Cách viết CV xin việc Kiến trúc sư

29/10/2020 08:30
Kiến trúc sư là những người làm công việc sáng tạo dựa trên các nguyên lý kỹ thuật. Bạn sẽ vừa phải có sự tinh tế, có con mắt nghệ thuật lại vừa phải là người tư duy rõ ràng. Những phẩm chất và thế mạnh này cần được thể hiện một cách ấn tượng qua CV xin việc kiến trúc sư.

Kiến trúc sư là người có khả năng thiết kế, có sự nhạy bén với hình khối, màu sắc, sự sắp xếp các bố cục. Cũng vì vậy mà nhà tuyển dụng thường kỳ vọng nhiều hơn vào CV xin việc kiến trúc sư. Không chỉ cần có hình thức đẹp, nội dung CV cũng phải thật đầy đủ, trau chuốt. Ngoài ra, tính khác biệt, độc đáo của ứng viên cũng phải được làm nổi bật trong CV.

CV xin việc kiến trúc sư có cách viết như thế nào?

I. Kiến trúc sư nên tự thiết kế CV hay dùng mẫu online?

Khi chuẩn bị CV xin việc kiến trúc sư, nhiều người dễ cho rằng mình là dân thiết kế nên hoàn toàn có thể tự bỏ thời gian tạo ra một CV có hình thức "độc nhất vô nhị". Thế nhưng, trừ khi bạn cực kỳ tự tin với năng lực của mình cũng như có đủ thời gian rảnh, nếu không thì sử dụng mẫu CV kiến trúc sư sẽ là lựa chọn hợp lý hơn. Ngày nay, trên những nền tảng như JOBOKO có sẵn hàng chục mẫu CV được thiết kế đẹp, tiêu chuẩn và phân loại chi tiết, phù hợp với ngành nghề, giúp bạn đơn giản hóa quy trình nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

II. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Kiến trúc sư

Một kiến trúc sư giỏi chắc chắn không phải là người rập khuôn, tự giới hạn bản thân. Đương nhiên, bạn cũng không thể theo hướng quá thiên về nghệ thuật mà không tính đến tính ứng dụng của công trình. Vừa sáng tạo, khác biệt, lại vừa thực tế, rõ ràng là phẩm chất cần có nhất để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Đối với CV xin việc kiến trúc sư, những thông tin quan trọng nhất, làm nổi bật phẩm chất này của ứng viên, thu hút nhà tuyển dụng sẽ là phong cách thiết kế và các dự án thiết kế kiến trúc bạn đã tham gia.
Hãy coi đó là những từ khóa và để chúng xuất hiện trong các phần như kinh nghiệm, chứng chỉ, kỹ năng. Nhà tuyển dụng có thể gần như ngay lập tức thấy được điểm mạnh của bạn thể hiện qua CV xin việc kiến trúc sư.

III. Mẫu CV xin việc Kiến trúc sư

Tiêu chuẩn đầu tiên của CV xin việc kiến trúc sư là hình thức phải đẹp và không thể chỉ đẹp, còn cần phải có bố cục rõ ràng, thể hiện được cách tư duy của một kiến trúc sư. Bạn làm thiết kế kiến trúc chứ không hoàn toàn là một họa sĩ hay nghệ thuật gia, do đó, tất cả "sản phẩm" của bạn, bao gồm cả CV đều phải hữu ích và hiệu quả, hướng đến đối tượng "khách hàng" - ở đây là nhà tuyển dụng. Nếu CV quá màu mè lại không rõ ràng thì chắc chắn bạn sẽ bị loại ngay từ khâu chọn lọc hồ sơ. Dù là bạn tự thiết kế hay chọn mẫu CV online có sẵn, CV vẫn cần có hình thức ẩn tượng từ cách phối màu, font chữ, kiểu chữ đến sắp xếp các phần nội dung chính.

IV. Cách viết CV xin việc Kiến trúc sư

1. Thông tin cá nhân

Danh tính, thông tin về cá nhân bạn sẽ không thay đổi nhưng viết vào CV thế nào thì lại có thể điều chỉnh. Chẳng hạn, thay vì "quên" viết hoa họ tên (hoặc chữ đầu tiên), bạn có thể viết rõ ràng, chính xác tên mình bằng chữ in hoa, phần số điện thoại cũng không được thiếu hay sai chữ số nào. Bên cạnh đó, để CV xin việc kiến trúc sư được đầy đủ hơn, bạn có thể dẫn link blog, website cá nhân nếu ở đó, bạn chia sẻ nhiều điều tâm huyết với nghề, các kiến thức, thông tin thú vị về kiến trúc hay một phần các thiết kế xuất sắc của bạn.

