Cách viết CV xin việc IT

23/02/2022 10:30
CV xin việc IT được đánh giá cao khi đáp ứng đủ các tiêu chí về độ dài, sử dụng từ khóa, viết kinh nghiệm, kỹ năng,... mà nhà tuyển dụng kỳ vọng. Mặc dù bạn nắm rõ CV xin việc IT cần bao gồm những gì nhưng cách thể hiện từng mục để trở nên nổi bật, ấn tượng chưa hẳn đã biết.

IT là một khái niệm rộng với nhiều vị trí khác nhau như lập trình viên, lập trình website, kỹ thuật viên hỗ trợ, an ninh mạng,... Tùy thuộc vào công việc, CV xin việc IT sẽ bao gồm những kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung khi viết CV, ứng viên IT sẽ cần lưu ý một số điều nên và không nên dưới đây để có thể thiết kế cho mình bản CV phù hợp, "chinh phục" được nhà tuyển dụng.

Hướng dẫn cách viết CV xin việc IT chuẩn, chuyên nghiệp

1. Giới hạn độ dài CV

Với số lượng lớn CV xin việc gửi tới, nhà tuyển dụng sẽ dành một khoảng thời gian ngắn nhất định để đọc CV của ứng viên. Vì thế, bạn nên gói gọn thông tin trong khuôn khổ một trang CV, hoặc tối đa là hai trang. Nếu dài quá hai trang, hồ sơ của bạn có nguy cơ bị "phớt lờ".

Trong CV xin việc IT, bạn cần làm nổi bật những thành tựu đạt được, tuy nhiên không nên đưa các thành tích quá cũ như từ năm cấp 3 chẳng hạn. Ngoài ra, đối với một số kinh nghiệm làm việc không liên quan đến lĩnh vực IT, bạn cũng không nên cho vào CV xin việc.

2. Làm nổi bật thành tích, kết quả

Hầu hết lỗi thường gặp của ứng viên khi viết CV xin việc IT đó là liệt kê những nhiệm vụ hàng ngày của công việc quá khứ thay vì nhấn mạnh vào kinh nghiệm làm việc của vị trí đó. Điều này không làm cho nhà tuyển dụng đánh giá cao ứng viên bởi họ không nhận thấy được giá trị bạn mang lại cho công ty.

Chính vì vậy, bạn nên chứng minh cụ thể kinh nghiệm làm việc bằng những thành quả đạt được để trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Ví dụ như nếu bạn xây dựng một chương trình giúp đơn giản hóa quy trình làm việc và tiết kiệm thời gian của nhân sự, hãy đề đến cập thông tin này. Bất cứ ví dụ nào giúp công ty tiết kiệm thời gian, ngân sách, hay vượt qua kết quả mong đợi đều đáng được bổ sung vào CV.

Ngoài ra, việc sử dụng con số để định lượng giá trị của bạn cũng là một cách viết lý tưởng. Ví dụ nếu bạn phát triển một phần mềm giúp công ty tiết kiệm tiền, thì hãy nêu cụ thể số tiền tiết kiệm được cho công ty là bao nhiêu. Hay nếu bạn giúp tối ưu hóa quy trình, hãy nêu rõ phần trăm hiệu quả của quy trình đó trong CV. Nhà tuyển dụng IT đánh giá rất cao những thông tin này.

3. Sử dụng từ khóa

Bạn nên chỉnh sửa CV cho phù hợp với vị trí IT đang ứng tuyển bằng cách sử dụng những "từ khóa" trong bản mô tả công việc. Nếu mô tả công việc chỉ rõ yêu cầu kỹ năng cho ứng viên, bạn nên bổ sung những kỹ năng đó vào CV (nếu bạn thực sự có những kỹ năng đó). Điều này sẽ giúp chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người mà họ đang tìm kiếm.

Một số công ty, doanh nghiệp sử dụng phần mềm lọc CV để sàng lọc ứng viên. Do đó, nếu trong CV xin việc không có đủ từ khóa so với bản mô tả công việc, ứng viên đó có khả năng bị loại.

4. Có nên bỏ mục sở thích cá nhân hay không?

Nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm rằng bạn có thích đá bóng, nghe nhạc, chụp ảnh hay không. Do đó mục này sẽ không cần thiết trong CV xin việc IT. Tuy nhiên nếu sở thích của bạn liên quan đến IT, nó sẽ là điểm cộng giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Ví dụ nếu bạn tham gia tình nguyện cho một tổ chức phi lợi nhuận với công việc xây dựng phát triển chương trình quản lý thông tin nhà tài trợ, thì đó là thông tin liên quan đến công việc và phù hợp để đưa vào CV.

5. Nhấn mạnh kỹ năng

Tùy thuộc vào vị trí IT, yêu cầu về kỹ năng sẽ khác nhau. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những ứng viên IT có đủ cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Một số kỹ năng cốt lõi để thực hiện công việc IT như lập trình, ngôn ngữ máy tính, kiến thức vận hành hệ thống, kỹ năng giao tiếp, quản lý thời án, quản lý thời gian,...

Lưu ý, bạn không nên đưa những kỹ năng quá cơ bản mà hầu như mọi ứng viên đều có, ví dụ như thành thạo Microsoft Office,...

Những kỹ năng nào cần có trong CV xin việc IT

6. Tránh sử dụng ngôn ngữ kỹ thuật khó hiểu

Mặc dù bạn sẽ phải sử dụng một số từ ngữ kỹ thuật trong CV (như trong mục kỹ năng), tuy nhiên nên tránh sử dụng quá nhiều biệt ngữ, đặc biệt là từ viết tắt hoặc thuật ngữ không quen thuộc.

Tránh sử dụng từ ngữ kỹ thuật dành riêng ở công ty cũ của bạn, thay vào đó dùng những thuật ngữ mà mọi người trong lĩnh vực IT đều quen thuộc. Dẫu vậy, không phải nhà tuyển dụng nào cũng biết những từ ngữ kỹ thuật trong ngành IT, do đó bạn chỉ nên sử dụng khi cần thiết.

7. Đọc lại và chỉnh sửa CV

Không có nghĩa do là dân IT nên việc mắc lỗi chính tả trong CV có thể được "tha thứ". Vì vậy, để ghi điểm "tuyệt đối" trong mắt nhà tuyển dụng, bạn nên đọc kỹ rà soát lại CV nhiều lần trước khi nộp. Bạn có thể nhờ bạn bè thậm chí chuyên viên tư vấn CV để phát hiện lỗi và đưa ra nhận xét khách quan về CV.

Với những thông tin Joboko.com chia sẻ, hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc viết CV xin việc ngành IT. Sự chuẩn bị cẩn thận và luôn cập nhật CV xin việc sẽ có vai trò rất lớn dẫn đến sự thành công khi ứng tuyển.

MỤC LỤC:
1. Giới hạn độ dài CV
2. Làm nổi bật thành tích, kết quả
3. Sử dụng từ khóa
4. Có nên bỏ mục sở thích cá nhân hay không?
5. Nhấn mạnh kỹ năng
6. Tránh sử dụng ngôn ngữ kỹ thuật khó hiểu
7. Đọc lại và chỉnh sửa CV

Đọc thêm: Mẹo "đánh bóng" CV xin việc dành cho ứng viên IT

Đọc thêm: 5 phẩm chất cần có của một nhân viên IT

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888