Toàn cầu hóa là gì? Ưu điểm và nhược điểm của toàn cầu hóa

27/10/2021 00:00
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ, nền kinh tế toàn cầu phát triển nhanh như vũ bão. Điều này càng làm thúc đẩy nhanh quá trình hợp tác và liên kết giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Quá trình hợp tác và liên kết trên mọi lĩnh vực này đã mở ra cánh cửa mang tên toàn cầu hóa. Vậy toàn cầu hóa là gì?

Thuật ngữ toàn cầu hóa (Globalization) được sử dụng để mô tả sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, văn hóa và dân số trên thế giới. Vậy để hiểu rõ hơn toàn cầu hóa là gì, hãy cùng JOBOKO.com tham khảo bài viết dưới đây.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra như thế nào? mang đến lợi ích gì?

I. Toàn cầu hóa là gì?

Toàn cầu hóa là quá trình các hoạt động về thương mại, đầu tư, lao động, ngân hàng... được kết nối mạnh mẽ và rộng rãi giữa các quốc gia trên toàn cầu. Trong kinh doanh, toàn cầu hóa được hiểu là quá trình tự do giao thương, tự do sử dụng lực lượng lao động của thị trường lao động khác để tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận cho cả đôi bên.

II. Toàn cầu hóa diễn ra như thế nào?

Toàn cầu hóa được thúc đẩy dựa vào sự hợp tác về chính trị, văn hóa, kinh tế giữa các quốc gia. Như vậy có thể thấy hoạt động toàn cầu hóa tỷ lệ thuận với các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trên toàn cầu về chính trị, văn hóa và kinh tế. Ngoài ra quá trình toàn cầu hóa còn được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là giao thông vận tải và hệ thống viễn thông.
Có thể thấy nhờ quá trình toàn cầu hóa mà việc lưu thông tiền tệ, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu và thậm chí là việc đi lại của con người từ quốc gia này sang quốc gia khác trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình toàn cầu hóa không thể không kể đến những phát minh công nghệ vĩ đại như: Internet, công nghệ truyền thông, trí tuệ nhân tạo AI.... Trong đó:

  • Internet: Sự phát triển mạnh mẽ của internet đã giúp cho con người dễ dàng chia sẻ và nắm bắt những thông tin mới và tiếp cận với nhiều nền văn hóa của các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
  • Công nghệ truyền thông: Sự ra đời của 4G và 5G đã cải thiện đáng kể tốc độ kết nối và phản hồi của mạng di động và mạng không dây.
  • Mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT) và trí tuệ nhân tạo AI: Giám sát và theo dõi quá trình vận hành và giao thương các sản phẩm xuyên biên giới một cách hiệu quả.
  • Blockchain: Phát triển cơ sở dữ liệu và lưu trữ thông tin và số liệu của các nguyên, nhiên vật liệu trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra công nghệ blockchain đảm bảo an toàn cho việc truy cập vào các dữ liệu trong các ngành mang tính bảo mật cao như y tế, ngân hàng...
  • Giao thông vận tải: Sự phát triển của công nghệ hàng không và đường sắt đã giúp quá trình giao thương giữa các quốc gia trở nên đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết.
  • Những sự tiến bộ trong quy trình sản xuất: Với sự phát triển của công nghệ tự động hóa và in 3D đã giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí sản xuất.

Tác động của toàn cầu hóa đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị,...

III. Thể thức toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa được chia làm 3 thể thức:

  • Toàn cầu hóa kinh tế: Tập trung vào việc thống nhất và hội nhập thị trường tài chính quốc tế và tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.
  • Toàn cầu hóa chính trị: Dạng toàn cầu hóa này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các chính sách chính trị cho quá trình giao thương quốc tế. Chính sách này phải đảm bảo phù hợp với quy định và hiến pháp của quốc tế (quy định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Tổ chức Thương mại Thế giới) và của từng quốc gia thành viên tham gia vào quá trình thương mại quốc tế.
  • Toàn cầu hóa văn hóa: Chủ yếu tập trung vào các nhân tố xã hội tác động đến sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, chẳng hạn như sự phát triển của công nghệ đã làm cho quá trình truyền thông của giữa các quốc gia trở nên hiệu quả và thuận tiện hơn.

IV. Tác động, vai trò của toàn cầu hóa

Có thể thấy rằng, toàn cầu hóa có những ảnh hưởng nhất định không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Quá trình này ảnh hưởng từ nhân tố nhỏ nhất - những cá nhân cho đến những nhân tố lớn nhất - toàn xã hội.

