Làm thế nào để khuyến khích, thúc đẩy nhân viên nỗ lực phát triển sự nghiệp?

11/10/2021 09:30
Mọi ứng viên tài năng đều mong muốn được làm việc trong những môi trường năng động có thể giúp họ phát triển các kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ. Đó là lý do tại sao các nhà tuyển dụng xem trọng việc phát triển môi trường, văn hóa làm việc ở công ty và tạo điều kiện cho nhân viên phát triển sự nghiệp.

Ngay cả trong những thời điểm khó khăn, lãnh đạo công ty cũng không nên đánh giá thấp vai trò của việc hỗ trợ nhân viên phát triển sự nghiệp. Bởi vì khi đó, nhân viên sẽ cảm thấy họ không được coi trọng và hiệu suất làm việc của họ sẽ giảm. Về lâu dài, các công ty có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất đi những nhân viên có năng lực.

Những cách khuyến khích sự phát triển của nhân viên hiệu quả

I. Vì sao doanh nghiệp cần thúc đẩy, khuyến khích nhân viên?

Ngoài việc tuyển dụng và trả lương hàng tháng cho nhân viên, các doanh nghiệp có nhiều cách khác nhau để khuyến khích nhân viên dù cho các hoạt động như vậy tiêu tốn khá nhiều nguồn lực. Nguyên nhân sâu xa trong đó thật ra khá dễ giải thích, có thể gói gọn trong những lợi ích lâu dài như: - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển của công ty.

  • Giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài.
  • Nâng cao danh tiếng thương hiệu, uy tín của công ty.
  • Nâng cao hiệu suất công việc của nhân viên.

II. 7 cách khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên phát triển

1. Thể hiện sự quan tâm đến mục tiêu phát triển của nhân viên

Nếu bạn không thể gặp mặt nhân viên của mình thường xuyên, hãy giữ liên lạc với họ qua các phương tiện khác như mạng xã hội Facebook, Zalo,... Tuy nhiên bạn cũng phải dành thời gian gặp gỡ trực tiếp với họ để trò chuyện và lắng nghe những mong muốn và nguyện vọng của họ. Việc này sẽ khiến nhân viên của bạn cảm thấy họ được trân trọng, từ đó làm tăng năng suất làm việc và lòng trung thành của nhân viên với công ty.
Bạn cũng có thể giúp nhân viên của mình vạch ra các kế hoạch phát triển để họ có thể hình dung rõ hơn về tương lai của mình ở công ty. Hãy vẽ ra các mốc thời gian cụ thể để đạt được thành tích và các nguồn lực hỗ trợ mà nhân viên có thể khai thác trong suốt hành trình của họ. Việc trao đổi rõ ràng, trực tiếp và nhất quán từ lãnh đạo về quy trình thăng tiến trong sự nghiệp sẽ giúp người lao động cảm thấy tin tưởng, gắn bó hơn với công ty và làm việc nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu.

2. Đào tạo nhân viên

Các chương trình đào tạo sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên. Vì vậy, để giúp nhân viên thăng tiến hơn trong sự nghiệp, hãy khuyến khích họ tham gia các khóa học và các buổi hội thảo có liên quan đến lĩnh vực mà họ đang theo đuổi. Ngày nay có vô số các khóa học trực tiếp và online với giá cả hợp lý mà bất kỳ công ty nào cũng có thể đầu tư cho nhân viên. Ngay cả khi ngân sách hiện tại đang eo hẹp, hãy nhớ rằng đầu tư vào phát triển của nhân viên sẽ mang lại lợi ích lớn cho công ty về lâu về dài.
Ngoài việc giúp nhân viên phát triển các kỹ năng cụ thể, đừng quên mở rộng hiểu biết của họ về các lĩnh vực khác. Một phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí là mời một số khách trong hoặc ngoài công ty tham gia các buổi trò chuyện vào giờ ăn trưa. Ngoài ra, hãy cho nhân viên của bạn thời gian tham gia các sự kiện trực tuyến và yêu cầu họ chia sẻ những gì đã học được với các thành viên khác trong bộ phận.

