Cách viết CV xin việc Quản lý chất lượng
Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, giám sát quy trình sản xuất và đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, họ cũng phải thường xuyên kiểm tra và giám sát thiết bị, máy móc sản xuất và đưa ra các đề xuất cải tiến phù hợp. Họ làm việc trong rất nhiều ngành nghề như sản xuất công nghiệp, dược phẩm, làm cho các công ty kinh doanh/phân phối sản phẩm hàng hóa,... Vì đặc thù nghề nghiệp, CV xin việc quản lý chất lượng không cần cầu kỳ nhưng phải rõ ràng, mạch lạc và đảm bảo tính chính xác.
MỤC LỤC:
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc quản lý chất lượng
II. Mẫu CV xin việc quản lý chất lượng
III. Cách viết CV xin việc quản lý chất lượng
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên quản lý chất lượng
Các bước viết CV xin việc quản lý chất lượng độc đáo, ấn tượng
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc quản lý chất lượng
Người làm quản lý chất lượng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ trước khi chúng chính thức được đưa ra thị trường. Nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và trung thực là những tố chất quan trọng, không thể không có với những ai theo đuổi sự nghiệp trong nghề này. Một sai sót nhỏ hay sự xuề xòa, dù chỉ trong một khoảnh khắc cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sản phẩm, thậm chí, đôi khi sai sót đó còn khiến sản phẩm bị thu hồi, vướng phải vấn đề pháp lý.
Cũng vì vậy mà trong CV xin việc quản lý chất lượng, ứng viên phải biết cách làm nổi bật thông tin quan trọng mà nhà tuyển dụng coi trọng nhất với nghề này, đó là chi tiết, cẩn thận và cầu toàn. Qua đó, chắc chắn bạn sẽ phần nào chứng minh được bạn hiểu công việc và hoàn toàn có khả năng làm tốt công việc đó. Hãy khéo léo lồng ghép các tố chất này vào phần kỹ năng hoặc thông qua kinh nghiệm làm việc, sở thích và hoạt động.
II. Mẫu CV xin việc quản lý chất lượng
Đến đây, có lẽ bạn sẽ tự hỏi, vậy CV xin việc của quản lý chất lượng thì chọn bố cục thế nào mới là đúng chuẩn? Câu trả lời là không có tiêu chuẩn bắt buộc với CV của vị trí này nhưng vẫn có các nguyên tắc cơ bản như: CV cơ bản, bố cục gọn gàng, có thể chọn nền trắng chữ đen, tránh các màu rực rỡ. Công việc của quản lý chất lượng thiên về kỹ thuật và cần có sự chính xác nên CV tốt nhất là tạo cảm giác đáng tin cậy.
III. Cách viết CV xin việc quản lý chất lượng
1. Thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân vốn là một phần giới thiệu bản thân cơ bản nhất, trả lời câu hỏi tôi là ai, tôi đang sinh sống ở đâu và có thể liên hệ với tôi theo cách nào. Với CV xin việc quản lý chất lượng, phần này không cần chú ý gì nhiều ngoài viết đúng, đầy đủ thông tin cá nhân của bạn để nhà tuyển dụng tiện liên lạc nếu bạn vượt qua vòng hồ sơ.
Phần "Kinh nghiệm làm việc" trong CV xin việc viết như thế nào?
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Làm công việc quản lý chất lượng, mục tiêu hàng đầu của bạn là gì? Muốn thăng tiến lên trưởng phòng, giám đốc hay bạn chỉ tạm thời muốn có một công việc với mức thu nhập khá? Trước khi chính thức viết vào CV, bạn hãy nghiêm túc suy nghĩ về cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình: Bạn muốn làm công việc này bao lâu? Bạn kỳ vọng đạt được mục tiêu nào? Bằng cách nào? Dĩ nhiên, mục tiêu của bạn phải liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển.
Để viết ấn tượng nhất, ngoài căn cứ vào suy nghĩ cá nhân, bạn đừng quên hiểu rõ cơ hội nghề nghiệp. Sẽ là không phù hợp nếu bạn muốn làm giáo viên nhưng lại theo nghề quản lý chất lượng.
Gợi ý:
- Nắm rõ tiêu chuẩn chất lượng ISO, đóng góp để hoàn thiện quy trình kiểm soát, quản lý chất lượng.