  • Cấp độ cá nhân: bao gồm những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng công dân của các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
  • Cấp độ cộng đồng: bao gồm những ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp và nền kinh tế của các địa phương hoặc các vùng miền.
  • Cấp độ xã hội: bao gồm những ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ từng quốc gia, thể chế giáo dục cấp cao. Ở cấp độ này, mọi quyết định điều ảnh hướng đến các cấp độ thấp hơn (cấp độ cộng đồng, cấp độ cá nhân).

V. Lợi ích của quá trình toàn cầu hóa

Nhiều người cho rằng, toàn cầu hóa có thể giúp nền kinh tế toàn cầu có thể khắc phục được những vấn đề cơ bản như đói kém, thất nghiệp bằng việc thúc đẩy tự do giao thương giữa các quốc gia trên thế giới.
Với mục đích tự do giao thương, rào cản thương mại cũng được giảm thiểu một cách đáng kể nhờ việc hạn chế các hàng rào thuế quan và các chính sách trợ cấp. Kết quả là quá trình toàn cầu hóa không chỉ giúp phát triển nền kinh tế toàn cầu mà còn tạo ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, toàn cầu hóa còn tạo cơ hội cho những quốc gia kém phát triển được hợp tác với các nền kinh tế tiên tiến hơn để từ đó có thể phát triển nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công dân.

Quá trình toàn cầu hóa mang đến nhiều lợi ích nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế

VI. Hạn chế của toàn cầu hóa

Bên cạnh những lợi ích to lớn, toàn cầu hóa cũng để lại không ít bất lợi và khó khăn cho các quốc gia trên thế giới. Một vài quan điểm cho rằng toàn cầu hóa giúp khắc phục những vấn đề cơ bản của nền kinh tế, một số khác thì cho rằng toàn cầu hóa là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế.
Chẳng hạn với quan điểm toàn cầu hóa tạo ra những thị trường mới, thúc đẩy hội nhập văn hóa và xã hội nhờ việc giảm thiểu những hàng rào và quy định nghiêm ngặt về kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia. Nhưng xuất phát từ góc nhìn khác, nhiều người cho rằng việc hạn chế và giảm bớt những quy định này có thể làm mất cân bằng thị trường lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề lương lậu.
Tương tự với quan điểm toàn cầu hóa có thể giúp các quốc gia nghèo có cơ hội tăng trưởng kinh tế nhờ việc hợp tác với các quốc gia có nền kinh tế tiến bộ. Quan điểm khác lại cho rằng điều này có thể làm cho chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia kém phát triển trở nên xấu hơn, nguy cơ thất nghiệp cao hơn do sự tác động của công nghệ.
Bàn về toàn cầu hóa luôn có hai luồng ý kiến đối nghịch và tồn tại song song với nhau. Những người ủng hộ tập trung vào những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại cho toàn thế giới dựa vào sự hợp tác về kinh tế, chính trị và văn hóa. Ngược lại với những người không ủng quá trình này lại tập trung và những tác động tiêu cực của toàn cầu. Họ cho rằng sự hợp tác và giao thương giữa các quốc gia có thể là mở đầu cho một cuộc suy thoái kinh tế.
Với quá trình toàn cầu hóa văn hóa, những người ủng hộ thì cho rằng quá trình này sẽ góp phần nâng cao nhân quyền trên phạm vi toàn thế giới nhưng những người phản đối lại cho rằng nền văn hóa và bản sắc dân tộc có thể bị hòa tan trong quá trình này.
Đến nay có thể vẫn còn rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về quá trình toàn cầu hóa. Quá trình này có thể mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có thể gây ra không ít rủi ro cho nhân loại. Có thể nói đây là sự tồn tại của hai mặt đối lập, luôn cùng song hành và không tách rời. Mong rằng với bài viết trên đây của JOBOKO.com đã mang lại cho bạn cái nhìn tổng quan về toàn cầu hóa là gì.

MỤC LỤC:
I. Toàn cầu hóa là gì?
II. Toàn cầu hóa diễn ra như thế nào?
III. Thể thức toàn cầu hóa
IV. Tác động, vai trò của toàn cầu hóa
V. Lợi ích của quá trình toàn cầu hóa
VI. Hạn chế của toàn cầu hóa

Đọc thêm: On-Demand Economy là gì? Nền kinh tế theo yêu cầu vận hành như thế nào?

Đọc thêm: Tương lai ngành Luật trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888