Tải mẫu sơ yếu lý lịch mới nhất, cách viết chi tiết từ A-Z
Các mẫu sơ yếu lý lịch đúng chuẩn, mới nhất
I. Tải mẫu sơ yếu lý lịch chuẩn, mới nhất
Thông thường khi nộp hồ sơ xin việc, bạn cần phải viết sơ yếu lý lịch để gửi tới nhà tuyển dụng. Bạn có thể dùng các mẫu có sẵn, bán ở tiệm tạp hóa tuy nhiên, bộ hồ sơ có sẵn thường thừa nhiều loại giấy tờ không dùng đến nên dùng mẫu sơ yếu lý lịch dưới đây bằng cách tải về và in ra sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhiều.Mẫu 1: Mẫu sơ yếu lý lịch cá nhân chuẩn
Mẫu 2: Mẫu sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức
Mẫu 3: Mẫu sơ yếu lý lịch viên chức
Mẫu 4: Mẫu sơ yếu lý lịch tiếng Anh
Khi khai báo thông tin cá nhân đi xin việc, hay xin học... các bạn cần phải trình bày ngắn gọn, sạch sẽ, dễ nhìn, cùng với đó là thái độ nghiêm túc, thông tin chân thực chính xác để tạo được điểm nhấn cho bản thân. Nếu cảm thấy khó khi hoàn thiện sơ yếu lý lịch các bạn có thể tải về và điền thông tin dễ dàng hơn.
Với những mẫu sơ yếu lý lịch cơ bản trên đây các bạn hoàn toàn có thể tham khảo cũng như lựa chọn cho mình một bản lý lịch hoàn thiện và đúng chuẩn theo mẫu. Thực tế sơ yếu lý lịch trong túi hồ sơ xin việc của bạn cũng là một trong số những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong quá trình xin việc hay làm bất cứ điều gì. Bởi với bản sơ yếu lý lịch, nhà tuyển dụng sẽ biết được rõ lai lịch của bạn để xét mức độ phù hợp với công việc mà họ có nhu cầu tuyển.
II. Hướng dẫn điền nội dung sơ yếu lý lịch
Khi điền nội dung sơ yếu lý lịch, quan trọng nhất là phải tập trung vào những thông tin quan trọng và liên quan đến mục tiêu nghề nghiệp. Đầu tiên, bạn cần ghi thông tin cá nhân, sau đó tập trung vào kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, mô tả công việc trước đó hoặc các dự án đã thực hiện một cách chi tiết. Cuối cùng, đảm bảo sơ yếu lý lịch của bạn sạch sẽ, dễ đọc và logic để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng. Dưới đây là hướng dẫn cách ghi sơ yếu lý lịch chi tiết cho từng mẫu.
1. Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch (tự thuật) chuẩn
Khi viết sơ yếu lý lịch tự thuật, bạn cần sử dụng từ ngữ chính xác và chuyên nghiệp, tránh đề cập những thông tin mơ hồ, không liên quan.
Bước 1: Điền Thông Tin Cá Nhân
- Ảnh chân dung: Bạn cần sử dụng ảnh màu 4x6, có đóng dấu giáp lai của cơ quan xác nhận lý lịch.
- Họ và tên: Ghi đúng tên theo Giấy khai sinh của bạn. Lưu ý cả Họ và tên đều được viết in hoa.
Ví dụ: NGUYỄN VÂN ANH, PHẠM QUANG TUẤN.
- Ngày sinh: Điền chính xác ngày, tháng, năm sinh từ căn cước công dân (CCCD).
- Dân tộc: Nhập chính xác dân tộc của bạn theo Căn cước công dân (CCCD) (Kinh, Mường, Thái, H'Mong...).
- Tôn giáo: Điền đúng tôn giáo theo CCCD.
Ví dụ: Mục Tôn giáo ở căn cước công dân ghi là Phật Giáo, thì trong sơ yếu lý lịch bạn cũng ghi là Phật Giáo. Nếu không theo tôn giáo nào, hãy ghi chữ Không.