- Thành thạo các phần mềm phân tích và báo cáo quản lý chất lượng.
- Thăng tiến làm giám sát chất lượng sau 2 năm, trưởng phòng quản lý chất lượng sau 5 năm.
Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Cách viết mục tiêu công việc
3. Kinh nghiệm làm việc
3.1. Với ứng viên có kinh nghiệm
Kinh nghiệm là phần được hầu hết nhà tuyển dụng quan tâm nhất trong CV xin việc của ứng viên, bao gồm cả CV xin việc quản lý chất lượng. Có kinh nghiệm, bạn dễ vượt qua vòng chọn lọc hồ sơ. Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là bạn nhất định phải có đúng kinh nghiệm làm kiểm soát chất lượng hoặc quản lý chất lượng. Kinh nghiệm làm tester hay nhân viên thu mua,... đều có thể sẽ giúp bạn có kỹ năng thay thế. Ngoài ra, bạn đừng quên viết rõ (nhưng ngắn gọn) về việc bạn phụ trách công việc gì, có thành tựu như thế nào.
Gợi ý: Công ty May xuất khẩu XYZ, Nhân viên quản lý chất lượng (2/2020 - nay)
- Kiểm tra tính chính xác của tài liệu hướng dẫn, thiết bị trước khi đưa vào sản xuất, đảm bảo uy tín và chất lượng đầu ra của sản phẩm; lập quy trình kiểm soát chất lượng đầu ra của các sản phẩm may mặc.
- Khen thưởng Nhân viên xuất sắc (2020).
3.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm
Để xin việc quản lý chất lượng khi chưa có kinh nghiệm, bạn cần phân biệt rõ tình huống: Bạn mới ra trường, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đi làm chính thức hay bạn chỉ chưa làm công việc trong lĩnh vực này. Nếu là trường hợp đầu tiên, lựa chọn duy nhất của bạn là viết kinh nghiệm làm thêm, kinh nghiệm thực tập khi còn đi học. Trong khi đó, với trường hợp còn lại, các việc làm chính thức vẫn cần đưa vào dù ít ỏi và không đúng ngành.
Gợi ý: Công ty ABC, Thực tập sinh tester (10/2020 - 3/2021)
- Kiểm thử phần mềm, phát hiện bug và báo cáo cho người hướng dẫn.
4. Trình độ học vấn
Hiện vẫn chưa có nhiều trường đào tạo chuyên ngành quản lý/quản trị chất lượng. Điều này đặt ra một thực tế là hầu hết nhân sự trong lĩnh vực đều là làm trái ngành. Những bạn có bằng cấp chính quy về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm... thì sẽ có lợi thế hơn khi đi xin việc. Trong khi đó, đa số mọi người chỉ cần bằng cấp liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển là đủ.
Chẳng hạn, bạn làm quản lý chất lượng trong công ty may mặc thì người học về dệt may, thiết kế thời trang sẽ có lợi thế. Nhìn chung khi viết phần này, bạn cần đảm bảo tính chính xác của thông tin, liệt kê bằng cấp cao nhất của mình. Nếu có chứng chỉ đào tạo quản lý chất lượng, bạn có thể ghi lên phần trình độ học vấn luôn để nhà tuyển dụng dễ thấy.
Gợi ý: Đại học Kinh tế Tài chính (2016 - 2020)
- Chuyên ngành: Quản trị chất lượng.
- Tốt nghiệp loại Khá.
- GPA (điểm trung bình học tập): 2.9
5. Kỹ năng
Kỹ năng luôn là một phần khá đặc thù trong CV xin việc quản lý chất lượng vì đặc điểm không phải nghề có thể nói ngay được chính xác bạn sẽ tạo ra sản phẩm gì. Thực tế, nhiều ứng viên có thói quen chỉ viết phần này dựa vào mô tả công việc hoặc tệ hơn nữa là tâm lý "viết cho có". Trong khi đó, với nhà tuyển dụng thì đây lại là một trong những phần chính và quan trọng nhất của CV.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần cân nhắc kỹ phần này bằng cách liệt kê những kỹ năng mình có (mà bạn cho là hữu ích cho công việc quản lý chất lượng) và kỹ năng nhà tuyển dụng cần, sau đó lựa chọn để đưa vào CV.
Gợi ý:
- Kỹ năng sử dụng phần mềm, công cụ kiểm soát và quản lý chất lượng.
