Cách xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng giúp thu hút ứng viên chất lượng

13/02/2022 10:30
Ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu kinh doanh, cho thấy sản phẩm và dịch vụ tốt như thế nào, uy tín của công ty ra sao mà còn tạo dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để thu hút ứng viên chất lượng, từ đó tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng và phát triển lâu dài.

Nhân sự là nguồn vốn quý giá nhất của tất cả các doanh nghiệp và để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nhà tuyển dụng chú trọng vào tất cả các bước, ngay từ khi thu hút và tuyển ứng viên đến khi đào tạo và cung cấp một môi trường làm việc tốt. Để tuyển được ứng viên giỏi chuyên môn, có các kỹ năng xuất sắc thì các công ty sẽ cần xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín.

Tại sao cần xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng?

I. Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

"Sản phẩm" của Google khá đơn giản, đó là một công cụ tìm kiếm và Google đã đạt những thành công lớn trong kinh doanh, trở nên phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở khía cạnh người tìm việc làm thì điều ấn tượng nhất về Google không phải sản phẩm của họ tốt ra sao mà là môi trường làm việc tuyệt vời tại đó. Những tên tuổi đình đám khác như L'Oreal và IKEA cũng có điểm chung là họ tập trung vào tầm quan trọng của thương hiệu tuyển dụng, sẵn sàng đầu tư cho sức khỏe và sự hài lòng của nhân viên.
Theo tạp chí Harvard Business Review, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng đang trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với các CEO, các chuyên gia tuyển dụng nhân sự và thậm chí là bộ phận marketing. Việc tuyển dụng và giữ chân người tài trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết và thương hiệu tuyển dụng có thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ để có nguồn nhân lực chất lượng, cống hiến cho công ty.

II. Cách xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

1. Đánh giá mức độ nhận diện thương hiệu và danh tiếng nhà tuyển dụng

Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá chính xác về danh tiếng và uy tín của mình. Một cuộc thăm dò hoặc khảo sát ngoài sẽ giúp đo lường mức độ nổi tiếng theo hướng tích cực của công ty, đồng thời, các khảo sát nhân viên hiện tại cũng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về mức độ hài lòng của họ. Dựa trên phản hồi nhận được, các chỉ số có thể được thiết lập và tạo ra một chiến lược để cải thiện danh tiếng thương hiệu của nhà tuyển dụng. Các mục tiêu nên được xoay quanh:

  • Đảm bảo nhu cầu tuyển dụng dài hạn.
  • Tuyển dụng nhân tài là những người xuất sắc, toàn diện và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
  • Đưa thương hiệu nhà tuyển dụng lên tầm toàn quốc, toàn khu vực.
  • Phân biệt thương hiệu nhà tuyển dụng với các đối thủ cạnh tranh.

2. Đầu tư vào các sáng kiến ​​đào tạo và phát triển

Lực lượng lao động của hiện tại và tương lai chủ yếu là thế hệ Millennials - dự kiến sẽ chiếm 75% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2025. Nhóm nhân khẩu học này kỳ vọng được cung cấp cơ hội học hỏi các kỹ năng mới và phát triển những kỹ năng hiện có. Việc được cung cấp các chương trình đào tạo và định hướng chuyên nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của ứng viên tương lai khi xin việc làm. Các nhà tuyển dụng doanh nghiệp nên chuẩn bị để đáp ứng kỳ vọng đó.

3. Tận dụng giá trị thương hiệu vốn có

Một báo cáo của Glassdoor cho thấy, 69% ứng viên quyết định gửi CV xin việc vào các doanh nghiệp có thương hiệu tuyển dụng tích cực. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của một môi trường làm việc tốt, minh bạch và nhiều cơ hội cũng như không gian phát triển. Các doanh nghiệp tạo được thương hiệu tuyển dụng cho riêng mình có thể thu hút nhân tài và giữ được họ làm việc lâu dài vì mục tiêu chung.
Một số thương hiệu như L'Oréal có chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng thông minh đó là thay vì chỉ cập nhật nội dung trang web theo hướng sự kiện, giới thiệu sản phẩm thì họ có riêng trang 'L' Oreal Talent ' - trang web truyền đạt thông tin về việc doanh nghiệp của họ là gì, đại diện cho điều gì, nhân viên của họ là những người như thế nào và họ cung cấp những gì với tư cách là một nhà tuyển dụng.

Bí quyết xây dựng thương hiệu giúp thu hút ứng viên cho nhà tuyển dụng

4. Cá nhân hóa trải nghiệm của ứng viên và nhân viên

Yếu tố quan trọng trong việc thu hút ứng viên chất lượng và giữ chân nhân tài là doanh nghiệp phải cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa cho từng ứng viên và nhân viên. Một số cách cụ thể để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng theo phương pháp này là:

  • Lập kế hoạch phát triển tài năng: Bằng cách vạch ra một lộ trình nghề nghiệp, nhân viên trong công ty sẽ có một quy trình rõ ràng để nỗ lực và thăng tiến.
  • Ghi nhận thành tích, đóng góp của nhân viên: Sự công nhận và những lời khen ngợi, phần thưởng có thể thúc đẩy các nhân viên trong công ty. Một thông báo trên mạng xã hội, website của công ty hay các sự kiện hàng tháng, hàng quý sẽ tạo ra môi trường làm việc có động lực cho các cá nhân trong đó.
  • Nuôi dưỡng các mối quan hệ: Rất nhiều nhân viên nói rằng mối quan hệ của họ với quản lý trực tiếp là "rất quan trọng" đối với quyết định gắn bó hay rời khỏi công ty. Xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp nhưng thân thiện với nhân viên cũng giúp doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt. Từng nhân viên trong công ty sau đó sẽ là những đại sứ thương hiệu tuyển dụng.

5. Giao tiếp nội bộ

Giao tiếp giúp đảm bảo mọi chức năng trong doanh nghiệp được truyền đạt, báo cáo và thực hiện đúng. Để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh mẽ thì không công ty nào có thể bỏ qua việc thúc đẩy kỹ năng giao tiếp nội bộ hiệu quả. Về cơ bản, những chính sách đơn giản nhất đó là khuyến khích nhân viên giao tiếp, trao đổi và hợp tác, để họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động, sự kiện được tổ chức định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Giao tiếp và truyền thông nội bộ giúp gắn kết các cá nhân, bộ phận trong công ty, đồng thời cũng giúp bản thân mỗi nhân viên có nhận thức về thương hiệu để từ đó chủ động chia sẻ, xây dựng và phát triển thương hiệu đó.
Ngoài những cách trên, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến xây dựng quy trình tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng, lịch sự và chuyên nghiệp với từng ứng viên. Thương hiệu nhà tuyển dụng không dễ có được mà cần nhiều thời gian và nỗ lực cũng như có chiến lược phù hợp, đúng đắn.

MỤC LỤC:
I. Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
II. Cách xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Đọc thêm: Personal Branding là gì? Vai trò của thương hiệu cá nhân trong sự nghiệp

Đọc thêm: 5 công cụ hàng đầu để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888