- Nguyên quán: Ghi rõ địa chỉ sinh sống của ông bà nội hoặc cha. Bạn có thể xem thông tin này trong sổ hộ khẩu hoặc CCCD.
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác theo sổ hộ khẩu.
- Nơi ở hiện tại: Điền địa chỉ cư trú hiện tại của bạn. Địa chỉ này có thể giống với địa chỉ hộ khẩu nếu bạn đang sinh sống/học tập/làm việc tại đây.
- Số điện thoại: Ghi số điện thoại của bạn.
- Khi cần báo tin cho ai: Điền thông tin liên lạc với gia đình, có thể là bố/mẹ/anh/chị/em.
Ví dụ: Bố Nguyễn Quang Tuấn, số điện thoại: 092 123 456, địa chỉ: Trần Bình - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội.
- Bí danh: Hay còn gọi là biệt danh của một người, là tên gọi khác thay thế cho tên thật. Bạn có thể bỏ trống nếu không có bí danh.
Ví dụ: Bạn Nguyễn Vân Anh có tên gọi khác là Nguyễn Thanh Mai, thì tại mục Bí danh, điền là Nguyễn Thanh Mai.
Bước 2: Điền Thông Tin Học Vấn, Trình Độ Chuyên Môn
- Trình độ văn hóa: Ghi là là 12/12 nếu bạn chỉ tốt nghiệp THPT, ghi là Cử nhân nếu bạn tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng.
- Trình độ ngoại ngữ: Chỉ rõ các chứng chỉ ngoại ngữ mà bạn đạt được. Lưu ý, cùng một loại chứng chỉ, bạn chỉ ghi chứng chỉ có giá trị cao nhất.
Ví dụ: Nếu có chứng chỉ TOEIC 800 và 900, bạn chỉ ghi TOEIC 900.
- Ngày kết nạp Đảng: Ghi ngày, tháng, năm kết nạp Đảng. Nếu chưa kết nạp Đảng, bạn hãy bỏ trống mục này.
- Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn: Điền chuyên ngành học và công việc hiện tại của bạn.
- Cấp bậc và Lương chính thức: Bạn có thể bỏ trống mục này không ghi.
- Ngày nhập ngũ: Ghi rõ ngày, tháng, năm nhập ngũ/xuất ngũ, lý do xuất ngũ. Nếu chưa từng nhập ngũ, bạn bỏ trống mục này không ghi.
Bước 3: Điền Thông Tin Nhân Thân
- Hoàn cảnh gia đình: Điền chính xác thông tin của bố và mẹ
+ Ghi rõ Họ tên, tuổi, nghề nghiệp của bố và mẹ.
+ Trước cách mạng tháng 8: Ghi rõ làm gì, ở đâu. Nếu bố mẹ chưa sinh trong giai đoạn này, bạn ghi Chưa chào đời hoặc Chưa sinh.
+ Từ năm 1955 đến nay: Ghi rõ tên cơ quan, xí nghiệp mà bố mẹ đang làm. Tương tự, nếu bố mẹ chưa sinh trong giai đoạn này, bạn ghi Chưa chào đời hoặc Chưa sinh.
- Họ tên anh chị em ruột: Ghi rõ tên, tuổi, nơi ở, nghề nghiệp và trình độ chính trị của từng người.
Phần trình độ chính trị, viết rõ đã tham gia tổ chức cách mạng nào, công tác gì, chức vụ gì. Nếu không có, bạn ghi chữ Không.
- Thông tin vợ hoặc chồng: Ghi rõ Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi làm việc.
- Họ tên các con: Ghi rõ tuổi, nghề nghiệp của các con.
Lưu ý: Bỏ qua thông tin này nếu bạn chưa lập gia đình.
