Personal Branding hay Personal Brand có nghĩa là xây dựng thương hiệu cá nhân, là hoạt động của những người làm marketing tập trung vào xây dựng hình ảnh cho một thương hiệu cá nhân (một người/ nhóm người). Personal Branding thực chất là một quá trình liên tục nhằm phát triển và duy trì danh tiếng và ấn tượng của một cá nhân, nhóm hoặc tổ chức.
Về bản chất, thương hiệu cá nhân của bạn là cách bạn quảng bá bản thân. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa các kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách mà bạn muốn những người theo dõi, quan tâm bạn nhìn thấy. Đó là cách để kể về câu chuyện của bạn và ấn tượng mà mọi người nhìn nhận ở bạn.
Khi đề cập đến bất cứ sản phẩm nào, người ta cũng thường nhớ tới thương hiệu cá nhân của chủ sở hữu công ty sản xuất ra chúng. Ví dụ như khi nói tới Vingroup, chúng ta thường lập tức nhớ tới chủ tịch hội đồng quản trị Phạm Nhật Vượng.
Personal Branding không dễ nhưng lại rất cần thiết vì quyết định thành công trong sự nghiệp của bạn. Có một thương hiệu cá nhân mạnh, tích cực sẽ giúp bạn:
- Thể hiện tốt bản thân để dễ xin việc thành công, có cơ hội nhận việc làm tốt, lương cạnh tranh.
- Chuyên nghiệp trong công việc, tiếp xúc đối tác, khách hàng hiệu quả.
- Có hình ảnh tích cực sẽ thuận lợi cho công việc, các kế hoạch kinh doanh.
- Cơ hội làm nổi bật điểm mạnh và đam mê của bạn.
- Xây dựng niềm tin từ mọi người, ngay cả những người chưa từng gặp mặt hay hợp tác.
Nói cách khác, bạn cần tạo ra một thương hiệu cá nhân mạnh nếu bạn muốn được coi trọng và có sức ảnh hưởng. Thương hiệu cá nhân của bạn giúp bạn nổi bật so với mọi người. Bạn có thể sử dụng thương hiệu cá nhân của mình để thể hiện kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực chuyên môn của bạn.
Theo nhiều cách, thương hiệu cá nhân của bạn là điều khiến bạn trở nên đáng nhớ. Chính thương hiệu cá nhân của bạn sẽ giúp bạn nổi bật hơn so với hàng ngàn người khác giống như bạn. Một xu hướng hiện nay là nhiều CEO, chủ doanh nghiệp nỗ lực để gắn kết với khách hàng tiềm năng trên cơ sở cá nhân trước khi cố gắng truyền tải thông điệp của công ty.
Personal Branding đòi hỏi sự tự phản ánh và xem xét nội tâm sâu rộng. Sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu rõ bản thân mình - điều đáng ngạc nhiên là rất ít người làm được. Hầu hết mọi người cảm thấy vô cùng khó khăn khi mô tả bản thân, mặc dù chúng ta có thể nói về kiểu người mình muốn trở thành nhưng rất khó đánh giá khách quan về hình ảnh của bản thân.
Để hiểu về mình, bạn nên:
- Sử dụng các công cụ, tiện ích đánh giá tính cách (MBTI, DISC,...).
- Trả lời câu hỏi bạn muốn được người khác biết đến với hình ảnh thế nào?
- Thương hiệu cá nhân có thể hiện được sự thu hút, tài năng, điểm mạnh, đam mê của bạn hay không?
- Thương hiệu cá nhân có giúp bạn đạt được các mục đích về mặt truyền thông, marketing không?
Bước đầu tiên này cực kỳ quan trọng, vì sẽ quyết định việc bạn phải làm gì, sử dụng các công cụ hỗ trợ nào, kênh truyền thông, mạng xã hội nào để dần tạo dựng thương hiệu cá nhân.
