Cách viết CV xin việc Quản lý dự án

18/02/2023 16:30
Nếu bạn đang có ý định ứng tuyển vị trí Quản lý dự án, chuẩn bị kỹ lưỡng một bản CV là bước không thể thiếu trong quá trình xin việc. Để tạo ra một bản CV xin việc Quản lý dự án nổi bật và thu hút, bạn cần biết bố cục CV quản lý thế nào là chuẩn hay nên đề cập đến những kỹ năng quan trọng nào.

CV xin việc Quản lý dự án có bố cục gần giống với CV quản lý các vị trí khác, tuy nhiên cách viết sẽ mang đặc trưng ngành nghề riêng. Với vị trí Quản lý dự án, nhà tuyển dụng kỳ vọng ứng viên có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt nên bạn hãy lưu ý để đề cập trong CV xin việc của mình nhé.

Hướng dẫn cách viết CV xin việc Quản lý dự án chuyên nghiệp

1. Bố cục CV

Có ba loại bố cục CV cơ bản sau:
  • CV theo trình tự thời gian: Là loại CV sắp xếp kinh nghiệm việc làm của bạn theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến xa nhất.
  • CV chức năng: Là loại CV làm nổi bật kỹ năng và trình độ học vấn của bạn
  • CV kết hợp: Là loại CV kết hợp giữa CV theo trình tự thời gian và CV chức năng.

CV theo trình tự thời gian và CV kết hợp là hai loại được ứng viên Quản lý dự án sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều kinh nghiệm liên quan đến vị trí quản lý dự án, bạn nên sử dụng CV có bố cục theo trình tự thời gian. Còn nếu bạn vừa có một số kinh nghiệm vừa kỹ năng chuyên môn quản lý dự án và kỹ năng chuyển đổi tốt thì CV kết hợp là lựa chọn lý tưởng.

2. Thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân là phần đầu tiên và nổi bật nhất trong CV xin việc quản lý dự án nói riêng và CV xin việc nói chung. Những thông tin không thể thiếu trong phần này bao gồm: họ và tên, giới tính, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà ở. Ngoài ra, để thể hiện tính chuyên nghiệp, thay vì đưa link mạng xã hội cá nhân như Facebook hay Instagram, bạn nên đưa link Linkedin để giới thiệu rõ về bản thân hơn.

3. Tóm tắt bản thân

Tóm tắt bản thân trong CV xin việc quản lý dự án là một đoạn ngắn tầm 2 đến 3 câu về những kỹ năng, kinh nghiệm, mục tiêu của ứng viên. Mục này bạn cần nêu bật được trình độ, kỹ năng và thành tích cũng như chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng tại sao mình là ứng viên sáng giá.

Để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn có thể khéo léo đề cập đến tên công ty trong phần tóm tắt bản thân của mình. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin về sứ mệnh hay mục tiêu của công ty và dựa vào đó, bạn có thể viết mục tiêu của bản thân cũng như những đóng góp của bạn cho công ty trong tương lai.

Dưới đây là ví dụ minh họa phần tóm tắt bản thân của một quản lý dự án:

Là một quản lý dự án với hơn 12 năm kinh nghiệm quản lý các dự án IT trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hy vọng với kỹ năng lãnh đạo và quản lý tốt, tôi có thể giúp công ty Vandalite tăng trưởng doanh thu và sự hài lòng từ phía khách hàng.

4. Các kỹ năng quan trọng

Để thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng của bạn, phần kỹ năng trong CV xin việc quản lý dự án cần có sự kết hợp giữa hai yếu tố: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là những kiến thức chuyên môn liên quan trực tiếp đến việc quản lý dự án như lên kế hoạch, quản lý ngân sách, phân tích,... Trong khi, kỹ năng mềm là những kỹ năng thiên về tính cách con người như kỹ năng giao tiếp hay kỹ năng lãnh đạo.

Dưới đây là một số kỹ năng "tối" quan trọng của quản lý dự án:

  • Lên kế hoạch.
  • Quản lý rủi ro.
  • Theo dõi, đánh giá hiệu suất của dự án.
  • Lên kế hoạch và quản lý ngân sách.
  • Quản lý hợp đồng.
  • Đàm phán.
  • Giao tiếp.
  • Lãnh đạo.
  • Quản lý thời gian.