Hướng dẫn cách điền sơ yếu lý lịch chuẩn nhất
Bước 4: Điền Quá Trình Hoạt Động Của Bản Thân
Từ tháng/năm đến tháng/năm làm công tác gì, ở đâu, giữ chức vụ gì
Ví dụ: Từ tháng 12/2022 đến hiện tại - công tác tại Công ty Cổ Phần JobOKO Toàn Cầu - 48 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội - Nhân viên Marketing
Bước 5: Điền Khen Thưởng, Kỷ Luật Và Lời Cam Đoan
- Khen thưởng/Kỷ luật: Liệt kê những khen thưởng hoặc kỷ luật mà bạn đã nhận được trong suốt quá trình học tập và làm việc từ trước đến nay.
- Lời cam đoan và ký tên: Viết lời cam đoan rằng các thông tin nêu trên đều đúng sự thật, sau đó bạn ghi rõ ngày, tháng, năm viết sơ yếu lý lịch, ký và ghi rõ họ tên.
Lưu ý: Bạn có thể bỏ trống mục Khen thưởng/Kỷ luật nếu không có thông tin nào để điền vào hai mục này trong sơ yếu lý lịch.
2. Cách viết sơ yếu lý lịch viên chức chính xác
Tương tự sơ yếu lý lịch tự thuật, mẫu kê khai sơ yếu lý lịch viên chức cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về lý lịch, trình độ học vấn của viên chức nhưng có thêm một số phần bổ sung như diễn biến quá trình đào tạo/bồi dưỡng, hệ số lương, ... giúp viên chức tiện lợi khi cần làm các thủ tục liên quan đến lý lịch cá nhân. Cách ghi sơ yếu lý lịch viên chức cụ thể như sau:
Bước 1: Điền Thông Tin Cá Nhân Viên Chức
- Họ và tên: Ghi chữ in hoa, Họ tên trùng khớp với giấy khai sinh.
- Tên gọi khác: Tương tự Bí danh trong Sơ yếu lý lịch tự thuật, ở mục này bạn hãy ghi tên gọi khác đã sử dụng trong các hoạt động cách mạng, báo chí, văn hóa nghệ thuật. Bỏ trống nếu bạn không có tên gọi khác.
- Sinh Ngày: Ghi chính xác ngày, tháng, năm sinh theo Giấy khai sinh.
- Giới tính: Nếu là nam giới, bạn ghi Nam; nếu là nữ giới, bạn ghi Nữ.
- Nơi sinh: Ghi chi tiết xã (phường, thị trấn), huyện (quận), tỉnh (thành phố trực thuộc tỉnh) theo thông tin Giấy khai sinh.
Lưu ý: Nếu địa phương thay đổi tên, bạn ghi "tên cũ", nay là "tên mới". Ví dụ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).
- Quê quán: Ghi quê quán theo cha hoặc ông nội. Trong trường hợp đặc biệt không biết rõ cha ruột và mẹ đẻ, bạn ghi quê quán theo mẹ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ.
- Dân tộc: Ghi rõ tên dân tộc của bạn. Ví dụ: nếu là người dân tộc Kinh, bạn ghi Kinh; là người dân tộc Mường, bạn ghi Mường.
- Tôn giáo: Ghi tên tôn giáo theo căn cước công dân. Ví dụ, căn cước ghi tôn giáo là Công giáo, thì bạn điền Công giáo. Nếu không theo tôn giáo nào, ghi chữ Không.
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ghi đầy đủ thông tin theo Sổ hộ khẩu.
- Nơi ở hiện nay: Ghi địa chỉ hiện tại mà bạn đang sinh sống/làm việc/học tập.
Bước 2: Điền Nghề Nghiệp Và Trình Độ Chuyên Môn
- Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: Mô tả về công việc trước khi bạn được tuyển dụng.
- Ngày tuyển dụng: Ghi rõ ngày, tháng, năm bạn có quyết định tuyển dụng và tên cơ quan ban hành quyết định này.
- Chức danh hiện tại: Ghi rõ chức danh hoặc vị trí đang được phân công đảm nhiệm..
- Chức danh kiêm nhiệm: Ghi chức danh kiêm nhiệm (nếu có).
- Công việc chính được giao: Mô tả chi tiết công việc chính được phân công.
