Quy trình chuẩn để phấn đấu trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp

22/01/2022 11:30
Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay máy ảnh kỹ thuật số đơn giản thì ai cũng có thể chụp anh, quay video. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều là những "kẻ nghiệp dư" còn số lượng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì rất ít vì đòi hỏi nhiều nỗ lực để đáp ứng được các tiêu chuẩn nâng cao.

Nhiếp ảnh hiện đang là một trong những ngành nghề hot được các bạn trẻ yêu chuộng. Trở thành nhiếp ảnh gia, bạn sẽ có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Không chỉ thế, nếu có thể tạo ra được những tác phẩm độc đáo, bạn sẽ trở nên nổi tiếng và có được mức thu nhập mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Vậy làm thế nào để trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp?

Làm thế nào để trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp?

Các bước trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp

1. Tìm hiểu về nghề nhiếp ảnh​

Để đảm bảo rằng công việc nhiếp ảnh phù hợp với bản thân, bạn nên tìm hiểu các thông tin có liên quan đến công việc này như các nhiệm vụ hàng ngày của nhiếp ảnh gia, các kỹ năng, điều kiện làm việc, mức lương,...

1.1. Công việc hàng ngày của nhiếp ảnh gia

  • Chuẩn bị đạo cụ cho buổi chụp.
  • Chụp ảnh người mẫu, phong cảnh hoặc đồ vật.
  • Tương tác với khách hàng/người mẫu ảnh, hướng dẫn họ cách tạo dáng.
  • Chỉnh sửa hình ảnh.
  • Tìm địa điểm thích hợp và bố trí đạo cụ để chụp ảnh.
  • Quản lý việc phân phối và sử dụng hình ảnh, kiểm tra chất lượng và giải quyết các vấn đề của khách hàng.
  • Chuẩn bị hóa đơn, sắp xếp các cuộc hẹn và thực hiện các công việc quản lý chung để duy trì hoạt động kinh doanh.

1.2. Yêu cầu đối với nhiếp ảnh gia

  • Mắt thẩm mỹ: Đây là yêu cầu quan trọng nhất đối với các nhiếp ảnh gia. Họ cần có khả năng sử dụng và phối hợp màu sắc, ánh sáng và khoảng cách để tạo các bức ảnh ấn tượng.
  • Kỹ năng kinh doanh: Các nhiếp ảnh gia thể hiện tài năng của họ qua các bức ảnh và chính tài năng của họ mới là yếu tố chính thu hút khách hàng. Song ngày nay mức độ cạnh tranh của thị trường ngày càng tăng cao đòi hỏi các nhiếp ảnh gia phải có khả năng tiếp thị mới có thể thu được lợi nhuận cao và duy trì tốt các hoạt động kinh doanh.
  • Kỹ năng máy tính: Phần lớn các nhiếp ảnh gia phụ trách thực hiện cả công việc hậu kỳ do đó họ cần có các kỹ năng sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh.
  • Kỹ năng giao tiếp: Bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và mỗi người sẽ có yêu cầu riêng đối với các bức ảnh. Do đó để thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh, bạn phải nắm được tâm lý của khách hàng. Bạn cũng cần có kỹ năng giao tiếp khéo léo và kiên nhẫn để đối phó với những khách hàng khó tính.
  • Sự tỉ mỉ, cẩn thận: Để có được những tấm ảnh đẹp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhiếp ảnh gia cần phải tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong suốt quá trình làm việc.

1.3. Thời gian và điều kiện làm việc

Công việc nhiếp ảnh không cố định như các công việc khác, đặc biệt là đối với các nhiếp ảnh gia báo chí. Họ có thể nhận được các cuộc gọi đột xuất và phải đi ngay trong đêm để tác nghiệp. Khối lượng thời gian dành cho công việc là không xác định được và bạn có thể phải xa nhà trong thời gian dài.
Các nhiếp ảnh gia có thể phải làm việc nhiều giờ cả vào các ngày cuối tuần, đặc biệt là trong các thời điểm khách hàng có nhu cầu cao như mùa xuân, mùa hè với các đám cưới, mùa kỷ yếu,... trong khi các thời điểm khác trong năm họ có thể sẽ chẳng tìm được khách hàng nào.
Các nhiếp ảnh gia phụ trách mảng thời trang cho các tạp chí có thời gian làm việc hợp lý hơn. Thông thường họ sẽ làm việc từ 35-40 giờ một tuần.

1.4. Thu nhập

Nhìn chung, nhiếp ảnh gia có thu nhập khá cao. Mức lương của họ phụ thuộc vào số lượng và mức độ các dự án mà nhận được. Mức lương trung bình của nhiếp ảnh gia ở Việt Nam trong khoảng từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất có thể đạt tới 60 triệu đồng/tháng.

2. Chuẩn bị bằng cấp/chứng chỉ

Mặc dù bạn có thể trở thành một nhiếp ảnh gia mà không cần bất kỳ bằng cấp hay chứng chỉ nào, song nếu muốn làm việc ở các công ty, tổ chức, bạn cần có bằng cử nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn. Các chương trình này thường bao gồm các kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản cũng như hướng dẫn nhiếp ảnh gia các kỹ năng liên quan đến kinh doanh và tiếp thị.
Những nhiếp ảnh gia nếu muốn phát triển các kỹ năng của mình hơn nữa có thể học bằng thạc sĩ về mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể trở thành giảng viên trong các trường học, trung tâm.

Những yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng của nhiếp ảnh gia

3. Thử sức với công việc đầu tiên

Tìm kiếm những khách hàng đầu tiên là một trong những vấn đề khá khó khăn đối với các nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng Internet như hiện nay, bạn có thể nhanh chóng tìm thấy các tin tuyển dụng trên mạng xã hội hay trên các trang web tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nếu muốn làm việc tự do, bạn có thể bắt đầu bằng cách chụp ảnh bạn bè và người thân của mình, sau đó hãy để họ chia sẻ những hình ảnh này. Đó là cách hữu hiệu để bạn mở rộng các mối quan hệ cũng như xây dựng thị trường của riêng mình. Bạn thậm chí có thể chụp miễn phí cho một vài sự kiện để quảng bá thương hiệu cá nhân.

4. Phát triển sự nghiệp

Với mỗi loại hình nhiếp ảnh khác nhau bạn sẽ có lộ trình phát triển khác nhau. Việc bạn lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp như thế nào sẽ phụ thuộc vào niềm đam mê và sự tận tâm của bạn với công việc.
Phần lớn các nhiếp ảnh gia, thợ chụp ảnh tự do đều muốn mở công ty của riêng mình và thuê nhân viên làm việc cho họ, trong khi những người khác muốn làm việc cho các nhà xuất bản, phòng thí nghiệm hoặc đài truyền hình.
Công việc nhiếp ảnh phù hợp với những người có thể làm việc nhiều giờ mỗi ngày và chịu được áp lực lớn. Hãy cân nhắc những điều trên thật cẩn thận nếu bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia. Bạn có thể trở thành nhiếp ảnh gia hay không? Đáp án hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đam mê của bạn.

MỤC LỤC:
1. Tìm hiểu về nghề nhiếp ảnh
2. Chuẩn bị bằng cấp/chứng chỉ
3. Thử sức với công việc đầu tiên
4. Phát triển sự nghiệp

Đọc thêm: 7 thói quen đơn giản giúp rèn luyện sự cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc

Đọc thêm: Mô tả công việc của Nhân viên quay dựng phim

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888