Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV xin việc

10/01/2022 15:30
Lĩnh vực kinh doanh tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm, tuyển dụng thường xuyên và cạnh tranh giữa các ứng viên đôi khi cũng "sứt đầu mẻ trán". Cho dù bạn ứng tuyển vào vị trí nào nhưng nếu có thể biết cách trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh thật ấn tượng trong CV thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn hẳn.

Mục tiêu nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong những ngành nghề khác nhau chắc chắn sẽ không giống nhau. Có những người muốn "thăng quan tiến chức", người khác lại kỳ vọng có thể đạt được đột phá về thành tựu nghiên cứu. Thế nhưng, một khi đã trình bày mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc thì ngoài những điểm khác biệt cần lưu ý, nguyên tắc viết vẫn sẽ có những điểm giống nhau. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh không mấy phức tạp nhưng cũng có những lưu ý nhất định bạn nên ghi nhớ.

Nên viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh thế nào cho ấn tượng?

I. Mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh được hiểu là mục tiêu, định hướng sự nghiệp của những ai đã và đang bắt đầu xây dựng sự nghiệp trong ngành này. Đặc điểm mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh là có nhiều ngã rẽ, hướng đi mà bạn có thể hướng tới. Do đó, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn có thể thay đổi thường xuyên hơn so với nghề khác.

Ví dụ, có những người khi bắt đầu với vai trò nhân viên kinh doanh có thể mong muốn sau 3 năm trở thành trưởng nhóm, 5 năm thì lên trưởng phòng nhưng rất có thể, thực chất sau 5 năm thì họ đã có năng lực, vốn liếng để tự kinh doanh, khởi nghiệp. Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra là bạn làm nhân viên kinh doanh bất động sản có mục tiêu mở văn phòng BĐS sau 5 năm nhưng thực tế, có thể chuyển sang làm kinh doanh phần mềm hay kinh doanh bảo hiểm và đạt được thành tựu khác.

II. Tầm quan trọng của việc thể hiện mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh với NTD

Dĩ nhiên bạn có thể nghĩ rằng mục tiêu nghề nghiệp là mục tiêu cá nhân, tự bạn xác định và phấn đấu là được, vì sao nhà tuyển dụng lại quan tâm? Thậm chí có nhiều ứng viên đến mục tiêu của mình cũng chưa rõ, chỉ đơn giản là mong muốn có việc làm, có thu nhập mà thôi. Do đó, khi phải hoàn thành phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV ứng tuyển thì sẽ bối rối và dễ phạm sai lầm như không biết viết ra sao hoặc là nói dối.

Hiểu được lý do vì sao NTD muốn tìm hiểu về mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên, bạn sẽ chú trọng hơn và biết cách viết tốt hơn:

  • Trong quan điểm của NTD, một ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, định hướng rõ ràng sẽ có động lực phấn đấu và đáng tin cậy.
  • NTD muốn biết mục tiêu của ứng viên có phù hợp với mục tiêu chung của công ty hay không - điều này quyết định cơ hội việc làm của bạn vì cho dù bạn có năng lực xuất sắc nhưng nếu mục tiêu là những gì công ty không thể đáp ứng, không "chung đường" thì chắc chắn không thể cùng đi.
  • Với ngành kinh doanh, mục tiêu càng tham vọng thì có nghĩa là bạn càng nỗ lực, không ngại thử thách, sẵn sàng xông pha không nản lòng.

Rõ ràng là viết và viết tốt mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh nói riêng cũng như trong CV ứng tuyển các ngành nghề khác nói chung đều chỉ có lợi cho ứng viên. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng có thêm căn cứ để xét duyệt hồ sơ, đánh giá chính xác mức độ phù hợp.

Lý do nên đề cập mục tiêu nghề nghiệp trong CV kinh doanh

III. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV

1. Tìm hiểu về con đường sự nghiệp ngành kinh doanh

Có thể nói kinh doanh là lĩnh vực có nhiều vị trí việc làm và hướng đi nhất trong số các nghề nghiệp hiện nay. Cũng vì vậy mà để có thể viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh vào trong CV xin việc, trước hết bạn cần hiểu về các cơ hội thăng tiến, tiềm năng phát triển của mình. Không có con đường sự nghiệp cố định hay mốc thời gian cố định để một người đạt được thành công trong sự nghiệp nhưng vẫn có những lộ trình phổ biến.