Viết thông tin cá nhân trong CV xin việc như thế nào?

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Vậy, đối với phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc kiến trúc sư, ứng viên có cần lưu ý gì hay không? Mẹo để viết nội dung này trong CV là mục tiêu phải phù hợp với bạn, cho thấy bạn là người có đam mê với nghề nhưng nhận thức rõ năng lực của mình. Từ đó, bạn sẽ không viết các mục tiêu nói quá lên, không phù hợp.
Tùy vào kinh nghiệm của bạn mà trình bày mục tiêu hợp lý, chẳng hạn bạn đã đi làm 5 năm thì có thể viết rằng muốn phấn đấu trở thành kiến trúc sư trưởng, trong khi bạn nào mới ra trường thì hãy "nhẹ nhàng" hơn, ví dụ như nâng cao năng lực, tham gia các cuộc thi thiết kế kiến trúc, được gia nhập các dự án lớn...
Gợi ý:

  • Hoàn thiện phong cách kiến trúc hiện tại, đa dạng hóa phong cách để phù hợp với xu hướng thiết kế tại Việt Nam và trên thế giới.
  • Tham gia cuộc thi kiến trúc quốc gia và giành giải từ khuyến khích trở lên.
  • Mục tiêu thăng tiến lên kiến trúc sư trưởng sau 5 - 7 năm tới.

3. Học vấn

Sự thật là bạn sẽ không thể trở thành kiến trúc sư nếu không tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn tại các trường đại học kiến trúc. Vì vậy mà các ứng viên đều sẽ có ít nhất bằng đại học trở lên, ưu thế của bạn nằm ở đâu? Lúc này, một là bạn học trường tốt, nổi tiếng, hai là bạn đã có kinh nghiệm và nhiều thành tích xuất sắc - dù chưa đi làm nhưng đã nhiều lần giành được giải thưởng, tham gia hỗ trợ các dự án thiết kế kiến trúc lớn chẳng hạn.
Dĩ nhiên, trong một thời gian ngắn thì bạn sẽ chẳng "kiếm đâu" ra một bằng cấp hay chứng chỉ mới cả nên tất cả những gì bạn cần lưu ý với phần trình độ học vấn trong CV xin việc kiến trúc sư là viết đầy đủ, chính xác thông tin, từ tên trường đến chuyên ngành, năm tốt nghiệp.
Gợi ý: Đại học Kiến trúc (9/2015 - 6/2020)

  • Ngành: Kiến trúc
  • Xếp loại: Giỏi, GPA: 3.4.
Cách viết Trình độ học vấn trong CV xin việc chuẩn

4. Kinh nghiệm

4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Với nghề kiến trúc, có rất nhiều điều bạn chỉ có thể tự học hỏi, đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, làm nhiều thành quen chứ không ai truyền tải, chia sẻ hết được qua những bài giảng trên lớp. Cũng vì lý do như vậy mà nhà tuyển dụng nào cũng thường muốn tuyển kiến trúc sư hoặc ít nhất là người có kinh nghiệm làm trong các vai trò thiết kế liên quan.
Một điểm đặc biệt khác là các kiến trúc sư thường không hay chuyển việc liên tục, khi đi làm ở một công ty xây dựng, thiết kế kiến trúc, viện thiết kế... thì họ thường có thói quen gắn bó ít nhất một vài năm. Nếu bạn cũng vậy thì đừng lo sẽ không có nhiều kinh nghiệm để viết vào CV xin việc kiến trúc sư. Cho dù chỉ có 2, 3 kinh nghiệm cũng vẫn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng nếu bạn có danh tiếng, trình độ và chứng minh được qua các dự án thiết kế. Lưu ý là phần này bạn nên kể ra một vài dự án thiết kế quy mô, đặc sắc mà bạn tự hào nhất và/hoặc thành tích trong công việc của bạn (nếu có).
Gợi ý: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng KLM, Kiến trúc sư thiết kế (1/2019 - 5/2021)

  • Thiết kế, vẽ công trình cho các công trình xây dựng dân dụng, triển khai kỹ thuật, hỗ trợ giám sát thi công.
  • Những dự án thiết kế nổi bật: [kể tên 2, 3 dự án].

