Thời trang - Nghề chưa bao giờ hết "hot" cho những người đam mê thiết kế

11/05/2021 15:30
Thời trang - Nghề chưa bao giờ hết "hot" cho những người đam mê thiết kế và có thể mang lại mức thu nhập "khủng" khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, liệu có phải ai cũng có thể theo đuổi ngành thời trang? Nếu không có năng khiếu thiết kế nhưng vẫn muốn bước chân vào ngành này thì nên làm gì?
Trong xã hội hiện đại, khi mà chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì ngành thời trang lại càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống và thời trang cũng không phải là một ngoại lệ. Thói quen mua sắm của con người đã gần như thay đổi hoàn toàn trong kỷ nguyên số. Nó đòi hỏi những người làm trong ngành thời trang không chỉ sự sáng tạo mà còn cả tố chất kinh doanh cần thiết để có thể làm giàu bằng chính những tác phẩm của mình.

Thiết kế thời trang là việc làm nhiều bạn trẻ quan tâm

1. Xu hướng phát triển ngành thời trang hiện nay

Nhắc đến xu hướng phát triển ngành thời trang thì chắc hẳn không thể bỏ qua thời trang "xanh" hay thời trang bền vững. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh đã đóng góp một phần không nhỏ cho ô nhiễm môi trường, gây ra hiệu ứng nhà kính và rất nhiều tác động tiêu cực khác.
Việc những sản phẩm thời trang giá rẻ nhưng không kém phần thời thượng được sản xuất ngày càng nhiều đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen của một bộ phận người tiêu dùng. Năm 2014, số lượng quần áo mà một người sở hữu nhiều hơn năm 2000 là 60%, trong khi đó, thời gian sử dụng lại giảm chỉ còn một nửa.
Thói quen mua sắm có thể coi là bừa bãi này đã dẫn đến tình trạng lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Quá trình sản xuất quần áo tiêu tốn rất nhiều nước, sử dụng nhiều than đá và phát thải CO2. Cùng với đó, các sợi vi nhựa trong quần áo khi bị thải ra môi trường sẽ theo nước vào trong chuỗi thức ăn của con người và tạo nên sức tàn phá khủng khiếp đối với môi trường sống.
Điều này đã đặt ra cho con người yêu cầu phải "xanh hóa" chuỗi cung ứng cho ngành thời trang, sử dụng các loại chất liệu thân thiện với môi trường như cotton hữu cơ, vải sợi tre, lụa xử lý hóa chất nhẹ, len da tái chế, bã cafe, vải sợi sen,... Xu hướng thời trang "xanh" cũng là một cách để thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hệ sinh thái, môi trường sống và đặc biệt là sức khỏe của con người.

2. Triển vọng phát triển ngành thời trang

Nhu cầu tuyển dụng ngành thời trang được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, mặc dù tỷ lệ tăng là không nhiều (chỉ khoảng 3%, thấp hơn trung bình các ngành nghề khác). Nếu như trong lĩnh vực sản xuất thời trang, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục giảm thì trong ngành bán lẻ, tỷ lệ vị trí việc làm cần tuyển lại tăng cao đáng kể.
Tuy phải đối mặt với rất nhiều rào cản và thách thức từ các hãng thời trang lớn trên thế giới (H&M, Zara, Mango, Forever21,...) và sự cạnh tranh của thời trang giá rẻ Trung Quốc nhưng sự xuất hiện của các nhà thiết kế tài năng cũng như sự bùng nổ của các tuần lễ thời trang gần đây tại Việt Nam đã cho thấy một tiềm năng phát triển mới và tạo thêm nhiều động lực cho các bạn trẻ với đam mê thiết kế.
Cùng với đó, xu hướng phát triển thời trang "xanh" thân thiện với môi trường cũng là cơ hội để những người đam mê thiết kế tạo nên sự khác biệt và thu hút khách hàng. Nếu như giá cả là mối quan tâm lớn nhất của sinh viên thì những người đi làm, dân kinh doanh lại thường đề cao chất liệu sản phẩm. Việc lựa chọn chất liệu khéo léo sẽ giúp cho những người làm trong ngành thời trang chinh phục được những khách hàng dù là khó tính nhất và chính họ mới là những khách hàng tiềm năng.

Xu hướng phát triển thời trang trong tương lai như thế nào?