Tuy nhiên, bạn cần xem xét thật kỹ khi viết, xem kỹ năng mình thực sự có, đừng viết những gì mình không thành thạo vì khi bị phát hiện nói dối thì dù bạn có được nhận vào làm, bạn vẫn sẽ có nguy cơ bị loại.

5. Kinh nghiệm việc làm

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực, công việc quản lý dự án sẽ khác nhau. Khi nhiều ứng viên có kỹ năng giống nhau trong bản CV, nhà tuyển dụng sẽ dựa vào kinh nghiệm việc làm để đánh giá khả năng của mỗi ứng viên.

Ví dụ như, nếu công ty tuyển dụng là công ty về phát triển phần mềm, nhà tuyển dụng sẽ "ưu tiên" những ứng viên đã từng có kinh nghiệm quản lý dự án trong lĩnh vực công nghệ hơn người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay marketing.

Khi liệt kê kinh nghiệm làm việc, bạn cần nêu đủ thông tin về vị trí đảm nhiệm, tên công ty, thời gian làm việc ở trong khoảng từ 4 đến 6 gạch đầu dòng. Cố gắng sử dụng con số để chứng minh năng lực của bạn đồng thời cũng giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Nên đề cập những gì trong CV xin việc Quản lý dự án?

6. Trình độ học vấn

Không khác gì CV xin việc khác, trình độ học vấn trong CV xin việc nhân viên quản lý dự án phải đảm đầy đủ các thông tin sau: tên trường đại học, chuyên ngành học, xếp loại tốt nghiệp, thời gian tốt nghiệp. Nếu bạn còn đang đi học, bạn vẫn có thể viết ngày tốt nghiệp theo dự tính.

Tuy nhiên, không phải chỉ có bằng cử nhân đại học hay thạc sỹ mới có thể ứng tuyển vị trí quản lý dự án. Những ứng viên có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên cũng vẫn có cơ hội (nếu ứng viên có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng). Các chuyên ngành phù hợp nhất với vị trí này là Quản lý dự án, Quản trị kinh doanh, Khoa học quản lý, các chuyên ngành khối kinh tế hoặc kỹ thuật tùy vào lĩnh vực kinh doanh dự án cụ thể.

7. Thành tích

Nếu bạn có bất kỳ chứng chỉ hay các khóa học liên quan đến quản lý dự án, hãy thêm chúng vào CV. Bởi nó chứng minh rằng bạn luôn sẵn sàng học hỏi, nâng cao kiến thức để thực hiện công việc quản lý dự án tốt hơn. Khi thêm các chứng chỉ hay khóa học nào đó, bạn cần nêu rõ tiêu đề, cơ quan chứng nhận và ngày hết hạn (nếu có).

Nếu bạn đã đạt được những giải thưởng hay hoàn thành các dự án tiêu biểu nào, nên thêm chúng vào phần thành tích của CV. Đối với các dự án đặc biệt, bạn cần nêu rõ loại hình dự án, tổng ngân sách và khách hàng. Còn khi bạn viết về các giải thưởng, hãy nêu đầy đủ các thông tin như danh hiệu và năm bạn nhận được, mô tả ngắn về chúng (nếu cần). Chắc chắn với những thành tích bạn liệt kê trong CV sẽ gây ấn tượng nhà tuyển dụng về tài năng và những đóng góp của bạn.

Joboko.com vừa cung cấp đến bạn cách viết CV xin việc quản lý dự án. Hy vọng rằng những thông tin vừa rồi sẽ giúp ích bạn trong quá trình tìm việc làm.

MỤC LỤC:
1. Bố cục CV
2. Thông tin cá nhân
3. Tóm tắt bản thân
4. Các kỹ năng quan trọng
5. Kinh nghiệm việc làm
6. Trình độ học vấn
7. Thành tích

Đọc thêm: Mô tả công việc của Quản lý Dự án

Đọc thêm: CV xin việc cho vị trí Quản lý dự án: Nhà tuyển dụng cần gì?

Đọc thêm: Cách ghi trình độ học vấn khi làm CV xin việc

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888