Cách viết CV xin việc Biên dịch viên

29/10/2020 11:30
Bạn có tấm bằng ngoại ngữ và yêu thích nghề biên dịch? Bạn muốn ứng tuyển vào một môi trường phù hợp để phát triển sự nghiệp lâu dài? Để thực hiện được các mục tiêu đó, biết cách viết CV xin việc biên dịch viên nổi bật, thuyết phục sẽ là việc đầu tiên bạn cần làm.

Công việc chính của một biên dịch viên là dịch thuật, truyền tải chính xác thông tin, nội dung từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Biên dịch viên giỏi phải là người có khả năng ngôn ngữ xuất sắc, sự am hiểu văn hóa, chú trọng đến chi tiết và sự chính xác. Tất cả các tố chất đó cũng cần được thể hiện khéo léo và nổi bật qua CV xin việc biên dịch viên.

Viết CV xin việc biên dịch viên đơn giản

I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Biên dịch viên

Là một người học ngoại ngữ, có khả năng ngôn ngữ tốt, chắc hẳn bạn phải hiểu rằng mẫu CV biên phiên dịch ngoại ngữ không thể được đánh giá cao nếu lan man và khó theo dõi. Thông tin bạn viết trong CV có thể ngắn gọn nhưng nhất định phải thống nhất và nhấn mạnh vào những điều kiện, thế mạnh của cá nhân bạn - những gì bạn tự tin mình làm tốt hơn ứng viên khác và qua đó đóng góp cho sự phát triển của công ty.

Thông tin không thể thiếu trong CV xin việc biên dịch viên là lĩnh vực biên dịch bạn quen thuộc, tự tin. Có người giỏi biên dịch tài liệu chuyên ngành y dược, trong khi người khác chỉ dịch nhiều tài liệu về kỹ thuật, công trình hoặc kinh tế. Nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào nội dung bạn chia sẻ để phán đoán xem liệu bạn có thể có từ vựng, biết được các thuật ngữ chuyên ngành khi làm việc trong công ty của họ hay không. Bên cạnh đó, việc bạn quen dịch xuôi hay dịch ngược cũng quan trọng không kém (từ tiếng Việt sang ngôn ngữ khác hay ngược lại).

II. Mẫu CV xin việc Biên dịch viên​

Biên dịch viên là công việc "bàn giấy", là những người cả ngày ngồi trước máy tính và làm việc với con chữ. Thiếu đi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn thì có lẽ bạn sẽ không thể hoàn thành được công việc. Từ bước chọn bố cục, định dạng cho CV xin việc biên dịch viên của bạn bạn cũng đã cần cho thấy những nét tính cách này của mình. Thay vì tự thiết kế tốn nhiều thời gian và không chắc chắn về hiệu quả, bạn nên chọn đúng mẫu CV online.

Về cơ bản, CV xin việc biên dịch viên của bạn nên tạo cảm giác tổng thể là thanh lịch, nhẹ nhàng, hình thức đẹp và bắt mắt. Dĩ nhiên, các phần chính trong CV vẫn cần đầy đủ và sắp xếp hợp lý, gọn gàng.

III. Nên viết CV Biên dịch viên bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ?

Có lẽ, một trong những câu hỏi đầu tiên của ứng viên khi chuẩn bị CV xin việc biên dịch viên là nên viết bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ - ngôn ngữ còn lại trong cặp ngôn ngữ bạn sẽ dịch, chẳng hạn như tiếng Anh, Hàn, Trung, Nhật, Đức...? Không dễ để trả lời cho câu hỏi này dù ban đầu, ai cũng cho rằng đương nhiên phải viết nội dung CV bằng ngoại ngữ nhưng thực tế, nhiều nhà tuyển dụng là nhân viên nhân sự không có trình độ ngoại ngữ đủ để đọc hiểu thông tin bạn gửi. Giả sử CV của bạn được viết bằng ngôn ngữ hiếm như tiếng Thái, tiếng Ả Rập chẳng hạn thì rõ ràng ngoài người phụ trách chuyên môn, sẽ chẳng ai hiểu bạn trình bày gì.

