Học ngành Kỹ thuật phần mềm ra làm gì? trường nào tốt?

08/12/2021 09:30
Vẫn là học về công nghệ thông tin và khoa học máy tính nhưng ngành kỹ thuật phần mềm lại tập trung nhiều nhất vào cung cấp đầy đủ kiến thức, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn để nghiên cứu, phát triển phần mềm phục vụ mọi mặt của nền kinh tế xã hội.

Được biết đến như một ngành học xu hướng với mức thu nhập ấn tượng, những năm gần đây, kỹ thuật phần mềm ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ có đam mê, tham vọng với lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết kế phần mềm. Vậy chính xác thì cơ hội việc làm ngành kỹ thuật phần mềm thế nào, có các trường nào đào tạo chất lượng?

Cơ hội việc làm ngành Kỹ thuật phần mềm ra sao?

1. Tổng quan ngành Kỹ thuật phần mềm

Ngày nay, hầu hết mọi người đều tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ thông tin - phổ biến nhất là các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính. Từ cá nhân đến các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh... phần mềm đóng vai trò không thể thay thế. Cũng vì vậy mà các ngành học như ngành kỹ thuật phần mềm ngày càng hot, nhiều người cạnh tranh để học và tìm việc làm trong lĩnh vực năng động, nhiều cơ hội này.
Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) học về các kiến thức, kỹ năng để xây dựng, hoàn thiện và quản lý tốt quy trình lên ý tưởng, thiết kế, lập trình, kiểm thử phần mềm, khắc phục lỗi, bảo trì và nâng cấp. Lượng kiến thức được cung cấp theo hệ thống sẽ giúp bạn có thể làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, sáng tạo các phần mềm hữu ích phục vụ giải trí, tăng năng suất lao động, cải thiện mức độ chính xác...

2. Các khối thi ngành Kỹ thuật phần mềm

Hiện nay, các trường tuyển sinh ngành kỹ thuật phần mềm xét tuyển tổ hợp môn các khối thi: A00, A01, D01, D10, C01, C02. Ngoài ra, tùy chính sách của mỗi trường mà họ triển khai chính sách xét học bạ, tuyển thẳng... Chỉ tiêu thường bao gồm 2 hoặc 3 hình thức xét tuyển, cạnh tranh cũng khá gay gắt để vào các trường top.

3. Mã ngành ngành Kỹ thuật phần mềm

Mã ngành dự thi của ngành kỹ thuật phần mềm là: 7480103

4. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tốt nhất

Càng ngày càng có nhiều trường tuyển sinh ngành kỹ thuật phần mềm (hoặc tách khỏi các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính trước đây). Tùy vào kết quả học tập và các điều kiện khác, bạn có thể cân nhắc đến các trường sau đây:

4.1. Miền Bắc

  • Đại học Công nghiệp Hà Nội (chỉ tiêu: 235).
  • Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (chỉ tiêu: 310).
  • Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên (chỉ tiêu: 105).
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (chỉ tiêu: 200).

4.2. Miền Trung

  • Đại học Duy Tân (chỉ tiêu: chưa rõ).
  • Đại học Quảng Bình (chỉ tiêu: 45.
  • Đại học Quy Nhơn (chỉ tiêu: chưa rõ).

4.3. Miền Nam

  • Đại học Văn Lang (chỉ tiêu: 437).
  • Đại học Sài Gòn (chỉ tiêu: 90).
  • Đại học Thủ Dầu Một (chỉ tiêu: chưa rõ).
  • Đại học Cần Thơ (chỉ tiêu: 120).
  • Đại học Tôn Đức Thắng (chỉ tiêu: chưa rõ).
  • Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ (chỉ tiêu: 414).
  • Đại học Quốc tế Miền Đông (chỉ tiêu: chưa rõ).
  • Đại học An Giang (chỉ tiêu: 100).
  • Đại học Công nghệ thông tin (chỉ tiêu: 100).

Có những trường nào đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tốt?

5. Các vị trí việc làm ngành Kỹ thuật phần mềm

Các bạn tốt nghiệp ngành kỹ thuật phần mềm có thể tìm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp với cơ hội phát triển rộng mở. Một số nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn sẽ là bộ phận công nghệ thông tin, kỹ thuật của các cơ sở hành chính sự nghiệp, ngân hàng, doanh nghiệp; công ty phát triển và gia công phần mềm; công ty thiết kế website, ứng dụng, game; công ty tư vấn dịch vụ giải pháp phần mềm, công nghệ thông tin...
Một số cơ hội việc làm ngành kỹ thuật phần mềm phổ biến nhất hiện nay và ước tính mức thu nhập (do JobOKO khảo sát dựa trên các tin tuyển dụng thực tế) là:

