9 bước xây dựng chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân

19/09/2022 08:53
Với suy nghĩ tìm kiếm môi trường làm việc ổn định, bạn sẽ khó có thể phát triển sự nghiệp lên một tầm cao mới. Muốn có sự nghiệp thăng tiến trong tương lai, đặt mục tiêu chiến lược, định hướng và phấn đấu để đạt được sẽ là điều mà bạn cần làm.
Một số người chỉ cần tìm kiếm các công việc tạm thời có thể chi trả các chi phí sinh hoạt trong gia đình. Trong khi đó, nhiều người khác lại đang không ngừng tiến về phía trước bằng cách xác định chính xác những gì họ cần, có mục tiêu và lộ trình cụ thể để tìm việc như ý, tăng thu nhập, có cơ hội phát triển kỹ năng, nâng cao trình độ và mở rộng các mối quan hệ. Vậy làm thế nào để phát triển sự nghiệp cá nhân và hoàn thành tất cả những mục tiêu trên?

1. Chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân là gì?

Chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân là tổng thể một kế hoạch trong đó có mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn của bạn cũng như lộ trình sự nghiệp - các vai trò bạn bắt đầu, phát triển năng lực và kỹ năng, thăng tiến cho tới khi thành công. Thay vì mơ hồ, "được tới đâu hay tới đó", ngày nay, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn tới chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân.

2. Vì sao ai cũng cần có mục tiêu, kế hoạch phát triển sự nghiệp?

Đặt mục tiêu, kế hoạch để phát triển sự nghiệp sẽ giúp bạn:

- Rõ ràng về những gì mình cần làm và nên làm.

- Có động lực để phấn đấu trong học tập và công việc.

- Tận dụng tốt các cơ hội đào tạo, thăng tiến.

- Thành công sự nghiệp.

Nhìn chung, nếu luôn không rõ điều bạn muốn là gì và phải làm gì để đạt được thành công - theo "tiêu chuẩn" của bạn thì rất dễ thất bại. Ngược lại, khi có kế hoạch và chiến lược phát triển sự nghiệp, bạn có thể có sự đầu tư, chuẩn bị cần thiết và từng bước sử dụng thành tích cá nhân cũng như thành tích nhóm để khẳng định năng lực.

Ví dụ, khi bạn theo nghề kế toán và đặt mục tiêu trở thành kế toán trưởng/ giám đốc tài chính trong tương lai, bạn có thể tìm hiểu lộ trình sự nghiệp kế toán, biết mình cần học chứng chỉ gì, đầu tư vào ngoại ngữ hay không và thành thạo các nghiệp vụ nào (thuế, báo cáo tài chính,...).

3. Các bước lập kế hoạch để có sự nghiệp thành công

3.1. Đặt mục tiêu cụ thể

Muốn thành công khi làm bất cứ việc gì, bạn cần có các mục tiêu cụ thể. Mỗi người có một quan điểm khác nhau về thành công, do đó bạn không thể dựa vào người khác mà phải xác định được hướng đi của riêng mình.

Ngay lúc này có thể bạn còn băn khoăn suy nghĩ và chưa tìm ra được mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân. Nhưng một khi đã xác định được cụ thể, những mục tiêu này sẽ giúp bạn lựa chọn được công việc phù hợp với bản thân nhất, từ đó tạo lợi thế cho bạn phát triển sự nghiệp.

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn có thể thay đổi theo thời gian. Điều này phụ thuộc vào cách nhìn của bạn đối với công việc ở từng thời điểm. Vì vậy, hãy thay đổi chúng nếu bạn cảm thấy cần thiết. Mục tiêu sự nghiệp lúc bạn mới đi làm chắc chắn sẽ không giống với mục tiêu bạn đặt ra khi đã đi làm được 5 năm.