Lúc này, có một số lựa chọn cho bạn:

  • Gửi CV viết bằng ngoại ngữ nếu ứng tuyển vào công ty nước ngoài hoặc nhà tuyển dụng ghi rõ yêu cầu.
  • Gửi kèm cả CV tiếng Việt và ngoại ngữ - nếu đính kèm qua email và nhà tuyển dụng không ghi rõ trong tin đăng tuyển.
Tìm việc làm biên dịch viên dễ dàng với cách viết cv hiệu quả

IV. Cách viết CV xin việc Biên dịch viên​​​

1. Thông tin cá nhân

Phần thông tin cá nhân trong CV xin việc biên dịch viên vẫn tuân thủ các nguyên tắc chung, áp dụng cho tất cả CV của các vị trí công việc khác nhau, đó là: Đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ (nhưng quan trọng) ở đây là khi viết CV không phải tiếng Việt, họ tên của bạn phải viết không dấu. Ngoài ra, cách viết địa chỉ chẳng hạn cũng phải theo tiêu chuẩn, cách trình bày của ngoại ngữ đó.

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Dù bạn không chắc chắn về việc nhà tuyển dụng có xem mục tiêu nghề nghiệp là nội dung quan trọng, tác động tới quyết định tuyển dụng bạn hay không thì bạn cần nghiêm túc trả lời câu hỏi của chính mình: Bạn muốn làm gì, yêu thích gì, đã làm được gì và có thể làm gì trong tương lai? Hơn ai hết, bạn phải hiểu rõ về mục tiêu cho con đường sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, hiểu không có nghĩa là bạn "bê" hết vào CV xin việc biên dịch viên. Hãy nhớ, bạn chỉ nên viết những gì có khả năng và hợp lý nhất. Ví dụ, bạn vừa ra trường, chưa từng đi làm biên dịch viên thì đừng nói về mục tiêu trở thành giảng viên biên dịch, hãy viết rằng bạn muốn mở rộng trường từ vựng, thành thạo các phần mềm hỗ trợ dịch thuật,...

Gợi ý:

  • Sử dụng thành thạo phần mềm dịch thuật; làm việc trong các dự án lớn của công ty; nâng cao và chuẩn hóa chất lượng bản dịch.
  • Phát triển kỹ năng dịch thuật, từ vựng trong lĩnh vực [tên lĩnh vực]; linh hoạt hơn trong sử dụng ngoại ngữ.
  • Trở thành PM cho các dự án dịch thuật sau 2 năm làm việc.

3. Học vấn

Biên dịch là một nghề cần trình độ, bằng cấp, thường thì từ bằng cử nhân trở lên (một số nhà tuyển dụng cũng tuyển ứng viên có bằng cao đẳng cho vị trí này nếu có thêm các chứng chỉ ngôn ngữ). Do đó, bạn cần chú ý nhiều hơn khi viết phần này trong CV xin việc biên dịch viên. Ngoài việc đảm bảo sự chính xác trong thông tin đề cập tới, bạn cũng có thể đạt được ưu thế nhất định nếu làm nổi bật nội dung này với bằng cấp chính quy tại các trường đào tạo ngoại ngữ uy tín. Bên cạnh đó, nếu bạn mới tốt nghiệp trong 1 - 3, 5 năm gần đây thì có thể ghi cả điểm trung bình chung học tập vào nhé (trong trường hợp có điểm cao).

Gợi ý: Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (9/2016 - 6/2020)

  • Ngành: Ngôn ngữ Anh
  • Xếp loại: Giỏi, GPA: 3.54.
Hướng dẫn cách viết Trình độ học vấn trong CV xin việc Biên dịch viên

4. Kinh nghiệm

4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm

Bên cạnh các tiêu chí cơ bản khi viết phần kinh nghiệm làm việc trong CV xin việc như: Chỉ nên lấy kinh nghiệm từ 6 tháng trở lên, liên quan đến biên - phiên dịch, biên tập, viết nội dung bằng ngoại ngữ, giáo viên dạy ngoại ngữ..., viết ngắn gọn, liệt kê bằng gạch đầu dòng... thì có một số lưu ý khác mà bạn nên chú ý đối với CV biên dịch viên, đó là: Ghi rõ lĩnh vực dịch thuật bạn đã từng làm hoặc thành thạo, giỏi ngôn ngữ ở lĩnh vực đó (y tế, công nghệ, marketing, dịch sách,... Đi kèm với mô tả ngắn gọn công việc trong một gạch đầu dòng, bạn cũng nên bao gồm cả thành tích đạt được (nếu có).

