Cách viết CV xin việc kế toán chuyên nghiệp, ấn tượng

14/10/2020 08:30
Kế toán là một nghề nghiệp mà có lẽ, khi có bằng cấp bạn sẽ chẳng bao giờ lo thất nghiệp. Thế nhưng, bạn đã thực sự hiểu được nhà tuyển dụng kỳ vọng gì vào ứng viên kế toán chưa? Chỉ khi hiểu rõ, bạn mới có thể viết một bản CV xin việc kế toán hợp lý, ấn tượng và thuyết phục nhất.
Công việc của nhân viên kế toán hiện nay không chỉ còn xoay quanh các con số mà còn phải phân tích, tư duy và đưa ra những dự báo cho tương lai. Nhiều nhân viên kế toán thậm chí còn phải thực hiện cả công việc chăm sóc khách hàng, trong khi những người khác trở thành những nhà nghiên cứu, phân tích dữ liệu. CV xin việc kế toán cũng vì vậy mà cần được sáng tạo, đầy đủ để chứng minh khả năng toàn diện của ứng viên. Nói cách khác, để cạnh tranh, ngay cả CV của bạn cũng không thể giữ mãi quan điểm rằng cơ bản, đầy đủ đã là được.

Viết CV xin việc chuyên nghiệp, ấn tượng không khó

Làm việc trong ngành kế toán, bạn có thể lựa chọn một trong các chuyên ngành như kế toán tổng hợp, kế toán thuế, kế toán bán hàng, kế toán nội bộ, ... Có rất nhiều con đường khác nhau để bạn lựa chọn cũng như rất nhiều cách khác nhau để bạn chinh phục trái tim nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, dù lựa chọn cách thức nào đi chăng nữa thì bạn cũng không thể thiếu một bản CV xin việc kế toán thật ấn tượng và chuyên nghiệp.

Cách viết CV xin việc kế toán chuyên nghiệp

1. Tận dụng lợi thế về trình độ học vấn

Kế toán bao gồm rất nhiều lĩnh vực nhỏ khác; vì thế, cũng có rất nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ khác nhau mà bạn cần tích lũy. Một trong những chứng chỉ phổ biến nhất có thể kể đến như CPA (Certified Public Accountants), CFA (Chartered Financial Analysts), CIA (Certified Internal Auditors) hay CMA (Certified Management Accountants, ... Có được một trong những chứng chỉ này thì đừng quên nhấn mạnh ngay từ đầu CV. Bạn chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Việc học tập không ngừng nghỉ cũng vô cùng quan trọng đối với những người làm công việc này. Nhân viên kế toán phải luôn luôn nắm bắt những xu hướng mới trong nghề, những quy định mới được ban hành, các phần mềm mới được đưa vào sử dụng,... Trên thực tế, để có được những chứng chỉ nêu trên, bạn sẽ phải học tập và tích lũy kinh nghiệm liên tục trong một thời gian dài.
Với những người mới vào nghề và chưa có kinh nghiệm làm việc thì phần trình độ học vấn nên được đặt ngay trên đầu CV, trước phần kinh nghiệm làm việc. Ngược lại, với những người đã có kinh nghiệm thì có thể nêu tên chứng chỉ ngay bên cạnh tên của mình. Ví dụ, Nguyễn Văn A (CPA).

2. Bổ sung từ khóa quan trọng

Các công ty lớn thường sử dụng hệ thống theo dõi ứng viên (ATS) để xét duyệt CV bởi số lượng mà họ nhận được quá lớn, có thể lên đến hàng trăm CV mỗi ngày. Hệ thống ATS sẽ quét CV của bạn để tìm kiếm những từ khóa trùng khớp với những từ được sử dụng trong mô tả công việc của nhà tuyển dụng. Ví dụ, khi bạn ứng tuyển vị trí kế toán thuế, ATS sẽ tìm kiếm những từ khóa như lập báo cáo thuế, đối chiếu chứng từ, kê khai thuế, thuế GTGT, phần mềm kế toán, luật thuế, .... Nếu CV của bạn không có chứa những từ khóa này, bạn rất có thể sẽ bị loại.
Ngay cả trong những công ty nhỏ chưa có sử dụng công nghệ này thì thông thường, nhà tuyển dụng cũng sẽ chỉ dành khoảng 6 - 15 giây để xem lướt qua CV của bạn. Họ sẽ không đọc toàn bộ thông tin mà sẽ chỉ tìm kiếm những từ khóa quan trọng nhất. Nếu không có những gì mà họ cần, CV của bạn sẽ ngay lập tức bị "ném thùng rác." Vì vậy, hãy cố gắng đưa vào CV những từ khóa mà nhà tuyển dụng sử dụng trong mô tả công việc của họ nếu thấy nó phù hợp với bạn.

