Học ngành Kinh doanh thương mại ra trường làm gì?

09/01/2022 14:30
Lựa chọn được ngành học Hot, cơ hội việc làm tốt sẽ giúp bạn dễ dàng thành công, thăng tiến với mức thu nhập lý tưởng trong lĩnh vực kinh doanh. Trước sự lựa chọn nghề nghiệp, nhiều bạn trẻ băn khoăn không biết ngành Kinh doanh thương mại học gì? có dễ xin việc sau khi tốt nghiệp không?

Kinh doanh thương mại (Commercial Business) thực chất không phải ngành học quá phổ biến, vì nhiều trường phân chia thành quản trị kinh doanh, kinh tế, marketing,... thay vì có một ngành học khá "tổng hợp" như kinh doanh thương mại. Những tổ hợp xét tuyển ngành này hiện nay gồm có: A00, A01, C04, D01.

Học Kinh doanh thương mại ra làm gì? có dễ xin việc không?

I. Ngành Kinh doanh thương mại học những gì?

Kinh doanh thương mại học về cách điều tra thị trường, nghiên cứu, triển khai và đánh giá hiệu quả của các kế hoạch kinh doanh, thương mại theo cách chuyên nghiệp và chính xác nhất. Khi học ngành kinh doanh thương mại, bạn sẽ học quản trị kinh doanh, quản lý bán hàng, tiếp thị, phân tích tài chính, kinh tế đối ngoại, luật thương mại, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, quản trị bán lẻ...
Với lượng kiến thức rộng như vậy, có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ về việc liệu học kinh doanh thương mại có thể tập trung vào hướng cụ thể hay không (vì cảm giác sẽ khó để nắm bắt rộng). Tuy nhiên, thực tế là nếu yêu thích và có năng lực, bạn vẫn có thể học tốt cả từ các môn lý thuyết như kinh tế vi mô, vĩ mô đến các môn về quản trị chiến lược, luật, hành vi khách hàng, xuất nhập khẩu... Thực tế, sinh viên học kinh doanh thương mại ra trường gần như không bị giới hạn khi tìm việc làm trong lĩnh vực kinh doanh nói chung.

II. Các vị trí việc làm khi học ngành Kinh doanh thương mại

Như đã đề cập, các bạn có bằng kinh doanh thương mại có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí việc làm. Cho dù xin vào các công ty xuất nhập khẩu, công ty thương mại, kinh doanh dịch vụ, công ty fowarder, logistics hay công ty đa quốc gia, bảo hiểm, tư vấn tài chính... thì đều có cơ hội thành công. Với lượng kiến thức chuyên ngành học được, các kỹ năng được rèn luyện trong trường, thu nhập của bạn cũng sẽ ở mức rất cạnh tranh.
Một số vị trí việc làm khi học ngành kinh doanh thương mại là:

  • Nhân viên sales/ Nhân viên kinh doanh: Đa số các công ty tuyển nhân viên sales sẽ trả lương cứng thường trong khoảng 4 - 6 triệu/tháng với người chưa có kinh nghiệm, tính thêm KPI và các khoản phụ cấp thì mỗi tháng bạn nhận từ 7 - 14 triệu, cao nhất có thể là 40 triệu/tháng.
  • Chuyên viên marketing: Nhiều bạn học kinh doanh thương mại nhưng thích tiếp thị có thể làm về mảng marketing, digital marketing với thu nhập trung bình 9 - 14 triệu/tháng, nhiều kinh nghiệm thì lương có thể lên tới 33 triệu/tháng.
  • Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu: Vị trí này thường sẽ yêu cầu ngoại ngữ, lương khoảng 8 - 14 triệu/tháng, tăng dần lên khoảng 30 triệu/tháng.
  • Nhân viên kinh doanh logistics: Lĩnh vực logistics ngày càng hot khi thương mại điện tử phát triển. Lựa chọn nghề nghiệp này, bạn sẽ có lương khởi điểm từ 5 - 12 triệu/tháng, sau đó là khoảng 15 - 20 triệu/tháng và có thể tăng lên tới 30 triệu/tháng sau khoảng 5 - 7 năm làm việc.
  • Đại diện thương mại: Đại diện thương mại có mức lương trung bình từ 7 - 10 triệu/tháng và cao nhất cũng tương tự như những vai trò kể trên, xấp xỉ 30 triệu/tháng.
  • Quản lý bán hàng: Lương của quản lý bán hàng khá cao, từ 13 - 19 triệu/tháng và đạt tới mức 40 triệu/tháng nếu bạn có kinh nghiệm và năng lực kinh doanh, đào tạo, lãnh đạo.
  • Giảng viên: Một lựa chọn nghề nghiệp khác cho sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh thương mại là trở thành giảng viên trung cấp, cao đẳng, đại học ngành này hoặc tương đương (quản trị kinh doanh, marketing, logistics...). Lúc này, thu nhập của bạn được trả theo quy định của nhà nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm việc làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm, tư vấn tài chính, nhân viên kinh doanh bất động sản, các công việc trợ lý, nhân viên thu mua... Mức lương của các vai trò này tùy thuộc vào kinh nghiệm nhưng cao nhất cũng sẽ trong khoảng 20 - 30 triệu/tháng.

