Ngành bảo hiểm - Tăng trưởng mạnh, liệu có nên theo?

16/06/2021 15:30
Bảo hiểm là một ngành rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực nhỏ như bảo hiểm nhân thọ, y tế, ô tô, tài sản hay bảo hiểm thân thế. Ngành công nghiệp này cung cấp vô số cơ hội cho những người có trình độ và kỹ năng phù hợp. Trong những năm gần đây, ngành bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhưng liệu bạn có nên theo?


Ngành bảo hiểm được hình thành từ các công ty cung cấp quản lý rủi ro dưới dạng hợp đồng bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo thanh toán cho một sự kiện không chắc chắn xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, người được bảo hiểm (khách hàng), trả một khoản phí bảo hiểm nhỏ hơn cho công ty bảo hiểm để đổi lấy sự bảo vệ đó.

Triển vọng ngành bảo hiểm trong tương lai ra sao?


Khi nghĩ về công việc trong ngành bảo hiểm, nhiều người chỉ nghĩ về việc làm nhân viên bảo hiểm/chuyên viên tư vấn bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vai trò khác nhau trong ngành này.

1. Mức lương khởi điểm

Mức lương của nhân viên/chuyên viên bảo hiểm trung bình tại Mỹ là 50.998 USD/năm (tương đương hơn 1 tỷ đồng/năm). Mức lương khởi điểm thấp nhất mà một người làm việc trong ngành bảo hiểm nhận được là khoảng 29.000 USD/năm (hơn 600 triệu/năm).

Tại Việt Nam, lương khởi điểm của nhân viên/chuyên viên tư vấn bảo hiểm thường không cao. Tổng thu nhập của bạn được trả bao gồm lương cứng và doanh số, tính dựa vào KPI. Lương khởi điểm có thể chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng nhưng tính cả tiền hoa hồng, bạn có thể nhận được khoảng từ 8 - 10 triệu/tháng làm việc - một con số khá cao so với các ngành khác.

2. Mức lương theo năm kinh nghiệm

Kinh nghiệm làm việc không phải là yếu tố thực sự quyết định đến thu nhập, mức lương của những nhân sự trong ngành này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm cũng đồng nghĩa với làm việc hiệu quả hơn. Ở Mỹ, những người làm trong ngành có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên thường có mức lương trung bình khoảng 46.576 USD/năm (tương đương khoảng 1 tỷ đồng/năm).

Tại Việt Nam, khi bạn có từ 1 - 4 năm kinh nghiệm, bạn có thể nhận từ 10 - 15 triệu đồng/tháng (tính cả hoa hồng) với nhân viên/chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên kinh doanh bảo hiểm (chưa tính đến các khoản KPI). Con số thực tế của nhiều người với kỹ năng xuất sắc có thể cao hơn nhiều. Một vai trò phổ biến khác trong lĩnh vực bảo hiểm là chuyên viên tư vấn tài chính, mức lương cho người có kinh nghiệm rơi vào khoảng 8,2 - 14,5 triệu/tháng, cao nhất là 25 triệu/tháng.

Một thống kê vào cuối năm 2019 cho thấy ngân hàng, tài chính và bảo hiểm là những ngành được trả lương cao nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam, có thể lên tới 21,6 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của ngành bảo hiểm cao hay thấp?

3. Cơ hội sự nghiệp

Nếu bạn có hứng thú với nghề bảo hiểm, hãy nghiên cứu các vị trí khác nhau trong lĩnh vực này để xác định công việc phù hợp nhất với sở thích và kỹ năng của bạn. Một số vị trí phổ biến nhất bao gồm:

  • Nhân viên/chuyên viên bảo hiểm.
  • Chuyên viên định phí bảo hiểm.
  • Người giám định bồi thường.
  • Nhân viên thẩm định tài sản.
  • Chuyên viên tư vấn tài chính.
  • Quản trị rủi ro.
  • Đại lý bảo hiểm.
  • Thẩm định bảo hiểm.

