Trắc nghiệm MI - ứng dụng tuyệt vời trong tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn lực

05/03/2022 10:30
Không đơn thuần là một lý thuyết, một trắc nghiệm đơn giản để đánh giá xem một cá nhân sở hữu kiểu trí thông minh nào, trắc nghiệm MI còn được các nhà tuyển dụng, chuyên viên nhân sự là công cụ hữu ích để chọn ứng viên, đào tạo và thúc đẩy nhân viên.

Khi chúng ta nghe đến khái niệm thông minh thì đa số mọi người sẽ ngay lập tức xuất hiện IQ test. Đã từ lâu, IQ luôn là một chỉ số đánh giá trí thông minh và rất quan trọng để xác định tiềm năng của một cá nhân trong vai trò công việc cụ thể. Thế nhưng, nếu như muốn tối ưu hóa tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới và thúc đẩy phát triển cá nhân, trắc nghiệm MI (trắc nghiệm đa trí thông minh) được cho là đầy đủ và toàn diện hơn.

Trắc nghiệm đa trí thông minh MI được ứng dụng trong tuyển dụng như thế nào?

I. Sự ra đời của lý thuyết đa trí thông minh và trắc nghiệm MI

Lý thuyết đa trí thông minh được nghiên cứu và công bố từ năm 1983 bởi Tiến sĩ Howard Gardner, giáo sư giáo dục tại Đại học Harvard. Nó cho thấy rằng quan niệm truyền thống về trí thông minh, dựa trên IQ test là quá hạn chế. Tại sao một cá nhân chỉ được coi là thông minh nếu họ có khả năng tư duy nhanh và tính toán nhanh, trong khi các trẻ em hay người trưởng thành có thể có nhiều tài năng, năng lực khác cần thiết cho học tập, công việc và cuộc sống?

Lý thuyết MI đã chia trí thông minh của con người thành 9 kiểu, và bạn sẽ biết mình thuộc kiểu nào nếu làm trắc nghiệm MI (MI test):

  • Trí thông minh Ngôn ngữ.
  • Trí thông minh Logic - Toán học.
  • Trí thông minh Không gian.
  • Trí thông minh Vận động cơ thể.
  • Trí thông minh Âm nhạc.
  • Trí thông minh Tương tác cá nhân.
  • Trí thông minh Nội tâm.
  • Trí thông minh Tự nhiên.
  • Trí thông minh Triết học.

Howard Gardner viết rằng tất cả chúng ta đều có thể có những trí thông minh này, nhưng mỗi người sẽ có một kiểu trí thông minh nổi bật tùy theo di truyền hoặc kinh nghiệm cá nhân. Nghĩa là, mỗi cá nhân có cả 9 loại trí thông minh nhưng "điểm số" của mỗi loại khác nhau, trí thông minh nào có "điểm" cao nhất thì nghĩa là nó đại diện cho bạn và là thế mạnh của bạn.

Bản thân Gardner định nghĩa trí thông minh là "tiềm năng tâm lý sinh học để xử lý thông tin có thể được kích hoạt trong môi trường văn hóa nhằm giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị trong một nền văn hóa". Kể từ khi ra đời đến nay, lý thuyết và trắc nghiệm đa trí thông minh MI được nhiều người ủng hộ, dĩ nhiên cũng có nhiều người nghi ngờ. Thế nhưng, thực tế không thể phủ nhận là nó được ứng dụng rất nhiều vào đào tạo và hướng nghiệp.

II. MI test mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp

MI test sở dĩ được công nhận rộng rãi hơn là vì nó có tính ứng dụng cao và có nhiều lợi ích mà ai cũng phải thừa nhận:

  • Thông qua trắc nghiệm MI, mọi người tự hiểu hơn về bản thân cũng như hiểu về những người xung quanh (học sinh, ứng viên, nhân viên).
  • Thiết kế và mở ra các con đường khác nhau để học tập, phát huy tốt nhất tiềm năng, năng khiếu và vượt qua những thiếu sót.
  • Tự tin vào bản thân, bao dung cho người khác dù họ không có kiểu trí thông minh giống mình.

Trên thực tế, ứng dụng lớn nhất đầu tiên của trắc nghiệm MI là sử dụng trong các trường học ở Mỹ, thậm chí nó còn được cho là yếu tố khiến thay đổi cách vận hành hệ thống giáo dục ở nước này. Nhờ MI test, giáo viên đã điều chỉnh, thiết kế chương trình giảng dạy theo nhiều cách khác nhau, kết hợp với âm nhạc, thúc đẩy tương tác, truyền thông, đi thực tế,...

Theo thời gian, trắc nghiệm MI cũng dần dần trở nên phổ biến hơn và ngày nay, bài kiểm tra đánh giá này được dùng khá nhiều để định hướng sự nghiệp. Tùy vào kết quả phân loại trí thông minh khi làm trắc nghiệm, bạn sẽ được gợi ý với kiểu trí thông minh đó thì nên làm nghề gì. Tương tự, bản thân các nhà tuyển dụng, chuyên gia nhân sự cũng đánh giá cao trắc nghiệm đa trí thông minh MI. Họ có thể kết hợp với các trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm DISC để tuyển dụng hiệu quả, thúc đẩy nhân viên phát triển và gắn bó, gia tăng hiệu suất.