3. Các vị trí việc làm ngành thời trang

Nhiều người quan niệm rằng học thời trang thì sẽ phải trở thành nhà thiết kế. Tất nhiên, đây là ước mơ của rất nhiều người khi theo đuổi ngành này; tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Ngành thời trang có rất nhiều vị trí việc làm như:

  • Nhà thiết kế thời trang (hay chuyên gia phát triển sản phẩm thời trang):

Là người sáng tạo, thiết kế nên một sản phẩm thời trang (quần áo, mũ, giày, túi, phụ kiện,...). Họ không chỉ có kiến thức về thiết kế và còn phải am hiểu nhu cầu thị trường để kết hợp thật tốt giữa tính sáng tạo và tính khả dụng. Nhà thiết kế thời trang cũng là mắt xích quan trọng trong việc lựa chọn chất liệu sản phẩm.

  • Quản lý sản xuất thời trang:

Là người tối ưu quy trình sản xuất sản phẩm thời trang, chuẩn bị nguyên liệu, máy móc để thợ may có thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo từ bản thiết kế có sẵn. Không chỉ đảm nhiệm vai trò chỉ đạo, người quản lý sản xuất thời trang còn phải am hiểu các kỹ thuật dệt may, kỹ thuật chọn nguyên phụ liệu và vận hành máy móc hiệu quả để có thể cắt giảm chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất.

  • Chuyên viên buying:

Là người tìm kiếm những chất liệu tốt nhất cho bản thiết kế của stylist. Hầu hết họ đều là những người có khả năng quan sát tốt, nhạy bén với thị trường và thậm chí có thể đoán biết trước được xu hướng sử dụng chất liệu của năm để lên kế hoạch thu mua cho phù hợp.

  • Chuyên viên merchandising:

Là người quyết định sản phẩm nào sẽ được lên kệ tại cửa hàng để giới thiệu với khách hàng. Chuyên viên merchandising giỏi là người khéo léo nắm bắt thị hiếu của khách hàng cũng như có con mắt thẩm mỹ để sắp xếp các sản phẩm trong cửa hàng sao cho bắt mắt nhất.

  • Chuyên gia PR & marketing thời trang:

Ngày nay, dưới sự tác động của công nghệ, hoạt động mua sắm trực tuyến diễn ra ngày càng nhiều. Nếu như trước đây chỉ cần có một gian hàng đủ đẹp để thu hút khách vãng lai là đủ thì nay mỗi doanh nghiệp trong ngành thời trang đều cần phải tạo cho mình một hình ảnh đẹp để thu hút tín đồ thời trang trên các nền tảng trực tuyến.
Cũng giống như chuyên viên merchandising, chuyên viên marketing là người am hiểu rõ nét về thị hiếu và tâm lý của khách hàng và phải biết cách đưa tên tuổi của mình lên chiếm lĩnh thị trường.

  • Blogger chuyên về thời trang:

Bạn yêu thích cả thời trang và viết lách thì hoàn toàn có thể kết hợp cả hai điều này để tạo ra thu nhập cho bản thân. Hiện nay, các blog về thời trang đã trở thành xu hướng và có thể thu hút hàng triệu độc giả chỉ sau một vài tháng. Ngoài ra, nếu như bạn có năng khiếu chụp ảnh và biết cách thể hiện quan điểm về thời trang thì blog của bạn sẽ càng thành công hơn nữa.
Ngoài ra, sinh viên ngành thời trang sau khi ra trường có thể làm việc cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng, nhà tạo mẫu độc quyền trong các công ty thời trang, quản lý thương hiệu tại các công ty thiết kế, trợ lý thiết kế, nhân viên nghiên cứu thị trường ngành thời trang, điều phối viên thời trang cho các chương trình, sự kiện hoặc là tự mở thương hiệu kinh doanh thời trang riêng.

Các vị trí việc làm ngành thời trang phổ biến

4. Mức lương ngành thời trang

Tại Việt Nam, mức lương trung bình của nhân viên ngành thời trang khi mới ra trường là khoảng 4 triệu đồng/tháng. Những người có kinh nghiệm thì mức lương có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba, trong khoảng 7 - 12 triệu đồng/tháng, trung bình khoảng 9 triệu/tháng với nhân viên thiết kế thời trang. Những người thực sự giỏi, trưởng phòng, quản lý có mức lương lên đến 25 triệu đồng/tháng. Còn nếu như bạn tạo dựng được tên tuổi và thương hiệu cho riêng mình thì chắc chắn con số tiền lương sẽ không dừng lại ở đó.
Nếu như ở Việt Nam, thời trang là ngành có mức lương trung bình thì trên thế giới, nhân viên thiết kế thời trang lại là 1 trong 5 nghề có mức lương cao đáng ngạc nhiên, cùng với phóng viên điều tra, hiệu trưởng trường sơ cấp, người phụ giúp công việc về y tế và nhà thiên văn học. Ở Mỹ, mức lương nhân viên ngành thời trang vào khoảng 73,790 USD/năm (khoảng 1,7 tỷ đồng).

5. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc của các vị trí ngành thời trang, đặc biệt là nhân viên thiết kế thời trang là 2 - 3 tháng. Hầu hết là 3 tháng thử việc nguyên lương nhưng không có thưởng năng suất công việc. Cũng có những công ty chỉ yêu cầu thử việc 2 tháng (80 - 85% lương) và sẽ ký hợp đồng lao động chính thức ngay sau thời gian này. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đàm phán, thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động.

6. Thách thức khi theo đuổi ngành thời trang

Những người làm trong ngành thời trang, cũng giống như rất nhiều ngành nghề khác, cần phải đảm bảo có những tố chất và kỹ năng đặc biệt. Không phải ai cũng có thể trở thành một nhà thiết kế hay một người quản lý kinh doanh thời trang.
Muốn theo đuổi ngành thời trang, bạn phải có tầm nhìn xa trông rộng và phải có khả năng biến những ý tưởng tầm nhìn ấy thành sản phẩm thực tế. Ngoài ra, không phải nhà thiết kế thời trang nào cũng muốn hoặc cũng có đủ tố chất để trở thành doanh nhân. Chỉ có một số ít người có khả năng làm kinh doanh dựa trên chính sự sáng tạo của họ. Tuy nhiên, đây không phải là thách thức lớn nhất mà những nhân viên ngành thời trang gặp phải. Trong xã hội hiện đại, họ còn phải đối mặt với những thách thức như:

  • Khó khăn trong việc lựa chọn khách hàng mục tiêu, quyết định sản phẩm được thiết kế, thiết kế cho ai:

Cho dù đó là trẻ em, phụ nữ hay nam giới thì mỗi người làm trong nghề thời trang vẫn cần phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Từ đó, họ có thể tìm ra điểm mạnh và phát huy nó, thay vì đa dạng hóa sản phẩm quá mức dẫn đến mất phương hướng.

Cơ hội và thách thức khi theo đuổi ngành thời trang

  • Thiếu sự đổi mới:

Tại sao khách hàng nên sử dụng sản phẩm này mà không phải là sản phẩm kia? Sản phẩm nào tạo nên sự khác biệt? Không chỉ thu hút khách hàng mới, các nhà thiết kế thời trang còn phải cân nhắc đến việc duy trì mối quan hệ với những khách hàng trung thành; phải luôn đổi mới thiết kế để họ không cảm thấy nhàm chán mỗi khi quay lại.

  • Thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh:

Các trường đào tạo thời trang thường không dạy kiến thức liên quan đến kinh doanh. Vì vậy, không phải nhà thiết kế nào cũng biết cách dự đoán xu hướng thời trang mới, PR sản phẩm đến người tiêu dùng,...

  • Thiếu sự tin tưởng đối với các nhà sản xuất:

Việc tìm được một nhà sản xuất uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng hạn và đặc biệt là giá cả phải chăng là điều không hề dễ dàng trong ngành thời trang.

  • Sự cạnh tranh về giá:

Ngành thời trang hiện nay là một cuộc chạy đua của các nhà sản xuất thời trang nhanh về cả mẫu mã, màu sắc, chất lượng và đặc biệt là giá cả. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh thời trang cần phải có đủ sự thông minh và tỉnh táo để đọc được những suy nghĩ của đối thủ cạnh tranh: những sản phẩm họ có thể sắp tung ra, mức giá trên một sản phẩm tương tự là bao nhiêu,...

Kỹ năng thiết kế là gì?

Với niềm đam mê tạo ra những bộ trang phục hút khách, làm việc trong lĩnh vực thời trang đòi hỏi bạn cần có kỹ năng thiết kế tốt. Dẫu vậy, không phải ai sinh ra cũng sở hữu ngay kỹ năng này mà cần có quá trình rèn luyện, trau dồi. Để biết cách phát huy khả năng thiết kế của bản thân, chuẩn bị hành trang tốt nhất để đáp ứng yêu cầu, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

MỤC LỤC:
1. Xu hướng phát triển ngành thời trang hiện nay
2. Triển vọng phát triển ngành thời trang
3. Các vị trí việc làm ngành thời trang
4. Mức lương ngành thời trang
5. Thời gian thử việc
6. Thách thức khi theo đuổi ngành thời trang

Đọc thêm: Nhân viên thiết kế học trường gì? thi khối gì?

Đọc thêm: Ngành Thiết kế có những vị trí nào?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888