3. Thành lập hội đồng cố vấn

Thiết lập hội đồng cố vấn là một trong những bước đi thông minh nhất mà một công ty có thể thực hiện. Hội đồng cố vấn là công cụ hiệu quả đối với sự phát triển của chính công ty cũng như của người lao động.
Mặc dù thường được coi là quá trình chuyển giao kiến thức từ các thành viên đã có kinh nghiệm sang các nhân viên kém kinh nghiệm, nhưng thực chất cố vấn là một quá trình hai chiều. Trong khi các nhân viên cấp cao cung cấp tri thức và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn, họ cũng có thể hưởng lợi từ những quan điểm mới mẻ và các bí quyết công nghệ của nhân viên mới.

4. Tạo điều kiện cho nhân viên luân chuyển công việc

Luân chuyển công việc là một cách thông minh giúp nhân viên trải nghiệm những vị trí khác nhau và tạo cảm giác mới mẻ khi làm việc. Hãy cân nhắc việc cho phép nhân viên làm việc ở các bộ phận hoặc vị trí khác nhau nhưng thuộc một lĩnh vực nhất định. Cơ hội này sẽ giúp các thành viên trong nhóm của bạn xây dựng được các kỹ năng mới, hiểu rõ hơn về công việc của đồng nghiệp và doanh nghiệp.
Luân chuyển công việc cũng là một cách hiệu quả để tăng cường sự hợp tác giữa các phòng ban và xây dựng mối quan hệ trong các nhóm. Nhờ đó, công ty sẽ sở hữu đội ngũ nhân viên phát triển toàn diện hơn.

Doanh nghiệp cần làm gì để nhân viên có thể phát triển kỹ năng, chuyên môn toàn diện?

5. Giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Làm việc chăm chỉ là điều kiện tiên quyết để một người có thể phát triển sự nghiệp nhưng điều đó không đồng nghĩa với lịch trình làm việc dày đặc, không có ngày nghỉ. Hãy khuyến khích nhân viên của bạn làm việc một cách thông minh, tối đa năng suất và dành thời gian cho những sở thích ngoài khác, đặc biệt là những người không thể tách rời công việc khỏi cuộc sống thường ngày.
Bằng cách áp dụng các chính sách linh hoạt giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn có thể nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên. Bạn sẽ giúp nhân viên của mình phân bổ thời gian hợp lý để hoàn thành công việc và đáp ứng được cả những nhu cầu cá nhân khác.

6. Định hướng cho nhân viên

Nếu có thể, hãy tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện những ý tưởng mới lạ của họ. Điều này sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc có trách nhiệm hơn và trau dồi năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, đôi khi nhân viên của bạn không biết rằng những công việc họ phụ trách sẽ đem lại lợi ích cho cả công ty và chính bản thân họ. Hãy thường xuyên nhấn mạnh vai trò của họ trong công ty và định hướng rõ các mục tiêu mà họ cần đạt được.

7. Có lộ trình thăng tiến rõ ràng

Vạch ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng là một lời khẳng định với những nhân viên có tiềm năng rằng bạn không chỉ muốn đầu tư vào sự phát triển chuyên môn của họ mà còn muốn họ đạt được những vị trí cao hơn nữa trong công ty. Hãy vạch ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mọi người, mọi vị trí quan trọng trong công ty vì nó có khả năng thúc đẩy nhân viên học hỏi thêm các kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể thăng tiến trong sự nghiệp.

Không phải lương, đây mới là yếu tố giữ chân nhân viên

Sự thăng tiến trong công việc của nhân viên có thể đem lại lợi ích đáng kể và lâu dài không chỉ cho bản thân họ mà còn cho chính công ty của bạn. Nếu bạn là một quản lý muốn giữ chân nhân tài ở lại công ty, hãy cho nhân viên của mình biết rằng bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ phát triển lên các vị trí cao hơn nữa. Nhiều người cho rằng lương mới là yếu tố để giữ chân nhân viên, vậy điều này có đúng?

MỤC LỤC:
I. Vì sao doanh nghiệp cần thúc đẩy, khuyến khích nhân viên?
II. 7 cách khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên phát triển

Đọc thêm: 3 bước để tạo kế hoạch phát triển nghề nghiệp

Đọc thêm: Cách để lấy lại cân bằng trong công việc và cuộc sống

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888