Hướng đi nào cho những sinh viên ngành Dược trong tương lai

08/09/2021 11:30
Theo học ngành Y dược, bạn sẽ không bao giờ lo thiếu việc làm bởi nó thiết thực và gắn liền với cuộc sống con người, nhất là trong thời đại dịch Covid-19 cần nguồn nhân lực hơn bao giờ hết. Tốt nghiệp ngành Dược không có nghĩa là bạn chỉ có thể mở quầy thuốc và bán thuốc mà cơ hội ứng tuyển vào các vị trí khác tương đối rộng mở.

Khi trở thành một dược sĩ, bạn có thể làm việc trong các bệnh viện, các công ty sản xuất thuốc, các trung tâm nghiên cứu và kiểm nghiệm dược phẩm của Nhà nước. Những người tài năng và có tố chất giảng dạy có thể trở thành giảng viên, kỹ thuật viên, trợ giảng,... trong các trường đào tạo ngành y, dược. Tuy nhiên, cơ hội tìm việc làm của những sinh viên ngành dược sau khi tốt nghiệp ra trường trong tương lai có thực sự rộng mở hay không? Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Dược có cơ hội việc làm như thế nào?

I. Các vị trí việc làm ngành dược

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp dược, bạn sẽ có thể tham gia vào thị trường lao động và làm nhiều công việc khác nhau tùy theo trình độ của mình như:

  • Cử nhân Dược hệ Đại học: Là người tốt nghiệp Đại học và có thể tham gia vào tất cả các khâu, quy trình của ngành dược như sản xuất, nghiên cứu, quản lý thuốc hay thậm chí là giảng dạy.
  • Dược sĩ cao đẳng: Là người tốt nghiệp các trường Cao đẳng dược và có thể đảm nhiệm vai trò phụ tá, trợ lý cho các cử nhân dược hệ Đại học. Công việc của họ là tư vấn sử dụng thuốc và các công việc liên quan khác trong đơn vị công tác từ trung ương đến địa phương. Để có đủ điều kiện mở quầy thuốc tân dược, bạn sẽ phải đảm bảo có bằng dược sĩ Cao đẳng.
  • Công nhân dược: Là người làm việc tại các dây chuyền sản xuất và phân phối thuốc trong các công ty dược phẩm. Công nhân dược có thể là dược sĩ Cao đẳng hoặc là người được đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp dược.
  • Dược tá: Đây có lẽ là vị trí mà nhiều người cảm thấy quen thuộc nhất. Dược tá là người làm ở việc bán thuốc ở các trạm y tế, công nhân dược, trợ lý cho dược sĩ cấp cao hơn,...
  • Các vai trò quản lý, giám sát​: Quản lý (cấp bậc Nhà nước) có lẽ là vị trí đáng mơ ước của biết bao sinh viên ngành dược. Họ là những người chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động liên quan đến hoạt động dược của một quốc gia và là cấp bậc cao nhất mà mỗi người trong ngành có thể đạt được.
  • Bào chế thuốc: Là người trực tiếp tham gia vào công đoạn sản xuất thuốc.
  • Trình dược viên​: Đây là một mắt xích quan trọng giúp đưa sản phẩm dược đến tay người tiêu dùng. Trình dược viên là những người chịu trách nhiệm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đến với các nhà thuốc, bệnh viện chứ không phải là các cá nhân sử dụng đơn lẻ.

Những vị trí việc làm ngành Dược phổ biến nhất

II. Mức lương ngành dược

Lương dược sĩ có cao không là một trong những câu hỏi khá phổ biến, đặc biệt là đối với những người đang phân vân lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai cho mình. Cũng giống như rất nhiều ngành nghề khác, mức lương của dược sĩ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như bằng cấp, kinh nghiệm và cả địa điểm làm việc.
Trên thực tế, mức lương của họ sẽ dao động trong khoảng 4 - 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương của Cử nhân Dược hệ Đại học có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng/tháng còn Dược sĩ Cao đẳng là 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Dược sĩ mới ra trường thông thường mức lương sẽ chỉ rơi vào khoảng 4 - 7 triệu đồng/tháng. Đây không phải là mức lương quá thấp và sẽ được nâng cao cùng với trình độ và kinh nghiệm. Những người làm việc cho các cơ quan nhà nước như sở y tế hay bệnh viện thì sẽ được nhận lương theo cấp bậc, dao động trong khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng khi mới vào nghề và sẽ tăng dần theo thâm niên.

