Làm gì để CV xin việc của bạn không bị liệt vào "danh sách đen"?

04/05/2022 10:30
Khi đi xin việc, ai cũng muốn tạo cho mình bản CV hoàn hảo nhất để có "tấm vé" bước vào vòng phỏng vấn. Tuy nhiên, đôi khi có một vài "điểm khuyết" ở CV khiến nhà tuyển dụng đặt ra nhiều nghi vấn, thậm chí là liệt kê bạn vào "danh sách đen". Vậy làm thế nào để tránh được điều này?

Muốn CV xin việc không bị liệt vào "danh sách đen", ứng viên cần biết được cách xử lý nhằm biến nhược điểm thành "cơ hội vàng". Dù bạn có đủ điều kiện chuyên môn và kỹ năng như thế nào đi chăng nữa mà không biết lấp đầy các "điểm khuyết" trong CV xin việc thì cũng sẽ dễ bị nhà tuyển dụng "đánh trượt".

Những "điểm khuyết" phổ biến trong CV xin việc

1. Khéo léo khi giải thích về khoảng trống nghề nghiệp

Một trong những mối bận tâm lớn nhất của nhà tuyển dụng khi đọc CV của ứng viên đó là khoảng trống nghề nghiệp, nghĩa là có khoảng thời gian ngắt quãng giữa các công việc cũ của bạn. Nhà tuyển dụng có thể sẽ cho là bạn thất nghiệp do năng lực không tốt hoặc là một số điều tiêu cực khác.

Để hạn chế nguy cơ bị nhà tuyển dụng nghi ngại vì những khoảng trống nghề nghiệp, hãy đưa ra lý do chính đáng giải thích tại sao bạn nghỉ việc trong thời gian đó. Đó có thể là khoảng thời gian bạn nghỉ để chăm sóc người thân trong giai đoạn khó khăn hoặc bạn muốn dành thời gian để học thêm những kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công việc. Bên cạnh vấn đề cá nhân, tác động ngoại cảnh cũng có thể là nguyên nhân như công ty cũ cắt giảm nhân sự do khủng hoảng đại dịch hay việc bạn muốn thay đổi về định hướng công việc trong tương lai.

Có hai cách để "lấp đầy" khoảng trống nghề nghiệp. Thứ nhất là hãy chỉ ra những điều hữu ích cho sự nghiệp tương lai mà bạn đã học được trong khoảng thời gian đó. Ví dụ như bạn nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc cho người thân và trong khoảng thời gian đó có tham gia khóa học trực tuyến để bổ trợ kỹ năng, kiến thức cho công việc.

Ngoài ra, nếu trong thời gian đó, mặc dù không phải làm việc full-time nhưng bạn có nhận một vài hợp đồng, dự án thì cũng rất xứng đáng được đề cập đến. Chỉ ra những hoạt động tình nguyện, các khóa học, chứng chỉ, sự kiện, tọa đàm mà bạn tham gia cũng là một cách hay để thể hiện sự cầu thị học hỏi, chứng minh bạn có đủ kỹ năng và năng lực chuyên môn để thực hiện công việc.

Hãy thể hiện rằng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn công việc này chứ không phải bạn cứ ứng tuyển "bừa" khi thấy tuyển dụng. Hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng khoảng trống nghề nghiệp là sự lựa chọn của bạn chứ không phải là bị sa thải do điều gì đó tiêu cực.

2. Trình bày về các lý do nhảy việc

Như thế nào được coi là nhảy việc? Nhảy việc là khi bạn thay đổi nhiều công việc khác nhau trong một thời gian ngắn từ 3-6 tháng. Nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi rằng liệu tuyển bạn về công ty bạn có nhảy việc tiếp?

Tuy nhiên đừng quá lo lắng nếu bạn là người hay thay đổi công việc, sẽ có những chiến thuật viết CV giúp lấy được cảm tình của nhà tuyển dụng.

