Mẹo nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề để thành công sự nghiệp

03/03/2021 12:15
Giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở ứng viên. Người sở hữu kỹ năng này có phản ứng nhanh nhạy, tư duy tốt, thông minh và hiểu biết. Nếu có thể nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn nhất định sẽ đạt được thành công lớn trong công việc.

Kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bởi ứng viên sở hữu kỹ năng này có khả năng xử lý các tình huống khó khăn bất ngờ ập đến khi triển khai các dự án cũng như trong quá trình tương tác với các khách hàng. Để tìm hiểu chi tiết, bạn đọc hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây về kỹ năng giải quyết vấn đề là gì, các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề và làm thế nào để học hỏi, hoàn thiện kỹ năng này nhé.

1. Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving) là khả năng giải quyết tình huống phát sinh, có thể là những phát sinh đột ngột, khó khăn và bất ngờ khi tương tác với khách hàng, đối tác. Kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến kỹ năng lắng nghe tích cực, phân tích, nghiên cứu, sáng tạo, giao tiếp, khả năng đáng tin cậy và làm việc teamwork, cuối cùng là ra quyết định một cách quyết đoán.

Khả năng sắp xếp trật tự, phân tích và sáng tạo như so sánh, tương phản cũng như chọn lọc đều quan trọng khi nói về kỹ năng giải quyết vấn đề. Tư duy phân tích là phạm trù trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề bởi quá trình phân tích sẽ giúp phát hiện ra các vấn đề và định hướng ra các giải pháp.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề

  • Kỹ năng nghiên cứu: Thu thập thông tin cần thiết cho dự án bằng hoạt động làm việc nhóm hoặc qua nghiên cứu và trao đổi trực tuyến, trực tiếp.
  • Kỹ năng phân tích: Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là phân tích tình huống để tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân để tìm biện pháp giải quyết hiệu quả.
  • Khả năng ra quyết định: Sau khi trao đổi kinh nghiệm và thảo luận, nhóm của bạn cuối cùng cũng phải ra quyết định để tiến hành thực hiện và bước đầu đánh giá kết quả.
  • Kỹ năng giao tiếp: Khi đã ra quyết định và tiến hành thực hiện, bạn cần tìm sự hỗ trợ qua việc giao tiếp tương tác với các đối tác liên quan. Hơn nữa, tương tác sẽ giúp giảm thiểu sự phân vân và tăng hiệu quả cho các giải pháp.
  • Phẩm chất đáng tin cậy: Các nhà quản lý đánh giá cao thành viên sở hữu đầu óc nhạy bén, nhanh chóng hoạch định ra các giải pháp cho một vấn đề phức tạp. Những người giải quyết vấn đề hiệu quả toát lên phong thái tự tin, bình tĩnh trong nhiều tình huống và xử lý mọi việc logic.

3. Cách nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề để phát triển sự nghiệp

Kỹ năng giải quyết vấn đề không phải ai sinh ra cũng đã có. Trong chúng ta, sẽ có những kiểu tính cách như là "nhà lãnh đạo bẩm sinh", giỏi cáng đáng và bình tĩnh với mọi quyết định, gặp khó khăn hoặc rơi vào "thế bí" vẫn có thể đương đầu. Thế nhưng, không quá khi nói rằng hầu hết mỗi người đều phải học hỏi, rèn luyện để dần trưởng thành, biết cách chịu trách nhiệm thì mới có thể thực sự phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

Dưới đây là 5 cách giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn và giúp bạn trở thành người giải quyết vấn đề hiệu quả. Hy vọng rằng chúng cũng sẽ giúp bạn xem xét việc tình huống vấn đề từ một góc độ khác, tập trung vào các giải pháp.

3.1. Nhận thức đúng và hiểu đúng vấn đề

"Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút để suy nghĩ về vấn đề đó và 5 phút để suy nghĩ về các giải pháp", thiên tài Albert Einstein từng chia sẻ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết vì chưa có một nỗ lực tập trung để thực sự hiểu và xác định đúng bản chất của nó.

Ví dụ, hãy nghĩ lại khi bạn còn đi học. Nếu bạn nhờ giáo viên trợ giúp cho một câu hỏi cụ thể mà bạn đang khó trả lời, họ có cung cấp ngay cho bạn một giải pháp không? Chắc là không. Thay vào đó, họ có thể trước hết xem xét câu hỏi với bạn và nói về những gì họ thực sự yêu cầu bạn để đảm bảo rằng bạn đang cố gắng giải quyết đúng vấn đề.

Bạn có thể tuân theo nguyên tắc tương tự để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của mình ở nơi làm việc. Nói cách khác, giải quyết vấn đề tốt trước hết đòi hỏi bạn phải hiểu vấn đề thực sự mà bạn cần phải giải quyết trước khi bạn cố gắng đưa ra bất kỳ giải pháp nào. Thông thường, ngay khi bạn xác định được mục đích chính xác của vấn đề, một giải pháp sẽ dễ dàng được đưa ra.

3.2. Nghiên cứu các hệ thống và thực tiễn đằng sau vấn đề

Khi đối mặt với một vấn đề trong công việc, hãy yêu cầu các bên liên quan trao đổi với bạn về các nguyên tắc cơ bản của các vấn đề liên quan để bạn hiểu được tình hình hoặc quy trình hiện đang hoạt động như thế nào. Đừng nghĩ rằng bạn biết tất cả mọi thứ và do đó nên đưa ra giải pháp ngay lập tức. Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến ​​của những người khác nữa để có hiểu biết mang tính hệ thống, từ đó xác định nguyên nhân chính xác hơn.

