Tránh ngay những lỗi sai khi viết đơn xin việc khiến bạn "trượt" ngay từ vòng đầu

27/09/2022 22:05
Mặc dù đơn xin việc có thể không phải tài liệu bắt buộc như CV ứng tuyển, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn được quyền chủ quan, trình bày sơ sài. Nếu bị soi ra lỗi trong tài liệu này, có lẽ cơ hội được mời phỏng vấn của bạn sẽ tuột khỏi vòng tay.

Trong quá trình tìm việc, chuẩn bị đơn xin việc, đa số chúng ta có thói quen tìm kiếm thông tin về những gì nên làm, mà quên không chú ý tới những gì không nên, những lỗi cần tránh. Thực tế, bạn có thể không có một bản CV xin việc, đơn xin việc hoàn hảo nhất, nhưng ít nhất cũng không nên phạm phải những sai lầm cơ bản, để lại ấn tượng không mấy tích cực cho nhà tuyển dụng.

1. Lỗi sai khi viết đơn xin việc gây "hậu quả" gì?

Tìm việc làm là một quy trình mà ở đó không có chỗ cho những sai sót. Khi ứng tuyển, bạn cần nghiêm túc và chuyên tâm chuẩn bị sẵn sàng từ soạn thảo CV, đơn xin việc đến phỏng vấn. Việc có lỗi trong đơn xin việc sẽ tạo ra một số ảnh hưởng như sau:

- Dễ bị nhà tuyển dụng đánh giá là thiếu cẩn thận, không chú ý tới chi tiết (là những phẩm chất quan trọng trong hầu hết công việc, vai trò).

- Cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không coi trọng cơ hội việc làm.

- Khiến việc gửi kèm đơn xin việc với CV ứng tuyển trở nên vô nghĩa (vì nếu không viết tốt thì thà rằng không gửi).

- Không được mời phỏng vấn vì đơn xin việc viết sơ sài làm cho tổng thể hồ sơ ứng tuyển thua kém các ứng viên đối thủ.

2. Điểm danh một số lỗi sai cơ bản trong đơn xin việc và cách khắc phục

2.1. Quá tập trung vào bản thân

Mục đích cuối cùng của tuyển dụng là tìm kiếm những người có thể tạo ra giá trị tích cực cho công ty. Đây là điểm cốt lõi mà mỗi ứng viên cần nhận thức rõ và thể hiện được khi viết đơn xin việc. Nhiều ứng viên chỉ viết trong đơn xin việc rằng mình mong muốn điều gì, giỏi cái gì nhưng không có sự liên kết với những đóng góp tiềm năng cho doanh nghiệp và vì vậy, nhà tuyển dụng sẽ hoàn toàn không cảm thấy được thuyết phục.

Cách khắc phục: Dựa trên tinh thần đó, bạn cần chỉ ra được bản thân có thể làm được gì để đóng góp cho tập thể, đừng chỉ chăm chăm đề cao bản thân giỏi thế nào, có trình độ ra sao. Hãy chứng minh thực lực và lời hứa hẹn của mình bằng kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác.

2.2. Chia sẻ quá chi tiết các kinh nghiệm làm việc

Một bản cover letter toàn là liệt kê kinh nghiệm làm việc sẽ rất nhàm chán và không thực hiện đúng chức năng, thế nhưng vô số ứng viên vẫn có thói quen "nhồi nhét" thông tin về kinh nghiệm vào thư xin việc.

Cách khắc phục: Bạn cần ghi nhớ rằng nhà tuyển dụng sẽ không đặt nhiều sự chú ý tới những công việc nằm ngoài lĩnh vực đang tuyển dụng và độ dài tối đa của cover letter chỉ trong khoảng 200 - 350 từ. Vì vậy, hãy chỉ nhấn mạnh những kinh nghiệm nổi bật, liên quan nhất, chỉ rõ nhiệm vụ đảm nhận và thành tích ấn tượng đã đạt được khi giữ chức vụ đó.

2.3. Đề cập tới thông tin, quan điểm tiêu cực

Trình bày "trường hợp" cụ thể của bản thân, chẳng hạn như nghỉ việc vì nguyên nhân tiêu cực nào đó trong đơn xin việc cũng là một sai lầm phổ biến, chủ yếu xảy ra với ứng viên ít hoặc chưa có kinh nghiệm. Chia sẻ thông tin tiêu cực khiến đơn xin việc trở nên kỳ quặc và rõ ràng là có thể khiến bạn bị loại.

Cách khắc phục: Đơn xin việc hiển nhiên không phải là nơi bạn kể lể bản thân tìm việc làm khó khăn như thế nào, cuộc sống vất vả ra sao. Và chắc chắn, bạn cũng không nên đề cập tới lý do thôi việc trước đó hay lý do chuyển nhà, khiến nhà tuyển dụng hoài nghi về năng lực và phẩm chất của bạn. Tập trung vào hiện tại, thế mạnh và thành tích, những thứ có thể khiến bản thân nổi trội và "vượt mặt" những đối thủ của mình.

2.4. Viết dai viết dài

Viết quá dài là điểm tối kỵ cả khi viết sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Mặt giấy toàn chữ thường tạo cảm giác nản không muốn đọc, nhất là khi phải xét duyệt hàng chục, hàng trăm hồ sơ xin việc một lúc.