  • Lập trình viên: Có thể nói, làm việc trong vai trò lập trình viên là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều bạn theo học ngành kỹ thuật lập trình sau khi tốt nghiệp. Công việc này cho phép bạn trực tiếp tham gia vào các dự án lập trình, phát triển phần mềm với mức lương trung bình từ 8 - 15 triệu/tháng, cao nhất có thể lên tới 30 - 40 triệu/tháng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội làm thêm kiếm thu nhập vào thời gian rảnh.
  • Kỹ sư phần mềm: Trong khi đó, nếu có năng lực và muốn phụ trách tất cả quá trình sản xuất phần mềm, từ tiếp nhận thông tin, đánh giá yêu cầu tới thiết kế, vận hành, kiểm thử, khắc phục lỗi, bảo dưỡng, nâng cấp phần mềm... thì làm kỹ sư phần mềm sẽ là hướng đi tốt cho tương lai sự nghiệp của bạn. Bạn sẽ được trả từ 10 - 15 triệu/tháng khi ra trường 1 - 2 năm đầu, tăng lên 15 - 25 triệu/tháng khi có kinh nghiệm, thậm chí lên đến 50 - 100 triệu/tháng nếu xuất sắc.
  • Nhân viên IT: Còn được gọi là nhân viên kỹ thuật máy tính, nhân viên IT hiện nay có mức lương trung bình từ 6 - 8 triệu khi mới ra trường, 10 - 15 triệu với 3 - 5 năm kinh nghiệm và 20 - 30 triệu/tháng cho người có kinh nghiệm.
  • Nhân viên triển khai phần mềm: Với vị trí này, bạn được trả trung bình từ 7 - 12 triệu/tháng và khi có kinh nghiệm (thường là từ 5 năm trở lên) thì mức lương khoảng 20 - 33 triệu/tháng.
  • Nhân viên kiểm thử phần mềm (tester): Kiểm tra lỗi của hệ thống phần mềm, xác định xem phần mềm đã đáp ứng được các nhu cầu thực tế, đáp ứng được mục tiêu thiết kế ban đầu hay chưa... Một tester có lương trung bình từ 6 - 12 triệu/tháng, cao hơn là tầm 15 triệu/tháng.

Ngoài ra, tấm bằng kỹ thuật phần mềm tạo điều kiện cho bạn chủ động trong công việc, có thể tự thiết kế game, tạo các ứng dụng, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc tìm kiếm các việc làm kinh doanh như nhân viên kinh doanh phần mềm, nhân viên kinh doanh dự án,...

Những ai phù hợp để theo đuổi ngành Kỹ thuật phần mềm?

6. Tố chất, kỹ năng cần có để thành công trong ngành Kỹ thuật phần mềm

Là một trong những ngành xu hướng hiện nay nhưng để cạnh tranh và tồn tại lâu dài trong ngành kỹ thuật phần mềm, sự chủ độc, học hỏi và phát triển không ngừng là yêu cầu bắt buộc. Với những phẩm chất, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm thành thạo, bạn sẽ có thêm khả năng tìm việc làm tốt, đồng thời nhận mức lương cao và dễ thăng tiến. Những yêu cầu kỹ năng tối thiểu để thành công trong lĩnh vực này là:

  • Lập trình máy tính và mã hóa: Đây là một trong những kỹ năng kỹ thuật phần mềm cơ bản, mỗi ngôn ngữ lập trình máy tính và yêu cầu công việc có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bạn đang ứng tuyển nhưng việc thành thạo các ngôn ngữ phổ biến có tính ứng dụng cao như Java, Python... sẽ có ích cho bạn.
  • Phát triển phần mềm hữu ích, hướng người dùng
  • Kỹ năng kiểm thử phần mềm và gỡ lỗi
  • Kỹ năng phân tích thông tin, tư duy logic và giải quyết vấn đề
  • Sáng tạo, có khả năng biến ý tưởng thành các phần mềm hữu ích
  • Tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết và khả năng tập trung tốt
  • Yêu thích lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình phần mềm
  • Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.

Qua các thông tin JobOKO chia sẻ, chắc hẳn bạn đã hiểu hơn về ngành kỹ thuật phần mềm? Nếu có niềm yêu thích, có năng lực học tập phù hợp thì bạn có thể cân nhắc đến việc thi vào các trường có đào tạo ngành này, chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho sự nghiệp của mình trong tương lai nhé.

MỤC LỤC:
1. Tổng quan ngành Kỹ thuật phần mềm
2. Các khối thi ngành Kỹ thuật phần mềm​
3. Mã ngành ngành Kỹ thuật phần mềm
4. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tốt nhất
5. Các vị trí việc làm ngành Kỹ thuật phần mềm
6. Tố chất, kỹ năng cần có để thành công trong ngành Kỹ thuật phần mềm

Đọc thêm: Ngành khoa học máy tính học gì? ra trường làm gì?

Đọc thêm: Học ngành Hệ thống thông tin ra làm gì? có dễ xin việc không?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888