Trung thực là gì? có phải lúc nào trung thực cũng tốt cho công việc, cuộc sống?

06/04/2022 16:30
Từ nhỏ, hầu hết những đứa trẻ đều được dạy rằng phải trung thực với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Cũng vì thế mà khi lớn dần lên, hầu hết chúng ta đều nhận định rằng trung thực là biểu hiện của đạo đức. Chính xác thì trung thực là gì và có phải lúc nào bạn cũng nên "có gì nói nấy"?

Với quan điểm của nhà tuyển dụng, những ứng viên trung thực bao giờ cũng đáng tin cậy hơn. Với một công ty hay cơ sở kinh doanh, nhân viên trung thực không chỉ đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, tích cực mà còn tránh được các nguy cơ thất thoát, xung đột. Với đa số mọi người thì trung thực nghĩa là không nói dối. Thế nhưng, liệu điều đó có chính xác? Để biết trung thực là gì và cả cách làm sao để điều chỉnh, sống trung thực nhưng khéo léo và tinh tế trong cuộc sống, công việc, hãy tìm hiểu qua bài viết sau của JobOKO nhé.

Hiểu thế nào về đức tính trung thực?

1. Trung thực là gì?

Trung thực là gì? Như đã đề cập từ trước đó, đa số mọi người nhận định trung thực là không nói dối. Dĩ nhiên, đó cũng là một phần chính, một biểu hiện quan trọng của sự trung thực. Tuy nhiên, trung thực còn có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ không nói dối. Sự trung thực không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động: Nói thật, hành động trung thực không màu mè. Nếu bạn phải che giấu những gì mình đang làm vì cố gắng lừa dối hoặc qua mặt ai đó thì có lẽ bạn đang không thành thật.
Để hiểu rõ trung thực là gì, bạn có thể định nghĩa một cách đơn giản là: Không che giấu sự thật (lừa dối); không vi phạm các quy tắc để đạt được lợi thế (gian lận); không lấy thứ gì đó không phải của mình (ăn cắp) và bất kỳ hành động nào khác mà bạn cố tình che giấu, đi ngược lại các giá trị về mặt đạo đức.
Thái độ sống, cách cư xử trung thực được thể hiện qua:

  • Hoàn toàn trung thực: Chỉ có trung thực hoặc không trung thực, không có "một nửa" của sự trung thực.
  • Trung thành: Trung thành với tổ chức, thật thà thẳng thắn với những người xung quanh, chung thủy với người yêu hoặc vợ chồng... đều cho thấy tính cách trung thực của một người.
  • Đáng tin cậy: Một người trung thực là người mà mọi người có thể tin tưởng để tâm sự, chia sẻ và nhờ giúp đỡ mà không lo ngại bị tiết lộ thông tin hoặc gặp phải những vấn đề khác liên quan tới nói dối, gian lận...

2. Vì sao nhà tuyển dụng coi trọng sự trung thực của ứng viên?

Doanh nghiệp, các nhà quản lý hay nhà tuyển dụng đều sẽ đánh giá cao sự trung thực của nhân viên, ứng viên. Nguyên nhân hàng đầu vì những người trung thực thì đáng tin cậy, có uy tín cá nhân, thường nghiêm túc trong công việc, có trách nhiệm và làm việc nhóm tốt với mọi người. Để đảm bảo xây dựng được một môi trường làm việc tích cực, văn hóa công ty theo ý muốn, nhà tuyển dụng sẽ tiến hành đánh giá, sàng lọc ứng viên ngay từ đầu, nhất là với các vai trò đặc thù như nhân viên kế toán, kiểm toán, việc làm ngành ngân hàng,...
Ứng viên trung thực sẽ:

  • Không nói dối trong CV xin việc.
  • Không nói dối trong cuộc phỏng vấn.
  • Chia sẻ thẳng thắn và khéo léo về lý do nghỉ việc ở công ty cũ, các kỳ vọng với môi trường mới, mức lương; nói đúng về bằng cấp, kinh nghiệm...

