Tự hỏi và trả lời những câu hỏi sau mỗi khi muốn nhảy việc

10/09/2021 13:30
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và còn nhiều biến động như hiện nay thì nhảy việc không phải là điều dễ dàng. Do đó, trước khi nhảy việc, bạn cần phải tự mình đặt ra các câu hỏi cho bản thân để chắc chắn quyết định của mình là chính xác, tránh hối tiếc về sau.

Có hàng tá lý do khác nhau đẩy bạn tới suy nghĩ muốn nhảy việc. Bạn thấy mức lương mình nhận được là quá thấp; bạn không thể hòa hợp với cấp trên, đồng nghiệp hay công việc của bạn quá áp lực. Tuy nhiên, hãy gác cảm xúc của mình sang một bên và cân nhắc thật kỹ lưỡng các yếu tố liên quan để đảm bảo quyết định của mình là chính xác và bạn sẽ không hối hận về sau.

Khi có ý định nhảy việc, bạn cần cân nhắc kỹ càng

I. Tự đặt câu hỏi cho bản thân khi muốn nhảy việc​

1. Bạn muốn nhảy việc hay chỉ đơn giản là bạn không muốn làm việc trong điều kiện hiện tại?​

Bạn cần phải suy nghĩ thật cẩn thận lý do vì sao bạn lại muốn nhảy việc ở thời điểm nhạy cảm này. Bạn chắc chắn không muốn phải chuyển việc chỉ để giải quyết những vấn đề mang tính chất tạm thời và rất có thể bạn sẽ vẫn gặp lại ở công việc sắp tới.
Giả sử bạn không muốn làm việc tại nhà hoặc không muốn phải đối mặt với các vấn đề xảy ra do dịch Covid-19 thì đây chỉ là các vấn đề tạm thời trong thời điểm dịch bệnh và công việc của bạn chắc chắn sẽ trở lại bình thường trong tương lai.
Ví dụ, bạn là một giáo viên, bạn yêu thích dạy học nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy từ xa. Bạn cũng cảm thấy lo lắng với những thách thức mà bạn sẽ phải đối mặt trong năm học tới. Trong trường hợp này, suy nghĩ nhảy việc là điều hoàn toàn không nên. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với việc dạy học, phải đến trường, đối mặt với sinh viên mỗi ngày khiến bạn cảm thấy chán nản thì có lẽ đây chính là lúc để bạn tìm kiếm một công việc mới.

2. Bạn không hài lòng với công việc hay với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình?

Bạn cảm thấy mình không được đánh giá cao trong công việc? Bạn không thể hòa thuận với cấp trên, đồng nghiệp? Hay bạn cảm thấy những công việc mà mình phải làm quá khó khăn? Khi không hài lòng với công việc hiện tại, không có nghĩa là bạn phải chuyển sang một ngành nghề khác. Đôi khi, vấn đề chỉ là do bạn không phù hợp với cách quản lý hoặc văn hóa công ty. Hãy nhìn nhận một cách thẳng thắn và trung thực đâu là vấn đề khiến bạn cảm thấy không hài lòng.
Nếu đó chỉ đơn giản là các vấn đề liên quan đến đồng nghiệp, cấp trên, mức lương, ... bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm một công việc tương tự, nhưng ở một công ty khác. Tuy nhiên, nếu bạn không còn cảm thấy yêu thích công việc mà mình đang làm hoặc không thấy được tương lai của mình trong đó, hãy cân nhắc tới một sự thay đổi lớn hơn - chuyển nghề.

3. Bạn mong đợi điều gì ở công việc mới?

Đừng quan tâm tới việc bạn xuất phát từ đâu; thay vào đó, hãy xem xem đích đến của bạn là gì? Bạn mong đợi điều gì ở công việc mới. Hãy tập trung vào những điểm có thể khiến bạn hài lòng thay vì những thông tin tiêu cực ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ, nếu như bạn cảm thấy mình sẽ không thể thăng tiến hay làm nên sự khác biệt ở công việc hiện tại thì thay vì đứng đó và than phiền hay lặp đi lặp lại một công việc khiến bạn chán nản, hãy tìm kiếm một việc làm mới cho bạn nhiều cơ hội phát huy năng lực của mình hơn nữa. Đặc biệt, hãy tạo CV xin việc thật chuyên nghiệp, độc đáo để có cơ hội trúng tuyển vào công việc tốt.