Với ngành kinh doanh, con đường sự nghiệp của nhiều người thường bắt đầu từ: Nhân viên kinh doanh/ Nhân viên bán hàng - Chuyên viên kinh doanh - Trưởng nhóm kinh doanh - Phó phòng kinh doanh - Trưởng phòng kinh doanh (Sales Manager) - Giám đốc phòng kinh doanh (Sales Director) - CEO.

Đương nhiên, có những người gia nhập lĩnh vực kinh doanh với những vai trò như Nhân viên CSKH, Telesales, Nhân viên kinh doanh thương mại điện tử, NVKD phòng khách sạn, kinh doanh tour,... thì mục tiêu nghề nghiệp cũng có thể khác, ví dụ thăng tiến lên các vai trò giám đốc dịch vụ khách hàng, giám đốc khách sạn,...

Nhìn chung, trước khi viết CV phần mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh, để chắc chắn bạn vẫn nên tìm hiểu về những cơ hội mình có và so sánh với thực lực ở thời điểm hiện tại để khi viết ra sẽ thuyết phục hơn.

2. Hướng dẫn cách viết mục tiêu nghề nghiệp kinh doanh

Mục tiêu nghề nghiệp kinh doanh khi trình bày trong CV xin việc nên đảm bảo tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như sau:

  • Viết ngắn nhưng chất lượng, chỉ nên giới hạn trong 1 đoạn 2 - 3 câu hoặc 2 gạch đầu dòng, trình bày rõ ràng và mạch lạc về mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của bạn.
  • Mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh nên thể hiện được tham vọng của bản thân bạn, trường hợp khó đạt được ở hiện tại nhưng nếu dám nghĩ, dám mơ và nỗ lực thì vẫn được đánh giá cao.
  • Định hướng nghề nghiệp kinh doanh nên đề cập tới mục tiêu trong ngành, không bất ngờ chuyển sang nghề khác như nhân sự, CNTT,... Ví dụ, bạn làm kinh doanh BĐS thì mục tiêu ngắn hạn là bán được nhiều nhà, dự án BĐS, vượt KPI mục tiêu sẽ tốt hơn là bạn muốn trở thành chuyên viên nhân sự.
  • Mục tiêu nghề nghiệp gắn với mục tiêu, sứ mệnh của công ty bạn ứng tuyển. NTD muốn biết bạn muốn thành công gì và thành công đó có đồng thời đóng góp cho doanh nghiệp không - nếu không thì làm sao có thể hợp tác?
  • Viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh không nên không biết người biết ta hoặc quá tự tin dẫn tới ngạo mạn, viết về các mục tiêu thay thế chức vụ quản lý của nhà tuyển dụng, người phỏng vấn.

Ngoài ra, viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV xin việc bạn cũng nên thể hiện cam kết làm việc và khả năng gắn bó lâu dài, đặc biệt là niềm yêu thích, đam mê kinh doanh và kiếm tiền. Dù vậy, lưu ý là nên tránh nói đến các vấn đề lương thưởng ngay trong phần mục tiêu của CV nhé.

Làm thế nào để viết mục tiêu nghề nghiệp thu hút trong CV xin việc kinh doanh?

3. Gợi ý cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh theo vị trí việc làm

Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh cần được điều chỉnh khác nhau tùy theo vị trí bạn ứng tuyển cũng như trình độ, số năm kinh nghiệm và lĩnh vực kinh doanh của bạn. Tham khảo một số gợi ý sau đây để có thể hình dung rõ hơn về cách viết nhé:

3.1. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh cho ứng viên có kinh nghiệm

Chưa có kinh nghiệm, bạn nên thể hiện mục tiêu theo cách khiêm tốn hơn, tốt nhất có thể chia sẻ về mục tiêu ngắn hạn từ 1 - 3 năm, tránh viết về các mục tiêu thăng tiến trong 10 năm.

Gợi ý (vị trí Nhân viên kinh doanh):

  • Học hỏi, thích nghi nhanh với môi trường làm việc, quen thuộc với các kịch bản bán hàng, áp dụng kỹ năng giao tiếp vào tư vấn bán hàng, đảm bảo đạt và vượt mức doanh số đặt ra.
  • Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và danh tiếng thương hiệu công ty, chứng minh năng lực qua hiệu quả kinh doanh và trở thành trưởng nhóm sau 2 năm làm việc, trưởng phòng kinh doanh sau 5 - 7 năm.

