Cách viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc

26/09/2021 11:30
Để viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc, trước tiên bạn cần xác định trình độ hiện tại của mình thông qua các kỳ thi, sau đó hãy lựa chọn bố cục CV phù hợp và trình bày thông tin một cách ngắn gọn, hợp lý.

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, việc thành thạo ngoại ngữ trở thành một trong những kỹ năng quan trọng giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Các ứng viên thành thạo ngoại ngữ có thể tìm được những cơ hội việc làm hấp dẫn cả ở trong nước và ở nước ngoài và mức lương cạnh tranh hơn. Vậy làm thế nào để viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc?

Viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc như nào cho chuyên nghiệp?

1. Vì sao nên viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc​

Để đưa trình độ ngoại ngữ vào CV, khiến CV xin việc ấn tượng hơn thì trước hết bạn sẽ cần hiểu về trình độ ngoại ngữ là gì, vì sao nó quan trọng. Trình độ ngoại ngữ là khả năng sử dụng một ngôn ngữ thứ 2 không phải tiếng mẹ đẻ. Người ta đánh giá trình độ ngoại ngữ của bạn dựa trên các yếu tố như độ chính xác và sự trôi chảy khi nghe, nói, đọc, viết.

Nếu thành thạo bất kỳ ngoại ngữ nào, bạn nên chia sẻ trong CV để nhà tuyển dụng được biết. Những "lợi ích" của việc viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc là:

- Thể hiện lợi thế cạnh tranh của bạn so với ứng viên khác.

- Chứng minh bạn có ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu, kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

- Thể hiện khả năng học hỏi, tiếp thu và thực hành ngôn ngữ.

- Cho thấy bạn hiểu về công việc, có sự đầu tư và chuẩn bị sẵn sàng.

- Trong nhiều vai trò, có ngoại ngữ bạn có deal lương cao hơn hoặc được nhận thêm phụ cấp. Ví dụ, ở nhiều doanh nghiệp, kế toán thành thạo tiếng Anh/ Hàn/ Nhật có thể nhận lương cao hơn vị trí tương đương không có ngoại ngữ từ 1 - 3 triệu/ tháng.

2. Khi nào nên thêm trình độ ngoại ngữ vào CV?​​

Cho dù ngày càng có nhiều ứng viên biết ít nhất một ngoại ngữ, nhưng rõ ràng là nguồn nhân lực sử dụng thành thạo các ngoại ngữ trong giao tiếp và đàm phán, thỏa thuận hợp đồng,... vẫn còn thiếu ở nước ta. Vì vậy, nếu bạn có trình độ ngoại ngữ nhất định thì hãy thêm thông tin vào CV.

Cụ thể hơn, có những trường hợp cụ thể ứng viên không thể không viết trình độ ngoại ngữ trong CV như:

- Công việc, nghề nghiệp yêu cầu (và nhà tuyển dụng ghi rõ yêu cầu): Chẳng hạn, bạn ứng tuyển trợ lý kinh doanh cho giám đốc người nước ngoài, xin việc làm biên phiên dịch, giáo viên ngoại ngữ,...

- Ứng tuyển việc làm tại công ty nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

- Gửi CV vào các tập đoàn đa quốc gia hoặc đi làm việc, lao động ở nước ngoài.

- Bạn biết rằng ngoại ngữ là thế mạnh của mình và có thể giúp bạn được mời nhận công việc mơ ước.

Thêm trình độ ngoại ngữ vào CV trong trường hợp nào?

3. Cách viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc​

3.1. Kiểm tra trình độ

Bạn có thể kiểm tra trình độ ngoại ngữ của mình bằng cách tham gia các kỳ thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ như TOEFL, IELTS, DELE, HSK, JLPT, ...

- Kiểm tra năng lực tiếng Anh:

+ TOEFL là bài kiểm tra trên máy tính và yêu cầu bạn nói qua mic, do đó bạn cần có một chút am hiểu về máy tính. Bài thi này không đánh giá bạn đã thông qua hay trượt mà chỉ đưa ra điểm số trong khoảng từ 0 đến 120.

+ IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh được sử dụng phổ biến hiện nay với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Số điểm cao nhất trong bài thi IELTS là 9.0. IELTS phân thành hai loại là IELTS General training (tổng quát) và IELTS Academic (học thuật).

+ Cambridge English Qualifications: Các chứng chỉ này được công nhận trên toàn thế giới. Khác với TOEFL và IELTS, bài thi này có mức điểm đỗ/trượt.

- Kiểm tra năng lực các ngoại ngữ khác:

+ Diplomas de Español como Lengua Extranjera (DELE) là chứng chỉ tiếng Tây Ban Nha được đánh giá cao và chấp nhận ở hầu hết các quốc gia.

