STAR Method là gì? Cần chuẩn bị gì để áp dụng câu hỏi hành vi trong phỏng vấn?
MỤC LỤC:
1. STAR Method là gì?
2. Các câu hỏi phỏng vấn phổ biến theo STAR Method
3. Nhà tuyển dụng cần chuẩn bị gì để áp dụng STAR Method?
4. Mẹo trả lời câu hỏi phỏng vấn hành vi cho ứng viên
Hiểu thế nào về STAR Method?
1. STAR Method là gì?
STAR Method là một kiểu phỏng vấn bao gồm các câu hỏi hành vi nhằm đánh giá ứng viên chính xác hơn. Nhà tuyển dụng sẽ khéo léo đặt ra các câu hỏi buộc ứng viên phải cung cấp một ví dụ thực tế về cách họ xử lý các loại tình huống xuất hiện ở nơi làm việc. Những câu hỏi dùng trong STAR Method thường rất đơn giản, bắt đầu bằng các cụm từ như: "Hãy kể cho chúng tôi nghe về...", "Bạn sẽ làm gì nếu...", "Bạn đã bao giờ...".
STAR là từ viết tắt của:
- Situation (Tình huống): Nhà tuyển dụng thiết lập bối cảnh và ứng viên phải trả lời bằng các ví dụ thực tế, bao gồm tính chi tiết.
- Task (Nhiệm vụ): Ứng viên cần mô tả trách nhiệm của mình trong tình huống cụ thể.
- Action (Hành động): Ứng viên giải thích chính xác những bước đã thực hiện để giải quyết vấn đề, tình huống.
- Result (Kết quả): Ứng viên chia sẻ những kết quả từ hành động, giải pháp của họ.
Bằng cách sử dụng 4 thành phần này để định hình câu chuyện của mình, ứng viên sẽ dễ dàng chia sẻ một câu chuyện, một câu trả lời hợp lý, rõ ràng giúp nhà tuyển dụng hiểu thêm về bạn. Câu trả lời của ứng viên có vai trò vô cùng quan trọng, được dùng để đánh giá xem bạn có thực sự phù hợp với vai trò công việc hay không.
2. Các câu hỏi phỏng vấn phổ biến theo STAR Method
Dưới đây là một vài ví dụ về các câu hỏi hành vi mà nhà tuyển dụng có thể sử dụng trong một cuộc phỏng vấn theo STAR Method:
- Hãy chia sẻ ví dụ khi bạn gặp phải một vấn đề khó khăn trong công việc. Bạn giải quyết vấn đề đó như thế nào?
- Hãy mô tả một khoảng thời gian khi bạn chịu nhiều áp lực trong công việc. Bạn đã phản ứng thế nào?
- Hãy nói cho chúng tôi biết về một sai lầm mà bạn đã phạm phải trong công việc. Sai lầm đó dẫn đến hậu quả thế nào và bạn đã xoay sở để giải quyết ra sao?
- Đã bao giờ bạn phải đưa ra một quyết định khó khăn trong công việc? Sau đó bạn đã làm thế nào?
- Bạn hãy giải thích về một tình huống mà trong đó bạn đưa ra giải pháp, khuyến nghị cho công ty dựa trên dữ liệu hoặc suy nghĩ logic.
- Bạn có từng bất đồng với cấp trên? Cuối cùng bạn giải quyết thế nào?
- Chia sẻ một ví dụ về một khoảng thời gian bạn thất bại trong công việc. Bạn học được gì từ trải nghiệm này?
3. Nhà tuyển dụng cần chuẩn bị gì để áp dụng STAR Method?
Nhà tuyển dụng có nên áp dụng STAR Method khi tuyển nhân viên?
Đối với nhà tuyển dụng, STAR Method là một giải pháp để đánh giá chính xác hơn về ứng viên. Để kết hợp thành công các câu hỏi STAR Method vào chiến lược phỏng vấn của bạn, có 4 bước bạn cần thực hiện.
3.1. Lập danh sách các câu hỏi hành vi theo vai trò cụ thể
Bước đầu tiên và quan trọng nhất để chuẩn bị áp dụng STAR Method vào phỏng vấn là nhà tuyển dụng phải lập danh sách các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá kinh nghiệm, kỹ năng và đặc điểm của ứng viên theo vai trò cụ thể mà họ ứng viên. Danh sách các câu hỏi có thể đóng vai trò là điểm bắt đầu chung nhưng để thực sự đi sâu vào nền tảng cụ thể của ứng viên liên quan đến vai trò, bạn sẽ muốn điều chỉnh câu hỏi của mình một cách thích hợp.
Nếu bạn đang sử dụng STAR Method, hãy đặt câu hỏi yêu cầu câu trả lời cụ thể theo tình huống. Chẳng hạn, nếu bạn muốn biết về tính linh hoạt của ứng viên, bạn có thể yêu cầu họ mô tả một tình huống hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành công việc để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung, v.v.
