Học ngành Quốc tế học ra làm gì? trường nào tốt?

05/02/2022 20:02
Không dễ hình dung khi nói về các kiến thức, kỹ năng được rèn luyện trong trường cũng như triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của ngành quốc tế học. Với nhiều người, khoa học về quốc tế có vẻ khá "vĩ mô" và không dễ tiếp cận, trong khi thực tế, bạn sẽ được học nhiều điều thú vị và có nhiều cơ hội việc làm tốt với ngành này.

Ngành quốc tế học bao gồm các kiến thức khoa học liên ngành về quan hệ quốc tế, điều kiện chính trị xã hội, nền kinh tế của các quốc gia trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Bạn cũng sẽ có cơ hội học về lịch sử quan hệ quốc tế, khu vực học và cả kiến thức về ngoại giao, đàm phán, nghiên cứu địa chính trị... Tất cả các kiến thức chuyên môn đó cũng như kỹ năng sinh viên tích lũy được sẽ hữu ích trong nhiều vai trò sau này khi đi làm, ứng dụng nhiều vào thực tiễn, tầm nhìn và ra quyết định.

Tìm hiểu về cơ hội việc làm ngành Quốc tế học

1. Tổng quan ngành Quốc tế học

Ngành quốc tế học (International Studies) hiểu đơn giản là nghiên cứu khoa học về các vấn đề quốc tế, mối quan hệ của đất nước với tổ chức quốc tế, quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong một "thế giới phẳng" như hiện nay, việc hợp tác cùng phát triển, giải quyết xung đột hướng tới nền hòa bình, thúc đẩy văn hóa xã hội, kinh tế... trở thành những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cũng vì vậy mà các kết quả nghiên cứu, đóng góp của ngành quốc tế học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Với kiến thức rộng về quan hệ quốc tế, biết cách đánh giá tiềm năng của các mối quan hệ hợp tác, điều tiết, điều chỉnh các vấn đề phát sinh,... người học ngành quốc tế học dễ có được việc làm, cho dù là đúng chuyên ngành hay trái ngành. Trong tương lai, có thể sẽ ngày càng có nhiều trường đào tạo ngành quốc tế học, các cơ hội việc làm cũng sẽ được đa dạng hóa hơn.

2. Các khối thi ngành Quốc tế học

Tổ hợp các môn thi xét tuyển ngành quốc tế học hiện nay là các khối: A01, C00, D01, D02, D03, D04, D05, D06, D78, D79, D80, D81, D82 và D83. Thường thì các trường sẽ bao gồm cả hình thức xét học bạ và/hoặc tuyển thẳng tùy chính sách tuyển sinh cụ thể.

3. Mã ngành ngành Quốc tế học

Mã dự thi của ngành quốc tế học là: 7310601

4. Các trường đào tạo ngành Quốc tế học tốt nhất

Cho đến nay thì ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường đào tạo ngành quốc tế học và cũng chỉ có chương trình đào tạo đại học mà không có trường cao đẳng nào có chuyên ngành này. Điều đó phản ánh đúng tính chất của ngành là nghiên cứu chuyên sâu.
Những trường mở chương trình tuyển sinh ngành quốc tế là:

4.1. Miền Bắc

  • Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (chỉ tiêu: 105 - bao gồm cả lớp chất lượng cao).
  • Đại học Hà Nội (chỉ tiêu: 125).

4.2. Miền Trung

  • Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế (chỉ tiêu: Khoảng 60 - 100).
  • Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng (chỉ tiêu: 96).
  • Đại học Đà Lạt (Tây Nguyên) (chỉ tiêu: 20).

4.3. Miền Nam

  • Đại học Sư phạm TP.HCM (chỉ tiêu: 100).
  • Đại học Sài Gòn (chỉ tiêu: 140).

Theo học ngành Quốc tế học ở đâu tốt?

5. Vị trí việc làm ngành Quốc tế học và mức lương

Đối với một ngành học tập trung vào nghiên cứu nhiều hơn như ngành quốc tế học, có thể bạn đang nghĩ rằng sau khi ra trường mình sẽ chỉ có thể theo hướng nghiên cứu, giảng dạy? Thực tế, tấm bằng cử nhân quốc tế học sẽ giúp bạn ứng tuyển vào nhiều vị trí, có thể là trong các lĩnh vực khác nhau.
Một số cơ hội nghề nghiệp ngành quốc tế học được JobOKO đánh giá là phổ biến nhất và nhiều triển vọng nhất là:

  • Công chức, chuyên viên nhà nước: Bạn có thể thi công chức và làm trong các phòng ban, sở Ngoại vụ, thực hiện các công việc về ngoại giao, đối ngoại. Lựa chọn này không quá phổ biến vì yêu cầu trình độ chuyên sâu, thẩm tra lý lịch,... Mức lương của bạn cũng sẽ không cao khi mới đi làm, được tính theo bậc lương của nhà nước.
  • Biên tập viên, biên dịch viên: Những bạn học ngành quốc tế học đều được yêu cầu sử dụng thành thạo 1 hoặc 2 ngoại ngữ. Điều này tạo cơ hội để bạn tìm các công việc liên quan đến viết lách, biên dịch trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Thậm chí, nhiều bạn chọn trở thành phóng viên, có thẻ nhà báo... Thu nhập của vị trí này có thể từ 7 - 12 triệu/tháng, tăng dần lên khoảng 15 triệu/tháng tùy năng lực và kinh nghiệm.
  • Nhân viên PR: Nếu bạn học ngành quốc tế học và rất năng động, có khả năng ăn nói, xử lý tình huống xuất sắc thì tìm việc làm quan hệ công chúng sẽ rất phù hợp. Hiện nay, mức lương của một nhân viên, chuyên viên PR là từ 8 - 13 triệu/tháng, cao nhất có thể lên tới 25 triệu/tháng.
  • Nhân viên/ Chuyên viên marketing: Thử sức trong lĩnh vực tiếp thị, các kiến thức, kỹ năng và sự nhanh nhạy của bạn khi học các môn chuyên ngành quốc tế học sẽ được áp dụng tốt nhất vào thực tiễn, từ việc thu thập thông tin thị trường, phân tích, lập kế hoạch và triển khai chiến dịch marketing... Trung bình, mỗi tháng bạn nhận được khoảng 8 - 14 triệu, tăng dần lên mức từ 20 - 33 triệu.
  • Nhân viên/ Chuyên viên nhân sự, tuyển dụng: Để ứng tuyển thành công và làm tốt trong các vai trò về tuyển dụng nhân sự, ngoài ngoại ngữ và kỹ năng hành chính văn phòng, bạn sẽ cần tiếp xúc từ sớm trong các vai trò liên quan, có mạng quan hệ rộng, hiểu về luật lao động, bảo hiểm... Thu nhập của bạn dao động từ 8 - 15 triệu/tháng, cao nhất khoảng 35 triệu/tháng.
  • Thư ký, trợ lý tại các văn phòng, công ty, tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các công việc văn phòng, điều phối dự án kinh doanh... Mức lương của bạn. Mức lương bạn nhận được tùy theo kinh nghiệm và vị trí cụ thể, có thể từ 7 - 20 triệu/tháng và cao hơn nữa nếu làm trợ lý giám đốc, tổng giám đốc...
  • Nhân viên biên phiên dịch: Theo hướng biên phiên dịch chuyên nghiệp thì ngoài bằng cử nhân ngành quốc tế học, bạn sẽ cần có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật...). Thu nhập của nhân viên biên phiên dịch hiện nay thường từ 10 - 25 triệu/tháng, cao hơn nếu có trình độ xuất sắc, làm tự do (công tác phí tính theo ngày, theo giờ), có thể đạt tới 40, 50 triệu/tháng.
  • Nghiên cứu, giảng dạy: Nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Mỹ,... hoặc trở thành giảng viên trong các trường cao đẳng, đại học. Các vị trí này thường yêu cầu bằng cấp cao hơn cử nhân, có thể là thạc sĩ, nghiên cứu sinh...

Ngoài ra, với tấm bằng tốt nghiệp ngành quốc tế học, bạn cũng có thể làm tốt các công việc nhân viên kinh doanh dự án, sales, logistics... với thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi tháng.

Các việc làm ngành Quốc tế học thu nhập cao không?

6. Tố chất, kỹ năng cần có để thành công trong ngành Quốc tế học

Như bạn thấy, ngành quốc tế học không phải một ngành mà học xong ra bạn sẽ đi làm các công việc như "nhân viên quốc tế" thế nhưng, bạn lại có nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao, có thể linh hoạt trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Muốn thành công, bạn sẽ cần nhiều sự chủ động và rèn luyện các kỹ năng như:

  • Trình độ ngoại ngữ xuất sắc, biết 2 ngoại ngữ là ưu thế.
  • Kỹ năng thuyết trình, thuyết phục và đàm phán.
  • Kiến thức chuyên môn vững vàng, am hiểu về quan hệ quốc tế và các vấn đề chính trị, quan điểm đúng đắn về chính trị, ngoại giao.
  • Ý thức trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc.
  • Năng động, nhanh nhẹn, tư duy phản biện.
  • Kỹ năng phân tích, ra quyết định..

Những thông tin đầy đủ, chi tiết về ngành quốc tế học được JobOKO chia sẻ trên đây liệu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành này? Nếu như cảm thấy yêu thích và phù hợp với bản thân, bạn có thể cân nhắc đặt mục tiêu thi đỗ ngành quốc tế học, sau đó tìm kiếm các cơ hội phát triển sự nghiệp thành công cho mình.

MỤC LỤC:
1. Tổng quan ngành Quốc tế học
2. Các khối thi ngành Quốc tế học
3. Mã ngành ngành Quốc tế học
4. Các trường đào tạo ngành Quốc tế học tốt nhất
5. Vị trí việc làm ngành Quốc tế học và mức lương
6. Tố chất, kỹ năng cần có để thành công trong ngành Quốc tế học

Đọc thêm: Học ngành Kinh tế quốc tế sau khi tốt nghiệp làm gì? Cơ hội việc làm ra sao?

Đọc thêm: Ngành Kinh doanh quốc tế làm gì? học trường nào dễ xin việc?

  • Hỗ trợ NTD:
  • 0962.107.888