Lương của các vị trí ngành kinh doanh thương mại cao không?

III. Các trường đào tạo ngành Kinh doanh thương mại tốt nhất

Về tổng thể, trên cả nước cũng không thực sự có nhiều trường có chương trình đào tạo ngành kinh doanh thương mại - có thể nói là rất ít trường có ngành này. Một vài trường uy tín trên cả 3 miền là:

1. Miền Bắc

  • Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.
  • Đại học Kinh tế Quốc dân.
  • Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội.

2. Miền Trung

  • Đại học Nha Trang.
  • Đại học Tây Nguyên.
  • Đại học Kinh tế, Đại học Huế.
  • Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

3. Miền Nam

  • Đại học Kinh tế TP.HCM.
  • Đại học Dân lập Văn Lang.
  • Đại học Công nghệ TP.HCM.
  • Đại học Cửu Long.
  • Đại học Cần Thơ.

IV. Học ngành Kinh doanh thương mại có dễ xin việc không?

Ngoài việc hiểu rõ rằng học kinh doanh thương mại ra trường làm gì, có thể học ở trường nào thì chắc chắn, các bạn học sinh, các vị phụ huynh cũng đều quan tâm đến khả năng xin việc của sinh viên ngành này dễ hay khó. Gần như chắc chắn không có mấy người quyết tâm thi vào các ngành mà được cảnh báo sẽ khó xin việc. May thay, kinh doanh thương mại không phải một ngành học như thế.
Có tấm bằng cử nhân ngành này, bạn có thể tự do "tung hoành" trong hầu hết các vị trí việc làm liên quan đến kinh doanh, thương mại, tiếp thị - vô số vai trò với thu nhập cao, môi trường năng động, thử thách, nhiều cơ hội thăng tiến. Kết quả học tập quan trọng nhưng thậm chí cũng không phải tiên quyết với ngành này mà đôi khi kỹ năng, quyết tâm, nỗ lực, tham vọng mới là yếu tố định hướng, giúp bạn tiến thẳng đến thành công trên con đường sự nghiệp.

Cơ hội việc làm của ngành Kinh doanh thương mại như thế nào?

V. Những ai phù hợp theo học ngành Kinh doanh thương mại?

Khối ngành kinh doanh, kinh tế được đánh giá là phù hợp với nhiều người, không chỉ người hướng ngoại mà cả những người hướng nội cũng có thể làm được. Dù vậy, vẫn có những người phù hợp người khác. Sẽ thật tệ nếu bạn theo học một ngành mình không thực sự thích và sau đó không biết phải xác định mục tiêu, nỗ lực thế nào. Hãy tự hỏi mình, cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành học, trường học để tránh cảm giác thất vọng không đáng có về sau.
Bạn có thể tự so sánh với các tiêu chí sau đây xem liệu mình có nhiều điểm phù hợp không nhé:

  • Yêu thích kinh doanh, kiếm tiền.
  • Tư duy rõ ràng, có tham vọng, tầm nhìn, muốn xây dựng sự nghiệp thành công.
  • Không ngại thử thách, thất bại không nản lòng, kiên định với mục tiêu.
  • Năng động.
  • Quảng giao, tương tác tốt và dễ kết nối, xây dựng các mối quan hệ.
  • Nhiệt tình, chú ý đến chi tiết nhưng vẫn có khả năng bao quát tốt.
  • Có thiên phú, kỹ năng sales.
  • Kỹ năng đàm phán, thuyết trình và thuyết phục.

Không "chung chung" như quản trị kinh doanh, ngành kinh doanh thương mại cũng là học về kinh doanh nhưng cung cấp các kiến thức được cụ thể hóa, giúp sinh viên tiếp cận tốt hơn với những mảng khác nhau, có thể dễ chọn công việc hơn sau khi tốt nghiệp. Mong rằng với những chia sẻ của JobOKO, các bạn có thể sớm tìm ra định hướng cho mình và thi tốt, xét tuyển thành công vào ngành kinh doanh thương mại nhé.

MỤC LỤC:
I. Ngành Kinh doanh thương mại học những gì?
II. Các vị trí việc làm khi học ngành Kinh doanh thương mại​
III. Các trường đào tạo ngành Kinh doanh thương mại tốt nhất
IV. Học ngành Kinh doanh thương mại có dễ xin việc không?
V. Những ai phù hợp theo học ngành Kinh doanh thương mại?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888