Các câu hỏi phỏng vấn hay nhất cho nhà tuyển dụng

25/01/2022 13:30
Đặt câu hỏi phỏng vấn sao cho hay và hợp lý để thông qua đó đánh giá chính xác về kinh nghiệm, năng lực của ứng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà tuyển dụng, đặc biệt là những ai tham gia phỏng vấn. Các câu hỏi cần hướng tới tính toàn diện cũng như chi tiết, có thể bao gồm cả câu hỏi tình huống, hành vi, kỳ vọng của ứng viên.

Trước mỗi cuộc phỏng vấn, không chỉ ứng viên lo lắng phải làm thế nào để chuẩn bị sẵn sàng nhất, tốt nhất mà bản thân nhà tuyển dụng cũng khá "đau đầu". Làm sao để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho ứng viên, đồng thời đánh giá đầy đủ, đúng nhất về ứng viên đó không phải việc dễ dàng. Nhà tuyển dụng nào cũng muốn tuyển đúng người đúng việc - với tất cả các vị trí việc làm dù là lao động phổ thông, và việc đặt câu hỏi phỏng vấn thật chuẩn sẽ gia tăng cơ hội tuyển đúng người.

Nhà tuyển dụng nên đưa ra những câu hỏi như thế nào để đánh giá ứng viên?

I. Vì sao nhà tuyển dụng cần đa dạng hóa các câu hỏi phỏng vấn?

Thực tế, muốn đánh giá về một người rất khó, cho dù là đã gặp gỡ và làm việc cùng trong một khoảng thời gian nhất định, chưa nói đến chỉ ngắn ngủi 15 - 30 phút trong một cuộc phỏng vấn. Bạn sẽ vừa phải biết về ứng viên, vừa phải xem họ có trình độ chuyên môn thế nào, kinh nghiệm ra sao, kỹ năng và cách ứng phó với các tình huống, khả năng giải quyết vấn đề trong công việc. Không chỉ vậy, thái độ, tác phong và sự phù hợp với môi trường làm việc, văn hóa công ty cũng quan trọng không kém.

Dĩ nhiên, trong CV xin việc và thư xin việc, ứng viên đã tự giới thiệu về mình khá đầy đủ và chi tiết nhưng có nhiều yếu tố chỉ có thể thấy được khi tiếp xúc trực tiếp, thậm chí là bao gồm các bài kiểm tra, đánh giá đi kèm. Sẽ thật tệ nếu như sau tất cả các cố gắng, thời gian và chi phí bỏ ra cho hoạt động tuyển dụng mà bạn lại tuyển sai người, không thể thích nghi với công việc và công ty hoặc có kinh nghiệm lâu năm nhưng kỹ năng rất kém.

Việc đặt câu hỏi phỏng vấn sao cho đa dạng và toàn diện là yêu cầu bắt buộc mà nhà tuyển dụng nào cũng cần chú ý và làm thật tốt. Thông qua các câu hỏi trên nhiều phương diện, bạn sẽ "chấm điểm" ứng viên chính xác hơn, công bằng hơn và thấy được cả một phần năng lực, thái độ, tính cách của họ.

II. Câu hỏi phỏng vấn hay nhất cho nhà tuyển dụng

1. Câu hỏi phỏng vấn cơ bản, tìm hiểu thông tin chung từ ứng viên

Có những câu hỏi phỏng vấn mà cho dù chẳng mấy thú vị nhưng lại không thể thiếu vì đều giúp bạn có được các thông tin cơ bản nhất về ứng viên. Những câu hỏi sau đây đa số xuất hiện ở đầu và cuối phỏng vấn;

  • Bạn có thể giới thiệu về mình được không?/ Hãy cho chúng tôi biết về bạn.
  • Thế mạnh của bạn là gì? Điểm yếu của bạn là gì?
  • Tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?
  • Vì sao bạn chọn công ty chúng tôi? Bạn kỳ vọng gì khi tìm việc?
  • Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?
  • Khi nào bạn hài lòng nhất với công việc của mình? Thành công nào bạn tự hào nhất?
  • Bạn có thể làm được những gì cho chúng tôi mà các ứng viên khác không làm được?
  • Tại sao bạn nghỉ việc?
  • Bạn biết gì về ngành này? Bạn có sẵn sàng tăng ca hay chuyển chỗ ở/ bạn có sẵn sàng đi công tác khi được yêu cầu?
  • Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
  • Bạn có câu hỏi nào không?

