Học ngành Kỹ thuật môi trường làm những công việc gì khi ra trường?

23/06/2021 08:30
Ngành kỹ thuật môi trường, đôi khi còn được biết đến với cái tên công nghệ kỹ thuật môi trường. Đây là ngành học có điểm chuẩn đầu vào không quá cao nhưng vẫn có nhiều triển vọng, cơ hội nghề nghiệp. Vậy, cụ thể thì học kỹ thuật môi trường ra làm gì? Có thể xin việc vào đâu?

Không thể phủ nhận thực tế là các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Những công việc, ngành nghề cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường cũng trở thành lĩnh vực hot nhờ các đóng góp ý nghĩa. Các ngành học chuyên sâu như kỹ thuật môi trường đang thu hút nhiều bạn trẻ. Theo học ngành này, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị.

Học Kỹ thuật môi trường có thể làm gì sau khi tốt nghiệp?

I. Ngành Kỹ thuật môi trường học những gì?

"Đất chật người đông", muốn phát triển bền vững thì nhân loại không thể tiếp tục lờ đi tiếng gọi của tự nhiên. Bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và chương trình học của ngành kỹ thuật môi trường cũng sẽ xoay quanh các yếu tố này.
Cụ thể, ngành kỹ thuật môi trường cung cấp cho bạn các kiến thức kỹ thuật, công nghệ để nghiên cứu, phân tích môi trường. Sau khi hoàn thành chương trình học, bạn sẽ có nền tảng sâu sắc, có kỹ năng thực hành trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, xử lý ô nhiễm, xử lý chất thải, quy hoạch môi trường, thiết kế và mô hình hóa các quy trình từ cấp thoát nước đến tái chế...
Hiện nay, ngành kỹ thuật môi trường xét tuyển các khối thi như A00, A01, A02, B00, B01, B02, B03, B04, C01, C02, C08, C13, D01, D07, D08 và D90. Điểm chuẩn năm 2020 dao động trong khoảng từ 14 - 21.5 điểm (không nhân đôi môn nào).

II. Học Kỹ thuật môi trường làm công việc gì khi tốt nghiệp? Lương cao hay thấp?

Không phải tất cả nhưng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật môi trường sau khi ra trường làm việc trong các cơ quan nhà nước. Dĩ nhiên, vẫn có những cơ hội việc làm tốt, lương cao nếu bạn muốn ứng tuyển vào các công ty tư nhân, liên doanh bên ngoài. Tùy vào năng lực và mong muốn, khả năng ngoại ngữ mà bạn sẽ có công việc như ý và nhận mức lương xứng đáng.
Học ngành kỹ thuật môi trường, sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm các công việc như:

  • Nhân viên tư vấn môi trường/ Chuyên viên môi trường (tư vấn thủ tục pháp lý môi trường): Đây thường là lựa chọn hàng đầu của các bạn học kỹ thuật môi trường. Bạn sẽ xin vào các công ty sản xuất, chế biến hoặc công ty cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường chuyên nghiệp, giúp các công ty chuẩn bị các vấn đề pháp lý về môi trường, xả thải,... Lương cơ bản của bạn từ 6 - 8 triệu/tháng, tăng dần lên 10 - 20 triệu/tháng.
  • Nhân viên kỹ thuật môi trường: Thử nghiệm, vận hành, đánh giá, triển khai các sản phẩm, dây chuyền về môi trường, xử lý nước thải, rác thải... cung cấp giải pháp kỹ thuật môi trường cho các dự án... Lương của vai trò này từ 7 - 9 triệu/tháng, cao hơn khoảng 12 - 15 triệu/tháng.
  • Chuyên viên khảo sát công trình: Khảo sát địa chất, địa chính, môi trường của các công trình xây dựng, thi công. Lương của bạn thường từ 8 - 12 triệu/tháng và có thể cao hơn 15 - 20 triệu/tháng sau khi có nhiều kinh nghiệm.
  • Kỹ sư môi trường, kỹ sư cấp thoát nước: Làm việc trong các vị trí này, bạn sẽ phụ trách từ thiết kế tới vận hành, chỉ đạo sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xả thải, cấp thoát nước của các công trình xây dựng, thi công, các tòa nhà, khu công nghiệp... Lương trung bình của bạn khoảng 11 triệu/tháng, cao nhất là tầm 30 triệu/tháng.
  • Chuyên viên, cán bộ nhà nước: Vượt qua kỳ thi công chức, bạn có thể làm việc tại phòng Tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường hoặc cấp Bộ. Mức lương của bạn tính theo bậc lương của nhà nước.
  • Cán bộ phát triển: Nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước tuyển cán bộ phát triển với bằng cấp ngành kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, các vị trí này sẽ yêu cầu ngoại ngữ (tiếng Anh) thành thạo. Mức lương từ 10 - 25 triệu/tháng.
  • Giảng viên: Giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học có chuyên ngành kỹ thuật môi trường, cấp thoát nước... Với vị trí này, lương của bạn cũng sẽ được trả theo bậc lương của nhà nước, thường tăng dần theo thâm niên, bắt đầu từ khoảng gần 4 triệu/tháng và có thể tăng lên hơn 11 triệu/tháng.
  • Nghiên cứu viên: Bạn sẽ tìm việc tại các viện nghiên cứu sinh thái, viện công nghệ môi trường... Thu nhập trung bình của bạn trong khoảng 8 - 15 triệu nhưng thường cần bằng thạc sĩ trở lên. Ban đầu, lương của bạn sẽ theo bậc lương của nhà nước và có thêm các khoản trợ cấp, phụ cấp.

III. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường tốt nhất

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường vẫn đang ở mức cao. Để đáp ứng nguyện vọng của nhiều bạn thí sinh, nhiều trường đã mở chuyên ngành này và xây dựng chương trình đào tạo toàn diện hơn. Một số trường trên cả nước được biết đến với chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất tốt nhất hiện nay là:

1. Miền Bắc

  • Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
  • Đại học Y tế công cộng.
  • Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.
  • Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  • Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
  • Đại học Điện lực.
  • Đại học Thủ đô Hà Nội.
  • Đại học Xây dựng Hà Nội.
  • Đại học Công nghiệp Hà Nội.

2. Miền Trung

  • Đại học Tây Nguyên.
  • Đại học dân lập Duy Tân.
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.

3. Miền Nam

  • Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM.
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
  • Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.
  • Đại học Dân lập Văn Lang.
  • Đại học An Giang.
  • Đại học Sài Gòn.
  • Đại học Kiên Giang.
  • Đại học Tôn Đức Thắng.
  • Đại học Công nghiệp TP.HCM.
  • Đại học Công nghệ Đồng Nai.
  • Đại học Tài nguyên Môi trường.

Những trường nào đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường tốt?

IV. Học Kỹ thuật môi trường có dễ xin việc không?

Chọn ngành học, nghề nghiệp là một trong những quyết định quan trọng nhất của đời người. Chắc chắn, khi ai chọn ngành cũng sẽ nghĩ đến tương lai - học xong thì làm gì, có dễ xin việc không, lương cao không... Các bạn học kỹ thuật môi trường cũng vậy.
Thực tế, ở hiện tại và cả trong tương lai, các công việc liên quan tới khoa học môi trường, kỹ thuật môi trường sẽ ngày càng hot, nhiều nơi tuyển. Điều kiện là bạn có bằng cấp chuyên nghiệp, có trình độ tốt và nghiêm túc, có tâm với công việc, với "sứ mệnh" bảo vệ môi trường và nhiều ý tưởng, sáng tạo thì chắc chắn sẽ không khó để tìm việc làm như ý với mức lương lý tưởng.

V. Những ai phù hợp theo học ngành Kỹ thuật môi trường?

Nếu như đang phân vân không biết liệu bạn có phù hợp để học và gắn bó lâu dài với kỹ thuật môi trường hay không, bạn hãy thử so sánh, đánh giá dựa trên các tiêu chí sau nhé:

  • Là người có ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững, mong muốn đóng góp tích cực cho môi trường sinh thái, rừng...
  • Tư duy nhanh, logic.
  • Nghiêm túc, tỉ mỉ, cẩn thận, sáng tạo.
  • Khả năng phân tích, nghiên cứu.
  • Chăm chỉ, không ngại vất vả.
  • Học tốt các môn Sinh, Hóa là một lợi thế.

Một ngành học có điểm đầu vào không quá cao nhưng lại có nhiều trường tốt đào tạo, chương trình học thú vị, dễ tìm việc và thu nhập ổn như kỹ thuật môi trường liệu có khiến bạn cảm thấy hứng thú, kỳ vọng? JOBOKO.com chúc bạn tìm ra định hướng cho mình và có thể thành công thi, ứng tuyển nhé!

MỤC LỤC:
I. Ngành Kỹ thuật môi trường học những gì?
II. Học Kỹ thuật môi trường làm công việc gì khi tốt nghiệp? Lương cao hay thấp?
III. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường tốt nhất
IV. Học Kỹ thuật môi trường có dễ xin việc không?
V. Những ai phù hợp theo học ngành Kỹ thuật môi trường?

Đọc thêm: Cách viết CV xin việc kỹ sư môi trường đúng chuẩn

Đọc thêm: Công việc của Nhân viên Môi trường là làm gì?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888