Hãy nhấn mạnh vào việc bạn đã học được gì và phát triển như thế nào trong môi trường làm việc khác nhau. Làm nổi bật năng lực, kỹ năng và thành tựu của bạn bởi suy cho cùng những yếu tố này vẫn đóng vai trò then chốt quyết định bạn có phải là một ứng viên tiềm năng hay không.

Ngoài ra, để thuyết phục được nhà tuyển dụng bạn cần có cam kết và gắn bó lâu dài với công ty. Một trong những phần nội dung nên nhấn mạnh trong CV xin việc của mình đó chính là mục tiêu nghề nghiệp. Mặc dù đã trải qua nhiều vị trí khác nhau nhưng nếu bạn xây dựng cho mình một mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn và nhất quán thì bạn sẽ không bị coi là "đứng núi này trông núi nọ" - vốn là điều mà nhà tuyển dụng rất kiêng kị.

Làm thế nào để lấp đầy những "điểm khuyết" trong CV xin việc?

3. Sẵn sàng nói về lý do nghỉ việc ngay từ khi viết CV

Nhà tuyển dụng thường thích tuyển những ứng viên hiện tại vẫn đang làm việc bởi vì họ cho rằng ứng viên giỏi sẽ không rời bỏ công việc đột xuất nếu không có dự kiến trước. Nếu bạn vừa mới nghỉ việc, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi lớn rằng: Lý do khiến bạn từ bỏ công việc cũ?

Vì vậy, ngay khi viết CV, bạn đã phải nghĩ xa hơn là nếu được mời phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi về lý do nghỉ việc thì bạn giải thích thế nào. Việc có sự chuẩn bị về lý do nghỉ việc là vô cùng cần thiết để bạn có thể điều chỉnh thông tin trong CV, cover letter.

Dù do bạn chủ động xin nghỉ hay do bị sa thải, bạn cũng cần cân nhắc một số điều sau khi giải thích về hoàn cảnh nghỉ việc của mình:

  • Mặc dù bạn có thể cảm thấy bất mãn và không hài lòng về công ty cũ, nhưng lý do đó có thể khiến bạn để lại ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng. Do vậy, thay vì tập trung nói về những vấn đề tiêu cực ở công ty cũ như điều kiện làm việc tồi tệ, xung đột cá nhân, khả năng quản lý kém của công ty, hãy chỉ ra những mặt tích cực trong quá trình làm việc ở công ty cũ: Bạn đã học được gì? Bạn đã xây dựng được mối quan hệ nào? Bạn đã đạt được những thành tích gì?

  • Hãy nói về môi trường làm việc bạn mong muốn được phát triển - ví dụ môi trường có tốc độ phát triển nhanh, sáng tạo và đổi mới. Đó là lý do bạn muốn thay đổi công việc để phù hợp với định hướng phát triển bản thân hơn.

Lý do nghỉ việc ở công ty cũ luôn là câu hỏi khiến ứng viên băn khoăn nhất khi trả lời bởi nếu không khéo léo sẽ gây "mất điểm" trong mắt nhà tuyển dụng. Do vậy hãy trả lời ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện sự chuyên nghiệp khi trình bày lý do của mình nhé.

Khoảng trống nghề nghiệp, thời gian làm việc ngắn, thay đổi công việc, nghỉ việc ngoài dự kiến là điều mà nhiều người lao động khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, nếu biết cách đề cập những nhược điểm này trong CV xin việc, bạn có thể "lật ngược tình thế" để thể hiện sự phù hợp của mình với vị trí đang tuyển.

MỤC LỤC:
1. Khéo léo khi giải thích về khoảng trống nghề nghiệp
2. Trình bày về các lý do nhảy việc
3. Sẵn sàng nói về lý do nghỉ việc ngay từ khi viết CV

Đọc thêm: Employment gap là gì? Có nên đề cập khoảng thời gian không đi làm trong CV?

Đọc thêm: Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888