Mách bạn chiến lược tạo portfolio gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng

10/07/2021 17:30
Gửi portfolio kèm CV xin việc là một trong những cách "đơn giản nhất" để bạn tạo ấn tượng và chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng ngay cả khi chưa phỏng vấn. Chiến lược thiết kế, trình bày portfolio để có một hồ sơ năng lực chất lượng, hoàn hảo sẽ được JobOKO chia sẻ sau đây, cùng theo dõi bạn nhé!

Tìm việc làm trong những ngành nghề, lĩnh vực xu hướng, yêu cầu cao về độ sáng tạo, có tỷ lệ cạnh tranh cao thì chỉ CV ứng tuyển thường là chưa thực sự "đủ" để bạn vượt qua các ứng viên khác. Thư xin việc, chứng chỉ và portfolio gửi kèm nếu đủ thuyết phục sẽ bổ sung cho thông tin trong CV, giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.

1. Portfolio là gì?

Các bạn học marketing, làm việc trong lĩnh vực thiết kế, truyền thông,... thì thường không xa lạ gì với portfolio. Trong khi đó, vẫn còn nhiều bạn nghe nói về portfolio nhưng không biết chính xác nó là gì và phải làm sao để tạo portfolio đẹp, thực hiện đúng "chức năng".

Về cơ bản, portfolio là:

- Danh mục dự án, sản phẩm, thiết kế,... ứng viên đã phát triển và hoàn thành.

- Portfolio có thể được yêu cầu bắt buộc gửi kèm CV khi ứng tuyển (tùy theo ngành nghề/ nhà tuyển dụng) hoặc không (ứng viên chủ động gửi kèm để gia tăng giá trị bản thân, tăng tính thuyết phục,...).

- Portfolio chủ yếu được thiết kế, lưu và gửi trực tuyến. Ngoài ra, với một số công việc đặc thù hoặc tùy theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, bạn cũng có thể in thành bản cứng và gửi kèm hồ sơ xin việc.

- Có những trường hợp ứng viên có website cá nhân chỉn chu thì cũng có thể xem đó như một dạng portfolio.
Portfolio có thể chỉ là một tài liệu đơn giản như một phiên bản trực tuyến của CV của bạn hay một bản in đẹp, đầy đủ và hấp dẫn. Một Portfolio toàn diện sẽ bao gồm các hình ảnh, dự án thiết kế, chiến lược, kết quả, đồ hoạ, tệp video và âm thanh (trực tuyến),... của bạn. Portfolio thường được gửi kèm CV và thư xin việc. Các mẫu CV ấn tượng nếu bạn chưa nắm rõ thì có thể truy cập để tham khảo dưới đây.

2. Vai trò của portfolio trong ứng tuyển việc làm, phát triển sự nghiệp

So với CV xin việc thì tạo portfolio có thể phức tạp hơn một chút, vì khó mà dùng các mẫu có sẵn trong khi vẫn thể hiện được năng lực thiết kế, tư duy của bạn. Hơn thế, portfolio cũng không phải là tài liệu đơn giản là liệt kê "tất tần tật" các thông tin liên quan về kinh nghiệm, kỹ năng, chứng chỉ, bằng cấp,...

Để có một bản portfolio chuẩn, đẹp, thu hút và thuyết phục, bạn cần hiểu được tầm quan trọng của nó và đầu tư thời gian, công sức cũng như chất xám để ghi dấu ấn cá nhân - có portfolio thể hiện phong cách, hình ảnh cá nhân của bạn và đáp ứng được kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Portfolio quan trọng là vì:

- Giúp chứng minh năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng với nhà tuyển dụng.

- Xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân tích cực và uy tín trong nghề.

- Gia tăng cơ hội trúng tuyển việc làm.

- Yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thăng tiến.

3. Cách tạo portfolio chuyên nghiệp chinh phục nhà tuyển dụng

3.1. Xác định việc chuẩn bị, gửi portfolio có thực sự cần thiết?

Bạn nên gửi portfolio khi:

- Nhà tuyển dụng yêu cầu.

- Đặc điểm ngành nghề (thiết kế, marketing, truyền thông, kiến trúc, xây dựng,...) - khi bạn có portfolio thì sẽ dễ chứng minh được năng lực hơn.

- Bạn tự tin với bề dày kinh nghiệm, trải nghiệm và các thành tích, thành tựu của mình, năng lực chuyên môn, cảm thấy sẽ truyền tải tốt nhất qua portfolio để nhà tuyển dụng đánh giá cao về bạn.