Trung thực là gì? Là sự tin tưởng và thẳng thắn cả trong hành động và lời nói, vì thế nên sự trung thực nên đến từ hai phía. Sẽ là không công bằng hoặc thậm chí là không thể hợp tác lâu dài nếu ứng viên hoặc chính nhà tuyển dụng không trung thực, chẳng hạn như mang đến những lời hứa hẹn không thể thực hiện, nói quá về các điều kiện phúc lợi ở công ty... Nhìn chung, trung thực sẽ là tiền đề để hợp tác lâu dài giữa 2 bên.

3. Một người trung thực có lợi thế gì trong công việc?

Trung thực sẽ giúp bạn được ghi nhận, xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh và có thể có được những lợi thế trong công việc, sự nghiệp như:

  • Tự tin và thoải mái nhờ sự chính trực, biết trân trọng bản thân: Những người trung thực có thể cảm thấy dễ chịu khi họ nhìn vào gương biết rằng bản thân là người tử tế, được người khác tin tưởng, ngưỡng mộ. Chính trực sẽ là giá trị cốt lõi mà người khác không thể lấy đi từ bạn.
  • Xây dựng uy tín và danh tiếng tích cực: Sự trung thực cũng củng cố danh tiếng nghề nghiệp, giúp xây dựng tập khách hàng trung thành cho bạn cũng như giúp bạn có được nhiều mối quan hệ tốt trong ngành, nhận được sự trợ giúp trong nhiều tình huống.
  • Có được sự ủng hộ của sếp, đồng nghiệp và lòng trung thành của khách hàng: Trung thực sẽ giúp bạn dễ dàng kết nối và được ủng hộ.
  • Nhiều triển vọng nghề nghiệp: Danh tiếng tốt, được đánh giá cao, bạn có thể được giới thiệu các cơ hội việc làm tốt, dễ hợp tác, hòa đồng và thăng tiến.

Trung thực trong công việc mang đến những lợi ích gì?

4. Có nên trung thực trong mọi tình huống?

Không thể phủ nhận mặt tích cực của sự trung thực. Ai cũng hiểu rằng trung thực là tốt và nó phản ánh phẩm chất đạo đức của một người. Những người trung thực thường được yêu quý, tôn trọng, được đánh giá cao cả trong cuộc sống và công việc. Dù vậy, có phải lúc nào bạn cũng cần trung thực?
Câu trả lời là bạn nên cân nhắc để đảm bảo trung thực nhưng khéo léo, đúng tình huống. Có đôi khi, lời nói hoặc hành động theo đúng sự thật bạn biết được lại vô tình làm tổn thương người khác. Ví dụ, bạn biết rằng đồng nghiệp của mình gặp vấn đề riêng tư và khi đồng nghiệp khác hỏi thì bạn nên nói đúng những gì bạn biết hay nói giảm nói tránh hoặc từ chối chia sẻ thông tin? Nếu như bạn đảm bảo sự trung thực trong tình huống này, bạn lại trở thành một kẻ "ngồi lê đôi mách".
Một trường hợp phổ biến khác mà sự trung thực khiến bạn trở nên "vô duyên", thậm chí là thành một người cư xử tệ ở nơi làm việc, đó là khi dùng sự trung thực để hạ bệ người khác (vô tình hay cố ý): Chỉ ra kết quả công việc của đồng nghiệp ngày càng tệ trong khi khoe khoang về kỷ lục doanh số bán hàng bạn vừa thiết lập - cho dù tuyên bố đó hoàn toàn là sự thật.
Do đó, trung thực không có nghĩa là có gì nói nấy mà sẽ cần cân nhắc rất nhiều trước khi nói và hành động. Bạn có thể thẳng thắn nhưng tùy tình huống và tránh trung thực đối với các câu chuyện, vấn đề của đồng nghiệp hay những người xung quanh. Đồng thời, hãy luôn cân nhắc để những gì bạn trình bày, thể hiện không ảnh hưởng tới hình ảnh hay mối quan hệ của người khác.

MỤC LỤC:
1. Trung thực là gì?
2. Vì sao nhà tuyển dụng coi trọng sự trung thực của ứng viên?​
3. Một người trung thực có lợi thế gì trong công việc?
4. Có nên trung thực trong mọi tình huống?

Đọc thêm: Tại sao cần phải trung thực trong công việc?

Đọc thêm: Rèn luyện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888