Tham khảo các câu hỏi lấy thông tin ứng viên trong phỏng vấn

2. Câu hỏi tình huống, hành vi trong phỏng vấn

Nếu như các câu hỏi chung chung chủ yếu để tìm hiểu về ứng viên thì câu hỏi tình huống lại giúp bạn đánh giá cách phản ứng, khả năng xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết khó khăn trong công việc. Câu hỏi phỏng vấn dựa theo tình huống cụ thể có thể điều chỉnh tùy theo nghề nghiệp, lĩnh vực:

  • Các trách nhiệm chính của bạn ở vị trí việc làm trước đây/ hiện tại là gì? Bạn sắp xếp giải quyết thế nào?
  • Dự án cuối cùng bạn dẫn dắt là gì, kết quả ra sao và bạn đánh giá dựa trên yếu tố nào?
  • Hãy kể về một trường hợp mà công việc của bạn rất khó khăn và cách bạn đã vượt qua thử thách đó.
  • Đã bao giờ bạn bị chỉ trích vì hiệu suất, chất lượng công việc chưa? Bạn phản ứng thế nào?
  • Bạn đã bao giờ ở trong một nhóm làm việc mà có một vài người luôn "kéo chân" các thành viên khác? Bạn làm thế nào để xoay xở được?
  • Bạn đã bao giờ phải đưa ra những đánh giá tiêu cực đối với đồng nghiệp, thực tập sinh? Bạn có cảm thấy khó khăn không?
  • Thất bại lớn nhất bạn từng phải đối mặt là gì và bạn học được gì từ đó?
  • Khi bạn đang tập trung giải quyết một nhiệm vụ quan trọng thì liên tục bị làm phiền bởi các việc lặt vặt, bạn sẽ phản ứng thế nào?
  • Nếu tôi là người giám sát, quản lý của bạn và yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn cảm thấy không hợp lý, bạn sẽ làm gì?
  • Đã bao giờ bạn có xung đột trong công việc với đồng nghiệp? Vấn đề là gì và bạn giải quyết ra sao?
  • Nếu bạn phát hiện ra công ty của mình đang làm điều gì đó không đúng đắn, chẳng hạn như sai phạm, gian lận thì bạn sẽ phản ứng ra sao?
  • Bạn sẽ xử lý như thế nào nếu rơi vào tình huống được yêu cầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ vào cuối ngày làm việc và bạn biết rằng gần như không thể đáp ứng yêu cầu đó?
  • Nếu gặp phải khó khăn trong các nhiệm vụ công việc, bạn sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai?

3. Câu hỏi phỏng vấn về lương

Việc nhà tuyển dụng chủ động đặt câu hỏi về kỳ vọng mức lương của ứng viên có thể giúp 2 bên hiểu nhau hơn và dễ trao đổi hơn. Trường hợp ứng viên có kỳ vọng quá cao vượt ra ngân sách của doanh nghiệp thì đôi khi, dù họ có trình độ đến đâu, nhà tuyển dụng cũng sẽ phải cân nhắc lại. Đặt câu hỏi phỏng vấn về lương nên khéo léo để ứng viên thấy thoải mái hơn khi chia sẻ:

  • Bạn muốn mức lương bao nhiêu khi làm trong vị trí này?
  • Thu nhập ở vị trí hiện tại hoặc gần đây nhất của bạn là bao nhiêu?
  • Nếu chúng tôi chấp nhận đề xuất mức lương bạn muốn nhưng yêu cầu bạn sẵn sàng tăng ca, đi công tác thì bạn thấy thế nào?
  • Liệu bạn có chấp nhận mức lương cơ bản thấp hơn kỳ vọng nhưng được tính KPI cao, có thêm các khoản phụ cấp?

Những câu hỏi về mức lương cho ứng viên thường dùng

4. Câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp

Những câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu, các kỳ vọng trong tương lai sự nghiệp của ứng viên không dùng để kiểm tra năng lực hay kinh nghiệm mà thay vào đó, nhà tuyển dụng nên coi đây như cơ hội để xem ứng viên có phù hợp với định hướng phát triển của công ty hay không. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi đơn giản như:

  • Bạn đang tìm kiếm điều gì để phát triển sự nghiệp của mình? Thăng tiến hay có được mức lương cao?
  • Bạn muốn cải thiện bản thân như thế nào trong năm tới?
  • Bạn có những mục tiêu gì nếu nhận được công việc này?
  • Nếu công ty có chương trình đào tạo nhân viên để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thì bạn muốn học gì nhất?