- Bạn có kỹ năng thiết kế chuyên nghiệp, có khiếu thẩm mỹ và khả năng trình bày ý tưởng trực quan, logic, thuyết phục cả bằng ngôn từ kết hợp với hình ảnh, biểu đồ.

Một khi đã xác định việc thiết kế và gửi portfolio là cần thiết và bạn có khả năng tạo ra portfolio chuyên nghiệp, chất lượng thì hãy chuyển sang các bước tiếp theo.

3.2. Lên ý tưởng thiết kế, định dạng cho portfolio

Tương tự như cách viết CV xin việc, cách tạo portfolio ứng tuyển cũng cần được bắt đầu với việc chọn thiết kế. Chưa nói đến nội dung nhưng hình thức sẽ ảnh hưởng đáng kể tới "điểm số" nhà tuyển dụng dành cho portfolio của bạn.

Trước khi chính thức bắt tay vào vào tạo portfolio, bạn hãy xây dựng ý tưởng về bố cục, màu sắc, cách sắp xếp các phần trong tổng thể nội dung. Gợi ý cho bạn để tìm ý tưởng portfolio của mình là:

- Căn cứ theo lĩnh vực làm việc, từ đó bạn chọn "concept" năng động hay đơn giản, gọn gàng.

- Hướng thiết kế, chọn màu sắc theo hình ảnh truyền thông, thương hiệu của công ty bạn ứng tuyển. Giả sử, công ty sử dụng logo, hình ảnh sản phẩm nổi bật,... là tông màu xanh - xám thì bạn cũng có thể xây dựng ý tưởng cho hình ảnh portfolio của mình sử dụng 2 tông màu chủ đạo đó.

- Kết hợp với phong cách thiết kế cá nhân của bạn, thể hiện được cá tính riêng, có sự sáng tạo và độc đáo để không bị trùng lặp, mờ nhạt vì "không có gì nổi bật", thiết kế "na ná" ứng viên khác.

Một gợi ý khác không kém phần quan trọng khi lên ý tưởng cho portfolio là bạn chú ý rằng phông chữ, cỡ chữ hay màu sắc đều phải được xác định và thử từ trước để sao cho hài hòa, dễ đọc - nguyên tắc tương tự khi viết CV xin việc.

3.3. Cân nhắc, lựa chọn thông tin cho portfolio

Đây là phần quan trọng nhất khi bạn tạo portfolio. Tránh trường hợp ứng viên mới ra trường không biết nên thiết kế portfolio thế nào (vì ít thông tin) hay ứng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm gặp khó khăn trong việc chọn lọc thông tin, JobOKO khuyên bạn như sau:

- Tự liệt kê xem bạn đã tham gia, hoàn thành bao nhiêu dự án, thiết kế?

- Dự án nào nổi bật, thiết kế nào thể hiện phong cách cá nhân và năng lực sáng tạo,...

- Thiết kế, dự án nào quy mô lớn, có danh tiếng?

Tiếp theo đó, bạn có thể chọn lọc ra các dự án, thành tích bạn thấy sẽ thể hiện tốt nhất năng lực, kỹ năng, chuyên môn của bạn và liên quan trực tiếp tới công việc. Hiểu đơn giản, khi tìm việc làm marketing chẳng hạn, bạn có kinh nghiệm làm việc trong agency có tiếng và làm truyền thông, quảng cáo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm/ thương hiệu có danh tiếng trên thị trường, gần như "ai cũng biết" thì việc thông tin về dự án xuất hiện trong portfolio sẽ giúp bạn nổi bật hơn hẳn nhiều ứng viên khác.

Lưu ý quan trọng: Đặc điểm của portfolio là không chỉ có thông tin diễn đạt mà chủ yếu nên được "tinh giản" với bảng biểu, biểu đồ, số liệu, hình ảnh. Nhà tuyển dụng sẽ thấy ấn tượng hơn, dễ theo dõi hơn. Trường hợp bạn biến portfolio của mình như một bản tổng hợp vừa giống CV, vừa giống cover letter lại vừa như một báo cáo, liệt kê mọi thông tin có thể "nhồi nhét" thì portfolio như vậy thậm chí còn khiến bạn không đến được vòng phỏng vấn.