Bạn có biết tại sao các nhà tuyển dụng thường đưa ra câu hỏi "Kế hoạch trong 5 năm tới của bạn là gì"? Lý do là bởi vì những nhân viên có định hướng rõ ràng sẽ làm việc chăm chỉ và nỗ lực để đạt được những mục tiêu mà họ muốn. Điều này không chỉ giúp phía nhà tuyển dụng tìm kiếm được những ứng viên tài năng mà còn xác định được liệu các ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với công ty của họ không.

Vì vậy nếu bạn chưa có được mục tiêu cho riêng mình, hãy bắt đầu tìm kiếm từ ngay bây giờ. Hãy suy nghĩ về bản thân của 5 năm sau: Bạn muốn làm gì? Bạn muốn có mức lương bao nhiêu?

3.2. Khám phá sở thích cá nhân

Khi đi làm, chắc chắn bạn sẽ gặp những khó khăn khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ việc. Tuy nhiên nếu bạn thật sự yêu thích những gì mình đang làm, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn ngay cả khi rơi vào khó khăn.

Chúng ta thường cho rằng sở trường và sở thích là một song điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi chúng ta có thế mạnh trong một lĩnh vực nào đó đơn giản chỉ vì chúng ta đã dành nhiều thời gian để học tập và thực hành, chứ không phải vì sở thích cá nhân.

Hiển nhiên không phải ai cũng có thể tìm kiếm được những công việc phù hợp với bản thân. Vì vậy cách đơn giản hơn là hãy khám phá những gì bạn yêu thích và áp dụng chúng vào công việc. Ví dụ như khi còn là học sinh, bạn không học tốt môn ngữ văn nhưng hiện tại bạn đang làm biên tập viên ở một đài truyền hình vì bạn được viết về những gì mình yêu thích.

3.3. Nhất quán khi lựa chọn việc làm

Khi cảm thấy quá áp lực với công việc, chúng ta thường nhanh chóng đổi một công việc mới ngay cả khi công việc đó không phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, điều này về lâu dài cũng sẽ không khiến có ích cho sự nghiệp của bạn. Chưa kể đến việc công việc đó có phù hợp với bạn hay không, bạn cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể làm quen với những nhiệm vụ mới.

Khi có cái nhìn toàn diện về sự nghiệp của mình, bạn sẽ đưa ra các quyết định có ích hơn khi tìm việc làm. Vì vậy trước khi lựa chọn bất kỳ công việc nào, hãy xem xét liệu công việc đó có thể hỗ trợ gì cho mục tiêu phát triển của bạn hay không. Ví dụ như bạn có thể học hỏi thêm kỹ năng nào không? Bạn có thể xây dựng những mối quan hệ mới không? Bạn có thể thăng chức không?

Lựa chọn công việc phù hợp sẽ mang đến cho bạn cơ hội để phát triển tốt

3.4. Chia sẻ mục tiêu với những người xung quanh

Khi đã có các mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, hãy chia sẻ chúng với những người ở xung quanh bạn. Điều này sẽ giúp bạn thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng và về lâu dài có ích cho sự phát triển của bạn.

Nếu thật sự yêu thích công ty mình đang làm việc, bạn có thể trò chuyện với quản lý/giám đốc về kế hoạch của bản thân. Hãy thoải mái chia sẻ về mục tiêu cá nhân và đề nghị họ giới thiệu các dự án phù hợp cho bạn. Nhờ đó bạn có thể gây ấn tượng với họ cũng như có thể tìm được cơ hội để phát triển bản thân.

3.5. Tin tưởng bản thân

Chúng ta thường chú ý tới những khuyết điểm của bản thân nhiều hơn những ưu điểm. Điều này khiến chúng ta mất tự tin và không dám đảm nhận những công việc phức tạp hay những dự án lớn. Nhưng chỉ cần tin tưởng bản thân, bạn sẽ có thể hoàn thành tốt mọi việc.