- Chức danh nghề nghiệp viên chức: Ghi tên chức danh, mã số, bậc lương, hệ số lương và ngày/tháng/năm được hưởng lương.
- Trình độ giáo dục phổ thông: Ghi rõ lớp học, hệ đào tạo.
Ví dụ: Ghi là 10/10, nếu tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm. Ghi là 12/12, nếu tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm.
- Trình độ chuyên môn cao nhất: Ghi trình độ cao nhất và chuyên ngành đào tạo.
Ví dụ: Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, trung cấp.
Trường hợp có nhiều văn bằng đào tạo thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại + tên ngành đào tạo. Ví dụ: Tiến sĩ Khoa học; Tiến sĩ Kỹ thuật điện...
- Trình độ lý luận chính trị: Ghi trình độ lý luận chính trị cao nhất.
Ví dụ: Cử nhân/Trung cấp.
- Trình độ quản lý nhà nước: Ghi chứng chỉ đào tạo và cấp bậc (nếu có).
- Trình độ nghiệp vụ theo chuyên ngành: Ghi chứng chỉ hoặc bằng nghiệp vụ theo vị trí công việc.
- Trình độ ngoại ngữ: Ghi chứng chỉ và trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể:
+ Sơ cấp: A1, A2
+ Trung cấp: B1, B2
+ Cao cấp: C1, C2
+ Trình độ tin học: Ghi trình độ tin học cao nhất.
Bạn cần ghi tên ngoại ngữ + Trình độ A, B, C, D,... Ví dụ tiếng Anh B2
- Ngày vào đảng cộng sản Việt Nam: Ghi ngày kết nạp và công nhận Đảng viên chính thức (nếu có).
- Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: Ghi ngày tham gia và mô tả làm những công việc gì trong tổ chức đó.
- Ngày nhập ngũ: Ghi ngày nhập ngũ và quân hàm (nếu có).
- Danh hiệu cao nhất: Ghi danh hiệu và năm được phong tặng.
- Học hàm được phong: Ghi học hàm và năm được phong.
- Sở trường công tác: Mô tả sở trường và vị trí mà bạn làm việc hiệu quả nhất.
Ví dụ: Công tác Đảng/Đoàn, viết văn, họa sĩ, diễn viên...
Sơ yếu lý lịch viên chức viết như thế nào?
Bước 3: Điền Khen Thưởng/Kỷ Luật Và Đặc Điểm Lịch Sử Viên Chức
- Khen thưởng: Ghi rõ hình thức và năm khen thưởng.
- Kỷ luật: Ghi hình thức kỷ luật cao nhất kèm năm nhận kỷ luật.
Ví dụ: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc...
- Tình trạng sức khỏe: Ghi rõ tình trạng sức khỏe hiện tại, gồm chiều cao, cân nặng, nhóm máu.
- Là thương binh hạng:
+ Nếu là thương binh, ghi rõ là hạng mấy trên mấy. Ví dụ: Thương binh hạng 1; Thương binh 2/4; Thương binh 3/4; Thương binh hạng 4/4.
+ Nếu thuộc diện gia đình chính sách, cần ghi rõ con thương binh, con liệt sĩ hay con người nhiễm chất độc da cam Dioxin.
- Căn cước công dân/số chứng minh nhân dân: Ghi số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân và ngày cấp.
- Sổ bảo hiểm xã hội: Ghi số sổ BHXH và tình trạng đóng bảo hiểm.
Lưu ý: Số sổ BHXH là dãy số gồm 10 ký tự ở phần mã số chính là mã số BHXH.
- Đào tạo, bồi dưỡng: Mô tả chi tiết về quá trình đào tạo, bồi dưỡng: Tên trường, chuyên ngành, thời gian đào tạo trong bao lâu; hình thức đào tạo, được cấp văn bằng và chứng chỉ ra sao.
- Tóm tắt quá trình công tác: Liệt kê chi tiết về quá trình công tác theo thời gian.
- Đặc điểm lịch sử bản thân:
+ Nếu bị bắt, tù cần khai rõ thời điểm xảy ra sự việc, ở đâu, đã khai báo cho ai, những vấn đề gì...