3.4. Điều chỉnh, sắp xếp, chỉnh sửa

Việc chỉnh sửa portfolio là bắt buộc vì rất hiếm có trường hợp bạn hoàn thành lần đầu đã cảm thấy ưng ý và hoàn toàn hài lòng. Hơn thế nữa, bạn thấy ổn nhưng chưa chắc portfolio đã thực sự đảm bảo về mặt hình thức, nội dung, cách trình bày các phần.

Một cách đơn giản để khắc phục việc bạn chưa biết portfolio của mình đã chuẩn hay chưa là hãy xem lại, đánh giá một cách khách quan nhất, căn cứ theo khả năng tư duy logic, chiến lược của bạn. Ví dụ là bạn đang sắp xếp thông tin có phần bị lộn xộn, hình ảnh hơi chói hoặc khiến các con số trong ảnh khó đọc hoặc dự án lớn đặt ở ngay đầu portfolio, sau đó toàn là các dự án kém nổi bật hơn thì rõ ràng bạn nên điều chỉnh lại.

Nguyên tắc cơ bản là cả trong CV cũng như portfolio, bạn hãy làm sao để thông tin cho thấy bạn đang học hỏi và phát triển, từng bước đạt được những thành tựu ấn tượng hơn (thay vì "phong độ không ổn định" hoặc "đi lùi").

Ngoài ra, nếu có thể hãy tạo sự đồng nhất, mối liên kết giữa hình thức, sắc màu CV của bạn với portfolio. Giả sử bạn chọn mẫu CV thanh lịch với màu sắc trắng hồng nhạt nhẹ nhàng trên JobOKO, vậy thì còn gì tốt hơn là portfolio của bạn cũng tạo cảm giác tương tự?

3.5. Lưu portfolio dưới định dạng phù hợp trước khi gửi

Định dạng portfolio ảnh hưởng tới hiệu quả khi bạn gửi hồ sơ ứng tuyển nói chung. Ngày nay, hầu hết nhà tuyển dụng đều yêu cầu CV lưu dưới dạng PDF - tránh bị lỗi, còn portfolio thì sao?

Nếu bạn đăng portfolio của mình lên blog, website cá nhân thì khi bạn chia sẻ liên kết, nhà tuyển dụng có thể tự truy cập. Nói cách khác, với trường hợp như vậy bạn sẽ không cần gửi riêng portfolio mà viết luôn trong email hoặc trong CV xin việc. Tuy nhiên, với đa số tình huống thì bạn sẽ chọn lưu portfolio của mình dưới dạng file PDF (chất lượng hình ảnh được đảm bảo, khó chỉnh sửa, thay đổi) hoặc dạng ảnh (ít phổ biến hơn).

Khi gửi CV xin việc kèm thư ứng tuyển và portfolio, bạn nên chắc chắn là định dạng của 3 tài liệu này đều là PDF. Đừng quên viết trong email ứng tuyển rằng bạn đã gửi cả portfolio, CV và cover letter, nhà tuyển dụng vui lòng xem trong file đính kèm.

Một Portfolio chuyên nghiệp bao gồm những yếu tố nào?

4. Lưu ý khi tạo, gửi portfolio

Những chiến lược tạo portfolio chuẩn, đẹp để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội trúng tuyển ở trên sẽ hiệu quả hơn khi bạn chú ý thêm đến các yếu tố sau:

- Chỉ tạo portfolio khi thực sự cần thiết và bạn có năng lực sáng tạo.

- Portfolio có độ dài phù hợp, không quá "cồng kềnh" hay ngắn như CV.

- Hình thức portfolio phải đảm bảo đủ đẹp, thu hút trong khi rõ ràng, dễ theo dõi.

- Nội dung portfolio có chọn lọc kỹ lưỡng, trung thực và thể hiện được năng lực chuyên môn của ứng viên.

- Gửi kèm portfolio với CV.

Portfolio giúp ích cho quá trình ứng tuyển việc làm của bạn, với điều kiện là bạn có thể thiết kế chuẩn, đẹp, nội dung có "sức nặng". Ghi nhớ và vận dụng các gợi ý của JobOKO ở trên để tự tin sáng tạo và gửi portfolio đạt hiệu quả như ý bạn nhé!

MỤC LỤC:
1. Portfolio là gì?
2. Vai trò của portfolio trong ứng tuyển việc làm, phát triển sự nghiệp
3. Cách tạo portfolio chuyên nghiệp chinh phục nhà tuyển dụng
4. Lưu ý khi tạo, gửi portfolio

Đọc thêm: Mẹo viết hồ sơ trực tuyến ấn tượng cho freelancer

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888