Khi tin tưởng vào bản thân, bạn sẽ tự tin làm mọi việc và chúng ta đều biết sự tự tin là yếu tố quyết định sự thành công. Nếu bạn tin tưởng khả năng của chính mình, người khác cũng sẽ tin tưởng bạn. Và khi quản lý hay sếp đặt niềm tin ở bạn, bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

3.6. Phát huy thế mạnh để phát triển sự nghiệp cá nhân

Ngày nay, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để phát hiện thế mạnh của bản thân: Làm các bài kiểm tra ngắn trên mạng, tự đánh giá lại những công việc mà bạn đã từng làm, xin ý kiến của cấp trên, .... Khi làm các bài kiểm tra ngắn trên Internet, bạn chỉ cần lựa chọn các đáp án có sẵn và máy tính sẽ đưa ra kết quả dựa theo câu trả lời của bạn.

Bạn cũng có thể hỏi đồng nghiệp hoặc bạn bè về thế mạnh của mình. Những người thân thiết với bạn nhất là những người có thể nhìn rõ thế mạnh của bạn nhất. Khi đã biết được điểm mạnh của bản thân, hãy khai thác chúng một cách có hiệu quả.

3.7. Nâng cao trình độ và kỹ năng

Ngay cả khi đã quá quen thuộc với công việc, bạn cũng nên tiếp tục học hỏi và nâng cao trình độ. Nếu không, bạn sẽ không thể phát triển. Hãy sẵn sàng học thêm các bằng cấp, chứng chỉ nếu chúng cần thiết cho công việc của bạn. Nhiều công ty sẽ hỗ trợ chi phí khi nhân viên của họ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng làm việc. Tuy nhiên nếu như công ty của bạn không chi trả các khoản chi phí đó, bạn nên tự đầu tư cho bản thân.

Nếu đồng nghiệp của bạn cần, hãy giúp họ giải quyết các công việc tồn đọng. Thêm vào đó, bạn cũng có thể xin phụ trách công việc của các phòng ban khác để học hỏi các kỹ năng mới cũng như trau dồi thêm kinh nghiệm.

Trau dồi kỹ năng luôn là yếu tố quan trọng để bạn phát triển sự nghiệp

3.8. Thể hiện quyết tâm thăng tiến trong công việc

Bạn có thể là ứng viên tiềm năng cho vị trí quản lý nhưng sếp của bạn chắc chắn sẽ không chọn bạn nếu bạn không có phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đầu tiên, hãy chú ý tới cách ăn mặc của bản thân. Theo các nghiên cứu, 65% các nhà tuyển dụng cho rằng trang phục là yếu tố quyết định giữa hai thí sinh có cùng trình độ và khả năng. Điều này cũng áp dụng khi bạn muốn thăng chức.

Ví dụ nếu bạn muốn thăng chức nên vị trí quản lý, hãy xem xét những yêu cầu dành cho vị trí này. Chẳng hạn như bạn nên lựa chọn trang phục như thế nào? Bạn nên hành động, nói năng và cư xử như thế nào để chứng tỏ bản thân phù hợp với vị trí đó.

3.9. Tìm cho mình một người cố vấn

Để đạt được thành công, chúng ta phải mắc lỗi và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Song có một phương pháp giúp bạn nhanh chóng vượt qua khó khăn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cố vấn, những người đã thành công trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Những người đi trước luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà họ có được. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm từ họ.

Phát triển sự nghiệp là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từng ngày. Vì vậy đừng nản chí khi bạn gặp khó khăn. Hãy kiên nhẫn và chăm chỉ làm việc, chắc chắn bạn sẽ đạt được những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra.

MỤC LỤC:
1. Chiến lược phát triển sự nghiệp cá nhân là gì?
2. Vì sao ai cũng cần có mục tiêu, kế hoạch phát triển sự nghiệp?
3. Các bước lập kế hoạch để có sự nghiệp thành công

Đọc thêm: 10 mẫu mục tiêu nghề nghiệp hay nhất để làm CV và khi phỏng vấn

Đọc thêm: Cách đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho sự nghiệp của bạn

Đọc thêm: Cách rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888