+ Tham gia hoặc có quan hệ với tổ chức kinh tế/chính trị/xã hội nào ở nước ngoài.
+ Nhân thân (cha, Mẹ, vợ, chồng, con, anh/chị/em ruột) ở nước ngoài làm gì, địa chỉ ở đâu.
- Quan hệ gia đình: Mô tả chi tiết các thông tin gồm Họ và tên, Năm sinh, Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, đơn vị công tác/học tập, nơi ở (trong, ngoài nước) của các nhóm đối tượng sau:
+ Về bản thân: Cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), các con, anh chị em ruột.
+ Về bên vợ (hoặc chồng): cha, mẹ, anh/chị/em ruột.
- Diễn biến quá trình lương: Ghi theo thời gian, mã số, bậc lương và hệ số lương.
- Nhận xét, đánh giá của đơn vị sử dụng: Phần này do đơn vị tuyển dụng viên chức nhận xét và đánh giá.
3. Hướng dẫn cách viết lý lịch cán bộ, công chức mới nhất
Sơ yếu lý lịch cán bộ công chức được sử dụng để tuyển dụng, đánh giá, thăng cấp hoặc quản lý cán bộ. Dưới đây là hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức mẫu mới nhất.
Bước 1: Điền Thông Tin Cá Nhân Công Chức
- Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ và tên in hoa như trong giấy khai sinh.
- Tên gọi khác: Điền tên hoặc biệt danh sử dụng trong các hoạt động cách mạng, văn hóa, nghệ thuật, báo chí (bỏ trống nếu không có tên gọi khác).
- Ngày sinh và Giới tính: Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh và giới tính là Nam hoặc Nữ.
- Nơi sinh và Quê quán: Ghi địa chỉ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố) và tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) nơi cán bộ, công chức được sinh ra. Quê quán là nơi sinh của cha hoặc ông nội.
- Dân tộc và Tôn giáo: Ghi rõ dân tộc và tôn giáo của cán bộ, công chức. Nếu không theo tôn giáo nào, ghi là "Không".
Ví dụ: Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không.
- Hộ khẩu thường trú: Ghi cụ thể số nhà, đường/phố, thành phố, xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh theo Sổ hộ khẩu.
- Nơi ở hiện nay: Điền nơi ở hiện tại của cán bộ, công chức gồm số nhà, đường/phố, thành phố, xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh.
- Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: Ghi rõ công việc cụ thể hoặc. Nếu chưa có ghi là "Không nghề nghiệp".
- Ngày tuyển dụng và Chức vụ hiện tại: Ghi ngày, tháng, năm tuyển dụng và chức vụ hoặc công việc chính hiện tại.
- Ngạch công chức: Công chức được phân thành 04 loại A, B, C và D, cần ghi rõ ngạch công chức được bổ nhiệm, bậc lương, hệ số, ngày hưởng và phụ cấp.
Bước 2: Điền Trình Độ Học Vấn Và Bằng Cấp
- Trình độ giáo dục phổ thông: Ghi là 12/12 nếu đã tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm.
- Trình độ chuyên môn: Ghi rõ trình độ cao nhất mà cán bộ, công chức đạt được. Ví dụ: Tiến sĩ khoa học, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư...
- Lý luận chính trị: Ghi rõ trình độ cao nhất mà cán bộ, công chức đạt được trong quá trình được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (nếu có).
- Quản lý nhà nước: Ghi rõ Cao cấp, trung cấp, sơ cấp hoặc trình độ tương đương.
- Trình độ ngoại ngữ và Tin học: Ghi trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc và trình độ tin học cao nhất, có kèm chứng chỉ (nếu có).
Sơ yếu lý lịch công chức gồm những thông tin gì? Cách viết ra sao?
Bước 3. Hoạt Động Xã Hội Và Sức Khỏe
- Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: Ghi rõ ngày, tháng, năm gia nhập Đảng.