3. Nêu kinh nghiệm làm việc cụ thể

Ngành kế toán vô cùng rộng lớn và bạn có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; vì thế, bạn lại càng phải nêu cụ thể kinh nghiệm làm việc của mình trong CV. Các thông tin bạn cung cấp (loại hình công ty, công việc, thành tích, ...) càng cụ thể bao nhiêu thì nhà tuyển dụng sẽ lại càng ấn tượng bấy nhiêu.
Ví dụ khi ứng tuyển vị trí kế toán bán hàng, thay vì nói một cách chung chung rằng có kinh nghiệm quản lý số lượng hàng hóa mua/bán và quản lý tiền hàng thì bạn có thể nói rằng "sử dụng thành thạo phần mềm ABC để quản lý đơn giá của trên 300 mặt hàng khác nhau."
Là một nhân viên kế toán, bạn là người hiểu rõ nhất giá trị của các con số, thống kê, tỷ lệ phần trăm, đặc biệt là khi cần trình bày một thông tin quan trọng. Điều này cũng hoàn toàn chính xác khi viết CV. Những con số sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được một bức tranh toàn diện về năng lực và trình độ của bạn. Một kế toán thuế đã hoàn thiện trên 100 tờ khai cho các công ty khác nhau chắc chắn sẽ uy tín hơn những người chỉ nói rằng mình có kinh nghiệm chuẩn bị tờ khai thuế.

Nên đề cập kinh nghiệm làm việc như thế nào trong CV xin việc?

4. Không quên tuân thủ các nguyên tắc chung khi viết CV xin việc

Đã là một nhân viên kế toán thì dù làm việc trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc chung trong nghề. Khi viết CV cũng vậy, bạn không được phép bỏ qua những nguyên tắc chung khi viết CV như:

  • Chọn mẫu CV phù hợp: CV xin việc kế toán chỉ nên được trình bày trên một trang giấy với các phần được phân chia cụ thể, rõ ràng. Nếu đã có kinh nghiệm làm việc thì bạn nên chọn trình bày thông tin theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, nếu như mới ra trường hoặc định chuyển nghề thì bạn nên làm nổi bật trình độ học vấn hoặc các kỹ năng có thể chuyển đổi được khác phía trên CV.
  • Đừng quá màu mè: Việc sử dụng màu sắc màu mè hoặc quá nhiều hình ảnh đồ họa trong CV là điều không nên. Các yếu tố mang tính chất sáng tạo như vậy có thể giúp cho CV của bạn trở nên nổi bật hơn nhưng nó lại không phù hợp với tính chất công việc và tính cách của người làm công việc kế toán. Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực này thường quan tâm đến nội dung hơn là màu sắc bắt mắt.
  • Tuy nhiên, hãy làm nổi bật các phần trong CV: Bạn nên chia CV thành các phần cụ thể với tên đầu mục được in đậm và phần nội dung bao gồm 5 - 7 ý chính trình bày dưới dạng các gạch đầu dòng.
  • Nhấn mạnh kỹ năng công nghệ (tin học văn phòng): Một nhân viên kế toán dù ở trình độ, cấp bậc và có chứng chỉ như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải sử dụng thành thạo Microsoft Excel. Ngoài ra, tùy vào thực tế yêu cầu công việc mà họ sẽ phải dùng đến các phần mềm hỗ trợ khác như Misa, Fast, Bravo, HTKK, Itax View, ... Hãy xem xét thật kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng trong bản mô tả công việc và xem bạn có đáp ứng được hay không. Nếu có, đừng quên liệt kê vào CV xin việc.
  • Hiệu đính CV: Kế toán là một trong những công việc đòi hỏi độ chính xác, sự cẩn thận và tỉ mỉ cao nhất. Vì thế, bạn không được phép nộp một bản CV có chứa lỗi chính tả hay lỗi font chữ nếu như muốn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấybạn đủ điều kiện làm việc.

Kế toán là một lĩnh vực nghề nghiệp khá đa dạng và thú vị với rất nhiều cơ hội làm việc tốt, lương cao. Hãy coi CV là một trong những công cụ hiệu quả để bạn tiếp cận với những cơ hội này, chinh phục nhà tuyển dụng và hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp. Bạn cũng có thể tìm hiểu từng mẫu Cv với vị trí khác nhau như mẫu CV xin việc kế toán tổng hợp, kế toán kho, kế toán thuế...để lựa chọn cho mình vị trí việc làm phù hợp nhất.

MỤC LỤC:
1. Tận dụng lợi thế về trình độ học vấn
2. Bổ sung từ khóa quan trọng
3. Nêu kinh nghiệm làm việc cụ thể
4. Không quên tuân thủ các nguyên tắc chung khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Những điều cần biết về chứng chỉ CPA

Đọc thêm: Cách viết kỹ năng trong CV xin việc để nhà tuyển dụng đánh giá cao

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888