III. Ứng dụng của trắc nghiệm MI với tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Trong tuyển dụng và quản trị nguồn nhân lực, trắc nghiệm MI được ứng dụng như sau:

1. Đánh giá và lựa chọn ứng viên

Nhà tuyển dụng có thể thông qua trắc nghiệm MI để đánh giá không chỉ năng lực mà còn kiểm tra tiềm năng của ứng viên cho mỗi vai trò công việc cụ thể. Ví dụ, một ứng viên ứng tuyển nhân viên biên tập nội dung, copywriter nên là người có trí thông minh ngôn ngữ phát triển; trong khi ứng viên phỏng vấn kế toán, kiểm toán nên mạnh về trí thông minh logic - toán học còn một ứng viên cho các vị trí quản lý sẽ cần cả trí thông minh logic - toán học, trí thông minh ngôn ngữ và trí thông minh tương tác cá nhân.

Trắc nghiệm MI có thể không phải công cụ duy nhất và hoàn hảo nhất để đánh giá và ra quyết định tuyển dụng hay không đối với một ứng viên, thế nhưng nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phân loại và dự đoán tiềm năng, triển vọng ở ứng viên đó. Nhờ vậy, nhà tuyển dụng có thể giảm tỷ lệ tuyển sai người đáng kể với MI test.

Kết quả trắc nghiệm MI được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng để đánh giá ứng viên

2. Đào tạo và phát triển nhân viên

Đào tạo nhân viên là một bài toán khó với nhà tuyển dụng, dù đây là chìa khóa giúp duy trì mức hiệu suất cao và giúp các cá nhân cũng như phòng ban đạt được mục tiêu công việc. Nhân viên cần tìm hiểu, ghi nhớ về văn hóa công ty, nhiệm vụ công việc cụ thể - nhưng bộ phận nhân sự cũng phải làm sao để thiết kế chương trình định hướng, đào tạo hữu ích nhất.

Thực tế, chỉ đào tạo đơn giản bằng lý thuyết sẽ thiếu tính khách quan và không mang lại kết quả tốt nhất. Các chuyên gia nhân sự thường chú ý lắng nghe, hiểu về nguyện vọng của nhân viên, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên giúp nhân viên định hướng, phát triển bộ kỹ năng. Thông qua trắc nghiệm MI, bạn cũng sẽ biết được rằng nhân viên nào có thế mạnh gì, thiếu sót ở đâu và có thể giúp họ hoàn thiện mình, phát triển bản thân từ đó nâng cao hiệu quả công việc.

3. Định hướng nhân sự

Định hướng là quá trình giúp nhân viên bắt kịp các chính sách của tổ chức, vai trò và trách nhiệm công việc cũng như các điều kiện, triển vọng để họ thăng tiến nhanh chóng lên các vị trí cao hơn. Mỗi công việc, nghề nghiệp sẽ cần có kiểu định hướng khác nhau nhưng lộ trình đào tạo sẽ giúp ích.

Nhân sự có thể thiết kế các lớp định hướng và phát triển sự nghiệp cho nhân viên mỗi bộ phận và phù hợp cho các cá nhân - chẳng hạn có chương trình đào tạo thúc đẩy các nhân viên có trí thông minh ngôn ngữ có không gian để thể hiện hoặc các chương trình thực tế giúp nhân viên phát triển khả năng tương tác với người khác cũng như thấu hiểu nội tâm của chính mình. Trắc nghiệm MI cho phép bạn biết nhân sự của mình mạnh ở khía cạnh nào, còn khuyết thiếu gì và giúp họ có điều kiện bổ sung cũng như tự tin, tự định hướng.

4. Trắc nghiệm MI ứng dụng vào đánh giá hiệu suất và kế hoạch phát triển

Ngoài ra, trắc nghiệm đa trí thông minh MI cũng có thể sẽ sẽ giúp ích cho việc theo dõi và đánh giá hiệu suất. Xác định các cá nhân có kiểu trí thông minh nào, giỏi làm việc gì để từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp, giúp họ có cách tiếp cận tốt hơn. Đồng thời, việc đánh giá hiệu suất và xây dựng kế hoạch phát triển cũng có thể được dựa trên kiểu trí thông minh của cá nhân đó.

Ví dụ, một nhân viên thiết kế đồ họa phải được đánh giá về trí thông minh không gian, trí thông minh logic - toán học và trí thông minh tự nhiên xem họ đã ứng dụng như thế nào vào các thiết kế, thay vì chỉ đặt mục tiêu hiệu suất cho họ về số lượng thiết kế.

Có thể thấy, lý thuyết và trắc nghiệm MI cung cấp một cách tiếp cận học tập khác biệt, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như trong học tập, giáo dục và đào tạo cũng như khi hướng nghiệp, chọn ngành nghề và thúc đẩy quy trình tuyển dụng, quản lý nhân sự hiệu quả.

MỤC LỤC:
I. Sự ra đời của lý thuyết đa trí thông minh và trắc nghiệm MI
II. MI test mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp
III. Ứng dụng của trắc nghiệm MI với tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Đọc thêm: Làm trắc nghiệm MI để chọn ngành nghề tương lai cần chú ý gì?

Đọc thêm: Hướng dẫn chọn đúng ngành nghề với trắc nghiệm MI (MI Test)

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888