Lưu ý:
+ Ghi ngày vào Đảng tính từ lần thứ nhất nếu cán bộ, công chức kết nạp Đảng lần thứ 2 mà tuổi Đảng được tính liên tục.
+ Ghi ngày vào Đảng lần thứ 2 nếu tuổi Đảng không được tính liên tục.
- Ngày tham gia tổ chức chính trị - xã hội: Ghi rõ ngày, tháng, năm tham gia tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn/hội), làm những công việc gì trong tổ chức đó.
- Ngày nhập ngũ: Ghi ngày, tháng, năm tham gia bộ đội hoặc công an cùng với thông tin về ngày xuất ngũ. Lưu ý, cần mô tả rõ quân hàm hoặc chức vụ đạt được trong quân đội hoặc công an (nếu có).
- Danh hiệu được phong tặng cao nhất: Ghi rõ danh hiệu đạt được. Ví dụ: Anh hùng lao động; Nghệ sĩ nhân dân (NSND); Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT)...
- Sở trường công tác: Mô tả lĩnh vực làm việc mà cán bộ, công chức cảm thấy thích hợp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.
- Khen thưởng: Ghi rõ thời gian khen thưởng (tháng/năm) và nội dung chi tiết, bao gồm loại khen thưởng như Giấy khen, Bằng khen, Huy chương, Huân chương. Cung cấp thông tin về quyết định khen thưởng.
- Kỷ luật: Ghi rõ hình thức kỷ luật cao nhất, xảy ra năm nào.
- Tình trạng sức khỏe: Cung cấp tình trạng sức khỏe hiện tại (Tốt, trung bình, kém), chiều cao, cân nặng và nhóm máu.
- Là thương binh hạng: Ghi rõ là thương binh hạng mấy. Trường hợp cán bộ, công chức là con gia đình thuộc diện chính sách thì cần ghi rõ là con thương binh, con liệt sĩ,...
- Số CMND/CCCD: Điền chính xác số CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp.
- Số sổ BHXH: Ghi rõ 10 chữ số trên sổ BHXH
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học: Chỉ kê khai thông tin về đào tạo và bồi dưỡng sau khi tốt nghiệp.
- Tóm tắt quá trình công tác: Tóm tắt quá trình công tác theo các mốc thời gian tương ứng với chức danh, chức vụ và đơn vị công tác.
- Đặc điểm lịch sử bản thân: Mô tả chi tiết và trung thực thông tin cá nhân và mối quan hệ gia đình.
- Quan hệ gia đình: Kê khai rõ ràng các mối quan hệ.
- Diễn biến quá trình lương của cán bộ, công chức: Kê khai các thông tin yêu cầu về diễn biến lương như tháng/năm, mã ngạch/bậc và hệ số lương.
- Nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức: Phần này là đánh giá và nhận xét từ cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức.
4. Cách viết mẫu sơ yếu lý lịch tiếng Anh
Khi tìm việc làm tai các doanh nghiệp quốc tế, việc viết sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng. Bạn cần biết cách trình bày nội dung sao cho hợp lý để tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Bước 1: Điền Personal Information (Thông Tin Cá Nhân)
- Ảnh sơ yếu lý lịch:Thông thường, ảnh sơ yếu lý lịch tiếng Anh có kích thước 3x4 và là ảnh màu.
- Full Name (Họ và tên): Bạn ghi đúng tên theo giấy khai sinh, in hoa, không dấu. Lưu ý cần ghi tên trước, họ sau.
Ví dụ: Bạn Nguyễn Vân Anh ghi sơ yếu lý lịch tiếng Anh sẽ là: VAN ANH NGUYEN
- Date of Birth (Ngày, tháng, năm sinh ): Điền chính xác ngày tháng năm sinh từ Căn cước công dân (CCCD)
- Phone Number (Số điện thoại): Ghi số điện thoại của bạn.
- Email Address (Địa chỉ email): Điền địa chỉ email của bạn.
- Sex (Giới tính): Nếu là nam bạn điền Male, nếu là nữ bạn điền là Female.