Gợi ý: Công ty dịch thuật chuyên nghiệp GHB, Nhân viên biên dịch (1/2020 - nay)

  • Dịch Việt - Anh và Anh - Việt các tài liệu thuộc lĩnh vực kinh tế, địa chất, marketing; hiệu đính bản dịch.
  • Từ vựng phong phú, đa dạng, thành thạo phần mềm dịch thuật Trados.

4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Lĩnh vực biên dịch nói riêng và ngôn ngữ nói chung có một đặc thù là có nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê ứng viên chưa có kinh nghiệm và đào tạo các kỹ năng cần thiết - dĩ nhiên là chỉ với các vai trò cơ bản, cấp đầu vào, dịch thuật đơn giản (chứng từ, hồ sơ...). Thực tế thì những bạn học ngoại ngữ thường tiếp xúc với các công việc từ rất sớm, có thể là gia sư, trợ giảng, làm CTV dịch thuật, viết bài,... Chương trình thực tập cũng là bắt buộc, nhờ vậy mà chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức bạn vẫn có thông tin để viết vào CV xin việc biên dịch viên.

Để CV của bạn thêm hoàn thiện, tránh lộ điểm yếu thì bạn nhất định phải viết rõ rằng mình đã học được gì, tích lũy được gì từ những trải nghiệm ngắn đó.

Gợi ý: Trung tâm tiếng Anh IFN, Trợ giảng (5/2020 - 12/2020)

  • Hỗ trợ giảng viên chuẩn bị cho bài giảng, các hoạt động trên lớp tiếng Anh cho trẻ em từ 6 - 10 tuổi; chữa bài tập, phụ đạo cho học viên.
  • Phản xạ tốt với ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt được cải thiện, học hỏi từ các thầy cô giàu kinh nghiệm trong trung tâm.

5. Kỹ năng

Khi nói đến công việc biên dịch viên, trình độ ngoại ngữ, bằng cấp và kinh nghiệm là những gì mà hầu hết mọi người đều nhất trí rằng quan trọng nhất. Các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm hay tương tác thực sự không buộc phải có, thế nhưng, vẫn sẽ có những kỹ năng chuyên môn mà bạn phải biết, phải thành thạo để làm tốt công việc này.

Viết phần kỹ năng trong CV xin việc biên dịch viên, trước hết, bạn nên xác định xem đâu là kỹ năng cứng mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên (chi tiết tham khảo mô tả công việc và các bài viết về kỹ năng cần có cho nhân viên biên dịch). Sau đó, bạn tự liệt kê kỹ năng mình có, so sánh 2 bên để cuối cùng chọn ra 4 - 6 kỹ năng quan trọng nhất, viết theo thứ tự ưu tiên, gạch đầu dòng vào CV.

Gợi ý:

  • Kỹ năng dịch thuật, chuyển ngữ.
  • Kỹ năng công nghệ, thành thạo các phần mềm dịch thuật.
  • Kỹ năng làm việc độc lập.
  • Khả năng tập trung tốt, chịu được áp lực thời gian.
  • Linh hoạt, chăm chỉ và cẩn thận, tỉ mỉ, chú ý đến chi tiết.
Những kỹ năng cần có trong CV xin việc Biên dịch viên

6. Chứng chỉ

Với nhiều nghề nghiệp dành cho lao động phổ thông hoặc thiên về kỹ năng thì ứng viên hoàn toàn có thể ẩn phần chứng chỉ trong CV nhưng với biên dịch viên, đây lại là nội dung không thể thiếu. Chứng chỉ IELTS với tiếng Anh hay TOPIK với tiếng Hàn, HSK cho ứng viên tiếng Trung... tất cả đều sẽ giúp bạn chứng minh được năng lực ngoại ngữ của mình và có được sự tin tưởng của nhà tuyển dụng. Dĩ nhiên, người có chứng chỉ điểm cao chưa chắc đã dịch giỏi nhưng ít nhất cũng cho thấy bạn có khả năng ngôn ngữ nhất định, nền tảng vững chắc.

Khi có các chứng chỉ ngoại ngữ, phần chứng chỉ trong CV xin việc biên dịch viên sẽ đầy đủ và dễ viết. Bạn hãy liệt kê tên chứng chỉ, kèm theo thời gian cấp và thời hạn (nếu có) của chứng chỉ nhé.