Không chỉ vậy, Personal Branding còn phụ thuộc nhiều vào mục đích: Để xin việc, để ghi dấu ấn và thăng tiến tại nơi làm việc, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp,... Điều quan trọng nhất vẫn là bạn biết rõ "khách hàng mục tiêu" của mình là ai - nhà tuyển dụng, quản lý, giám đốc, khách hàng hay đối tác,... Một thương hiệu mạnh là thương hiệu phù hợp với tập khách hàng mục tiêu.
Thương hiệu cá nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển sự nghiệp
Người nổi tiếng hay các doanh nghiệp thường có bộ phận marketing, truyền thông riêng (hoặc thuê agency). Trong khi đó, với đa số chúng ta, việc định hình phong cách cá nhân và rộng hơn là làm Personal Branding sẽ cần tự mình từng bước xây dựng. Việc của bạn là phải chọn đúng kênh truyền thông - ở đây chủ yếu là qua mạng xã hội, website/ blog cá nhân và CV xin việc, thư xin việc cùng portfolio (nếu có).
Mỗi kênh sẽ có ưu điểm, nhược điểm khác nhau, và bạn thành thạo kênh nào, cảm thấy kênh nào hữu ích nhất thì hãy tập trung vào đó. Trong nhiều trường hợp, bạn không nhất thiết phải tô vẽ bản thân với hình ảnh giàu có, hào nhoáng, nhưng hãy thể hiện động lực, sự tích cực, "cái tâm sự nghiệp" và kiến thức, kỹ năng để làm thương hiệu cho chính mình.
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân, rất nhiều người phạm phải các lỗi cơ bản, đó là đầu tư nhiều tiền bạc, công sức vào phát triển nội dung - website, blog cá nhân, mạng xã hội, video,... mà quên mất định hướng, mục đích của nội dung. Ví dụ đơn giản hơn là khi tạo CV xin việc hoặc portfolio, chúng ta tự tin với bằng cấp, kinh nghiệm nên nhồi nhét nhiều nội dung, thiếu chọn lọc và trọng tâm nên tất cả công sức có thể "đổ sông đổ bể".
Thực tế, các chuyên gia marketing hàng đầu cho rằng, điều cần thiết để làm nội dung truyền thông về thương hiệu cá nhân phục vụ mục đích kinh doanh và/ hoặc làm Personal Branding cho mục đích tìm việc, thăng tiến thì quan trọng là nội dung cần có trọng tâm, mục đích rõ ràng và bạn có đúng kênh, có đủ nguồn lực để quảng cáo, truyền thông cho nội dung đó.
Gợi ý của JobOKO cho bạn là tùy thuộc vào ngành nghề, vai trò cụ thể mà bạn điều chỉnh phương pháp truyền thông, nội dung, hình ảnh bạn muốn nhà tuyển dụng hoặc công chúng biết về bạn. Bạn muốn xây dựng thương hiệu nhà lãnh đạo trẻ tài ba, hay ứng viên năng động, nhiệt huyết? Hãy cân nhắc kỹ trước khi bắt đầu.
Khi thực hiện các kế hoạch Personal Branding, điều quan trọng là các kênh truyền thông xã hội của bạn phải nhất quán trên mọi nền tảng, hấp dẫn về mặt hình ảnh và đại diện cho kiểu người có ảnh hưởng mà bạn muốn trở thành. Hãy kiên định với hình ảnh, thương hiệu cá nhân và có sự nhất quán.
Để chuẩn bị cho các cơ hội nghề nghiệp, bạn có thể tập trung vào xây dựng hình ảnh ứng viên.
- Đọc kỹ để hiểu rõ mô tả công việc (JD) của nhà tuyển dụng.
- Bạn đáp ứng tốt nhất các tiêu chí, yêu cầu nào? (số năm kinh nghiệm, bằng cấp đúng chuyên ngành hay kỹ năng?).
