Nên làm biên dịch hay phiên dịch khi học ngoại ngữ?
Phiên dịch viên và Biên dịch viên là những người chuyển đổi thông điệp, thông tin từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Phiên dịch viên chủ yếu làm việc bằng ngôn ngữ nói trong khi Biên dịch viên chủ yếu làm việc với ngôn ngữ viết, chuyển ngữ tài liệu hoặc văn bản.
Nhiệm vụ của Phiên dịch viên và Biên dịch viên:
Phiên dịch viên chuyển đổi thông tin dạng nói từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hoặc giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu. Mục tiêu của Phiên dịch viên là để mọi người nghe hiểu. Kỹ năng Nghe và Nói là quan trọng nhất với một Phiên dịch viên.
Yêu cầu với vị trí Phiên dịch viên không chỉ giới hạn ở khả năng sử dụng thành thạo cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích mà còn liên quan tới vấn đề tính cách, khả năng xử lý tình huống. Hầu hết Phiên dịch viên thường có khả năng giao tiếp tốt, không ngại đám đông, chịu được áp lực và căng thẳng - nhất là khi dịch hội nghị lớn, dịch cabin. Phiên dịch viên cũng cần quyết đoán, khéo léo trong xử lý tình huống, sự tập trung cao độ để không bỏ lỡ thông tin cần phiên dịch hoặc khắc phục khi trót dịch thiếu thông điệp.
Môi trường làm việc của Phiên dịch viên là trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Đánh giá một cách khách quan thì công việc của một Phiên dịch viên căng thẳng hơn so với Biên dịch viên. Mặc dù vậy, trở thành một Phiên dịch viên cung cấp cho bạn cơ hội học hỏi và hiểu sâu hơn về ngôn ngữ nói, mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với Biên dịch viên.
Biên dịch viên còn có thể được gọi ngắn gọn là dịch giả, là những người chuyển đổi tài liệu bằng văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Mục tiêu của một dịch giả là để mọi người đọc bản dịch như thể đó là tài liệu viết ban đầu. Để làm điều đó, Biên dịch viên phải có khả năng viết tốt, duy trì chính xác cấu trúc, phong cách và nội dung của văn bản gốc trong khi vẫn đảm bảo tính dễ đọc, dễ hiểu. Dịch giả không chỉ có khả năng đọc ngôn ngữ gốc trôi chảy mà còn phải giỏi cả ngôn ngữ đích.
Gần như tất cả các công việc dịch thuật của Biên dịch viên được thực hiện trên máy tính. Bản dịch thường trải qua nhiều lần chỉnh sửa trước khi trở thành bản cuối cùng, trong khi với Phiên dịch viên thì bạn gần như không có cơ hội sửa lại bài dịch nói vì mọi thứ diễn ra ngay trong thời gian thực.
Công việc Biên dịch viên thường được đánh giá là "nhàn" hơn ít nhiều so với nghề phiên dịch và dĩ nhiên điều này cũng có nghĩa là thu nhập của bạn sẽ ít hơn. Ngoài ra, bạn có thể làm việc hoàn toàn trong môi trường văn phòng, ít phải giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh. Do vậy, những ai yêu thích công việc này có thể cân nhắc tạo CV xin việc biên dịch viên để ứng tuyển hiệu quả.
Biên dịch và phiên dịch có gì khác biệt?
Rất nhiều bạn trẻ băn khoăn không biết mình nên chọn theo nghề biên dịch hay phiên dịch. Trên thực tế, cả 2 nghề này đều có những ưu và nhược điểm trên. Nghề phiên dịch thường đỏi hỏi khả năng ngoại ngữ tốt hơn, do vậy, lựa chọn của bạn phải phù hợp với trình độ ngôn ngữ thực tế của bạn. Nếu bạn không quá xuất sắc trong khả năng Nghe và Nói thì có thể nghề biên dịch sẽ hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn nghề biên dịch hay phiên dịch bạn cũng phải cân nhắc đến vấn đề tính cách và sở thích. Nếu bạn hướng nội và ngại giao tiếp thì nghề phiên dịch sẽ có thể khiến bạn bị quá tải. Cũng có trường hợp những người rất giỏi ngoại ngữ nhưng chọn trở thành Biên dịch viên vì họ thích môi trường yên tĩnh hoặc thích dịch sách, dịch báo chí,...
Dù bạn quyết định trở thành một Biên dịch viên hay Phiên dịch viên thì trước đó bạn cần tập trung vào rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa của quốc gia nói ngôn ngữ đó, duy trì sự tập trung cao độ để có sự nghiêm túc và chuyên nghiệp. Một số chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay các chương trình đào tạo biên, phiên dịch nâng cao cũng sẽ hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn. Cùng với đó, bạn cũng nên tìm hiểu những ngôi trường nào đào tạo biên, phiên dịch tốt, dễ xin việc để cân nhắc lựa chọn sao cho phù hợp nhất.
MỤC LỤC:
I. Công việc của Biên dịch viên và Phiên dịch viên
II. Sự khác biệt giữa Phiên dịch viên và Biên dịch viên
III. Học ngoại ngữ nên chọn theo nghề biên dịch hay phiên dịch?
Đọc thêm: Nghề biên phiên dịch - Công nghệ liệu có thể thay thế con người?