5. Một số câu hỏi phỏng vấn thú vị khác

Ngoài những câu hỏi kể trên, nhà tuyển dụng có thể linh hoạt bằng cách "biến tấu", thay đổi ít nhiều để đặt ra các câu hỏi vừa thú vị vừa có tính thử thách cho ứng viên. Qua những điều có phần "lắt léo" như vậy, bạn có thể thấy được hình ảnh chân thực của ứng viên mà mình phỏng vấn đấy:

  • Hãy liệt kê 5 từ mô tả tính cách của bạn.
  • Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của bạn và bằng cách nào?
  • Điều hối tiếc lớn nhất của bạn cho đến nay là gì và tại sao?
  • Điều quan trọng nhất bạn học được ở trường là gì?
  • Bạn nghĩ một nhà lãnh đạo nên được nhân viên sợ hãi hay được yêu thích?
  • Cuốn sách gần đây nhất bạn đọc là gì?
  • Theo bạn, kim đồng hồ trùng nhau bao nhiêu lần trong một ngày?
  • Bạn sẽ cân một chiếc máy bay như thế nào nếu không có cân?
  • Hãy cho tôi biết 10 cách khác để sử dụng bút chì ngoài viết, vẽ.
  • Giả sử công ty kinh doanh mặt hàng là cây bút này, bạn hãy bán nó cho tôi.
  • Nếu có thể trở thành một loài động vật, bạn muốn trở thành con vật nào? Vì sao?
  • Nếu bạn có thể chọn một sức mạnh siêu anh hùng, đó sẽ là gì và tại sao?
  • Bạn có thể nhắm mắt lại và nói cho tôi biết từng bước cách thắt dây giày.

Nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên có câu trả lời phỏng vấn ấn tượng, thông minh

III. Tìm kiếm điều gì khi đặt câu hỏi phỏng vấn cho ứng viên?

Đặt câu hỏi phỏng vấn đã khó, đánh giá đúng các đáp án mà ứng viên đưa ra lại càng khó hơn. Là một nhà tuyển dụng, bạn nên tìm kiếm ở câu trả lời của ứng viên những yếu tố sau:

  • Trả lời đúng trọng tâm: Giao tiếp với ứng viên hiệu quả hay không phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận vấn đề và phản ứng lại. Cho dù câu hỏi có chính xác hay hợp ý bạn 100% hay không thì điều quan trọng là phải đúng trọng tâm, không lan man hay kéo theo các nội dung không hề liên quan. Một ứng viên có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt, biết cách lắng nghe sẽ tốt hơn.
  • Ngắn gọn, đơn giản, mạch lạc: Không phải câu hỏi phỏng vấn nào cũng có đáp án đúng hoặc sai, đôi khi dù không chính xác hoặc tệ hơn là ứng viên không thực sự có câu trả lời nhưng nếu họ có thể giải thích ngắn gọn, rõ ràng thì đó cũng là một điểm cộng.
  • Thái độ tự tin: Nếu như ứng viên có thể trả lời tốt các câu hỏi và luôn mỉm cười, giao tiếp bằng mắt kết hợp với ngôn ngữ cơ thể thì họ có thể là một ứng viên khá lý tưởng, cho dù bạn đang tuyển dụng cho vị trí nào. Những lời giới thiệu bóng bẩy, ấn tượng có thể thấy qua CV, thư xin việc hay portfolio nhưng phỏng vấn rõ ràng là cơ hội tốt để tiếp xúc và hiểu về ứng viên qua thái độ, tác phong và cách họ cư xử.

Trên đây là một số câu hỏi phỏng vấn hay nhất cho nhà tuyển dụng mà JobOKO giới thiệu đến bạn, mong rằng sẽ giúp ích cho các nhà tuyển dụng trong việc chuẩn bị và tiến hành phỏng vấn, từ đó tìm ra ứng viên chất lượng, phù hợp nhất.

MỤC LỤC:
I. Vì sao nhà tuyển dụng cần đa dạng hóa các câu hỏi phỏng vấn?
II. Câu hỏi phỏng vấn hay nhất cho nhà tuyển dụng​
III. Tìm kiếm điều gì khi đặt câu hỏi phỏng vấn cho ứng viên?

Đọc thêm: Quy trình phỏng vấn chuẩn gồm những gì?

Đọc thêm: 5 điều nhà tuyển dụng cần chú ý khi phỏng vấn ứng viên

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888