3.2. Nói với ứng viên về kỳ vọng của bạn
Đây là một tùy chọn mà không phải nhà tuyển dụng nào cũng ủng hộ và thực hiện theo. Một số nhà tuyển dụng không muốn giải thích rằng họ đang tìm kiếm câu trả lời như thế nào khi phỏng vấn theo STAR Method. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng nói với ứng viên về kỳ vọng của bạn có thể giúp ứng viên có định hướng và đưa ra câu trả lời thể hiện được bản thân họ. Nếu bạn không giải thích những gì bạn đang tìm kiếm, bạn có nguy cơ nhận được câu trả lời không đầy đủ hoặc gây nhầm lẫn cho ứng viên.
3.3. Biết những gì bạn đang tìm kiếm
Các câu hỏi phỏng vấn theo STAR Method đặc biệt hữu ích để xác định các đặc điểm chính về tính cách, khả năng phản ứng của ứng viên hoặc cho phép nhà tuyển dụng nhìn nhận rõ hơn về bối cảnh của các vấn đề tiềm ẩn mà bạn thấy trong CV của họ. Khi bạn đặt câu hỏi theo STAR Method, bạn nên biết những gì bạn đang tìm kiếm trong câu trả lời của ứng viên và bất kể ứng viên trả lời như thế nào, hãy lưu ý cách họ thể hiện hoặc không thể hiện những đặc điểm đó.
3.4. Cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp
Mỗi ứng viên có những trải nghiệm cuộc sống và công việc hoàn toàn khác nhau, tất cả đều góp phần vào những câu trả lời độc đáo và đôi khi bất ngờ cho các câu hỏi phỏng vấn hành vi của STAR Method. Điều quan trọng mà một nhà tuyển dụng cần nhớ là duy trì sự cởi mở. Chắc chắn là bạn muốn xây dựng một nhóm với các nhân viên đa dạng, mỗi người đưa ra những ý tưởng mới và khác nhau và kinh nghiệm trong quá khứ. Vì vậy, nếu một ứng viên trả lời khác với mong đợi của bạn, điều đó không có nghĩa là họ đã trả lời sai.
XEM THÊM: Cách bắt tay lịch sự trong giao tiếp khi phỏng vấn
4. Mẹo trả lời câu hỏi phỏng vấn hành vi cho ứng viên
Về phần mình, ứng viên có thể thực hiện theo quy trình từng bước sau đây để đưa ra câu trả lời phỏng vấn STAR Method tốt nhất.
4.1. Tìm một ví dụ phù hợp
Phỏng vấn STAR Method có thể khiến ứng viên chưa có kinh nghiệm cảm thấy bổi rối. Là một ứng viên, bạn sẽ không có cách nào để biết chính xác những gì người phỏng vấn sẽ hỏi bạn. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn chuẩn bị trước một số ví dụ cho phép bạn tùy chỉnh theo các câu hỏi khác nhau.
4.2. Làm nổi bật nhiệm vụ công việc
Khi trả lời câu hỏi trong phỏng vấn STAR Method, bạn cần tập trung làm nổi bật nhiệm vụ công việc thay vì nói quá nhiều đến suy nghĩ, cảm xúc của bản thân thời điểm đó.
4.3. Chia sẻ cách bạn thực hiện hành động
STAR Method cũng là cơ hội để bạn thực sự thể hiện sự đóng góp của mình cho thành công của dự án hoặc các công việc trước đây. Bạn đã làm việc với một nhóm tài năng hay học sử dụng một phần mềm cụ thể? Nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã làm gì.
4.4. Tập trung vào kết quả
Phần cuối cùng của phản hồi nên bao gồm kết quả hành động bạn đã thực hiện. Tất nhiên, kết quả tốt tích cực sẽ tốt hơn nhưng ngay cả khi bạn nói về một lần bạn thất bại hoặc mắc lỗi, hãy đảm bảo bạn kết thúc bằng một bài học, rút kinh nghiệm.
Hãy nhớ rằng, những người phỏng vấn không chỉ quan tâm đến những gì bạn đã làm, họ cũng muốn biết tại sao nó lại quan trọng. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn nhấn mạnh vào bất kỳ kết quả nào bạn đạt được và định lượng chúng khi bạn có thể.
Các cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm làm việc
Nếu bạn là người chưa có nhiều kinh nghiệm việc làm cũng như phỏng vấn xin việc thì có thể tìm hiểu chi tiết hơn về cách trả lời phỏng vấn khi chưa có kinh nghiệm làm việc. Qua đây bạn sẽ có thêm những kiến thức cũng như hiểu rõ vấn đề và đưa ra những cách trả lời và cư xử tốt hơn trong buổi phỏng vấn.
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.