7. Sở thích

Đặc điểm của hầu hết nhân viên biên dịch là thường có khả năng tập trung tốt, nhiều người hướng nội, thích yên tĩnh và làm việc độc lập. Các sở thích cho thấy sự tỉ mỉ và khả năng thích nghi với môi trường làm việc ít giao tiếp sẽ phần nào chứng minh sự phù hợp của bạn với công việc và với nghề biên dịch. Mặc dù sở thích của mỗi người là khác nhau, nhưng giả sử bạn thích đọc, viết lách, thích tìm hiểu, khám phá hay đơn giản là thích chơi game tư duy thì viết vào CV xin việc biên dịch viên sẽ hữu ích cho công cuộc tìm việc của bạn.

8. Hoạt động

Như đã đề cập, nhà tuyển dụng sẽ không yêu cầu quá nhiều về sự năng động của biên dịch viên. Do đó, nếu bạn vừa ra trường, ít kinh nghiệm thì nên viết phần hoạt động (nếu bạn từng tham gia nhiều) để CV xin việc biên dịch viên không bị trống. Nếu trường hợp ngược lại, bạn không thích, không tham gia nhiều hoặc đã đi làm nhiều năm và không muốn chia sẻ ở phần này thì có thể ẩn khỏi CV.

9. Tham chiếu

Phần tham chiếu thông tin của biên dịch viên trong CV xin việc không có gì khác hay đặc biệt so với CV của các vai trò khác. Về cơ bản, bạn viết liên hệ của 1 - 2 người là thầy cô trong trường hoặc quản lý dự án, trưởng phòng, leader team biên dịch... của bạn. Khi muốn xác thực về thông tin bạn chia sẻ như kinh nghiệm hay năng lực làm việc thì nhà tuyển dụng có thể tiện liên hệ.

Thường thì các ứng viên vị trí biên dịch viên không phải ai cũng có các giải thưởng trong cuộc thi sử dụng ngôn ngữ, viết lách... Nếu như có thì chắc chắn bạn nên viết vào CV nhưng nếu chỉ có giải thưởng về văn nghệ, hoạt động ngoại khóa không liên quan gì tới công việc hoặc không có bất cứ giải thưởng nào, bạn cũng đừng thấy áp lực. Chỉ cần bỏ qua, ẩn nội dung khỏi CV xin việc biên dịch viên.

Nhà tuyển dụng tuyển Biên dịch viên dựa trên những tiêu chí nào?

V. Tiêu chuẩn tuyển dụng Biên dịch viên

Trong các bài đăng tuyển biên dịch viên, nhà tuyển dụng sẽ liệt kê rõ yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm của ứng viên, ví dụ: Tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành ngôn ngữ [Anh, Nhật, Trung, Hàn...], chứng chỉ [loại chứng chỉ, mức độ thành thạo], kinh nghiệm biên dịch 3 năm... Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí rõ ràng đó, họ cũng sẽ quan tâm đến các yếu tố khác, chủ yếu là tố chất, phẩm chất của ứng viên như:

  • Giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt.
  • Am hiểu ngôn ngữ, văn hóa.
  • Cẩn thận, nghiêm túc với công việc.
  • Biết sử dụng phần mềm dịch thuật là lợi thế.
  • Kỹ năng dịch thuật và hiệu đính, biên tập.
  • Kiến thức nền tốt về các lĩnh vực dịch thuật khác nhau.
  • Khả năng làm việc độc lập, sắp xếp thời gian hợp lý.
  • Chăm chỉ, không ngừng học hỏi để tích lũy và tiến bộ.

Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc

Đọc thêm: Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?



Qua một số chia sẻ trên đây của JOBOKO, hy vọng các bạn đã có hình dung đầy đủ hơn, biết cách viết CV xin việc biên dịch viên hấp dẫn, ấn tượng để chinh phục mọi nhà tuyển dụng. Những ai đang tìm việc làm lĩnh vực này vẫn băn khoăn chưa biết cách viết CV xin việc ra sao thì có thể truy cập vào mục tạo CV ở JOBOKO, lựa chọn các mẫu CV xin việc tiếng Anh hoặc tiếng Việt để ứng tuyển vị trí biên dịch viên. Tại đây, từng mục sẽ có hướng dẫn chi tiết nên bạn có thể dễ dàng theo dõi và tự mình thiết kế CV ấn tượng.

MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc Biên dịch viên
II. Mẫu CV xin việc Biên dịch viên​
III. Nên viết CV Biên dịch viên bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ?
IV. Cách viết CV xin việc Biên dịch viên​​​
V. Tiêu chuẩn tuyển dụng Biên dịch viên

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc

Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?

Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888