4. Trạng thái tâm lý và cảm xúc của bạn hiện tại như thế nào?

Có thể là bạn đang cảm thấy khó chịu, làm việc không hiệu quả, không có động lực để làm việc bởi các vấn đề gia đình chứ không phải nguyên nhân do công việc. Việc này có thể rất khó nhưng tốt nhất bạn hãy phân biệt rõ ràng những cảm xúc bên ngoài với công việc của bạn. Những quyết định được đưa ra khi trạng thái tâm lý không tốt rất có thể sẽ khiến bạn phải hối hận sau này.

5. Bạn có thể cùng lúc đối mặt với hai sự kiện lớn trong đời được hay không?

Vừa phải phòng chống dịch bệnh lại vừa phải đi tìm một công việc mới có thể sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng áp lực. Nhảy việc thời đại dịch, bạn sẽ thấy điều này khó khăn hơn những gì bạn tưởng tượng rất nhiều. Bạn sẽ khó có thể tìm được một cơ hội làm việc mới, nếu có thì tỉ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên cũng sẽ rất cao. Sau đó, bạn lại còn phải làm quen với sếp mới, đồng nghiệp mới. Bạn sẽ kết nối với mọi người như thế nào nếu công ty của bạn đang cho nhân viên làm việc từ xa để phòng dịch?

Chắc chắn về quyết định khi nhảy việc sẽ giúp bạn không phải hối tiếc về sau

6. Bạn có đủ tài chính để đáp ứng các nhu cầu cá nhân trong thời gian tìm việc hay không?

Khi muốn hảy việc, bạn cần phải có nguồn tài chính đủ mạnh để có thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu nhất của bản thân trong vòng 3 tháng. Điều này lại càng cần thiết hơn khi bạn quyết định nghỉ việc rồi mới đi tìm một công việc khác.
Bạn sẽ không có thu nhập trong một thời gian hoặc là mức lương sẽ thấp hơn khi nhảy việc, liệu bạn có thể cân đối chi tiêu trong thời gian này hay không? Khoản tiền tiết kiệm của bạn liệu có đủ để nuôi sống bạn trong thời gian tìm việc? Nếu câu trả lời là không, có lẽ bạn nên dừng lại một thời gian trước khi đưa ra quyết định.

7. Công việc hiện tại của bạn có tương lai hay không?

Nếu làm việc trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như bán lẻ, vận tải, du lịch và khách sạn, giải trí, ... thì có lẽ phải mất rất lâu nữa công việc của bạn mới có thể trở lại như cũ. Khi đó, bạn có thể cân nhắc tới việc tìm kiếm một công việc khác phù hợp với kỹ năng mềm và trình độ của bản thân.

II. Nhảy việc hay không là ở bạn, hãy tin vào bản thân

Sau khi tự cân nhắc dựa vào việc tìm ra đáp án cho các câu hỏi trên, chắc chắn bạn sẽ rõ ràng hơn về tình huống của mình để ra quyết định hợp lý, chính xác hơn. Nhìn chung, khi từ bỏ môi trường quen thuộc và có một khởi đầu mới, bạn chắc chắn sẽ gặp những khó khăn từ tìm việc đến thích nghi với công việc. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng nhảy việc cũng đồng thời mang đến cho bạn những cơ hội để phát triển bản thân.
Nếu đáp án của hầu hết 7 câu hỏi đều cho thấy bạn nên nghỉ việc thì có lẽ bạn thực sự nên quyết đoán (còn ngược lại thì hãy kiên trì thêm nhé). Và bạn hãy nhớ rằng, không ai có thể quyết định thay bạn, đôi khi cân nhắc quá kỹ cũng chưa chắc đã được như ý. Do đó, bạn nên tin vào cảm giác, trực giác của mình. Nếu tự tin có thể tìm được việc mới, có thể thăng tiến và thành công thì hãy mạnh dạn khi ra quyết định.
Việc suy nghĩ kỹ lưỡng để tìm ra câu trả lời cho từng câu hỏi trên đây có thể sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khí bạn đang bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực ở công việc hiện tại. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể viết câu trả lời ra giấy và xem xét kỹ càng, biết đâu bạn sẽ còn có được những ý tưởng mới cho công việc tương lai của mình.

MỤC LỤC:
I. Tự đặt câu hỏi cho bản thân khi muốn nhảy việc
II. Nhảy việc hay không là ở bạn, hãy tin vào bản thân

Đọc thêm: Nhảy việc thời đại dịch, nên hay không nên?

Đọc thêm: Mẫu CV cho người hay nhảy việc gây ấn tượng mạnh

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888