4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Hiện nay, có một thực tế là hầu hết các công ty khi tuyển nhân sự cho vị trí kiến trúc sư đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm từ 1, 2 năm trở lên. Thế nhưng, điều này cũng gây khó khăn cho các bạn chưa từng đi làm. Sau 5 năm đi học, bạn sở hữu một tấm bằng nhưng lại chẳng có thông tin nào về kinh nghiệm để viết trong CV xin việc kiến trúc sư, đó chắc chắn không phải điều mà bạn mong muốn.
Bạn có từng đi thực tập, thực tế, thiết kế và tham gia các dự án thiết kế khi là sinh viên như công việc làm thêm, làm đồ án tốt nghiệp...? Đó đều là các thông tin dù ngắn và chưa thực sự nổi bật nhưng cũng sẽ hữu ích cho việc thu hút nhà tuyển dụng qua CV xin việc kiến trúc sư.
Trường hợp bạn có kinh nghiệm làm thêm nhưng không liên quan gì tới việc thiết kế (đi bán hàng, làm thêm, gia sư...) thì có lẽ bạn không nên chia sẻ ở phần này. Cho dù bạn chưa đi làm nhưng nếu gửi kèm portfolio trong đó có những thiết kế sáng tạo, từ ý tưởng của bạn thì nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đã rất cố gắng, sử dụng thời gian hữu ích để thực hành, thúc đẩy bản thân nâng cao kỹ năng... Ngành kiến trúc học khá vất vả và cạnh tranh nên nếu bạn làm việc không liên quan thì có thể họ sẽ nghi ngờ về năng lực của bạn, nghi ngờ bạn thiếu sự chuyên tâm và đam mê...
Gợi ý: Công ty TNHH Thiết kế Công trình LHK, Thực tập sinh kiến trúc (6/2020 - 2/2021)

  • Hỗ trợ các công việc của phòng thiết kế; tham gia vào một số công đoạn đơn giản trong dự án thiết kế nhà ở 12 tầng của công ty.
  • Sử dụng thành thạo phần mềm thiết kế AutoCAD và các phần mềm 3D khác; am hiểu quy trình làm việc tại một công ty thiết kế và tư vấn kiến trúc, kỹ năng giao tiếp và tương tác.

5. Kỹ năng

Nếu bạn không muốn CV xin việc kiến trúc sư của mình "chìm nghỉm" giữa vô vàn hồ sơ xin việc mà nhà tuyển dụng nhận được thì bạn hãy nhớ, đừng chỉ đưa những kỹ năng chung chung mà CV nào cũng có như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Thay vào đó, bạn hãy cân nhắc nhiều hơn cho phần này để viết sao cho đúng, trung thực nhưng vẫn khéo léo để "đúng ý" nhà tuyển dụng.
Bạn tự tin về những kỹ năng nào của mình? Liệu đó có phải là những kỹ năng cần thiết cho công việc và nhà tuyển dụng yêu cầu? Trả lời được 2 câu hỏi này, bạn hoàn toàn có thể tự tin viết phần kỹ năng trong CV xin việc kiến trúc sư thật chuẩn.
Gợi ý:

  • Kỹ năng thiết kế.
  • Sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế như AutoCAD, SketchUp.
  • Kỹ năng xử lý đồ họa vi tính, vẽ đồ họa 3D.
  • Kỹ năng làm việc độc lập và teamwork.
  • Kỹ năng quản lý dự án.
Những kỹ năng cần có trong CV xin việc Kiến trúc sư

6. Chứng chỉ

Nghề kiến trúc sư không giống như nhiều nghề khác - không chỉ có chương trình học kéo dài 5 năm mà sau khi ra trường, đi làm, bạn cũng nên lấy chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư (hiện có 3 hạng 1, 2 3). Một số ít kiến trúc sư tại Việt Nam có chứng chỉ kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect),... Đây đều là những "tấm vé" thông hành giúp bạn thẳng tiến trên con đường sự nghiệp.
Có chứng chỉ chuyên môn và thêm chứng chỉ ngoại ngữ chẳng hạn, bạn nên đề cập đến trong CV xin việc kiến trúc sư. Nếu chưa có, bạn hãy cân nhắc học, thi, gửi hồ sơ xin cấp chứng chỉ.