III. Nhu cầu nhân lực ngành dược trong tương lai

Nhu cầu nhân lực ngành dược được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong những năm tới đây, ngang bằng với mức tăng bình quân của các ngành nghề khác. Một trong những nguyên nhân khiến cho nhu cầu ngày càng tăng cao này là sự gia tăng của các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe như bệnh viện và phòng khám cũng như sự ra đời của nhiều công ty dược mới.
Các cơ sở y tế tư nhân ngày càng tuyển dụng nhiều dược sĩ để giám sát việc cấp phát và sử dụng thuốc của bệnh nhân. Họ cũng có thể thực hiện những công việc như xét nghiệm đường huyết hay cholesterol nhanh.
Tuổi thọ ngày càng được nâng cao nên nhu cầu sử dụng thuốc ở người già vì thế cũng sẽ tăng lên đáng kể. Tỷ lệ những người bị các bệnh mãn tính như tiểu đường cũng ngày càng nhiều nên việc sử dụng các loại thuốc kê toa cũng sẽ tăng theo. Chưa kể đến việc khoa học công nghệ phát triển sẽ dẫn đến sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, có tác dụng tốt hơn hoặc là phù hợp hơn với tình trạng bệnh của từng người. Và dược sĩ chứ không phải ai khác sẽ chính là người giới thiệu những sản phẩm thuốc này tới tay người tiêu dùng.
Theo cáo báo, nhu cầu nhân lực ngành dược hiện nay của Việt Nam là 25 nghìn người, trong đó có 16 nghìn người tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối thuốc. Số lượng dược sĩ tham gia trực tiếp vào công tác cung ứng tại các nhà thuốc là 7 nghìn người.
Các công ty sản xuất, kinh doanh dược vẫn là các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng dược sĩ cao hơn so với các cơ quan hành chính như sở y tế, trung tâm y tế, bệnh viện công,... Ngành y tế nước ta vẫn đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành dược. Hiện nay, số người có trình độ Đại học trở lên mới chỉ đạt khoảng 19%, trong đó có 1,21% tiến sĩ và 1,73 thạc sĩ dược học.
Sự mất cân đối của các tuyến quản lý cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng dược sĩ. Mặc dù số lượng dược sĩ được đào tạo tốt nghiệp ra trường hàng năm đều rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để cung cấp cho thị trường. Một phần lý do là bởi vì các dược sĩ tương lai đều muốn chọn cho mình các phòng khám hoặc nhà thuốc tư nhân ở thành phố thay vì trở về làm việc ở các bệnh viện hay cơ sở y tế tại nông thôn.

IV. Những thách thức khi theo đuổi ngành dược

Cùng với những cơ hội to lớn như đã được nêu ở trên, ngành dược vẫn đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Hiện nay, Việt Nam vẫn phải dành hàng tỷ USD mỗi năm để nhập thuốc chữa bệnh và nguyên liệu sản xuất thuốc từ nước ngoài (phần lớn trong đó là Trung Quốc). Điều này khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao tốc độ tăng trưởng cao và ổn định như vậy mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thuốc.
Trên thực tế, số lượng thuốc được sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu sử dụng của người dân, 55% còn lại phải nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu mỗi năm lại tăng thêm trung bình 16%.

Theo đuổi ngành dược cần phải đối mặt với thách thức gì?

Ngoài ra, các doanh nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ sản xuất các loại thuốc thiết yếu theo công nghệ bào chế đơn giản, còn đối với các loại thuốc biệt dược, đặc trị thì vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây lại là những loại dược phẩm có giá trị cao.
Công nghệ hóa dược chưa phát triển mạnh và chưa có các vùng trồng dược liệu đủ điều kiện cũng là một thách thức đối với ngành dược. Cơ sở vật chất và công nghệ dành cho công tác nghiên cứu cũng rất tốn kém, chưa được đầu tư đồng bộ; vì thế mà không ít nhân tài đã lựa chọn con đường ra nước ngoài làm việc để phát huy hết năng lực cạnh tranh của mình.
Bản thân những người theo đuổi ngành dược cũng phải đáp ứng những yêu cầu khá khắt khe. Trước hết, đó là một trí tuệ thông minh và kỹ năng tư duy sáng tạo, logic. Đây là ngành có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi hoạt động đều phải dựa trên kiến thức khoa học và không bao giờ được phép dựa theo suy luận chủ quan.

V. Thời gian thử việc ngành dược

Thời gian thử việc ngành dược và các vị trí việc làm ngành y tế khác sẽ là khoảng 6 tháng, chưa tính thời gian học việc nếu như chưa có kinh nghiệm. Do đây là công việc liên quan mật thiết đến sức khỏe và tính mạng con người nên thời gian thử việc như vậy là hoàn toàn phù hợp. Điều này thậm chí đã được nêu rõ trong văn bản quy định của Nhà nước.

Công việc của Trình dược viên là làm gì?

Theo đuổi ngành dược, bạn cần phải có đức tính chăm chỉ, cẩn thận, tỷ mỷ và ham học hỏi. Sự tâm huyết với nghề cũng là một yếu tố cần thiết để bản thân người dược sĩ có thể tự tạo động lực thúc đẩy bản thân. Trong số các vị trí ngành dược thì trình dược viên cũng là việc làm nhiều người quan tâm. Tham khảo yêu cầu công việc trình dược viên để biết thêm chi tiết nhằm đáp ứng nhu cầu ứng tuyển tốt nhất nhé.

MỤC LỤC:
I. Các vị trí việc làm ngành dược
II. Mức lương ngành dược
III. Nhu cầu nhân lực ngành dược trong tương lai​
IV. Những thách thức khi theo đuổi ngành dược
V. Thời gian thử việc ngành dược

Đọc thêm: Học Y dược xin việc ở đâu? Các cơ sở ứng tuyển ngành Y dược phổ biến

Đọc thêm: Công việc của Dược sĩ là làm gì?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888