3.1. Làm việc tại Việt Nam

Để phát triển sự nghiệp trong ngành bảo hiểm, bạn có thể tìm kiếm cơ hội trong các công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài, tổ chức bảo hiểm xã hội của nhà nước (yêu cầu trình độ chuyên môn), các tổ chức tư vấn tài chính, v.v. Có thể nói các công việc và doanh nghiệp bảo hiểm rất đa dạng, tập trung vào nhiều hướng khác nhau, từ con người tới tài sản. Tuỳ vào mong muốn và năng lực của bản thân mà bạn lựa chọn việc phù hợp nhất với mình.

3.2. Làm việc tại nước ngoài

Những người làm việc trong ngành bảo hiểm thường không tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân là vì sự khác biệt ngôn ngữ, chính sách và các quy định cụ thể. Trên thực tế, thị trường lao động ngành bảo hiểm ở Việt Nam vẫn đang thiếu nhân sự nên bạn hoàn toàn có thể phát triển cho dù chỉ làm ở trong nước.

4. Khi nào thì được thăng chức?

Thăng tiến trong ngành bảo hiểm chủ yếu phụ thuộc vào số hợp đồng bạn "chốt" được hay các trường hợp bạn thẩm định, xử lý. Có những người trẻ chỉ khoảng 1 - 2 năm đã lên trưởng nhóm, trong khi những người khác tiếp tục phải cố gắng nhiều hơn. Trưởng phòng hay giám đốc bảo hiểm thường mất từ 5 - 10 năm.

Ngành bảo hiểm cũng có nhiều điểm tương đương so với các ngành kinh doanh khác, đánh giá khả năng và chất lượng của người lao động qua thành tích cụ thể và các con số được định lượng chính xác. Dĩ nhiên, ngoài thành tích, bạn cũng cần cho thấy khả năng lãnh đạo, xử lý tình huống để được thăng chức.

5. Cơ hội tăng thêm thu nhập

Khi làm việc trong ngành bảo hiểm, bạn có thể không có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập từ các vai trò khác vì công việc của nhân viên bảo hiểm tương đối bận rộn. Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn có khả năng kiếm thêm tiền bằng cách tiếp xúc và ký hợp đồng bảo hiểm nhiều hơn. Doanh số từ việc bán bảo hiểm hay xử lý các trường hợp bảo hiểm tương đối lý tưởng. Nhìn chung, chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ của chính bạn, thu nhập của bạn sẽ không thấp.

6. Nhu cầu của thị trường

Nếu bạn đang tìm kiếm một nghề nghiệp mới hoặc tự hỏi liệu có nên bắt đầu con đường sự nghiệp trong ngành bảo hiểm hay không thì hãy cân nhắc dựa trên nhu cầu của thị trường. Có rất nhiều cơ hội việc làm khác trong ngành bảo hiểm thách thức và thu nhập cao. Trên hết, ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh mẽ, vì vậy có rất nhiều ví trí cho những người quan tâm.

Ở Việt Nam, ngành bảo hiểm phát triển mạnh trong những năm gần đây, từ lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế đến bảo hiểm thương mại. Các doanh nghiệp trong nước như công ty Bảo Việt và các doanh nghiệp nước ngoài như Dai-ichi Life, Manulife tuyển dụng rất nhiều nhân sự.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhà nước, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng có thể lên tới hơn 1.000 người. Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy nhu cầu tính đến năm 2020 là hơn 60.000 cán bộ bảo hiểm xã hội và hơn 500.000 đại lý bảo hiểm thương mại. Hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp ngành bảo hiểm được cho là chưa đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Vì vậy, nếu muốn phát triển trong ngành này, bạn luôn có cơ hội được tuyển dụng và học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Thị trường lao động của ngành bảo hiểm là một thị trường nhiều tiềm năng.

7. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc trong lĩnh vực bảo hiểm khá linh động, thông thường là 2 tháng (theo Luật Lao động). Mặc dù vậy, quy định thử việc có thể khác nhau tuỳ vào thoả thuận của hai bên. Do đặc thù của ngành dẫn tới giờ giấc làm việc linh động nên thời gian thử việc cũng có thể tính bằng số hợp đồng bảo hiểm bạn xử lý. Nghĩa là nếu bạn được giao hoàn thành ít nhất 10 hợp đồng, nếu bạn giải quyết được chúng trong 1 tháng thì bạn cũng có thể kết thúc thử việc.

8. Thách thức

8.1. Thách thức đối với lực lượng lao động liên quan tới công nghệ và chính sách

Các công ty bảo hiểm hàng đầu đang từng bước tối ưu hóa hoạt động để giảm thiểu rủi ro và thực hiện các bước cần thiết để phát triển chính sách bảo hiểm hiệu quả hơn, tăng trưởng nhanh hơn, từ đó đáp ứng tốc độ của ngành công nghiệp tài chính trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng và tận dụng các phân tích dữ liệu hiệu quả.

Cũng vì vậy mà nhân lực trong ngành lao động buộc phải học hỏi và thích nghi nhanh chóng với những thay đổi. Nếu không thể thay đổi và đáp ứng yêu cầu công việc của một ngành năng động như thế này, bạn sẽ dễ bị đào thải vì nhiều nguyên nhân như làm việc có nhiều sai sót, không đáp ứng được doanh số, mất uy tín với khách hàng,...

Cơ hội và thách thức của ngành bảo hiểm

8.2. Thiếu nhân viên/chuyên viên bảo hiểm có trình độ

Để đáp ứng với sự tăng trưởng của ngành, nhu cầu tuyển dụng nhân viên/chuyên viên hay đại lý bảo hiểm là nhiều nhất. Tuy nhiên, một thách thức khác mà các doanh nghiệp và người lao động trong ngành phải đối mặt là chất lượng nhân sự. Đa số nhân viên tư vấn bảo hiểm không được đào tạo chính quy. Họ có thể học một ngành khác, thậm chí là những ngành không hề liên quan. Ở Việt Nam, nhiều đại lý bảo hiểm mới chỉ tốt nghiệp trung học.

Vấn đề trình độ có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình đào tạo liên quan tới luật, quy trình và chính sách bảo hiểm. Do vậy, mỗi nhân viên sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn để ghi nhớ và tư vấn hiệu quả.

8.3. Thách thức trong xây dựng niềm tin với khách hàng

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với nhân sự trong ngành bảo hiểm là làm sao để tiếp cận và xây dựng niềm tin với khách hàng. Khi cuộc sống phát triển, mọi người đều chú ý nhiều hơn đến bảo hiểm để quản trị rủi ro và bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân. Thế nhưng, vì có rất nhiều công ty bảo hiểm với chính sách khác nhau, chất lượng nhân viên/chuyên viên/đại lý tư vấn bảo hiểm không đồng đều nên mọi người dễ có những nghi ngờ và thiếu tin tưởng.

Bảo hiểm là một ngành nhiều cơ hội phát triển, tăng trưởng mạnh. Hy vọng việc hiểu rõ các cơ hội và thách thức, các vị trí công việc và mức thu nhập sẽ giúp bạn ra quyết định xem có muốn theo ngành này hay không.

Những vị trí việc làm ngành bảo hiểm phổ biến

Sự nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm có thể mang lại cơ hội thăng tiến nhanh và mức lương, thưởng đáng mơ ước - tất cả phụ thuộc vào năng lực của bạn. Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ ngành bảo hiểm có những vị trí việc làm nào tốt để tham gia ứng tuyển công việc phù hợp, đúng như mong muốn bạn nhé.

MỤC LỤC:
1. Mức lương khởi điểm
2. Mức lương theo năm kinh nghiệm
3. Cơ hội sự nghiệp
4. Khi nào thì được thăng chức?
5. Cơ hội tăng thêm thu nhập
6. Nhu cầu của thị trường
7. Thời gian thử việc
8. Thách thức

Đọc thêm: Ngành bảo hiểm có những vị trí việc làm nào?

Đọc thêm: Cách thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888