- Kỹ năng phân tích.
- Tỉ mỉ và cẩn thận, nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình quản lý chất lượng.
- Tư duy phản biện.
- Kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập.
6. Chứng chỉ
Có các chứng chỉ chuyên ngành về quản lý chất lượng, chứng chỉ ISO 9001 hay chứng chỉ tiếng Anh, ngoại ngữ khác không chỉ giúp CV xin việc quản lý chất lượng của bạn thêm thuyết phục mà còn tạo nền tảng để bạn phát triển sự nghiệp. Trong trường hợp bạn đã đi học và có các chứng chỉ này, hãy đề cập vào CV còn nếu chưa, bạn nên cân nhắc đi học càng sớm càng tốt nhé. Giả sử bạn chưa có chứng chỉ nào, tốt nhất là ẩn phần chứng chỉ khỏi CV.
Đọc thêm: Nên ghi phần chứng chỉ như thế nào trong CV xin việc?
7. Sở thích
Với nghề quản lý chất lượng thì có thể nhà tuyển dụng sẽ không thực sự chú ý quá nhiều đến sở thích của ứng viên. Tuy vậy, trong trường hợp học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng của bạn cũng tương tự như một, hai ứng viên cạnh tranh khác, lúc này, đây trở thành phần quan trọng để nhà tuyển dụng so sánh và ra quyết định. Tính cách thể hiện qua sở thích cho biết bạn có thực sự phù hợp với nghề hay không. Đừng quên rằng sở thích nên cho thấy sự tỉ mỉ, cẩn thận và cầu toàn của bạn.
Gợi ý:
- Đọc sách.
- Chơi game tư duy, game chiến thuật.
- Lắp ráp mô hình.
Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc
Hai phần cuối cùng trong CV xin việc quản lý chất lượng là tham chiếu và hoạt động. Với phần tham chiếu, bạn cần ghi thông tin của 1 hoặc 2 người tham khảo là giảng viên hoặc sếp cũ - những người có thể chứng minh rằng bạn có năng lực học tập, làm việc. Trong khi đó, với phần hoạt động, bạn có thể viết dựa theo sở thích, trải nghiệm với các hoạt động ngoại khóa hoặc bỏ qua (ẩn khỏi CV) vì phần này không thực sự bổ trợ nhiều cho vai trò quản lý chất lượng.
Cách viết mục hoạt động trong CV xin việc
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên quản lý chất lượng
Hiểu về các tiêu chuẩn chung mà nhà tuyển dụng dùng để đánh giá ứng viên vị trí nhân viên quản lý chất lượng sẽ giúp bạn tự cân nhắc, đánh giá bản thân xem mình có phù hợp không, có thể làm tốt hay không. Đồng thời, bạn cũng sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh CV xin việc quản lý chất lượng cũng như chuẩn bị cho các nội dung trong cuộc phỏng vấn tiềm năng. Một số tiêu chuẩn đó là:
- Cẩn thận, nghiêm túc và cầu toàn.
- Tuân thủ kỷ luật, quy định và các quy trình tiêu chuẩn.
- Khả năng tổng hợp, phân tích thông tin xuất sắc.
- Khả năng tập trung trong thời gian dài.
- Diễn đạt tốt, trình bày rõ ràng các vấn đề phát hiện, phát sinh trong báo cáo.
- Có trách nhiệm và khả năng chịu trách nhiệm trong công việc.
Tóm lại, để ứng tuyển vào một nhân viên quản lý chất lượng không hề khó như bạn nghĩ, điểm mấu chốt là phải khiến bản thân nổi bật ngay từ bước nộp CV. Áp dụng ngay các lưu ý khi viết CV xin việc quản lý chất lượng mà JOBOKO.com đã chia sẻ phía trên để nâng cao cơ hội trúng tuyển của mình nhé!
tin mới
Nếu gặp bất cứ vấn đề gì cần hỗ trợ, hãy gọi tới HOTLINE hoặc gửi thư về địa chỉ email bên dưới để được hỗ trợ.
Giải thưởng
của chúng tôi
Top 3
Nền tảng số tiêu biểu của Bộ
TT&TT 2022.
Top 15
Startup Việt xuất sắc 2019 do VNExpress tổ chức.
Top 10
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bình chọn.
Giải Đồng
Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2023.