- Marital Status (Tình trạng hôn nhân hiện tại): Điền tình trạng hôn nhân.
Ví dụ: Điền là single nếu bạn đang độc thân; điền married nếu bạn đã kết hôn; điền separated nếu bạn đang ly thân; điền widowed nếu bạn là góa bụa.
- Nationality of origin (Quốc tịch gốc): Điền Quốc tịch đầu tiên được ghi trong Giấy khai sinh của bạn. Chẳng hạn, nếu là Quốc tịch Việt Nam, bạn ghi Vietnamese; nếu là Quốc tịch Trung Quốc bạn ghi Chinese; Quốc tịch Nhật Bản bạn ghi Japanese.
- Present nationality (Quốc tịch hiện tại): Người thay đổi Quốc tịch cần ghi rõ Quốc tịch sau khi thay đổi là gì.
Ví dụ: Quốc tịch gốc là Việt Nam, sau khi làm thủ tục thay đổi thành công sang Quốc tịch Hàn Quốc, bạn cần ghi Quốc tịch hiện tại là: South Korean.
- Present profession (Nghề nghiệp hiện tại): Ghi rõ công việc hiện tại của bạn.
Ví dụ: nếu là giáo viên mầm non, bạn ghi là elementary school teacher.
- Last or present work place (Nơi làm việc cuối cùng hoặc hiện tại): Sao Mai elementary school
Bước 2: Điền Training Background (Quá Trình Đào Tạo)
Đối với phần Training Background trong sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh, cần ghi rõ trình độ học vấn cao nhất mà bạn đã đạt được, được đào tạo ở đâu, thời gian bao lâu.
- Ghi là Bachelor's degree (Bằng Cử nhân), nếu bạn học đại học/cao đẳng.
- Ghi là Master's degree (Bằng Thạc sĩ), nếu bạn đã hoàn thành chương trình đại học và theo học cao học.
- Ghi là Doctoral degree (Bằng Tiến sĩ) nếu bạn hoàn thành chương trình đào tạo tiêu chuẩn của trình độ Tiến sĩ.
Ví dụ: Bạn Nguyễn Vân Anh học Đại học kinh tế quốc dân (năm 2014-2018). Mục tTraining Background sẽ ghi là: Bachelor's degree at National Economics University (2014-2018)
Bước 3: Điền Employment Records (Quá Trình Làm Việc)
Đây là phần để bạn tóm tắt kinh nghiệm làm việc của mình, bao gồm các mốc thời gian, tên công ty, tên vị trí.
Ví dụ: Bạn Nguyễn Vân Anh có 5 năm kinh nghiệm làm việc như sau:
- Tháng 12/2022 - Nay: Công ty Cổ phần JOBOKO GLOBAL, vị trí Trưởng phòng Marketing.
- Tháng 6/2019 - Tháng 11/2022: VIETTEL GROUP, vị trí Chuyên gia Marketing.
- Tháng 9/2017 - Tháng 5/2019: FPT Group, vị trí Chuyên viên Marketing.
Trong sơ yếu lý lịch tiếng Anh, phần training Background, bạn Nguyễn Vân Anh cần điền là:
- December 2022 - Present: JOBOKO GLOBAL Joint Stock Company, Position: Marketing Manager.
- June 2019 - November 2022: VIETTEL GROUP, Position: Marketing Specialist.
- September 2017 - May 2019: FPT Group, Position: Marketing Executive.
Bước 4: Điền Legal Status (Lý Lịch Tư Pháp)
Trong phần Legal Status, người khai cần điền trung thực đã vi phạm pháp luật Việt Nam lần nào chưa, đã vi phạm pháp luật nước ngoài lần nào chưa và mức độ vi phạm ra sao. Nếu chưa từng vi phạm, hãy bỏ trống phần này.
Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Anh chuẩn nhất
III. Nên dùng sơ yếu lý lịch viết tay hay đánh máy?
Việc lựa chọn giữa sơ yếu lý lịch viết tay hay đánh máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mục đích sử dụng, ngành nghề và sở thích cá nhân.