7. Sở thích

Không phải một phần chính, quá quan trọng trong CV xin việc kiến trúc sư xong sở thích vẫn là phần khiến nhiều ứng viên băn khoăn. Bạn có thể không rõ nên "là chính mình" hay lựa viết sở thích để thể hiện bản thân phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng? Lời khuyên của JobOKO là bạn hãy cứ là chính bản thân mình, miễn sao sở thích đó lành mạnh thì dù thực tế là nó không hoàn toàn "khớp" với kỳ vọng về tính cách mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên (tư duy nghệ thuật, sáng tạo, khác biệt, tỉ mỉ...), bạn vẫn sẽ tự tin và có cơ hội đi tiếp đến vòng phỏng vấn.

8. Tham chiếu

Khi viết tham chiếu thông tin trong CV xin việc kiến trúc sư, ứng viên không nên "máy móc" nhất định phải đưa vào liên hệ của giảng viên hay sếp cũ. Thực tế, cho dù đó chỉ là người hướng dẫn thực tập của bạn hay một đàn anh, đàn chị khóa trên bạn từng hợp tác cùng nhưng nếu họ có danh tiếng, được biết đến với những thiết kế kiến trúc thành công,... thì chắc chắn họ chính là người tham khảo phù hợp nhất với bạn. Dĩ nhiên, bạn đừng quên hỏi ý kiến trước khi chia sẻ thông tin về họ tên, chức vụ, số điện thoại và email của họ nhé.

Khác với các phần trên, hoạt động và giải thưởng là 2 phần mà chỉ khi có thông tin bạn mới có thể viết vào CV. Nhìn chung, nhà tuyển dụng cũng không kỳ vọng nhiều hay yêu cầu ứng viên vị trí kiến trúc sư phải năng động, tích cực, yêu thích nhiều hoạt động ngoại khóa. Còn về phần giải thưởng, hãy chỉ ghi vào CV xin việc kiến trúc sư khi bạn đạt giải thưởng thiết kế ở khoa, trường hay các cuộc thi trong nước và quốc tế. Giải về hùng biện, văn nghệ... có thể bỏ qua. Không có thông tin về 1 hoặc cả 2 phần, bạn nên ẩn khỏi CV.

Nhà tuyển dụng tuyển Kiến trúc sư dựa trên những tiêu chí nào?

V. Tiêu chuẩn tuyển dụng Kiến trúc sư

Kiến trúc sư cần có bằng cấp chuyên môn, cần có kỹ năng thiết kế thành thạo, có khả năng nắm bắt và tạo ra các xu hướng thiết kế mới. Mỗi nhà tuyển dụng đều có những kỳ vọng khác nhau, tiêu chí khác nhau để tuyển kiến trúc sư. Dù vậy, điểm chung là họ đều có các tiêu chuẩn cơ bản như:

  • Sáng tạo, nhiều ý tưởng.
  • Có tầm nhìn, nhạy bén với xu hướng thiết kế.
  • Yêu thích kiến trúc, nghệ thuật.
  • Có nền tảng kiến thức vững, cả về kinh tế, quy hoạch, văn hóa, con người.
  • Nhạy bén, chuyên nghiệp trong công việc, chịu được áp lực.
  • Khả năng sắp xếp thời gian, công việc hợp lý.
  • Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

Kiến trúc sư là một nghề nghiệp thú vị, là người hiện thực hóa những ý tưởng về vô số công trình đẹp đẽ và hữu ích. Làm việc trong vai trò này, bạn cũng sẽ nhận được mức thu nhập tương xứng và triển vọng tiến xa hơn trong tương lai. Hãy bắt đầu sự nghiệp từ bước đầu tiên - viết CV xin việc kiến trúc sư thật ấn tượng bạn nhé.

MỤC LỤC:
I. Kiến trúc sư nên tự thiết kế CV hay dùng mẫu online?
II. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Kiến trúc sư​
III. Mẫu CV xin việc Kiến trúc sư
IV. Cách viết CV xin việc Kiến trúc sư
V. Tiêu chuẩn tuyển dụng Kiến trúc sư

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888