Trong nhiều mùa tuyển sinh, Đông phương học là một trong những ngành hot nhất khối ngành xã hội với điểm đầu vào cao "chót vót". Năm nay, Đông phương học một lần nữa gây bất ngờ khi lấy điểm chuẩn tới 29,5 điểm (khối C). Dù vậy, vẫn có nhiều người chưa thể hình dung học ngành này ra thì làm gì.
Đông phương học là ngành học tổng hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của các quốc gia "phương Đông". Tùy vào mỗi trường mà sau năm đầu hoặc năm thứ 2 sẽ chia thành các chuyên ngành khác nhau. Điểm chuẩn cao đã khiến Đông phương học thu hút hơn bao giờ hết, rất nhiều bạn muốn cạnh tranh để được theo học ngành này.
Những điều cần biết về ngành Đông phương học
I. Tìm hiểu về ngành Đông phương học
Đông phương học thuộc khối ngành xã hội - nhân văn, đào tạo những cử nhân có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế của các quốc gia phương Đông, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á (học tiếng Thái). Với nhiều người thì đã học ngoại ngữ, tại sao không thi các ngành ngôn ngữ hoặc học văn hóa thì sao không theo lịch sử, v.v.? Tuy nhiên, tính tổng hợp trong khi vẫn đảm bảo trình độ chuyên sâu là một trong những điểm hấp dẫn nhất của ngành Đông phương học.
II. Học ngành Đông phương học ra làm gì?
Vì tính "chung chung" của mình mà trước đây, nhiều thí sinh khi tìm hiểu các ngành thường loại Đông phương học ra khỏi danh sách những lựa chọn ưu tiên vì lo lắng cho tương lai. Tuy nhiên, thực tế thì ngành này lại có rất nhiều cơ hội việc làm vì sinh viên được phát triển toàn diện. Học ngành Đông phương học, bạn có thể làm các công việc sau:
- Biên dịch viên, Phiên dịch viên: Ngành Đông phương ở tất cả các trường hiện nay đều tập trung rất nhiều vào việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Sau khi ra trường, nhiều người lựa chọn theo hướng biên phiên dịch vì nhiều cơ hội và mức lương cũng khá tốt.
- Chuyên viên đối ngoại, quan hệ quốc tế: Đối với vai trò này thì bạn có thể xin vào các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ hay thậm chí là các doanh nghiệp lớn.
- Chuyên viên/Nhân viên nhân sự: Nhiều cử nhân Đông phương học đã và đang theo hướng làm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự.
- Thư ký, trợ lý: Đây cũng là cơ hội việc làm khác cho những ai học Đông phương học nhưng tỷ lệ theo nghề này không cao lắm.
- Biên tập viên: Với kiến thức chuyên sâu và khả năng ngoại ngữ xuất sắc, cử nhân ngành Đông phương học có thể làm Biên tập viên sách, báo, làm trong các công ty truyền thông nếu muốn.
- Hướng dẫn viên du lịch: Với những ai thích xê dịch thì phát triển sự nghiệp trong vai trò hướng dẫn viên cũng là lựa chọn thú vị.
- Chuyên viên/Nhân viên xuất nhập khẩu: Những vai trò trong ngành kinh tế không chỉ dành cho sinh viên kinh tế, thương mại mà những người học khối xã hội các ngành như Đông phương học cũng có thể làm được, miễn là bạn có ngoại ngữ và có định hướng kinh doanh.
- Đi du học, làm giảng viên, chuyên viên nghiên cứu: Lựa chọn này thường phù hợp với những bạn có kết quả học tập tốt và thích môi trường học thuật. Số sinh viên Đông phương đi du học trong và sau khi tốt nghiệp luôn ở mức cao.
Học Đông phương học sau khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào những công việc gì?
III. Các trường đào tạo Đông phương học tốt nhất hiện nay
Ban đầu, ngành Đông phương chỉ được mở ở một số trường nhưng dần dần đã mở rộng ra nhiều cơ sở khác. Các trường đào tạo ngành Đông phương nổi tiếng cả nước là:
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.
- Đại học Khoa học, ĐH Huế.
- Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng.
- Đại học Quy Nhơn.
- Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.
Như vậy, Đông phương học không chỉ là một ngành học thú vị, nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích mà còn có sẵn nhiều cơ hội việc làm, dễ chuyển đổi. Những ưu điểm đó cũng giải thích tại sao ngành này lại liên tục hot trong nhiều năm liền và có tỷ lệ cạnh tranh cao như vậy.
MỤC LỤC:
I. Tìm hiểu về ngành Đông phương học
II. Học ngành Đông phương học ra làm gì?
III. Các trường đào tạo Đông phương học tốt nhất hiện nay
Đọc thêm: Học ngôn ngữ Anh ra làm gì? xin việc có dễ không?
Đọc thêm: Các vị trí việc làm ngành Quan hệ Quốc tế