Cách khắc phục: Để tránh mất thiện cảm của nhà tuyển dụng, ứng viên không nên viết quá dài, lan man, dùng nhiều từ ngữ sáo rỗng, mà cần tập trung triển khai ý chính nhất cần truyền tải.

2.5. "Copy" thông tin CV

Sẽ chằng có tác dụng gì nếu đơn xin việc một lần nữa sao y nội dung bản CV. Đơn xin việc phải truyền tải được cái mà sơ yếu lý lịch không thể, đó chính là sự chân thành, nhiệt huyết của người ứng viên. Nhà tuyển dụng chắc hẳn không muốn tốn thời gian đọc lại những gì mình đã biết.

Cách khắc phục: Chọn ra những thông tin thể hiện thế mạnh, quyết tâm, ý chí, định hướng mục tiêu của bạn - những điều bạn chưa thể diễn đạt hết trong CV và trình bày rõ ràng, logic trong đơn xin việc. Ví dụ: "Em/ tôi cảm thấy mình đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng của quý công ty bằng kinh nghiệm làm việc 2 năm tại vị trí tương đương trong doanh nghiệp có tiếng trong ngành,...".

2.6. Đơn xin việc quá máy móc, dập khuôn

Những câu như "Tôi muốn xin vào làm tại công ty..." hoặc "Tôi tin rằng tôi là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí tuyển dụng" đã trở nên quá phổ biến và đại trà. Thử đặt mình vào vị trí người tuyển dụng, đọc đơn xin việc nào cũng lặp đi lặp lại cấu trúc như vậy, bạn có thấy nhàm chán?

Cách khắc phục: Hãy thử cách diễn đạt khác và đưa ra giải thích chứ đừng chỉ tự tâng bốc bản thân một cách sáo rỗng. Việc sử dụng các mẫu thư xin việc, cover letter mang tính chất tham khảo, bạn không nên lấy y sì thông tin hoặc diễn đạt y hệt, hãy thể hiện cá tính của mình.

Nhà tuyển dụng có thể soi được lỗi trong đơn xin việc của ứng viên dễ dàng

2.7. Diễn đạt quá "lố"

Đừng tốn thời gian bày tỏ cuồng nhiệt bạn yêu công việc này thế nào, công ty tuyệt vời ra sao. Tình yêu sẽ không giúp bạn được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng.

Cách khắc phục: Dĩ nhiên, nhà tuyển dụng có thể sẽ hiểu rằng bạn đang bày tỏ sự tôn trọng với công ty, tuy nhiên chỉ nên biểu đạt sự hâm mộ đó ở mức vừa phải. Thay vào đó, hãy thuyết phục họ bằng những việc bạn có thể làm để phục vụ công ty một cách tốt nhất.

2.8. Mắc lỗi nội dung

Lỗi sai cơ bản này chính là thủ phạm khiến nhiều hồ sơ xin việc bị "cho ra rìa". Một ứng viên tiềm năng, cẩn thận, có trách nhiệm và tôn trọng cơ hội tuyển dụng không thể nào thiếu chuyên nghiệp như vậy. Sai nội dung ở đây là

Cách khắc phục: Bạn cần chú ý thay đổi nội dung đơn xin việc sao cho phù hợp với mỗi công ty tuyển dụng, đồng thời đọc soát để phát hiện lỗi đánh máy, lỗi sai chính tả và chỉnh sửa kịp thời.

3. Lưu ý khi viết đơn xin việc, cover letter

Theo xu hướng tuyển dụng hiện nay, đơn xin việc/ cover letter ngày càng quan trọng hơn vì qua đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá đầy đủ, công bằng hơn về các ứng viên. Những lưu ý sau đây có thể giúp ích cho bạn trong việc viết, điều chỉnh đơn xin việc hợp lý, ấn tượng:

- Tìm hiểu, tuân thủ cấu trúc của đơn xin việc, cover letter chuẩn. Nếu bạn không chắc chắn, mông lung về định dạng, bố cục, cách triển khai thông tin trong thư ứng tuyển, hãy tham khảo và điều chỉnh bằng những mẫu thư xin việc, cover letter trên Joboko.vn nhé!

- Tránh phạm phải các lỗi sai ở trên.

- Luôn kiểm tra kỹ trước khi lưu và gửi đơn xin việc tới nhà tuyển dụng.

- Đảm bảo có sự đồng nhất giữa thiết kế, nội dung của đơn xin việc với CV.

Cẩn thận chưa bao giờ là thừa, bạn đã nắm chắc cách để viết đơn xin việc chuẩn chỉnh hay chưa? Điều chỉnh ngay hồ sơ ứng tuyển để sớm thành công có được việc làm yêu thích nhé!

MỤC LỤC:
1. Lỗi sai khi viết đơn xin việc gây "hậu quả" gì?
2. Điểm danh một số lỗi sai cơ bản trong đơn xin việc và cách khắc phục
3. Lưu ý khi viết đơn xin việc, cover letter

Đọc thêm: Mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc, nên đưa gì vào CV?

Đọc thêm: Bạn đã biết cách viết sơ yếu lý lịch "chuẩn" đến từng chi tiết?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888