3.2. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh cho ứng viên chưa có kinh nghiệm

Trường hợp đã có kinh nghiệm, khi viết mục tiêu nghề nghiệp thì bạn có thể thoải mái hơn khi thể hiện tham vọng vì bạn đã có kinh nghiệm và những thành tích nhất định.

Gợi ý (vị trí Chuyên viên kinh doanh BĐS):

  • Với 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán bất động sản và cho thuê với những thành tích đột phá về doanh số và giải thưởng nhân viên kinh doanh xuất sắc, tôi kỳ vọng sẽ được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, quy mô lớn như công ty [tên công ty] để phát triển kỹ năng của mình, đồng thời vận dụng sự am hiểu về thị trường để tăng doanh số.
  • Thăng tiến lên trưởng phòng kinh doanh sau 2 năm, dẫn dắt đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả bằng kỹ năng lãnh đạo xuất sắc.

4. Nhận biết và tránh các lỗi thường gặp

Ngoài việc tìm hiểu các nguyên tắc viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh, để viết tốt nội dung trong CV xin việc bạn cũng nên nhận biết và tránh các lỗi phổ biến. Nếu phạm lỗi, không những phần mục tiêu nghề nghiệp mất đi "tác dụng" là giúp bạn gây ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng mà ngược lại còn khiến đánh giá của nhà tuyển dụng về bạn trở nên tiêu cực. Những lỗi phổ biến này gồm có:

  • Viết các mục tiêu không đồng nhất, không gắn bó với ngành và công ty.
  • Viết mục tiêu quá dài thành đoạn văn hoặc viết quá ngắn.
  • Copy mục tiêu của người khác hoặc nội dung mẫu trong mẫu CV xin việc online có sẵn.
  • Viết mục tiêu nghề nghiệp khi chưa tìm hiểu kỹ về cơ cấu tổ chức của công ty, mục tiêu và sứ mệnh nên trình bày những mục tiêu như thay thế vị trí giám đốc, trưởng phòng...

Những lỗi cần tránh khi viết mục tiêu nghề nghiệp kinh doanh

IV. Thể hiện mục tiêu nghề nghiệp kinh doanh trong phỏng vấn sao cho ấn tượng?

Bên cạnh việc viết ngắn gọn, giới thiệu sơ bộ về mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV xin việc, bạn cũng cần sẵn sàng trả lời các câu hỏi về định hướng nghề nghiệp mà nhà tuyển dụng đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn. Khác với việc viết đơn giản trong CV, khi trả lời phỏng vấn bạn sẽ cần giải thích thêm thông tin, kết hợp với thái độ, giọng nói để trở nên đáng tin cậy hơn.

Nói về mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong phỏng vấn, bạn cần:

  • Duy trì thái độ tự tin, chuyên nghiệp, giao tiếp bằng mắt.
  • Mục tiêu bạn trình bày phải là mục tiêu bạn chia sẻ trong CV, nếu hoàn toàn không liên quan thì nhà tuyển dụng có thể đánh giá là bạn không biết rõ về mục tiêu của chính mình hoặc thay đổi liên tục.
  • Giải thích thêm về các mục tiêu của bạn, đặc biệt là khéo léo trình bày về việc bạn đã chuẩn bị gì để chuẩn bị cho các mục tiêu trong tương lai, bạn có thành tích ấn tượng gì mà "dám" can đảm, tự tin đặt ra mục tiêu sự nghiệp cao như vậy.
  • Đừng quên khẳng định rằng bạn yêu nghề, đam mê kinh doanh và không ngại khó khăn gì cả. Tuy bạn kiên định với mục tiêu nhưng sẽ ưu tiên các mục tiêu chung của công ty và hài lòng nhất khi trên hành trình thực hiện mục tiêu lớn cũng đồng thời đạt được các mục tiêu cá nhân.

Trên đây là những hướng dẫn chi tiết của JobOKO về cách viết và trình bày mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV cũng như trong buổi phỏng vấn. Mong rằng các thông tin sẽ hữu ích cho bạn!

MỤC LỤC:
I. Mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh là gì?
II. Tầm quan trọng của việc thể hiện mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh với NTD
III. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kinh doanh trong CV
IV. Thể hiện mục tiêu nghề nghiệp kinh doanh trong phỏng vấn sao cho ấn tượng?

Đọc thêm: Đặt mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân thế nào thì dễ thành công, thăng tiến?

Đọc thêm: Mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường trong CV xin việc viết thế nào?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888