- Liệu những gì bạn có có cạnh tranh hơn ứng viên khác? Bạn cho rằng đâu là điểm nổi bật nhất trong số các thế mạnh của mình.
- Chọn lọc các thông tin "đắt giá" nhất để nhấn mạnh trong các tài liệu xin việc: CV ứng tuyển, thư xin việc (cover letter) và portfolio - điều kiện là tất cả các thông tin phải đồng nhất.
- Cho thấy thái độ tích cực, hợp tác với nhà tuyển dụng từ khi bạn ứng tuyển tới khi làm bài kiểm tra (nếu có) và phỏng vấn - nếu bạn muốn có hình ảnh chuyên nghiệp; vui vẻ và tươi tắn, nhiệt tình nếu bạn muốn được nhận định là ứng viên trẻ trung, năng động, giỏi thích nghi,...
Trong môi trường chuyên nghiệp, chúng ta buộc phải hình thành những thói quen, cách làm việc và giao tiếp tích cực, hướng hiệu quả. Một nhân viên có thương hiệu cá nhân được cho là có thể thực hiện các công việc suôn sẻ hơn cũng như dễ thăng tiến hơn. Một số tips để làm Personal Branding trong môi trường văn phòng, công sở là:
- Chú ý quan sát, hiểu đúng về môi trường làm việc và văn hóa công ty từ khi bắt đầu đi làm: Sếp và đồng nghiệp của bạn có cách cư xử như thế nào? Môi trường thoải mái, mọi người thường xuyên chia sẻ và gắn kết hay coi trọng kỹ năng làm việc độc lập hơn,...
- Điều chỉnh hành vi, cách giao tiếp cho phù hợp.
- Xác định phong cách cá nhân để giúp bạn nổi bật trong bộ phận và công ty với điều kiện không quá lố. Giả sử, ở phòng ban của bạn mọi người đều rất trầm, vậy thì bạn có thể tạo không khí, kết nối với mọi người một cách thoải mái nhưng không làm họ khó chịu. Theo thời gian, bạn có thể được đánh giá cao về khả năng teamwork, lãnh đạo.
- Dùng năng lực để chứng minh bản thân: Bạn sẽ có thương hiệu cá nhân tích cực khi thành công thuyết phục mọi người rằng bạn giỏi ít nhất một (vài) điều gì đó; ngược lại, bạn cố tô vẽ mình nổi bật nhưng chỉ "có tiếng" mà không có năng lực thực tế thì theo thời gian, Personal Branding của bạn sẽ trở thành "bất tài", "nói khoác",...
- Duy trì thái độ tự tin nhưng khiêm tốn cả với đồng nghiệp hay khách hàng, đối tác.
Những bạn tự làm self media, KOLs sẽ định hình phong cách cá nhân chủ yếu qua các hình ảnh, content chia sẻ qua các kênh website, blog và mạng xã hội. Trong khi đó, các doanh nhân, CEO, chủ doanh nghiệp startup,... có thể có đội ngũ marketer chuyên nghiệp hoặc thuê agency bên ngoài để thực hiện các kế hoạch Personal Branding. Nhìn chung, nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân để phục vụ hoạt động kinh doanh, bán hàng thì những mẹo sau đây có thể sẽ giúp ích:
- Định hình kiểu nội dung, hình ảnh mà bạn cảm thấy sẽ là "thị trường ngách" có nhiều khán giả, người quan tâm theo dõi và đặc biệt là tỷ lệ cạnh tranh chưa quá cao để bạn có cơ hội nổi bật.
- Sẵn sàng đầu tư vào quảng cáo và truyền thông báo chí, truyền hình, MXH.
- Thiết lập hình ảnh cá nhân tích cực - dù có thể theo phong cách cởi mở hay "thần bí" nhưng hãy tập trung vào dấu ấn cá nhân của bạn để thu hút người theo dõi.
- Truyền thông cho các sản phẩm, dịch vụ uy tín.
Cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình, đôi khi chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm vì thực chất, rất khó để biết chính xác cách nhìn của những người xung quanh về bạn, những định kiến hoặc kỳ vọng, hiểu lầm,... Hơn thế nữa, hầu hết chúng ta cũng không phải những nhà tiếp thị tài ba nên không dễ gì để định hình phong cách - chưa nói tới làm Personal Branding chuyên nghiệp.
Dẫu vậy, nếu có thể tránh những lỗi cơ bản khi xây dựng thương hiệu cá nhân sau đây thì bạn sẽ có khả năng thành công với chiến lược Personal Branding của mình:
- Lỗi thiếu sự đồng nhất: Bạn không thể tự truyền thông, xây dựng hình ảnh nếu lúc thì đặt mục tiêu thế này, sau đó lại thay đổi, liên tục chuyển đổi "hình tượng" bản thân. Lỗi này khá phổ biến, và khiến cho tổng thể kế hoạch của bạn đổ bể do nhà tuyển dụng, sếp hay khách hàng, đối tác,... của bạn không rõ bạn là người thế nào, có phong cách ra sao. Bạn hãy nhớ rằng, quá đa dạng sẽ dẫn tới "vỡ hình tượng".
- Xây dựng thương hiệu cá nhân lỗi thời: Hoài cổ có thể là một "trường phái" ấn tượng, nhưng nói đến marketing, truyền thông nói chung và làm Personal Branding nói riêng cần thể hiện khả năng tiếp nhận cái mới, bắt kịp xu hướng hoặc tạo ra xu hướng, mới mẻ và tích cực. Nếu bạn có thương hiệu cá nhân theo lối cũ thì có thể khó tạo được dấu ấn.
- Chọn hình ảnh cá nhân không lành mạnh: Muốn nhanh được biết đến hoặc trở nên nổi bật mà không cần nhiều nỗ lực, một số người sẽ chọn cách "nổi loạn", bị ghét để có tiếng tăm. Tuy nhiên, phương pháp này không giúp bạn phát triển về lâu dài. Chẳng hạn, ở văn phòng, bạn bị nhận định là một nhân viên "nói to, kém duyên" - mọi người biết tới bạn, nhưng không có giá trị nào được ghi nhận.
Thoạt nhìn việc xây dựng thương hiệu cá nhân có vẻ khó khăn, song ngay khi bạn bắt tay vào làm, mọi việc sẽ trở nên cụ thể và thực tế hơn. Hãy áp dụng các lời khuyên trên để làm Personal Branding thật thành công và thăng tiến sự nghiệp bạn nhé.
Thoạt nhìn việc xây dựng thương hiệu cá nhân có vẻ khó khăn, song ngay khi bạn bắt tay vào làm, mọi việc sẽ trở nên cụ thể và thực tế hơn. Hãy áp dụng các lời khuyên trên khi bạn bắt đầu tạo dựng thương hiệu cho chính mình. Ngoài ra, với các công ty, doanh nghiệp, việc tạo dựng thương hiệu tuyển dụng cũng rất cần thiết để thu hút được nhiều nhân tài. Tham khảo ngay 5 công cụ hàng đầu giúp xây dựng thương hiệu tuyển dụng hiệu quả Joboko giới thiệu để bạn lựa chọn khi có nhu cầu.
MỤC LỤC:
1. Personal Branding là gì?
2. Tại sao cần có một thương hiệu cá nhân?
3. Cách xây dựng thương hiệu cá nhân để phát triển sự nghiệp
4. Chiến lược Personal Branding khi xin việc
5. Hướng dẫn làm Personal Branding khi đi làm
6. Kế hoạch Personal Branding cho hoạt động kinh doanh
7. Một số lỗi xây dựng thương hiệu cá nhân cần tránh
Đọc thêm: Cách đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho sự nghiệp của bạn
Đọc thêm: Cách nâng cao kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp