021 10:30
Chúng ta đều đã nghe về EQ, nghe những lời nhận xét như EQ cao có thể giúp đạt được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Tuy vậy, chắc hẳn không phải ai cũng hiểu rõ EQ là gì, nhất là biết lý do vì sao mà gần như nhà tuyển dụng nào cũng muốn tuyển ứng viên có EQ cao.

Trong cuộc sống, những người thành công thường là người vừa có năng lực lại vừa chăm chỉ, nỗ lực và may mắn. Phần may mắn đó lại thường gắn với những người thông minh, khéo ăn khéo nói, biết cư xử - hay còn gọi là người có EQ cao. JobOKO sẽ giúp bạn thực sự hiểu được EQ là gì và cách để bạn rèn luyện, phát triển chỉ số EQ của mình nhé.

Những thông tin cần biết về EQ

1. EQ là gì?

EQ là từ viết tắt của Emotional Quotient hoặc Emotional Intelligence, tiếng Việt có nghĩa là Trí thông minh cảm xúc/ trí tuệ cảm xúc. EQ là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của chính bạn theo những cách tích cực để giảm bớt căng thẳng, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác, vượt qua thử thách và xoa dịu xung đột. EQ cũng giúp bạn xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn, thành công ở trường học và nơi làm việc, đồng thời đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và cuộc sống. Trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn kết nối với chính mình, biến các ý định, kế hoạch thành hành động và đưa ra quyết định sáng suốt khi cần.

EQ thường được xác định bởi 4 thuộc tính:

  • Quản lý bản thân: Bạn có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi bốc đồng, quản lý cảm xúc của mình theo những cách lành mạnh, chủ động, tuân thủ các cam kết và thích nghi tốt với thay đổi hoàn cảnh.
  • Tự nhận thức: Bạn nhận ra cảm xúc của chính mình và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu để xây dựng sự tự tin.
  • Nhận thức xã hội: Thuộc tính này có ở những người có EQ cao, giúp bạn có được sự đồng cảm với những người xung quanh, nắm bắt các tín hiệu cảm xúc từ ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, cảm thấy thoải mái về mặt xã hội và nhận ra động lực quyền lực trong một nhóm hoặc tổ chức.
  • Quản lý mối quan hệ: Nếu như có EQ cao, bạn cũng sẽ biết cách phát triển và duy trì các mối quan hệ tốt, giao tiếp rõ ràng, truyền cảm hứng và tác động đến người khác, làm việc nhóm tốt và quản lý xung đột hiệu quả.

2. Vì sao nhà tuyển dụng muốn tuyển ứng viên có EQ cao?

Những người thành công, viên mãn nhất chưa chắc đã là những người thông minh nhất. Bạn có thể thấy có nhiều người có học vấn cực cao nhưng lại không thành công trong công việc, các mối quan hệ xã hội. Nhà tuyển dụng hiểu rõ điều đó. Thay vì tìm kiếm một người thông minh, kiến thức vững nhưng không thể hòa đồng, có nguy cơ gây ra những bất đồng tại nơi làm việc thì tuyển dụng ứng viên có EQ cao, tự quản lý tốt cảm xúc và nhanh chóng thích nghi, trở thành một phần của doanh nghiệp, hòa hợp với văn hóa công ty sẽ lý tưởng hơn nhiều.

Ứng viên có EQ cao có thể:

  • Học hỏi và làm việc hiệu quả hơn nhờ khả năng điều hướng những mối quan hệ xã hội phức tạp ở nơi làm việc, dẫn dắt và thúc đẩy người khác, đồng thời xuất sắc trong sự nghiệp của chính mình.
  • Có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Nếu ứng viên không thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì sẽ khó quản lý được căng thẳng, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả công việc.
  • Thích nghi nhanh, nhanh chóng hòa hợp với đồng nghiệp và văn hóa công ty, kết nối tốt và làm việc nhóm tốt.
  • Dễ trao đổi và thỏa thuận trong công việc.

