​Cách vượt qua một ngày tồi tệ tại nơi làm việc

16/04/2020 07:15
Bạn phải trải qua một ngày tồi tệ tại nơi làm việc? Bạn không thể giữ được sự tỉnh táo? Máy in hỏng bất ngờ, ý tưởng bị loại bỏ, xung đột với đồng nghiệp? Lúc này, bạn phải làm gì để vượt qua? 7 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh khi cảm thấy tồi tệ và kém may mắn tại văn phòng.


Mỗi ngày đi làm, nếu bạn có tinh thần tràn đầy năng lượng và sẵn sàng đảm nhận các công việc được giao thì hiệu suất công việc chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Còn khi bạn luôn bị căng thẳng, sợ hãi bởi phải đối mặt với những thách thức, khó khăn trong ngày làm việc, bạn sẽ chẳng có được kết quả gì tốt đẹp, thậm chí mọi việc còn trở nên tồi tệ hơn. Vậy, làm thế nào để vượt qua cơn ác mộng mệt mỏi vì công việc cũng như những giây phút tồi tệ tại nơi làm việc?

Kết thúc một ngày làm việc tồi tệ nhanh chóng là điều mà nhiều người mong muốn

 

Làm thế nào để vượt qua một ngày tồi tệ tại nơi làm việc?

1. Đừng để bản thân mất kiểm soát

Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát những gì sếp hoặc đồng nghiệp làm hoặc những tai nạn ngẫu nhiên tại nơi làm việc, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những phiền toái đó. Và một phần lớn của việc giữ bình tĩnh liên quan đến việc duy trì quan điểm.

Để giúp ổn định những cảm xúc khó khăn sau một ngày tồi tệ tại nơi làm việc, hãy để logic dẫn đường. Nếu mức độ tức giận của bạn là 10 trên 10, hãy xem xét mức độ tức giận đó có phù hợp với tình huống xảy ra hay không. Nhận thức được sự kích thích cảm xúc sẽ cho phép bạn kiểm soát tốt hơn thái độ tiêu cực của mình.

2. Hãy đồng cảm

Khi một người khác, cho dù là đồng nghiệp hay khách hàng làm bạn thất vọng, hãy dành một phút để đặt mình vào vị trí của họ. Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất có một ngày tồi tệ.

Giống như bạn không muốn có cảm xúc tiêu cực, người khác cũng muốn được nghỉ ngơi. Bạn muốn lắng nghe, khách hàng cũng vậy. Bạn muốn giải quyết nhanh các tình huống phát sinh, đồng nghiệp của bạn chắc chắn cũng không muốn tiến độ công việc bị chậm lại. Trước hết hãy kiên nhẫn và lắng nghe trước khi phân tích cũng như phản ứng lại. Điều này có thể giúp bạn giảm đáng kể áp lực.
 

3. Ngăn chặn những kích thích vật lý gây ảnh hưởng xấu

Nếu các yếu tố gây căng thẳng trong văn phòng đang gặm nhấm dây thần kinh của bạn, thì bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất và đó là cách để loại bỏ chúng. Hãy tự giải quyết bằng cách tạm rời khỏi bàn làm việc, rút khỏi cuộc tranh luận, đeo tai nghe, v.v.

Bên cạnh việc ngăn chặn các kích thích vật lý, bạn cũng nên thực hành tự điều chỉnh tinh thần. Bạn có thể lập danh sách 10 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn, hoặc khiến mình bận rộn bằng cách tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó. Sự tập trung sẽ giúp điều chỉnh cân bằng suy nghĩ tiêu cực.

4. Giao tiếp khéo léo hơn

Nếu tâm trạng của bạn xuống dốc vì phải nghe quá nhiều, bị ép tham gia quá nhiều với những người thích buôn chuyện (đồng nghiệp/khách hàng), bạn có thể khéo léo từ chối. Chẳng hạn bạn có thể nói rằng câu chuyện thật thú vị nhưng bạn phải quay lại với công việc của mình. Điều này sẽ giúp định vị bạn là một người không muốn bị làm phiền với một số cuộc thảo luận hoặc tin đồn tại văn phòng.

5. Không để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực của những người xung quanh

Tâm trạng dù tích cực hay tiêu cực của một người rất dễ lây lan, vì vậy hãy tập trung vào công việc của bạn để ngăn chặn sự lây lan những cảm xúc tiêu cực. Nếu một đồng nghiệp nào đó đang ở trong tâm trạng tồi tệ thì không có nghĩa là bạn cũng cần phải cảm thấy như vậy. Hãy cố gắng giúp đỡ họ trong khi giữ cho bản thân ổn định.

Nắm được cách vượt qua một ngày tồi tệ tại nơi làm việc sẽ giúp bạn 

6. Sử dụng sự hài hước như một công cụ

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự hài hước ở nơi làm việc. Nếu có cơ hội để làm dịu tâm trạng, ngay cả khi đó là một cách riêng tư, hãy nắm bắt khoảnh khắc đó. Tìm thấy niềm vui và sự an ủi trong một tình huống tồi tệ có thể giúp bạn giảm bớt được rất nhiều căng thẳng. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn không mất đi sự chuyên nghiệp trong công việc. Dĩ nhiên, sự hài hước đó cũng không phải kiểu châm biếm hoặc công kích cá nhân.

7. Kết thúc một ngày làm việc với sự rõ ràng

Hãy nhớ rằng, bạn làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Do đó, bạn nên cố gắng hoàn thành công việc trong ngày, từ đó cho phép mình có điều kiện để nạp năng lượng qua đêm và bắt đầu mới vào ngày hôm sau. Vào cuối ngày làm việc, hãy lập một danh sách những điều bạn cần hoàn thành vào ngày hôm sau. Cách đó giúp bạn dành ít thời gian ở nhà hơn để suy nghĩ về những gì đang chờ đợi vào ngày hôm sau.

Nếu những ngày tồi tệ ở nơi làm việc liên tục diễn ra và khiến bạn cảm thấy kiệt sức, có lẽ đã đến lúc bạn nên nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của mình. Bạn có thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn, chuyển chỗ làm hoặc thậm chí là thay đổi định hướng nghề nghiệp của bản thân. Với những bí kíp giúp bạn lấy lại niềm vui trong công việc Joboko chia sẻ, hy vọng sẽ nhanh chóng cân bằng được công việc và cuộc sống của mình một cách tốt nhất.
  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888