- Sơ yếu lý lịch viết tay: Thường tạo sự gần gũi. Bạn có thể tận dụng ưu điểm này để gửi thông điệp chân thành đến nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến cách diễn đạt để tránh gây ấn tượng tiêu cực nếu chữ viết không rõ ràng, trình bay cẩu thả.
- Sơ yếu lý lịch đánh máy: Được trình bày rõ ràng, chính xác, khoa học và chuyên nghiệp, tránh lỗi chính tả, giữ cho văn bản luôn sạch sẽ và dễ đọc. Thêm vào đó, sự linh hoạt của mẫu sơ yếu lý lịch đánh máy cho phép người kê khai dễ dàng điều chỉnh và cập nhật thông tin.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, bạn có thể linh hoạt chọn lựa sơ yếu lý lịch viết tay hay đánh máy. Nếu muốn gửi đi một thông điệp cá nhân, viết tay có thể là lựa chọn tốt. Ngược lại, khi cần sự chính xác và chuyên nghiệp, đánh máy sẽ là lựa chọn phù hợp. Quan trọng nhất là bảo đảm rằng sơ yếu lý lịch luôn phản ánh đúng thông tin cá nhân và năng lực của bạn.
IV. Có nên khai khống trong sơ yếu lý lịch?
Với bất cứ giấy tờ gì, đặc biệt là sơ yếu lý lịch, bạn không nên cố tình khai khống. Sẽ rất tệ nếu bạn bị nhà tuyển dụng phát hiện và nếu bạn xin việc làm ở các cơ quan nhà nước thì điều này có thể khiến bạn vĩnh viễn mất đi cơ hội.
Đọc Thêm: 6 sai lầm khi làm sơ yếu lý lịch khiến bạn vẫn thất nghiệp
V. Bìa đựng sơ yếu lý lịch dùng mẫu nào?
Hồ sơ đựng sơ yếu lý lịch thường sử dụng các mẫu bìa chung hoặc mẫu bìa theo quy định của cơ quan, tổ chức nơi bạn nộp hồ sơ. Mỗi cơ quan, tổ chức có thể có yêu cầu cụ thể về mẫu bìa riêng, bạn cần tuân theo để đảm bảo sự chuyên nghiệp và thống nhất. Trong trường hợp không có quy định cụ thể, người kê khai có thể mua mẫu bìa bán sẵn tại nhà sách/văn phòng phẩm/tiệm tạp hóa.
VI. Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần chuẩn bị những gì?
Đơn vị công chứng sẽ chịu trách nhiệm xác nhận và chứng thực thông tin cá nhân, học vấn, kinh nghiệm làm việc trong sơ yếu lý lịch. Người lao động có thể chứng thực sơ yếu lý lịch tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như: Uỷ ban nhân dân cấp xã; Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng; Phòng tư pháp cấp huyện.
Lưu ý: Khi đi công chứng bạn cần mang theo bản chính hoặc bản sao công chứng (còn hiệu lực) của CCCD/CMND hoặc Hộ chiếu. Trong trường hợp chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, phí là 10.000 đồng/bản.
Những nội dung chủ yếu trong sơ yếu lý lịch là khai báo lý lịch bản thân, hoàn cảnh gia đình, quá trình hoạt động và những nội dung liên quan đúng theo quy định của nhà nước. Để có được một bản kê khai đúng chuẩn, các bạn hãy tải về và tham khảo chi tiết cách viết từng mẫu để sử dụng cho nhu cầu cá nhân.
Ngoài mẫu sơ yếu lý lịch các bạn cũng có thể tham khảo thêm mẫu CV xin việc để có thể tạo cho mình những CV ấn tượng và gửi tới nhà tuyển dụng. Có rất nhiều các mẫu khác nhau, các bạn chỉ việc tải về và điền nội dung hay soạn thảo theo ý mình, hãy cùng tìm hiểu trên JOBOKO để có những thông tin hữu ích nhất và lựa chọn cho mình công việc phù hợp nhất nhé.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.