Cách tìm hiểu thông tin công ty trước khi phỏng vấn chính thức

08/07/2021 23:30
Tìm hiểu thông tin công ty trước khi phỏng vấn chính thức là một bước quan trọng trong quy trình ứng tuyển, tìm việc làm nói chung. Từ thông tin bạn có về công ty và công việc, bạn và nhà tuyển dụng sẽ dễ kết nối, trao đổi hiệu quả hơn.
Lời khuyên mà tất cả ứng viên nhận được là hãy tìm hiểu thông tin công ty trước khi gửi CV ứng tuyển và trước phỏng vấn. Dù vậy, vì nhiều lý do mà vẫn có những trường hợp ứng viên "quên" không tìm, đọc về công ty. Điều này dẫn đến tình huống nhà tuyển dụng hỏi những câu đơn giản như "Bạn biết gì về công ty chúng tôi" thì ứng viên ấp úng, không trả lời được và tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp ngay từ đầu phỏng vấn.

1. Vì sao phải tìm hiểu thông tin công ty trước buổi phỏng vấn?

Hiểu được lý do vì sao mà bất cứ chuyên gia nhân sự nào cũng khuyên ứng viên phải tìm kiếm và ghi nhớ thông tin về công ty trước phỏng vấn sẽ giúp bạn không bao giờ quên bước quan trọng này. Sở dĩ bạn phải tìm hiểu thông tin trước khi phỏng vấn chính thức là vì:

- Bạn có căn cứ để ra quyết định có tham gia phỏng vấn hay không. Nếu bạn thấy khá nhiều "review" tiêu cực về sản phẩm, dịch vụ hay môi trường làm việc, chế độ của công ty thì rất có thể bạn nên xem xét lại.

- Bạn có thể chuẩn bị thông tin cho những câu hỏi phỏng vấn hay gặp về công ty, công việc, sản phẩm, dịch vụ.

- Giúp bạn có động lực, tự tin với cuộc phỏng vấn sắp tới. Giả sử bạn càng tìm hiểu càng thấy rằng doanh nghiệp, tổ chức bạn sắp phỏng vấn có rất nhiều điều tuyệt vời và cực kỳ phù hợp với bạn thì rõ ràng bạn sẽ càng mong chờ và muốn thể hiện tốt nhất.

2. Kênh tìm kiếm thông tin trước phỏng vấn​

Tìm hiểu thông tin trước phỏng vấn là việc làm cần thiết như vậy, thế nhưng, liệu ứng viên có thể tra cứu thông tin ở đâu? Và tin tức, nội dung nào đáng tin cậy? Một số kênh tìm kiếm thông tin công ty bạn có thể sử dụng (và nên kết hợp tìm hiểu đa kênh) là:

- Hỏi thông tin từ nhà tuyển dụng.

- Truy cập website, fanpage chính thức của công ty.

- Tìm kiếm thông tin trên internet qua công cụ tìm kiếm.

- Xin "review" từ những ứng viên có kinh nghiệm (qua group, website, forum).

Nắm được thông tin của nhà tuyển dụng sẽ giúp ứng viên ứng phó dễ dàng hơn

3. Cách tìm hiểu thông tin công ty trước phỏng vấn chính thức

3.1. Liệt kê thông tin bạn muốn tìm hiểu về công ty

Bạn muốn biết gì công ty mà bạn sắp đến phỏng vấn? Quy mô công ty bao nhiêu nhân sự? Sản phẩm kinh doanh của công ty là gì, được đánh giá ra sao? CEO công ty là ai?... Một khi biết mình tìm thông tin gì thì bạn sẽ biết phải tìm qua kênh nào và bằng cách nào.

Các chuyên gia nhân sự khuyên rằng, ít nhất ứng viên nên đọc và ghi nhớ các thông tin sau để vận dụng vào cuộc phỏng vấn chính thức:

- Quy trình phỏng vấn, các vòng phỏng vấn: Bạn cần biết rõ rằng quy trình phỏng vấn có mấy vòng, có cần làm bài kiểm tra không, nếu có thì có cần tự trang bị máy tính không. Khi gọi điện, gửi email mời phỏng vấn thì hầu hết nhà tuyển dụng

- Lịch sử thành lập, sứ mệnh, mục tiêu của công ty: Với các thông tin này, cách dễ nhất là bạn truy cập vào website chính thức của công ty, thường ở phần "Về chúng tôi/ Giới thiệu/ About Us".

- Thông tin về môi trường làm việc, chế độ, văn hóa công ty, đồng nghiệp: Một thực tế được hầu hết người lao động thừa nhận là khi đi làm, áp lực công việc có thể không lớn bằng áp lực từ môi trường xung quanh. Nếu bạn có thể làm việc với đồng nghiệp thân thiện, chuyên nghiệp, công ty có văn hóa tích cực và phù hợp với cá tính của bạn thì sẽ tốt hơn là vào môi trường mà bạn không thể thích nghi. Các nhóm, trang review trên MXH, trên internet là nơi bạn có thể đặt câu hỏi và nhờ "trợ giúp" từ người có kinh nghiệm.