Ví dụ, hãy nghĩ về một tình huống đơn giản, chẳng hạn như một cái xô chứa đầy nước và sau đó bắt đầu tràn ra. Suy nghĩ đầu tiên của bạn có thể là có được một cái thùng lớn hơn, nhưng điều này sẽ chỉ ngăn chặn các "triệu chứng" hơn là xác định nguyên nhân gốc rễ.

3.3. Hình dung vấn đề

Mặc dù phương pháp này có thể không phù hợp với tất cả các tình huống, nhưng bạn hãy thử cố gắng trực quan hóa vấn đề - chẳng hạn vẽ một sơ đồ đơn giản về quy trình, tình huống bạn cần khắc phục, sau đó bạn sẽ rõ hơn về vấn đề phức tạp ở đâu.

3.4. Suy nghĩ về các giải pháp sáng tạo

"Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của mình với cùng một tư duy mà chúng ta đã sử dụng khi tạo ra chúng" - thêm một quan điểm vô cùng thực tế khác của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein.

Tạo ra một giải pháp đơn giản không có nghĩa là tầm thường hóa hoặc vội vàng giải quyết vấn đề mà bạn đang tìm cách giải quyết. Một khi bạn hiểu vấn đề và các nguyên tắc cơ bản đằng sau nó, hãy căn cứ vào suy nghĩ của bạn để bạn có thể tóm tắt và tiếp cận vấn đề với góc nhìn mới mẻ và toàn vẹn. Sau đó, hãy suy nghĩ về các giải pháp khả thi.

Những người có kỹ năng giải quyết vấn đề giỏi dựa trên kỹ năng tư duy phản biện của họ và hiểu rằng không có giải pháp 'đúng' hoặc 'sai' vào thời điểm này. Chìa khóa để giải quyết vấn đề là tập trung vào các giải pháp đơn giản, sáng tạo - nhưng việc có thể đưa ra một câu trả lời sáng tạo không liên quan đến khả năng sáng tạo của bạn. Thay vào đó, đó là khả năng của bạn để suy nghĩ về một vấn đề và giải pháp tiềm năng từ góc độ khác.

3.5. Xác định câu trả lời tốt nhất cho vấn đề gặp phải

Khi bạn có danh sách các giải pháp tiềm năng, hãy xem xét chúng để thu hẹp các tùy chọn của bạn. Nếu bạn có một danh sách dài, hãy nhóm các ý tưởng chung lại với nhau. Để hỗ trợ bạn ra quyết định, hãy suy nghĩ kỹ từng giải pháp trong bối cảnh mục tiêu, ngân sách và khung thời gian của công ty/ phòng ban cũng như các kết quả thành công có thể đạt được. Đồng thời xem xét bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào liên quan đến các giải pháp này.

Trình bày ý tưởng cuối cùng của bạn với các thành viên trong nhóm và các bên liên quan, đồng thời thu thập phản hồi của họ, cũng sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt nhất có thể.

Kỹ năng giải quyết vấn đề có thật sự cần thiết trong công việc

4. Cách làm nổi bật kỹ năng giải quyết vấn đề trong hồ sơ xin việc

Việc thể hiện và làm nổi bật kỹ năng giải quyết vấn đề trong hồ sơ xin việc có thể coi là "ngôi sao hy vọng" giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng. Đây thực sự là kỹ năng "vàng" dù cho bạn ứng tuyển vào bất cứ công việc nào, trong lĩnh vực, ngành nghề nào. Bạn có thể thể hiện kỹ năng này qua các thông tin như:

- Đã tham gia tích cực các hoạt động CLB trong trường.

- Tham gia dự án tình nguyện.

- Kinh nghiệm tư vấn khách hàng trong môi trường áp lực,...

Cách làm nổi bật kỹ năng giải quyết vấn đề trong hồ sơ xin việc

5. Làm sao để chứng minh với nhà tuyển dụng về kỹ năng giải quyết vấn đề khi phỏng vấn?

Nhà tuyển dụng có rất nhiều cách khác nhau để đánh giá về kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn trong phỏng vấn như hỏi bạn về công việc trước đây, đặt câu hỏi tình huống hoặc là đánh giá sự thể hiện của bạn trong toàn bộ quy trình bạn ứng tuyển.

Một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhà tuyển dụng hay dùng để kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên là:

- "Hãy kể lại một lần bạn gặp phải sự cố bất ngờ trong công việc. Bạn đã làm thế nào để xử lý vấn đề này?".

- "Đã bao giờ khách hàng tìm đến bạn để phàn nàn về dịch vụ của công ty hay chưa? Bạn đã làm thế nào?".

- "Nếu khách hàng/ đối tác..., bạn sẽ giải quyết ra sao?",...

Với những câu hỏi này, tốt nhất là bạn nên đưa ra một ví dụ cụ thể mà bạn đã gặp phải. Vấn đề là gì? Nguyên nhân do đâu và bạn đã tiếp cận, giải quyết bằng cách nào?

Có kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn có thể đạt được nhiều thành tựu, thành tích trong công việc và dễ thăng tiến hơn. Hãy nhớ những lời khuyên của JobOKO, đừng bao giờ vội vàng đưa ra một giải pháp, hãy hiểu bản chất của vấn đề và tìm cách khắc phục, từ đó giải quyết hiệu quả hơn bạn nhé!

MỤC LỤC:
1. Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề
3. Cách nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề để phát triển sự nghiệp
4. Cách làm nổi bật kỹ năng giải quyết vấn đề trong hồ sơ xin việc
5. Làm sao để chứng minh với nhà tuyển dụng về kỹ năng giải quyết vấn đề khi phỏng vấn?

Đọc thêm: Cách nâng cao kỹ năng thuyết phục để giải quyết công việc hiệu quả

Đọc thêm: Mẹo giúp tăng kỹ năng sắp xếp, quản lý công việc khoa học

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888