3. Làm gì để rèn luyện và phát triển các chỉ số EQ?

EQ không phải "chỉ số chết", nghĩa là bạn vẫn có thể thay đổi dần dần, cho dù tính cách ban đầu của bạn thế nào. Một số cách để thay đổi hành vi và trở thành một người có chỉ số EQ lý tưởng gồm có:

3.1. Rèn luyện khả năng tự quản lý

EQ là gì? Thực chất nó hoàn toàn là về khả năng sử dụng cảm xúc của bạn để đưa ra các quyết định mang tính xây dựng về hành vi. Khi trở nên căng thẳng quá mức, bạn có thể mất kiểm soát cảm xúc và khả năng hành động theo cách chu đáo, phù hợp.

Hãy nghĩ về khoảng thời gian mà căng thẳng đã khiến bạn choáng ngợp. Bạn có dễ dàng suy nghĩ rõ ràng hoặc đưa ra quyết định hợp lý không? Chắc là không. Khi gặp vấn đề, bạn hãy cố gắng tự kiểm soát và điều chỉnh, tránh bốc đồng, bột phát mà cần quản lý cảm xúc theo hướng lành mạnh, chủ động.

3.2. Tự nhận thức đúng đắn về bản thân

Quản lý căng thẳng chỉ là bước đầu tiên để xây dựng trí tuệ cảm xúc. Khoa học về EQ chỉ ra rằng trải nghiệm cảm xúc hiện tại của bạn có khả năng phản ánh trải nghiệm đầu đời của bạn. Khả năng quản lý những cảm xúc cốt lõi của bạn như tức giận, buồn bã, sợ hãi và vui vẻ thường phụ thuộc vào chất lượng và tính nhất quán của những trải nghiệm cảm xúc đầu đời. Khi nhận thức đúng về mình, bạn có thể điều chỉnh tốt hơn cảm xúc trong các tình huống cụ thể, đồng thời hướng đến các trải nghiệm tích cực hơn.

Cách phát triển chỉ số EQ cho bản thân hiệu quả

3.3. Tăng cường nhận thức xã hội

Nhận thức xã hội cho phép bạn nhận ra và giải thích các tín hiệu phi ngôn ngữ mà những người xung quanh thường xuyên sử dụng để giao tiếp với bạn. Những dấu hiệu này cho bạn biết những người khác đang thực sự cảm thấy như thế nào, trạng thái cảm xúc của họ đang thay đổi ra sao theo từng thời điểm và điều gì thực sự quan trọng đối với họ.

Khi các nhóm người gửi các tín hiệu phi ngôn ngữ giống nhau, bạn có thể hiểu họ và thay đổi cách cư xử cho phù hợp, lắng nghe, đồng cảm...

3.4. Quản lý tốt các mối quan hệ

Hợp tác tốt với người khác là một quá trình bắt đầu từ nhận thức về cảm xúc và khả năng của bạn để nhận ra và hiểu những gì người khác đang trải qua. Một khi nhận thức về cảm xúc được phát triển, bạn có thể nâng cao kỹ năng xã hội để làm cho các mối quan hệ của mình trở nên hiệu quả, tích cực hơn.

Qua những gì JobOKO vừa chia sẻ, bạn đã hiểu EQ là gì và vì sao mà ngày càng có nhiều công ty sử dụng kết hợp các bài test IQ, EQ và kiểm tra trình độ chuyên môn trong phỏng vấn? Rèn luyện từ những điều nhỏ nhất để trở thành một người có EQ cao cũng là một trong những cách để phát triển bản thân và sự nghiệp của mình đấy, hãy bắt đầu sớm nhất có thể bạn nhé!

MỤC LỤC:
1. EQ là gì?
2. Vì sao nhà tuyển dụng muốn tuyển ứng viên có EQ cao?​
3. Làm gì để rèn luyện và phát triển các chỉ số EQ?

Đọc thêm: Nhà tuyển dụng quan tâm đến IQ, EQ hay EI của ứng viên?

Đọc thêm: Test IQ là gì? Liệu IQ có quyết định thành công?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888