+ HSK là chứng chỉ tiếng Trung chính thức duy nhất của Trung Quốc gồm có 6 mức độ từ HSK1 (sơ cấp) đến HSK6 (cao cấp). Bạn có thể thi cả trên giấy và trên máy tính. Bài thi này chỉ gồm 3 kỹ năng: Nghe, đọc và viết. Kỳ thi nói HSK được tổ chức riêng. Hiện nay, HSK đã chia thành 9 bậc từ HSK1 - HSK9 và bao gồm cả bài nói.

+ JLPT là chứng chỉ tiếng Nhật được công nhận và sử dụng ở 62 quốc gia. Giống như HSK, JLPT gồm có 6 bậc từ N5 (sơ cấp) đến N1 (cao cấp). Khi viết CV xin việc tiếng Nhật, hãy nhớ đề cập đến chứng chỉ này để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhé.

+ DELF và DALF là các chứng chỉ cấp bởi bộ giáo dục Pháp. DELF dành cho trình độ sơ cấp và trung cấp trong khi DALF tương đương với trình độ cao cấp.

+ Goethe-Zertifikat Deutsch là chứng chỉ tiếng Đức được công nhận trên toàn thế giới.

3.2. Sử dụng khung tham chiếu phù hợp

Trước khi thêm trình độ ngoại ngữ vào CV, bạn nên tìm hiểu cách nhà tuyển dụng đánh giá trình độ của bạn hay nói cách khác, khung tham chiếu mà các công ty sử dụng. Các nhà tuyển dụng có thể sử dụng nhiều khung tham chiếu khác nhau, song ở Việt Nam, các công ty, tổ chức thường sử dụng khung trình độ chung Châu Âu (CEFR) với 6 bậc gồm A1, A2, B1, B2, C1 và C2 (tương đương với 3 cấp: Sơ cấp, trung cấp, cao cấp).

Tùy vào cách nhà tuyển dụng đặt yêu cầu trong JD, bạn có thể đưa ra điểm số mình đạt được trong các kỳ thi trên hoặc quy đổi ra thang 6 bậc từ A1 đến C2 - ví dụ nhà tuyển dụng cần IELTS 6.5 thì bạn viết luôn điểm IELTS, nhưng nếu yêu cầu C1 thì bạn nên quy đổi để viết theo khung điểm A, B, C. Trong phỏng vấn, bạn cũng có thể trình bày thêm về quá trình học tập để có được trình độ như hiện tại.

Cách trình bày trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc

3.3. Làm nổi bật trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc

Có 3 phần trong CV để bạn trình bày về trình độ ngoại ngữ của mình, đó là:

- Ở phần Mục tiêu nghề nghiệp.

- Học vấn (trường hợp bạn tốt nghiệp các chuyên ngành ngoại ngữ).

- Chứng chỉ (khi đã thi và có các chứng chỉ liên quan).

Ngoài ra, Kỹ năng cũng là một phần khác trong CV mà bạn có thể "khoe" mức độ thành thạo ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, đa số ứng viên chọn mức độ thành thạo ngoại ngữ trong phần Kỹ năng là tiếng Anh và chưa thể hiện được chính xác năng lực ngoại ngữ.

Muốn thông tin về trình độ ngoại ngữ trong CV thực sự được làm nổi bật, một số mẹo hay cho bạn là:

- Cân nhắc viết CV và thư ứng tuyển bằng ngoại ngữ bạn thành thạo.

- Nên nhắc tới ngay từ phần Mục tiêu nghề nghiệp ở đầu CV.

- Làm rõ hơn thông tin ở phần Chứng chỉ: Bạn có chứng chỉ gì, trình độ (điểm số) ra sao và thời gian cấp chứng chỉ cũng như thời hạn (nếu có).

- Gửi CV kèm cover letter, trong đó liên kết thông tin về trình độ ngoại ngữ với việc bạn tự tin nhờ vào năng lực ngoại ngữ của mình sẽ đóng góp thế nào cho công việc.

Lưu ý: Bạn nhất định phải soát lỗi cẩn thận trong CV và thư xin việc, đặc biệt là khi bạn viết bằng ngoại ngữ. Nếu bạn đang thể hiện năng lực mà CV lại có lỗi chính tả thì rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa trình độ ngoại ngữ bạn viết và thực tế.

Trình độ ngoại ngữ là điểm cộng lớn cho bất kỳ ứng viên nào đang tìm kiếm việc làm, vì vậy đừng quên bổ sung yếu tố này vào CV của bạn. Bạn cũng nên nhớ rằng CV là phương tiện đầu tiên để bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng; do đó, hãy đảm bảo độ chính xác của thông tin cũng như lựa chọn cách trình bày phù hợp để có thể thuyết phục được họ.

MỤC LỤC:
1. Vì sao nên viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc
2. Khi nào nên thêm trình độ ngoại ngữ vào CV?​​
3. Cách viết trình độ ngoại ngữ trong CV xin việc​

Đọc thêm: Cách ghi trình độ học vấn khi làm CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888