- Thông tin về sản phẩm, dịch vụ nổi bật, phân khúc khách hàng, đối thủ cạnh tranh: Các thông tin này cần thiết với các vai trò việc làm như marketing, truyền thông, PR, công nghệ, kinh doanh, sản xuất,... vì nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn về ý tưởng, chiến lược khi phỏng vấn chuyên môn. Không có cách nào tốt hơn việc bạn tìm đọc tất cả thông tin có thể, kết hợp so sánh với các kiến thức về ngành, lĩnh vực.

- Hình ảnh truyền thông, hình ảnh thương hiệu: Tìm đọc tin tức về các sự kiện, hoạt động, giải thưởng của doanh nghiệp qua báo chí, ưu tiên các trang chính thống, uy tín để có tin tức khách quan nhất.

- Thông tin về CEO, về người phỏng vấn bạn (nếu có thể): Biết "một chút" về ông chủ tương lai của mình cũng là điều tốt đúng không nào. Rất có thể, nếu trúng tuyển thì sếp chính là người cố vấn sự nghiệp cho bạn đấy!

3.2. Tìm kiếm đa kênh để có thông tin đầy đủ, toàn diện nhất

Chỉ hỏi nhà tuyển dụng hay chỉ đặt câu hỏi trong các group, website review công ty không giúp bạn có đánh giá khách quan và toàn diện về công ty bạn sắp phỏng vấn. Sự phiến diện trong tìm kiếm thông tin doanh nghiệp sẽ khiến bạn hình thành định kiến hoặc "ảo tưởng".

Cách tìm hiểu thông tin công ty trước khi phỏng vấn chính thức là bạn hãy sử dụng tất cả các kênh được JobOKO liệt kê ở trên để cân nhắc về cơ hội việc làm trên mọi phương diện.

3.3. Đặt câu hỏi lấy thông tin công ty theo cách tích cực

Bạn tiếp cận nguồn thông tin như thế nào cũng sẽ quyết định "chất lượng" thông tin bạn nhận được. Khi đặt câu hỏi lấy thông tin công ty với nhà tuyển dụng hay trên nhóm, hãy thật tích cực và lịch sự. Thay vì viết rằng "Em được mời phỏng vấn ở công ty ABC nhưng em thấy...", bạn có thể viết đơn giản là "Em sắp phỏng vấn tại công ty ABC, anh/ chị có ai từng phỏng vấn hoặc làm ở đó không ạ? Có thể chia sẻ với em một chút về trải nghiệm của mình không ạ?",...

3.4. Ghi chú rõ ràng thông tin thu thập được

Đa số ứng viên khi tìm việc sẽ ứng tuyển một số vị trí ở các công ty khác nhau, và đương nhiên sẽ không chỉ phỏng vấn với duy nhất một nhà tuyển dụng. Để không có sự nhầm lẫn, bạn nên ghi chú tất cả thông tin về một công ty mà bạn tìm được, lần lượt note lại và so sánh, đánh giá các cơ hội cũng như ghi nhớ. Qua đó, bạn sẽ chắc chắn không nói nhầm thông tin của công ty này vào công ty khác vì bị "loạn thông tin".

4. Đánh giá thông tin và vận dụng vào trả lời phỏng vấn

4.1. Đảm bảo có sự so sánh, đánh giá khách quan

Có thể thấy, việc tìm hiểu thông tin công ty trước khi phỏng vấn trực tiếp là bắt buộc nhưng bạn không nên dựa toàn bộ vào các thông tin đó. Sự thực không thể chối cãi là công ty nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và nguồn thông tin tham khảo cũng không thể chính xác 100%. Nói cách khác, dù bạn thấy đánh giá như thế nào thì rõ ràng bạn vẫn có thể tự mình trải nghiệm một phần khi đến phỏng vấn, deal lương.

Trong nhiều trường hợp, ứng viên cũ hoặc nhân viên cũ nghỉ việc vì không phù hợp hoặc do vấn đề của chính bản thân người đó, nhưng khi đánh giá thì lại đẩy lỗi sai về phía nhà tuyển dụng. Nếu bạn chỉ vì những đánh giá trên internet mà hủy phỏng vấn hoặc không chuẩn bị, đi cho có thì rất có thể bạn đã bỏ lỡ cơ hội việc làm tốt của mình.

4.2. Chuyên nghiệp, nghiêm túc khi đưa ra phản hồi

Sau tìm hiểu, có đến phỏng vấn hay không là tùy ở bạn nhưng cần nghiêm túc và chuyên nghiệp trong phản hồi với nhà tuyển dụng. Một khi xác nhận sẽ tham gia phỏng vấn, hãy bắt tay vào chuẩn bị để thể hiện hoàn hảo nhất có thể bạn nhé.

Lưu ý: Nếu tìm hiểu thông tin trước khi phỏng vấn chính thức và thấy mình không thực sự phù hợp hoặc phát hiện nhiều "nguy cơ" thì bạn nên phản hồi với nhà tuyển dụng qua email và khéo léo từ chối với những lý do lịch sự như đã quyết định nhận offer ở bên khác hoặc vì lý do cá nhân,...

4.3. Vận dụng thông tin về công ty để chuẩn bị trả lời phỏng vấn

Những thông tin công ty bạn có được không phải chỉ để "trưng bày" mà phải được vận dụng vào các câu trả lời phỏng vấn khi nhà tuyển dụng hỏi. Một số câu hỏi phỏng vấn liên quan về công ty hay gặp là:

- Bạn biết gì về công ty chúng tôi?

Cách trả lời: Đây là câu hỏi để bạn có cơ hội chia sẻ một số thông tin nổi bật bạn biết về công ty và dành những đánh giá tích cực. Bạn có thể trả lời rằng: "Qua tìm hiểu, em biết rằng công ty mình là doanh nghiệp tiên phong trong....", hoặc "Làm [ngành] ở miền Bắc/ miền Nam này, có ai không biết rằng công ty mình là....".

- Bạn đã tìm hiểu thông tin về chúng tôi hay chưa?

Cách trả lời: Đừng chỉ trả lời "cụt ngủn" rằng bạn đã tìm hiểu mà không giải thích gì thêm. Bạn nên nhấn mạnh rằng bạn đã tìm hiểu và thấy rằng công ty là môi trường tốt, có thương hiệu mạnh,... và đặc biệt là bạn sẽ phát huy tốt nhất khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp,... như công ty.

- Tại sao bạn ứng tuyển?

Cách trả lời: Đây cũng là một kiểu câu hỏi mở hay gặp nhưng ít ứng viên thực sự trả lời tốt, khéo. Nhà tuyển dụng không thực sự muốn biết rằng bạn ứng tuyển vì mức lương cao hay dễ thăng tiến,... mà họ muốn biết bạn hiểu gì về công ty, công việc và vì sao bạn nghĩ rằng mình phù hợp. Lý do của bạn nên được dẫn dắt từ việc bạn biết đến công ty/ sản phẩm và có tìm hiểu về môi trường,... Sau khi thấy tin tuyển và đọc kỹ mô tả công việc (JD) thì bạn quyết định gửi CV vì cảm thấy mình phù hợp, đây "đúng là công việc dành cho mình".

- Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn/ Vì sao bạn cho là mình phù hợp với công việc này?

Cách trả lời: Tương tự với câu trên, bạn hãy thuyết phục nhà tuyển dụng trao cơ hội việc làm của mình với điểm sáng về kinh nghiệm, bằng cấp, kỹ năng và đừng quên bổ sung bằng một số thông tin về công ty. Nhà tuyển dụng muốn tìm ứng viên phù hợp nhất - không phải giỏi nhất mà không phù hợp - vì thế nếu bạn chứng minh được mình đã tìm hiểu về công ty và có đánh giá, biết mình thích ứng tốt, đóng góp được nhiều giá trị thì đó sẽ là lời thuyết phục hiệu quả nhất.

- Bạn nghĩ rằng mình sẽ thế nào trong 5 năm tới?

Cách trả lời: Một câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp là cơ hội để bạn thể hiện mình đã tìm hiểu về mục tiêu, sứ mệnh của công ty và kết nối mục tiêu cá nhân của mình với định hướng lâu dài của nhà tuyển dụng.

Ngoài ra, khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về chuyên môn, ví dụ như về ngành, cách xây dựng hình ảnh truyền thông, thị trường, triển vọng kinh doanh,... thì bạn cũng có thể lồng ghép thông tin hoặc chia sẻ nhận định về công ty trên thị trường.

Tìm hiểu thông tin công ty trước khi phỏng vấn chính thức đúng cách giúp bạn tự tin thể hiện năng lực, cá tính trong phỏng vấn và gia tăng cơ hội trúng tuyển. Hãy luôn chuẩn bị phỏng vấn với bước tìm kiếm tất tần tật thông có thể nhé! Chúc bạn thành công!

MỤC LỤC:
1. Tầm quan trọng của việc tìm hiểu thông tin trước phỏng vấn
2. Kênh tìm kiếm thông tin trước phỏng vấn
3. Cách tìm hiểu thông tin công ty trước phỏng vấn chính thức
4. Đánh giá thông tin và vận dụng vào trả lời phỏng vấn

Đọc thêm: Vì sao đã chuẩn bị rất kỹ mà vẫn trượt vòng phỏng vấn?

Đọc thêm: Gợi ý cách tra cứu thông tin doanh nghiệp chuẩn, chính xác

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888